Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÁI GÌ MÀ “CẦN CỨ ĐÁNH, KHỎI ĐÀM”

CÁI GÌ MÀ “CẦN CỨ ĐÁNH, KHỎI ĐÀM”

BienDong.Net: Mới đây, trong một cuộc trả lời phóng viên đài phát thanh Thượng Hải, Hàn Húc Đông – một giáo sư của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh “tấn công bất cứ lúc nào cần thiết đối với bất kỳ nỗ lực nào của các nước khác nhằm kiểm soát các đảo nhỏ trên Biển Đông”.

Hàn cho rằng ngoại giao chỉ phát huy tác dụng “khi có quân đội đứng sau”, và rằng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc hiện nay đủ mạnh để bảo vệ lợi ích và quyền lợi quốc gia nước này, Bắc Kinh nên kết hợp ngoại giao với sức mạnh quân sự để đạt mục tiêu của mình.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều căng thẳng mới trong tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, phát biểu đầy kích động của các quan chức và học giả Trung Quốc chỉ càng làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

Trung Quốc luôn rêu rao rằng các nước xung quanh “đánh cắp” lãnh thổ của mình. Bắc Kinh liên hồi vu vạ Việt Nam “đánh chiếm phi pháp” quần đảo Nam Sa (Trường Sa) vào năm 1975, Trung Quốc sẽ thu hồi dần dần quần đảo này và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030. Còn đối với các đảo Philippines chiếm giữ như bãi cạn Scarborough, Trung Quốc vẫn giọng điệu cũ la hét đó là lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc. Và với Nhật Bản, Trung Quốc luôn đòi Nhật trả quần đảo Sankaku/Điếu Ngư vốn dĩ không thuộc về Trung Quốc. Hôm 26/5, trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cáo buộc Nhật Bản đánh cắp quần đảo này của họ.

Dễ dàng nhận thấy những lời lẽ, động thái trên của Bắc Kinh là nhằm tìm kiếm sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế đối với quan điểm của Trung Quốc về các quần đảo trong Biển Đông và biển Hoa Đông, từ đó mở rộng căn cứ và ảnh hưởng tại khu vực. Đồng thời chính quyền Bắc Kinh cũng lừa dối luôn cả chính những người dân Trung Quốc, để họ lầm tưởng những lãnh thổ ngoài khơi kia là đất của cha ông họ. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay vốn thuộc về Việt Nam. Vẫn biết là như vậy nhưng giới cầm quyền Bắc Kinh đã sử dụng chiêu bài “lời nói dối lớn sẽ trở thành lời nói thật” tiêm nhiễm vào đầu người dân nhất là thanh niên Trung Quốc ít hiểu biết khiến họ ngộ nhận rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ và hiện nay những đảo trong quần đảo Nam Sa (Trường Sa) đang bị các nước khác xâu xé. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi mà nội bộ Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là về kinh tế, xã hội như thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo, nạn tham nhũng, vấn đề ly khai …v.v đến nay vẫn là những bài toán chưa có lời giải đối với giới chức cầm quyền. Họ không thể biện hộ được cho những yếu kém của mình, do đó để hướng dư luận ra bên ngoài, để lấy được lòng tin, lấy được sự ủng hộ của nhân dân, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lựa chọn vấn đề chủ quyền lãnh thổ ngoài biển khơi làm con bài hạ hỏa cơn sốt đầy căng thẳng trong nước.

Thực hiện ý đồ chiến lược của mình, Trung Quốc tìm mọi cách, sử dụng mọi thủ đoạn thậm chí vu cáo, nói không thành có, tạo sự đã rồi để cố kiết khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Biện pháp sử dụng vũ lực – một biện pháp trái với luật pháp quốc tế và đi ngược lại sự tiến bộ của nhân loại thời gian gần đây liên tục được nhắc đến trên mặt báo Trung Quốc. Và giờ đây ngay cả một giáo sư uy tín của một trường Đại học Quốc phòng danh giá – người mà được người ta hình dung là học rộng hiểu nhiều, đức cao vọng trọng lại có những suy nghĩ thiển cận, những phát ngôn thiếu hiểu biết đến vậy.

Vậy vì sao mà Trung Quốc lại chọn Biển Đông làm “đột phá khẩu” chứ không phải biển Hoa Đông.

Thứ nhất, Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và tấp nập hàng đầu thế giới hiện nay, là huyết mạch của nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc – Đài Loan, ai kiểm soát được tuyến hàng hải này có thể kiểm soát cả khu vực.

Thứ hai, mặc dù cả hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đều bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp, đồng thời đang tranh chấp với các nước láng giềng, nhưng ở Hoa Đông là Nhật Bản, một cường quốc ở Châu Á, đâu có dễ để Trung Quốc bắt nạt. Thực tế Nhật Bản vẫn đang quản lý quần đảo Senkaku bình thường, hợp pháp.

