Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHải quân VN đủ mạnh để tự vệ

Hải quân VN đủ mạnh để tự vệ

BienDong.Net: “Hải quân là cánh tay nối dài của lực lượng vũ trang Việt Nam vươn ra biển lớn. Cánh tay này phải có sức mạnh của võ sĩ mới bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo”.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nói: Về sách lược để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đây là một vấn đề lớn đòi hỏi các nhà hoạch định chiến lược phải đặt ra một cách nghiêm túc để giải quyết. Cái cần lưu ý ở đây là cách giải quyết nên tiến dần từng bước tùy theo diễn biến tình hình chứ không nên cực đoan hoàn toàn theo hướng này hoặc hướng kia. Tình hình trên biển hiện nay hết sức phức tạp, đòi hỏi ta phải nhận diện cho rõ để linh hoạt trong đối sách.

Nguy cơ lớn nhất: Mưu đồ của Trung Quốc

Phóng viên: Thưa chuẩn đô đốc, những nguy cơ lớn nào trên biển hiện nay mà Việt Nam phải có cái nhìn thấu đáo để có đối sách cho phù hợp?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Lớn nhất vẫn là những nguy cơ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông bị các thế lực khác lăm le xâm phạm. Trung Quốc (TQ) sớm muộn gì họ cũng thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông mà họ đã đặt ra từ rất lâu vì đây là con đường ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương của họ. TQ đánh giá Biển Đông là khâu yếu cho cả Mỹ (khi các lực lượng triển khai ở đây còn mỏng), các thế lực khác ở Biển Đông cũng không mạnh và khâu yếu ấy diễn ra ngay cả trong nội bộ khối ASEAN. TQ sẽ đột vào vùng biển này, nhất là khi họ đang đứng thứ hai trên thế giới về kinh tế. Một nước có tiềm lực kinh tế thì luôn có tham vọng thành siêu cường cả về quân sự và chính trị. Và họ sẽ liên tiếp va chạm trong quá trình trỗi dậy (gần đây người ta còn gọi là quá trình “phục hưng”). Va chạm ấy ở mức nhỏ thì TQ thuyết phục, đe dọa, uy hiếp. Nếu các biện pháp ấy mà không được thì không loại trừ khả năng họ sẽ dùng vũ lực. Đó là điều khó tránh khỏi.


Chiến sĩ hải quân ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: MINH PHONG

Theo ông, giải pháp hòa bình trên Biển Đông hiện nay liệu có khả thi, chí ít là khi mới đây TQ đã bước đầu chịu ngồi cùng ASEAN để khởi động việc ký kết COC?

Làm sao để đảm bảo hòa bình trên Biển Đông là vấn đề vô cùng lớn và cần thiết. Cũng chính vì thế mà ASEAN và TQ đã ký kết DOC. Nhưng bao năm qua những gì đã tuyên bố lại không được thực thi một cách trọn vẹn, rồi hai năm trôi qua kể từ lúc khởi động tiếp việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đến nay mọi việc cũng chỉ mới ở bước xem xét. Rõ ràng việc ký kết COC không hề đơn giản, bởi TQ biết rõ COC sẽ “trói” họ chặt hơn, ràng buộc trách nhiệm của họ hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến mưu đồ của họ. Vì thế họ hứa sẽ bàn nhưng từ bàn đến khi ký kết được thì chắc còn mất nhiều thời gian. Tới đây, nếu TQ chịu ký kết thì họ thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, còn nếu họ tìm mọi cách kéo dài, trì hoãn thì rõ ràng họ muốn dùng sức mạnh, uy lực là chính.

Không phải TQ muốn làm gì thì làm!

Có người cho rằng ngay cả khi ký kết COC thì đây cũng chỉ là cái chiêu nhử mồi, tạo niềm tin tạm thời. Vì thực tế cho thấy họ từng phê chuẩn, tuyên bố bao nhiêu điều trên giấy nhưng rồi trên thực địa họ vẫn cứ gặm nhấm Biển Đông, mặc cho các nước khác phản đối.

