Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững ngôi mộ gió ở Lý sơn- ký ức bi hùng về...

Những ngôi mộ gió ở Lý sơn- ký ức bi hùng về những người sống chết với biển đảo

BienDong.Net: Mới đây tại xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Sở VHTT&DL Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Lý Sơn và tộc họ Phạm (Văn) thôn Đông, xã An Vĩnh khởi công xây dựng mộ Chánh đội trưởng thuỷ quân Phạm Hữu Nhật, người có công chỉ huy binh thuyền ra đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Thân 1836).

Theo Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhị kỉ, quyển 6), Phạm Hữu Nhật được lệnh vua đưa binh thuyền ra Hoàng Sa, “đem theo mười cái bài gỗ dựng làm dấu mốc.

Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 6 tấc và dày 1 tấc; mặt bài khắc những chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân 1836, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

alt

Nhà trưng bày bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa (ảnh: Đoàn Hữu Trung)

Sau khi đến nơi, đội của Phạm Hữu Nhật đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật ở từng điểm đảo. Mỗi lần ra Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật dẫn đầu từ năm đến sáu chiếc thuyền với khoảng mười người trên mỗi thuyền.

Năm 1854, Phạm Hữu Nhật mất tích trên biển. Sau đó, gia đình và họ tộc đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt (tức mộ gió) tại thôn Đông, xã An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ thủy tổ họ Phạm Văn, một trong sáu vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Tên của ông giờ đây được đặt cho một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

 

Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ thứ tư của cai đội trưởng Phạm Hữu Nhật thắp hương bên ngôi mộ gió của ông. Ảnh: Vnexpress

Trên đảo Lý Sơn hiện có hàng trăm ngôi mộ gió, là mộ không có hài cốt để táng những binh phu và ngư dân bị nạn trên biển mà không tìm được xác. Ông Võ Văn Toại, người lâu nay vẫn âm thầm làm công việc nặn những hình nhân bằng đất sét để đặt vào mô kể rằng ông phải lên đỉnh núi Giếng Tiền, là miệng núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước, để lấy đất sét. Số lượng đất sét phải đủ để đắp một hình nhân có kích thước như người thật. Cũng chính vì lý do dùng đất sét nặn hình người chết mà từ xưa đến nay người dân đảo Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà. Tượng nặn xong thì được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, khiêng đặt vào quan tài rồi làm lễ triệu vớt linh hồn, cúng cô hồn trên biển xong mới tổ chức lễ nhập cốt. Một cỗ thuyền mô hình với những mâm lễ được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi. Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Quan tài được đặt xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác. Theo ông Toại, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo có cách đây hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa.

Gia phả của họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng 200 năm trước, cai đội Phạm Quang Ánh cùng 70 suất lính với năm chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Rồi một lần cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ, thầy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay nặn đất thành hình 25 người đã chết… Nặn xong 25 tượng đất của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ. Cai đội Phạm Quang Ánh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 lính, xếp thành một hàng gồm 25 ngôi mộ. Thời gian và gió mưa đã làm các ngôi mộ bị hư hại nên cư dân trên đảo đã đắp 25 ngôi mộ riêng biệt thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như hiện nay.

BDN (tổng hợp theo VNA, Vnexpress và Tuổi trẻ)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới