Sunday, October 13, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTranh cãi xung quanh những chú cá voi

Tranh cãi xung quanh những chú cá voi

BienDong.net: Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ thông báo sẽ xét xử đơn kiện của Australia chống lại chương trình săn cá voi của Nhật Bản tại Nam Cực vào tháng 6 tới tại The Hague, Hà Lan.

Năm 2010, Australia đã khởi kiện Nhật Bản với lí do nước này vẫn săn bắt mỗi năm 1.000 con cá voi dưới vỏ bọc “nghiên cứu khoa học”, cho dù một lệnh cấm săn cá voi vì mục đích thương mại đã tồn tại từ 25 năm qua.

Australia đã gửi đơn yêu cầu tòa án của LHQ buộc Nhật Bản chấm dứt chương trình này, bao gồm cả việc săn cá voi ở Nam Cực theo một giấy phép đặc biệt. New Zealand, nước ủng hộ Australia, cũng sẽ có ý kiến trước tòa về vấn đề này, trong khi Nhật Bản một lần nữa khẳng định lại rằng họ không làm gì phi pháp, và sẽ bảo vệ hành động của mình tới cùng.

Quyết định của Tòa án Công lý LHQ được đưa ra sau khi Nhật Bản buộc phải tạm thời đình chỉ cuộc săn bắt cá voi hàng năm ở Nam Đại Dương (Southern Ocean) sau vụ đụng độ với các nhà hoạt động chống săn bắt cá voi trên đoàn tàu Sea Shepherd, dẫn đến căng thẳng ngoại giao với Australia.

alt

Tàu săn cá voi Nhật Bản đối diện với những người phản đối đánh bắt cá voi ở Nam Đại Dương (Ảnh Reuters)

Săn bắt cá voi thương mại đã bị cấm từ năm 1986

Săn bắt cá voi có lịch sử từ năm 6.000 TCN chủ yếu để lấy dầu và lấy thịt. Ngày nay, người ta ít dùng dầu cá voi, do đó cá voi chủ yếu chỉ có giá trị cung cấp chất đạm. Các loài bị săn hàng đầu là cá voi Minke, loài nhỏ thứ hai trong số các cá voi tấm sừng hàm. Các khảo sát khoa học gần đây ước tính có 180.000 con cá voi ở trung và đông bắc Đại Tây Dương và 700.000 con xung quanh Nam Cực. Săn bắt cá voi và các mối đe dọa khác đã dẫn đến việc ít nhất 5 đến 13 loài cá voi lớn bị liệt vào loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Tại Nhật Bản, hoạt động săn bắt cá voi có thể đã khởi đầu từ thế kỷ 12. Trong suốt thế kỷ 20, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong việc săn cá voi thương mại cho đến khi Ủy ban Săn cá voi Quốc tế ra lệnh cấm. Ở Nhật Bản, sau khi phục vụ chương trình “nghiên cứu khoa học”, cá voi được xẻ thịt để bán cho người tiêu dùng làm món hamburger và món Shusi khoái khẩu.

 alt

Thịt cá voi chuẩn bị được bán tại siêu thị hải sản Tsukiji ở Tokyo (Ảnh Reuters)

Thực ra việc hợp tác quốc tế để đưa ra những quy định về săn bắt cá voi đã bắt đầu từ năm 1931 và đã có một số hiệp định đa phương trong lĩnh vực này, trong đó Công ước quốc tế về săn bắt cá voi (ICRW) năm 1946 là văn kiện quan trọng nhất. Ủy ban nghề săn bắt cá voi quốc tế (IWC) được thành lập bởi ICRW năm 1986 đã ra lệnh cấm săn bắt cá voi vì mục đích thương mại do lo ngại một số loài cá voi có thể bị tuyệt chủng.

Phải chăng cá voi tranh giật nguồn cá với con người?