Như đã nói, nguy cơ lớn nhất trên Biển Đông hiện nay là TQ bằng mọi cách thực hiện mưu đồ độc chiếm của mình. NhưngTQ không làm rầm rộ trong một thời gian đâu, vì bối cảnh quốc tế và khu vực chưa cho phép họ làm thế. Có thể có một bộ phận “đầu nóng” trong nội bộ họ muốn đẩy nhanh việc khống chế và làm chủ Biển Đông ngay nhưng vẫn có bộ phận “thức thời” hiểu rằng không phải họ muốn làm gì thì làm nên buộc họ phải đi từng bước.

Quan sát sẽ thấy: Năm 2009 họ đưa ra “đường lưỡi bò”; năm 2011 họ tìm cách chứng minh cái gọi là chủ quyền vùng nước lịch sử; đến năm 2012 – 2013 họ triển khai các lực lượng ngư chính, hải giám, rồi tập trung vào cảnh sát biển một cách mạnh mẽ để có mặt trên Biển Đông. Đến khi các bước này không khuất phục được các nước, với quyền lực kinh tế, họ sẽ phát triển các lực lượng hải quân để thể hiện việc mình làm chủ trên Biển Đông. Họ tính là thế nhưng họ làm được đến đâu lại là chuyện không phải dễ!


Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Ảnh: MC

Việt Nam đủ khả năng tự vệ

Lực lượng Hải quân nước ta thể hiện thế nào trong tình hình hiện nay?

Trong hiện tại cũng như tương lai gần, chúng ta xây dựng lực lượng Hải quân là để phòng thủ, bảo vệ một cách đầy đủ, vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Tất nhiên chúng ta phải xây dựng quân chủng hiện đại, vì nếu chúng ta không có sức mạnh gì thì họ sẽ làm càn, không chỉ là TQ mà bất kỳ nước nào khác. Hải quân chính là cánh tay nối dài của lực lượng vũ trang Việt Nam vươn ra biển lớn. Và cánh tay này cần phải có sức mạnh, phải là cánh tay của võ sĩ chứ không phải là cánh tay của cậu thiếu niên mới lớn. Có như thế mới đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Theo tôi, bước đi của ta hiện nay là phù hợp. Ta có sức mạnh đủ để răn đe, giáng trả cho những cái đầu nóng hung hăng, muốn đè bẹp chúng ta trên Biển Đông…

Nhưng rõ ràng sức mạnh hải quân TQ ngày nay cũng là điều đáng để chúng ta quan tâm?

Thời Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, có lúc Mỹ huy động tới năm biên đội tàu sân bay phong tỏa Biển Đông. Mỗi tàu sân bay có ít nhất 5 – 10 tàu khác hộ tống. Nhưng rồi họ có bịt nổi đoàn tàu không số của ta đâu! Những con tàu không số của ta vẫn cứ đi từ Bắc vào Nam trót lọt. Vậy đến bao giờ TQ có năm biên đội tàu sân bay để khống chế Biển Đông – vùng biển rộng 3,5 triệu km2?! TQ nghĩ các tàu tuần tra của họ hiện nay có thể bao quát hết Biển Đông nhưng đây chỉ là kiểu giễu võ giương oai với các nước nhỏ.

Tất nhiên làm sao để đảm bảo được chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong một không khí hòa bình, cùng hiểu nhau, cùng phát triển vẫn là vấn đề cốt lõi và quan trọng bậc nhất hiện nay.

Xin cảm ơn chuẩn đô đốc.

Phản đối Trung Quốc xua tàu cá xâm phạm Trường Sa

Theo TTXVN, mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc đã xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản vào sáng 6 – 5. Đây là hành động mới nhất xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo một số hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm; tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Số tàu trên đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên, trong đó có một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và một tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn làm nhiệm vụ bảo đảm vật tư thiết yếu. Theo mạng Tin tức Trung Quốc, đây là đội tàu đánh cá quy mô lớn nhất của Trung Quốc đến hoạt động tại ngư trường Trường Sa từ đầu năm 2013 đến nay. Thời gian hoạt động của đội tàu này sẽ kéo dài trong khoảng 40 ngày.

Ngày 30 – 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. “Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông” – người phát ngôn nói.

(Theo phapluattp.vn)

RELATED ARTICLES

Tin mới