Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThành lập lực lượng không quân trực thuộc Hải quân Việt Nam

Thành lập lực lượng không quân trực thuộc Hải quân Việt Nam

altBienDong.Net: Ngày 3.7, tại Sư đoàn Không quân 372 (TP.Đà Nẵng) đã diễn lễ bàn giao Lữ đoàn Không quân 954 từ Quân chủng Phòng không – Không quân về Quân chủng Hải quân và công bố quyết định thành lập Trung đoàn Trực thăng 930 thuộc Sư đoàn 372.

Theo báo chí quốc nội, sự kiện này đánh dấu sự ra đời của lực lượng không quân trực thuộc Hải quân (Không quân Hải quân) và là một bước đi trong chiến lược hiện đại hóa quân đội Việt Nam, trong đó Hải quân là một trong những quân chủng được ưu tiên “đi thẳng vào hiện đại”.

Báo Thanh Niên dẫn lời Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật cho biết quân chủng Hải quân đang có bước phát triển mạnh về lực lượng, phương tiện, trang bị, từng bước hình thành đủ 5 binh chủng gồm: tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân hải quân; tên lửa, pháo bờ; hải quân đánh bộ.


DHC-6 Twin Otter hạ cánh sau khi bay thử nghiệm

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng quân chủng hải quân chính quy, hiện đại có đủ các thành phần lực lượng binh chủng tác chiến trên biển, trong đó có lực lượng chuyên trách đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ phong tỏa và chống phong tỏa sông, biển với vũ khí trang bị hiện đại.

Sau khi được thành lập, lực lượng Không quân Hải quân sẽ sở hữu nhiều máy bay hiện đại, phục vụ cho tác chiến săn ngầm, vận tải quân sự, trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước, tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạn và phòng chống bão lụt…

Các loại máy bay của Không quân Hải quân ban đầu có Kamov Ka-27, EC225 Super Puma, DHC-6 Twin Otter… Mới đây, có thông tin Việt Nam quan tâm tới máy bay tuần tra biển – săn ngầm P-3 Orion của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ).

Riêng DHC-6 Twin Otter Series 400 mà Việt Nam mua từ tập đoàn Viking Air của Canada là loại máy bay hiện đại, có thể hạ/cất cánh cả trên cạn lẫn dưới nước, trên đường băng xấu, đường băng ngắn, có tầm bay khá xa và có thể bay thấp, bay chậm, phù hợp cho nhiệm vụ tuần tra, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Nằm trong hợp đồng mua 6 chiếc DHC-6 cho Không quân Hải quân, Việt Nam đã gửi các phi công tới Canada đào tạo. Theo thông tin của Viking Air, đợt đào tạo đầu tiên hoàn tất vào đầu tháng 7 này.

Trung đoàn Trực thăng 930 được giao nhiệm vụ sẵn sàng hiệp đồng tác chiến chi viện hỏa lực đường không, huấn luyện học viên phi công trực thăng và trinh sát mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước.

Ngoài ra, Trung đoàn Trực thăng 930 còn đảm nhận vận tải quân sự khu vực miền Trung – Tây nguyên và phía nam vịnh Bắc bộ, tham gia tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão… Bên cạnh nhiệm vụ tương tự Trung đoàn Trực thăng 930, Lữ đoàn Không quân 954 thuộc Quân chủng Hải quân – được trang bị các máy bay Ka-28 – còn làm nhiệm vụ tác chiến săn ngầm.

alt

Các trực thăng chống ngầm Ka-28 trong diễn tập (Ảnh Tuổi Trẻ)

Trang Kienthuc.net dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI) nói năm 1988 Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 8 chiếc Kamov Ka-28 và bàn giao toàn bộ số máy bay này trong hai năm 1989 – 1990.

Điểm đặc biệt của loại trực thăng này là cơ cấu hai cánh quạt nâng quay ngược chiều nhau, giúp giảm tiếng ồn và hoạt động trọng mọi điều kiện thời tiết.

Hai động cơ Isotov TV3-117V cũng cho phép Ka – 28 đạt tốc độ tối đa 270 km/h và tầm bay 980 km.

Loại trực thăng này được trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vi thủy âm và các loại ngư lôi chống ngầm tầm ngắn và bom.

Cũng trang này cho biết hiện nay, hai tàu hộ vệ tàng hình lớp Gepard mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mà Việt Nam đã nhận vào năm 2011 có bãi đáp đủ điều kiện dành cho Ka-28.

Khi hoạt động cùng các tàu này, Ka-28 sẽ đóng vai trò săn ngầm để bảo vệ hạm đội.

BDN (Nguồn: Thanh Niên, Tuổi trẻ, Kienthuc.Net)

RELATED ARTICLES

Tin mới