Mặc dù phần lớn các chính phủ chấp thuận lệnh cấm đánh bắt cá voi, song một nhóm nhỏ các nước có truyền thống đánh bắt cá voi vẫn tiếp tục săn bắt loài động vật này vì mục đích nghiên cứu và lấy thịt, nhất là trong bối cảnh một số đàn cá voi có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Nhà sinh học Peter Corkeron thuộc Viện Nghiên cứu Biển Na Uy phân tích: “”Đối với những nước có tàu săn cá voi hoặc đối với những quốc gia hiện đang nối lại hoạt động đánh bắt, cá voi không còn là tài nguyên thiên nhiên cần được quản lý bền vững, mà đang trở thành đối thủ cạnh tranh đối với ngành ngư nghiệp.

Nhật Bản và Na Uy cho rằng các loài như cá voi Minke đã phục hồi tới mức chúng trở thành một nhân tố đứng đằng sau sự sụt giảm lượng cá đánh bắt phục vụ tiêu dùng trên toàn thế giới. Còn nhớ, năm 2004, Quốc hội Na Uy đã từng thông qua nghị quyết kêu gọi tăng gấp ba hạn ngạch đánh bắt cá voi Minke để bảo vệ cá tuyết cũng như những loài cá khác. Báo cáo của Bộ Ngư nghiệp Na Uy cho biết các loài thú biển có vú đã ăn 5,5 triệu tấn cá tại các vùng biển của nước này so với 2,74 triệu tấn mà ngành ngư nghiệp Na Uy đánh bắt được trong năm 2002.

Nhật Bản, trong khi khẳng định chương trình đánh bắt cá voi khoa học của nước này tại Bắc Thái Bình Dương, cũng cho rằng cá voi là đối thủ cạnh tranh nguồn cá đối với ngành ngư nghiệp trên các đại dương. Người phát ngôn của Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản cho biết cá voi ăn ít nhất mười loài sinh vật biển mà con người đánh bắt. Những con số khác cho thấy cá voi và cá heo trên toàn thế giới ăn 300-500 triệu tấn hải sản mỗi năm, gấp ba đến sáu lần tổng lượng hải sản đánh bắt phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lý lẽ trên của Nhật Bản và Na Uy chỉ là thủ đoạn để lách lệnh cấm đánh bắt cá voi, và cứ theo lập luận của hai nước này thì cần giết cá voi để quản lý sinh thái. Người ta cũng lo ngại ví dụ về cách kiểm soát hải cẩu ở một số nước thuộc khu vực Bắc Thái Bình Dương có thể được áp dụng để kiểm soát cá voi trong tương lai, bởi lẽ Canada đã từng cho phép giết 350.000 con hải cẩu trong một năm với lý do bảo vệ nguồn cá thương mại.

Nhà sinh thái biển Phillip Clapham thuộc Trung tâm Khoa học Ngư nghiệp Đông Bắc (Mỹ) đồng thời là một thành viên của Uỷ ban Khoa học trực thuộc Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế bình luận: “Vấn đề cá voi và cá đang nhanh chóng trở thành trung tâm trong cuộc tranh cãi về đánh bắt cá voi. Tuy nhiên, lý lẽ ủng hộ giết cá voi phớt lờ sự thật rằng chính hoạt động đánh bắt cá chứ không phải cá voi phải chịu trách nhiệm về tình trạng cạn kiệt của nhiều loài cá. Quan điểm rằng cá voi ở ngoài đó ăn cá của chúng ta… là sự đơn giản quá mức và ngu xuẩn về mối quan hệ sinh thái biển. Ngay cả khi chúng ta giết nhiều cá voi đi nữa, điều đó cũng không thể giúp con người có được nhiều cá hơn bởi những loài cá khác, chứ không phải cá voi, là động vật ăn cá chủ yếu”.

BDN (Tổng hợp theo National Geographic và tài liệu trên Internet)

RELATED ARTICLES

Tin mới