Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc vơ vét nguồn cá trên các đại dương

Trung Quốc vơ vét nguồn cá trên các đại dương

BienDong.Net: Ngày 9.4, Philippines thông báo đã bắt giữ 1 tàu cá và 12 ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép bãi san hô thuộc khu di sản Thế giới của Philippines, cách bờ biển Trung Quốc 1.600km.

Theo người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Philippines, đêm 08.04.2013 một tàu cá Trung Quốc đã bị mắc cạn tại bãi san hô Tubbataha thuộc Biển Sulu của Philippines.

Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết ngư dân Trung Quốc thường xuyên lạc vào hải phận Philippines, nhưng đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, tàu cá của Trung Quốc tiến sâu vào vùng Biển Sulu như vậy.

alt

Tàu cá Trung Quốc trên Biển Hoa Đông ( ảnh Reuters )

Bản tin của AFP cho biết chiếc tàu nói trên đã được lai dắt tới tỉnh Palawan, những người trên tàu đang bị thẩm vấn vì có khả năng nó đang đánh bắt cá trái phép khi bị mắc cạn.

Bãi san hô Tubbataha không nằm trong khu vực bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông. Để vào khu vực này, phải có giấy phép của các giới chức Philippines.

Vụ tàu cá Trung Quốc mắc cạn sâu trong vùng biển Philippines một lần nữa cho thấy hoạt động táo tợn của các tàu cá Trung Quốc trên các đại dương. Theo tờ The Chosun Ilbo của Hàn Quốc, trong vòng 4 năm tính đến năm 2011, Seoul đã bắt tổng cộng 1.887 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển Hàn Quốc. Hồi năm 2011, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối chính thức với Bắc Kinh về hoạt động săn trộm và chống cự hết sức liều lĩnh của ngư dân Trung Quốc khi bị truy đuổi. Những vụ đụng độ tương tự cũng diễn ra trên vùng biển của Nhật Bản giữa ngư dân Trung Quốc và lực lượng chấp pháp nước này.

Theo hãng ABC, Australia cũng từng cảnh cáo tàu cá Trung Quốc, sau khi phát hiện chúng đánh bắt trộm tại vùng biển ngoài khơi nước này năm 2011. Gần đây Sri Lanka cũng bắt được 2 tàu cá của Trung Quốc. Tàu cá Trung Quốc còn xâm phạm vùng lãnh hải của Nga để khai thác hải sản, và tràn ngập cả vùng biển đảo quốc Palau, dẫn đến sự cố đáng tiếc khi cảnh sát nước này bắn chết 1 thuyền viên và bắt 25 người trên tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp.

Dư luận còn nhớ cách đây không lâu, ngày 23.10.2012, lực lượng tuần duyên Argentina đã bắn cảnh cáo và chặn đường tẩu thoát của 2 tàu Lu Rong Yu 6177 và 6178 của Trung Quốc đánh cá bằng lưới rà trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina. Theo AP, khi áp tải 2 tàu vào cảng Comodoro Rivadavia, nhà chức trách Argentina đã thu hồi được 10 tấn mực.

Guillermo de los Santos, Chủ tịch Hội Đánh bắt mực Argentina nói đa số ngư dân nước này không thể cạnh tranh nổi những kẻ săn trộm đến từ nơi xa. Ông cho hay chỉ tính riêng tại thành phố cảng Mar del Plata đã có hơn 20 công ty kinh doanh hải sản phải dẹp tiệm từ năm 2005 do các đội tàu nước ngoài, chủ yếu là tàu Trung Quốc không có giấy phép kéo nhau rầm rộ vào vùng EEZ của Argentina. “Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới, còn Argentina gần như chẳng có chiếc tàu nào trong vùng biển của mình”, chuyên gia Milko Schvartzman thuộc Tổ chức Hòa Bình Xanh nhận xét với AP.

Không chỉ hoạt động táo tợn trên các vùng biển quốc tế, tàu cá Trung Quốc còn bị tố cáo sử dụng các phương pháp đánh bắt tận diệt hải sản. Tháng 8.2012, tàu tuần dương Rush của Mỹ đã truy đuổi một tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc hoạt động trên Thái Bình dương không có giấy phép đang sử dụng một phương pháp đánh bắt bị cầm là loại lưới vét dài tới 8 dặm (12,8 km).

Ông Paul Niemeier, người làm việc cho Ban các vấn đề ngư nghiệp quốc tế của Cục Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, cho biết lưới vét đã bị quốc tế cấm từ năm 1992. “Lưới vét không phân biệt thứ gì cả, không chọn lọc những gì chúng bắt. Mọi thứ trôi vào lưới đều có thể bị mắc kẹt lại”, ông Niemeier nói.

Trung quốc đang vơ vét nguồn cá thế giới và cung cách đánh bắt của các tàu cá nước này đe dọa sự cân bằng sinh thái và làm cạn kiệt nguồn lợi của các đại dương.

Một công trình nghiên cứu do nhóm của GS Daniel Pauly thuộc ĐH British Columbia (Canada) thực hiện, được đăng tải trên các chuyên san Fish and Fisheries và Nature vào đầu tháng 4 cho biết ước tính trong giai đoạn 2000-2011, các tàu cá của Trung Quốc thu về trung bình từ 3,4 triệu – 6,1 triệu tấn cá/năm ở vùng biển quốc tế hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước có ký kết thỏa thuận với Trung Quốc. Tổng doanh thu của hoạt động này khoảng 8,9 tỉ euro. Trong khi đó, lượng cá đánh bắt trung bình ở các hải phận ngoài chủ quyền được Bắc Kinh báo cáo với Tổ chức Lương Nông LHQ là 368.000 tấn/năm, tức chỉ bằng khoảng 1/12 so với ước tính của các chuyên gia.

Theo đánh giá của GS Pauly cùng cộng sự , hằng năm, vùng biển quanh châu Phi là mục tiêu hàng đầu của tàu cá Trung Quốc với lượng đánh bắt trung bình khoảng 3,1 triệu tấn, tương đương sản lượng của 22 quốc gia Tây Phi gộp lại. Kế đó là các vùng biển thuộc châu Á (trung bình 1 triệu tấn/năm), châu Đại Dương (198.000 tấn), Trung-Nam Mỹ (182.000 tấn), Nam cực (48.000 tấn)…

BDN ( Nguồn: RFI và Thanh Niên )

 

RELATED ARTICLES

Tin mới