Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐỀ CAO “LỢI ÍCH CỐT LÕI” – MỘT THỦ ĐOẠN MỚI CỦA...

ĐỀ CAO “LỢI ÍCH CỐT LÕI” – MỘT THỦ ĐOẠN MỚI CỦA TRUNG QUỐC TRONG ĐỘC CHIỂM BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: “Lợi ích cốt lõi” là một khái niệm được Trung Quốc đưa ra để xác định những vấn đề cực kỳ quan trọng và Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực, tiến hành chiến tranh để giải quyết.

Ban đầu khi mới xuất hiện khái niệm này chỉ có vấn đề Đài Loan được Trung Quốc coi là “lợi ích cốt lõi” với tiền đề Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để “giải phóng” Đài Loan khi cần thiết vì Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một địa phương của Trung Quốc.

Tiếp theo đó, do tình hình chính trị bất ổn ở Tân Cương, Tây Tạng do chủ nghĩa dân tộc ở 2 khu vực này bùng phát, các cuộc bạo động diễn ra thường xuyên, Trung Quốc nhiều lần sử dụng lực lượng quân đội để trấn áp các cuộc bạo động tại 2 khu vực này. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phản đối mạnh những hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng. Để biện minh cho các hành động sử dụng vũ lực của mình và tránh để nước ngoài can thiệp vào vấn đề này, Trung Quốc đưa thêm Tân Cương, Tây Tạng vào danh sách “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc để có thể dễ bề sử dụng vũ lực khi cần thiết.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hoa Kỳ Obama cuối năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất mỗi bên nên định nghĩa những “lợi ích cốt lõi” mà bên kia phải cam kết tôn trọng. Nhưng Hoa Kỳ không thật sự hào hứng với đề xuất của Trung Quốc vì Hoa Kỳ hiểu rõ mục tiêu của Trung Quốc đưa ra vấn đề này là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Đài Loan và không có ý kiến đối với hành động vũ lực của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng.

Tuy nhiên, trong một cuộc gặp với hai đại diện của Mỹ tháng 03/2010, Trung Quốc tiếp tục đưa ra vấn đề “lợi ích cốt lõi” của mình và yêu cầu Mỹ tôn trọng. Trong cuộc gặp này, Trung Quốc lần đầu tiên nêu Biển Đông có thể được nâng lên thành “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, hàm ý rằng Trung Quốc sẽ không dung thứ việc Mỹ can thiệp vào Biển Đông. Phía Mỹ bị sốc trước yêu cầu của Trung Quốc nên đã cung cấp thông tin này cho báo chí. Tháng 5/2009, Trung Quốc cho lưu hành tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc và từ đó, Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông hòng thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò”. Bất bình trước những hành động quá khích của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bài phỏng vấn với Tạp chí “The Australian” tháng 11/2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton cho biết ông Đới Bỉnh QuốcUỷ viên Quốc vụ viện chính phủ Trung Quốc, nói với bà về việc Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” tại cuộc gặp cấp cao tháng 5/2010. Bà Clinton còn cho biết: “Tôi đã ngay lập tức trả lời rằng chúng tôi không đồng ý với điều đó”. Phía Trung Quốc không phủ nhận và cũng chưa xác nhận thông tin này do sợ phản ứng bất lợi từ cộng đồng quốc tế, nhất là phản ứng của các nước ven Biển Đông. Tuy nhiên, ngay sau phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton, tờ báo tiếng Anh “Hoàn Cầu” của Trung Quốc, đăng bài xã luận gắn Biển Đông vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của mình để bảo vệ lợi ích cốt lõi bằng biện pháp quân sự”. Thông tin về việc Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” ngang hàng với các vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận quốc tế. Các nhà phân tích, nghiên cứu, học giả đã tốn không ít giấy mực để chỉ trích ý tưởng phưu lưu này của Trung Quốc, họ cho rằng với việc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” thì Biển Đông đã trở thành “cái ao nhà” của Trung Quốc và như vậy Trung Quốc sẵn sàng có thể sử dụng vũ lực ở Biển Đông đe doạ hoà bình, ổn định trong khu vực.

