Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLần đầu tiên Nhật Bản khai thác được khí đốt từ băng...

Lần đầu tiên Nhật Bản khai thác được khí đốt từ băng cháy dưới lòng biển

BienDong.Net: Ngày 12.3, Nhật bản tuyên bố đã khai thác được khí đốt từ Methane Hydrate (băng cháy) trong một cuộc thử nghiệm tiến hành dưới đáy biển Thái Bình Dương, ngoài khơi Nhật Bản.

“Đây là thử nghiệm sản xuất khí đốt từ Methane Hydrate ngoài khơi đầu tiên trên thế giới,” một quan chức của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản nói với hãng tin AFP.

alt

Hình ảnh dàn khoan khai thác khi đốt từ băng cháy của Nhật Bản ( ảnh hãng tin EFE)

Các kỹ sư đã sử dụng phương pháp giảm áp suất để chuyển Methane Hydrate thành khí mê-tan.

Các thử nghiệm sản xuất được dự kiến tiến hành trong vòng khoảng hai tuần. Giới chức chính phủ nói Nhật Bản có mục tiêu xây dựng các công nghệ sản xuất Methane Hydrate phục vụ nhu cầu thực tế trong vòng 5 năm.

Băng cháy (Methane hydrate ) là một hợp chất đóng băng, được hình thành từ sự kết hợp giữa chất khí methane, ethane, propane… và nước ở điều kiện áp suất cao (trên 30 atmotphe) và nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C). Người ta đã phát hiện sự tồn tại của băng cháy từ cách nay 2 thế kỉ, nhưng chưa nước nào có thể khai thác được chúng từ dưới lòng biển do khó khăn về mặt kĩ thuật khi phải giảm áp suất của những địa tầng có chứa khí methane hydrate để loại bỏ những chất rắn và thu được khí methane – thành phần chủ chốt của khí đốt tự nhiên, và do chi phí tốn kém khi phải khoan giếng dưới đáy biển.

Nhật Bản ước tính rằng các mỏ băng cháy của họ, nằm trên một khu vực rộng lớn dưới đáy biển, có thể giúp thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hơi đốt của nước này trong 100 năm tới. Điều này cũng giúp đa dạng hóa các nguồn cung cấp nhiên liệu và giảm bớt khó khăn sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukoshima cách nay 2 năm, buộc Nhật Bản phải đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân.

Cuộc thử nghiệm khai thác hơi đốt từ băng cháy tiến hành từ tháng 1.2013 dưới sự chủ trì của Tổng công ty dầu, khí và mê-tan quốc gia (JOGMEC), doanh nghiệp quốc doanh của Nhật Bản cùng với Viện khoa học và kĩ thuật công nghệ tiên tiến Nhật Bản.

Sau khi được khai thác, loại hơi đốt này có thể được vận chuyển dễ dàng hơn so với hơi đốt tự nhiên hóa lỏng, do không đòi hỏi điều kiện cao về nhiệt độ và áp suất .

Trước đây, đã có một số quốc gia tìm cách để khai thác băng cháy như Nga đã khai thác mỏ băng cháy ở Siberi từ năm 1965. Năm 2008, khí methane từng được chiết xuất từ methane hydrate trên đất liền ở Canada sử dụng công nghệ Nhật Bản…

Tháng 2/ 2012, Nhật Bản và Mỹ tiến hành thực nghiệm phương pháp mới nhằm khai thác nguồn tài nguyên Methane Hydrate tại bang Alaska, bằng cách bơm khí CO2 nhằm tách và thu khí Methane nằm sâu 1.000 m dưới lòng đất.

Băng cháy tồn tại ở nhiều vùng trên thế giới và cả ở những vùng băng tuyết phủ quanh năm như Siberi, với trữ lượng đủ lớn để cung cấp cho toàn thế giới trong hàng trăm năm. Người ta tính rằng 1m3 băng cháy phân giải cho ra 164m3 khí methane và 0,8m3 nước. Theo dự báo của các nhà khoa học, nguồn băng cháy ở đáy các đại dương lớn gấp khoảng 100 lần so với ở trên lục địa. Trữ lượng băng cháy ở Canada được xem là nhiều nhất thế giới, kế đến là Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc. Đáy biển Việt Nam có trữ lượng băng cháy ở mức trung bình. Một công trình nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy 27 khu vực trong vùng biển Việt Nam với tổng diện tích 269,26 km2 có khả năng tồn tại khí hydrate. Những vùng biển có tiềm năng lớn là vùng đảo Tri Tôn, Phú Khánh, Tây Nam Biển Đông, Khu vực Đình Trung và Vũng Mây.

BDN ( tổng hợp theo RFI, El Pais)

 

 

 

 

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới