Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBÁO CÁO PHÁT TRIỂN HẢI DƯƠNG TRUNG QUỐC CÀNG THỂ HIỆN RÕ...

BÁO CÁO PHÁT TRIỂN HẢI DƯƠNG TRUNG QUỐC CÀNG THỂ HIỆN RÕ CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Ngày 09/5/2013, Trung Quốc đã công bố “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2013”. Đây là lần thứ 6 Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc”.

Báo cáo năm nay có nhiều nội dung mới thể hiện chính sách thể hiện rõ quan điểm cứng rắn của những người cầm quyền mới của Bắc Kinh trên các vấn đề biển đảo với các nước láng giềng.

“Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc 2013” gồm 403 trang, được chia thành 6 phần 12 chương. Nội dung chính của Báo cáo tập trung vào một số vấn đề như: môi trường quốc tế phát triển biển của Trung Quốc; pháp luật biển, quyền và lợi ích biển; kinh tế và khoa học kinh tế biển; môi trường và nguồn tài nguyên biển; chính sách và quản lý biển; phát triển sự nghiệp biển của Trung Quốc.

Báo cáo nêu ra những thành tựu trong lĩnh vực biển đảo của Trung Quốc năm 2012, trong đó nổi bật là “đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển” của Trung Quốc đạt được thắng lợi lớn. Tổng giá trị sản xuất biển đạt mức kỷ lục trong năm 2013 trên 5.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng trên 800 tỷ USD), tăng gần 8%. Sản xuất biển chiếm 9,6% GDP của Trung Quốc. Tuần tra chấp pháp đảo Điếu Ngư giành được những thắng lợi mang tính giai đoạn; Trung Quốc nộp Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa ở biển Hoa Đông. Việc “đấu tranh bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Nham” giành được quyền chủ động….

Báo cáo đánh giá cao hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên biển (hải giám, ngư chính…) trong việc triển khai “tuần tra chấp pháp bảo vệ chủ quyền trong vùng quản hạt” của Trung Quốc. Hải giám, ngư chính đã phối hợp chặt chẽ, thông qua chiến thuật linh hoạt, cơ động trên biển hình thành cục diện chấp pháp lấy hải giám làm nòng cốt, ngư chính là bổ trợ để thực hiện chức năng của mình, xứng đáng là “lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển”. Theo “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” thì hiện nay cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc gồm 4 lực lượng là lực lượng Ngư chính, Hải giám, cảnh sát biển và lực lượng chống buôn lậu. Riêng về lực lượng Hải giám hiện nay có 6 máy bay cánh bằng và 4 máy bay trực thăng tiến hành tuần tra ở những khu vực duyên hải.

Đặc biệt, “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” đã dành một mục riêng với nội dung rất xấu liên quan đến Việt Nam với tiêu đề “ảnh hưởng tiêu cực của việc Việt Nam thông qua Luật Biển”, trong đó chỉ trích Việt Nam thông qua luật biển là hành động đơn phương làm vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) phức tạp hoá và căng thẳng, “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Trong Báo cáo Trung Quốc còn ngang nhiên nêu việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” ngày 21/6/2012 cũng như các hoạt động phi pháp của Trung Quốc củng cố cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Báo cáo còn đăng sơ đồ đường cơ sở của Trung Quốc, bao gồm đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Như vậy, có thể thấy “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” đã bóp méo sự thật vu cáo trắng trợn đối với những hành động hợp pháp của Việt Nam. Báo cáo vi phạm một cách thô bạo các quyền và lợi ích biển của các nước ven Biển Đông (trong đó có Việt Nam) được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

“Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” nhấn mạnh an ninh biển là một trong những trọng tâm của an ninh quốc gia. Chủ quyền biển đảo và sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm biển đảo là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Trong đó, sự điều chỉnh chiến lược đối với Châu Á – Thái Bình Dương của các nước lớn, nhất là của Mỹ là nhân tố ảnh hưởng đến an ninh biển của Trung Quốc. Báo cáo cho rằng sự tăng cường can dự của Mỹ vào Biển Đông là yếu tố làm cho tình hình Biển Đông phức tạp; khẳng định Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trên biển.