Trong khi đó tại Biển Đông, tranh chấp ở quần đảo Trường Sa rất phức tạp với 5 nước 6 bên, về thực lực phải nói thẳng rằng các nước này không mạnh bằng Trung Quốc, kể cả về quân sự, kinh tế. Việc chiếm bãi cạn Scarborough tháng 4/2012 chẳng phải cũng là kiểu cá lớn nuốt cá bé đấy thôi. Trung Quốc cũng đã và đang tìm mọi cách chia rẽ nội khối ASEAN hòng làm mưa làm gió ở Biển Đông, điều này với họ dễ hơn nhiều khi họ đương đầu với Nhật Bản ở Hoa Đông.

Thứ ba, nếu chọn Hoa Đông làm đột phá khẩu thì Trung Quốc không chỉ phải đối phó với Nhật Bản mà sau lưng Nhật Bản là siêu cường Mỹ. Chỉ riêng “vòng vây thứ nhất” Mỹ thiết lập bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines đã trở thành gọng kìm ngăn cản Trung Quốc. Mặt khác, Tây Thái Bình Dương là địa bàn hoạt động chiến lược truyền thống của hải quân Mỹ, Washington không dễ gì và cũng không thể nhường Bắc Kinh ở đây. Vì thế mà Trung Quốc chọn Biển Đông để bành trướng trước.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang ráo riết đầu tư cho hải quân ở khu vực Nam Hải (Biển Đông). Từ đầu năm 2013, Trung Quốc đã đột ngột tăng cường sự hiện diện quân sự cũng như những hoạt động tập trận trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 24/5 Trung Quốc đã kết thúc cuộc tập trận đối kháng bắn đạn thật của cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải ở Biển Đông với 5 binh chủng chủ lực tham gia, một động thái chưa từng có đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, khiến cộng đồng các nước ASEAN, đặc biệt là các quốc gia ven Biển Đông rất quan ngại.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trong thời đại mà luật pháp quốc tế cấm mọi hành vi sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, các nước không thể tồn tại độc lập, phải phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc không phải thích là làm, “cần cứ đánh, khỏi đàm” như Hàn Húc Đông kiến nghị. Bên cạnh đó, lực lượng quân sự mà ở đây chính là hải quân Trung Quốc cũng còn rất nhiều khiếm khuyết. Theo như nhà nghiên cứu Dương Danh Dy phân tích, có thể nêu ra một vài khiếm khuyết sau:

Thứ nhất, điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc về mặt quân sự ở Biển Đông chính là vị trí và khoảng cách địa lý. Trong tác chiến trên biển hiện đại thường phải kết hợp cả hải quân với không quân, nhưng một khi nổ ra xung đột tại Trường Sa, chiến đấu cơ Trung Quốc chưa thực sự hiện đại bay từ đất liền của họ ở đảo Hải Nam ra được tới vùng biển Trường Sa rồi bay về là hết dầu, còn đâu thời gian tác chiến.

Để khắc phục điểm yếu này Trung Quốc đã tiến hành đóng tàu sân bay và huấn luyện tiếp dầu trên không cho chiến đấu cơ. Cả 2 việc này Trung Quốc đã và đang làm, việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động còn phải cần thời gian, không phải chuyện một sớm một chiều, cứ muốn là được. Còn hoạt động huấn luyện cơ động tác chiến đường dài cũng như tiếp dầu cho chiến đấu cơ thì hiện chưa có thông tin nào cho thấy là Trung Quốc đã làm xong.

Thứ hai, điểm yếu nổi bật của Trung Quốc ở Biển Đông chính là tính phi nghĩa trong các hoạt động quân sự của họ, Bắc Kinh tuyên bố và khẳng định cái gọi là “chủ quyền” với 80% diện tích Biển Đông nên việc Trung Quốc chủ động gây căng thẳng hoặc tìm cách khiêu khích xung đột quân sự sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.

Chúng ta đều biết quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cách đảo Hải Nam, Trung Quốc rất xa, nhưng vì tham vọng bành trướng, Bắc Kinh đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động ở khu vực này để thực hiện mục tiêu thôn tính Biển Đông của họ.

Mặt khác, Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quốc tế quan trọng hàng đầu của thế giới hiện nay, nơi các cường quốc lớn trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… có lợi ích rất lớn nên họ sẽ không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm.

Khổng Tử – được người Trung Quốc coi là Vạn Thế Sư Biểu (Bậc thầy của muôn đời) đã có những lời răn dạy để đời là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Điều mình không muốn thì đừng làm với người khác. Trung Quốc từng chịu nỗi nhục khi bị các nước đế quốc xâu xé, từng quằn quại trong những trận nội chiến, từng đứt từng khúc ruột với đại cách mạng văn hóa, từng nước mắt lưng tròng khi chứng kiến máu người Trung Quốc tràn ngập quảng trường Thiên An Môn năm 1989, hơn ai hết Trung Quốc thấm thía được giá trị của hòa bình, của chính nghĩa, của toàn vẹn lãnh thổ, vậy tại sao giờ đây lại cứ cổ súy việc dùng vũ lực đánh chiếm vùng đất vốn dĩ không phải của Trung Quốc???

RELATED ARTICLES

Tin mới