Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc gửi thông điệp gì tới các láng giềng?

Trung Quốc gửi thông điệp gì tới các láng giềng?

BienDong.Net: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm và thị sát căn cứ của hạm đội Nam Hải trên đảo Hải Nam, kêu gọi hải quân Trung Quốc ‘sẵn sàng chiến đấu’ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông do các hành động quyết đoán của Bắc Kinh.

Chuyến thăm diễn ra hôm thứ Ba 9.4, nhưng mãi tới 11.4 mới được tường thuật trên báo đài của Trung Quốc.

Cùng ngày, ông Tập cũng tới thăm và úy lạo các ngư dân trên đảo Hải Nam, vốn hành nghề đánh bắt trong các khu vực chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).

Theo BBC, các hoạt động dồn dập nói trên cho thấy lập trường kiên quyết và cứng rắn của người vừa được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương, chức vụ lãnh đạo tối cao quân đội Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Đây là lần thứ hai ông Tập Cận Bình thăm hạm đội Nam Hải từ khi lên làm Tổng bí thư Đảng CSTQ tháng 11 năm ngoái.

Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là người có quan hệ với quân đội chặt chẽ hơn người tiền nhiệm.

alt 

Chủ tịch Tập Cận Bình với các phi công vừa tham gia tuần tra huấn luyện ở Biển Đông

Truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh ông Tập đứng trên xe mui trần duyệt đội hình của hạm đội Nam Hải tại căn cứ Tam Á, Hải Nam.

Sau đó, ông lên thăm chiến hạm đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, vừa quay trở lại căn cứ sau khi tham gia cuộc diễn tập kéo dài 16 ngày ở Biển Đông.

Ông Tập mặc áo sơ mi màu xanh lá cây kiểu nhà binh và nói chuyện thân mật với các binh lính trên tàu đổ bộ.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông dặn dò hải quân Trung Quốc phải tăng cường rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Ông Tập Cận Bình còn thăm một tàu ngầm, mặc dù nguồn tin Trung Quốc không nêu rõ chi tiết về sự kiện này.

Tam Á là căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc, là sở chỉ huy của hạm đội Nam Hải. Nơi đây còn có một căn cứ tàu ngầm tuyệt mật.

Đội tàu của hạm đội Nam Hải, trong đó có chiếc Tỉnh Cương Sơn đã tới tận bãi James ở cực nam đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền gần sát lãnh thổ Malaysia; đồng thời tới đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc hôm 11.4 công bố Qui hoạch phát triển đại dương, trong đó cam kết tăng cường bảo vệ quyền hoạt động trên biển với việc mua sắm các máy bay và tàu chiến mới.

Các nhà phân tích cho rằng với chuyến thăm một căn cứ hải quân trọng yếu phía nam đảo Hải Nam, ông Tập đã thể hiện rõ ràng mối quan hệ gần gũi của ông với giới quân sự. Trong khi đó, Vương Hàn Lĩnh, một chuyên gia hàng hải tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm của ông Tập cùng các lời bình luận đưa ra đã gửi thông điệp tới nhiều nước láng giềng rằng: “Các lợi ích hàng hải Trung Quốc chắc chắn bao gồm quyền đánh cá của ngư dân và sự an toàn của họ ở Biển Đông”. Theo Vương, chuyến thăm của ông Tập cũng như hoạt động tập trận của hạm đội Nam Hải đang khuyến khích ngư dân Trung Quốc kéo ra đánh bắt ở Biển Đông.

BDN ( nguồn BBC và VietNamNet )

RELATED ARTICLES

Tin mới