Báo cáo cho rằng năm 2012, Trung Quốc đã giành được những phát triển vượt bậc kỹ thuật cao về biển với việc tiến hành thành công tàu lặn Giao Long có thể lặn sâu trên 7000 mét; hạ thuỷ thành công giàn khoan nước sâu “Dầu khí hải dương 981” khoan sâu 10.000 mét hoạt động ở vùng nước sâu 3.000 mét; chế tạo thành công tàu đặt đường ống ở mực nước sâu 3.000 mét đầu tiên trên thế giới….

Qua những đánh giá nêu trong Báo cáo có thể thấy Trung Quốc khá ngạo mạn trong các việc làm và lời nói liên quan đến công tác biển. Đây là nguyên nhân làm cho Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong vấn đề biển đảo với các nước láng giềng.

Về chính sách biển của Trung Quốc năm 2013, “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” cho rằng công tác biển của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển khó khăn hơn; tranh giành không gian biển ngày càng ác liệt và nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển ngày càng bức thiết. Báo cáo nhấn mạnh đến việc triển khai mục tiêu xây dựng cường quốc biển mà Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đã đề ra; Trung Quốc còn nhiều việc phải làm trong việc khai thác biển, quản lý và bảo vệ chủ quyền biển.

Trong phần phương hướng công tác biển của Trung Quốc, Báo cáo khẳng định “chủ quyền của Trung Quốc” đối với các đảo và “vùng biển phụ cận như: đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo ở “Nam Hải” (Biển Đông) …; đồng thời khẳng định Trung Quốc “kiên quyết bảo vệ chủ quyền đảo, quyền và lợi ích biển cũng như an ninh biển. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động leo thang mới với các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông trong thời gian tới, gây tình hình căng thẳng ở khu vực.

Đáng chú ý là “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” nhấn mạnh tăng cường máy bay hiện đại là hướng trọng tâm xây dựng lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc thời gian tới. Theo kế hoạch đến năm 2015, năng lực chấp pháp hàng không trên biển của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi bằng việc tăng cường máy bay cánh bằng có khả năng tuần tra tầm xa 4500 km cho lực lượng chấp pháp trên biển để đảm nhiệm tuần tra, chấp pháp trên vùng biển xa.

Cùng với việc công bố “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc”. Tờ “Hải dương Trung Quốc” còn có bài viết cho biết, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc đã phát hành “Bố trí công tác trọng điểm theo dõi, giám sát các động thái trên biển năm 2013”.

Theo đó, năm 2013, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc sẽ triển khai theo dõi viễn thám 2 lần bằng vệ tinh có tỷ lệ phân giải 30 m đối với tất cả các vùng biển gần quanh Trung Quốc, đồng thời tiến hành theo dõi viễn thám bằng vệ tinh có tỷ lệ phân giải 2,5 m đối với các khu vực điểm nóng như đảo Senkaku, bãi cạn Scarborough, tiến hành theo dõi viễn thám trên không có tỷ lệ phân giải hơn 1 m, diện tích không ít hơn 20.000 km2 đối với các vùng biển trọng điểm ven bờ, cơ bản tiến hành theo dõi viễn thám đối với toàn bộ các vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, bao gồm đường lưỡi bò phi pháp (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông.

Người phụ trách Vụ quản lý các vùng biển của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, tăng cường theo dõi hiện trạng các vùng biển do họ tuyên bố chủ quyền là một trọng tâm trong chính sách biển của Trung Quốc năm 2013.

Nội dung “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” và việc Trung Quốc tuyên bố tăng cường giám sát các động thái trên biển năm 2013 là một bước đi mới thể hiện sự cứng rắn ngày càng tăng trong chính sách biển đảo của Trung Quốc. Những động thái đó cho thấy chiều hướng chính sách “diều hâu” của những người cầm quyền mới ở Bắc Kinh để thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Có thể thấy rằng những người Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang tìm mọi cách để kiểm soát biển Hoa Đông cũng như Biển Đông lấy đây làm bàn đạp để vươn ra các vùng biển xa. Tham vọng này của Bắc Kinh không chỉ là mối đe doạ đối với các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc mà còn làm cho cả cộng đồng quốc tế lo ngại về một “nguy cơ” Trung Quốc bành trướng trên biển, đe doạ tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông./.

RELATED ARTICLES

Tin mới