Với mục tiêu bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong thời gian qua Trung Quốc đã ra sức đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông với quy mô ngày càng lớn (huy động nhiều tàu quân sự và tàu chấp pháp), phạm vi ngày càng rộng (trong toàn bộ yêu sách “đường lưỡi bò” kéo tận đến bãi Tăng Mẫu, điểm cực Nam của “đường lưỡi bò”) và mức độ ngày càng nghiêm trọng làm cho tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng.

Ngày 6/9/2011, Trung Quốc công bố “Sách trắng về Phát triển hòa bình TQ năm 2011” cam kết phát triển hòa bình, không xưng bá. Trong Sách trắng 2011, lần đầu tiên Trung Quốc làm rõ nội hàm khái niệm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Theo đó “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm 3 phạm trù: một là, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Tức là chủ quyền lãnh thổ quốc gia không thể bị xâm phạm, xâm lược hay đe dọa và Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ; hai là, an ninh quốc gia, chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội theo Hiến pháp Trung Quốc đã quy định. Tức là không cho phép bên ngoài đe dọa hoặc xâm phạm tới chế độ chính trị mà Trung Quốc đã lựa chọn phù hợp với tình hình Trung Quốc; ba là, những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội, an ninh tiền tệ, ổn định kinh tế v.v….

Sau Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục mở rộng “lợi ích cốt lõi” sang biển Hoa Đông. Trong cuộc gặp với Tướng Martin Dempsey tháng 4/2013, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc, các quan chức quân sự cấp cao hàng đầu của Trung Quốc đã lần đầu tuyên bố quần đảo Senkaku là “lợi ích cốt lõi”. Ngay sau cuộc gặp này, ngày 26/4/2013 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngang nhiên phát biểu với các phóng viên rằng, “quần đảo Điếu Ngư là vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế, tất nhiên nó thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Và cũng giống tương tự như ở Biển Đông, Bắc Kinh đang có cuộc đối đầu quyết liệt và kéo dài với Tokyo vì tranh chấp quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku ngày càng căng thẳng và tiềm ẩn nhiều

nguy cơ nguy cơ cơ bùng nổ xung đột. Mặc dù Nhật Bản đã nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku hơn một thế kỷ nay nhưng Trung Quốc gần đây liên tiếp đòi chủ quyền đối với quần đảo này. Để gây sức ép với Nhật, Trung Quốc liên tục đưa nhiều tàu chiến, tàu chấp pháp và máy bay đến khu vực quần đảo Senkaku với mục tiêu là tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây; Trung Quốc đã từng chĩa radar điều khiển tên lửa về phía tàu khu trục và máy bay Nhật Bản gây ra tình trạng đối đầu hết sức căn thẳng.

Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua không thể coi là để “bảo vệ lợi ích cốt lõi” mà hoàn toàn là những hành động khiêu khích trắng trợn, xâm phạm quyền và lợi ích biển hợp pháp của các quốc gia láng giềng.

Một điểm trung hợp là tất cả những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong thời gian qua nhằm phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông đều được nước này thực hiện núp dưới chiêu bài “bảo vệ lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Điều hết sức thú vị là việc coi Biển Đông hay biển Hoa Đông là “lợi ích cốt lõi” đều được Trung Quốc nêu ra trong các cuộc gặp với các quan chức Hoa Kỳ. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào những khu vực này. Tuy nhiên, thái độ của Hoa Kỳ là rất kiên quyết, Hoa Kỳ không chấp nhận việc lời thách thức của Trung Quốc nên đã khẳng định với phía Trung Quốc rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông; đồng thời luôn khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Và trên thực tế, thời gian gần đây Hoa Kỳ đã tỏ thái độ khá mạnh mẽ trước các hành động leo thang của Trung Quốc ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định mục tiêu chiến lược xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển” và việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình luôn hô vang khẩu hiệu “giấc mơ Trung Hoa” đã làm cho Trung Quốc càng hung hăng và quyết đoán hơn trong việc thực hiện cái gọi là “bảo vệ lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Điều này không chỉ gây mối lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc mà còn làm cho cả cộng đồng quốc tế bất bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới