Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSách Trắng Quốc phòng Nhật Bản chỉ ra mối đe dọa từ...

Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản chỉ ra mối đe dọa từ Trung Quốc

BienDong.Net: Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được ban hành dưới chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó nhấn mạnh mối quan ngại đối với các hành động của Trung Quốc trên biển và chương trình hạt nhân tranh cãi của Triều Tiên.

Hãng tin Reuters dẫn nội dung Sách trắng quốc phòng Nhật viết: “Có rất nhiều vấn đề và các yếu tố gây bất ổn trong môi trường an ninh xung quanh Nhật, một số đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng biển đảo bằng vũ lực dựa trên đòi hỏi chủ quyền riêng. Đây là hành vi không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

alt

Mỹ là chỗ dựa cho Nhật: Phi cơ Mỹ trong một lần diễn tập với Nhật

Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 gồm 450 trang, ghi nhận rằng Trung Quốc đã có những hành động uy hiếp dẫn đến những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ tạo nên sự cố tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Nhấn mạnh những lo ngại của Tokyo về việc Trung Quốc gia tăng các hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, vi phạm không phận Nhật Bản, Sách Trắng chỉ rõ: Tính đến tháng 3 năm nay, Nhật Bản đã phải cử phi cơ chiến đấu lên không trung hơn 300 lần để ngăn máy bay Trung Quốc bay gần không phận Nhật.

Sách Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh thiếu hợp tác và giải thích không đúng sự thật liên quan sự cố hồi tháng 1.2013 khi một chiến hạm Trung Quốc “khóa” radar nhằm vào một chiến hạm Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku, thao tác được cho là bước chuẩn bị cho hành động tấn công thực thụ.

Sách trắng Nhật Bản nói rõ: Các hành vi đó (của Trung Quốc) rất đáng tiếc, Trung Quốc phải chấp nhận và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế”.

Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận cáo buộc trên đây của Tokyo, và tố cáo ngược lại rằng Nhật Bản đã phóng đại cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc” để bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc trong dư luận quốc tế.

Sách Trắng cũng bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cho rằng việc Bình Nhưỡng phát triển các tên lửa đạn đạo có thể vươn tới nước Mỹ là minh chứng cho thấy chương trình này đã bước vào giai đoạn phát triển mới.

Ngoài ra, Sách Trắng cũng đề cập đến chủ đề an ninh mạng, trong đó nêu rõ Nhật Bản cần tăng cường khả năng đối phó với các cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở nên tinh vi. Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng cho biết chính phủ của Thủ tướng Abe đang lên kế hoạch biên soạn các nguyên tắc chỉ đạo trong lĩnh vực quốc phòng nhằm đưa ra định hướng dài hạn cho chính sách quốc phòng vào cuối năm nay, đồng thời xem xét khả năng cho phép Nhật Bản tiến hành tấn công ngăn chặn trong trường hợp phải đối mặt với đe dọa về tên lửa đạn đạo.

Về môi trường an ninh, Sách Trắng nhấn mạnh liên minh an ninh Nhật – Mỹ có vai trò thiết yếu và việc triển khai máy bay Osprey MV – 22 ở Okinawa sẽ góp phần đem lại hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng cũng bảo vệ quyết định của Tokyo hồi tháng 3 vừa qua về việc cho phép các công ty trong nước tham gia sản xuất linh kiện máy bay chiến đấu tàng hình F – 35 của Mỹ. 

Theo Sách Trắng, sự tham gia này sẽ giúp bảo vệ, duy trì và phát triển công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và giúp ích cho liên minh Nhật – Mỹ.

Các nhà phân tích chỉ rõ: Trước sức ép về an ninh từ bên ngoài, năm tài khóa này Nhật lần đầu tiên trong 11 năm qua Nhật đã tăng ngân sách quốc phòng.

Dù có Hiến pháp hoà bình, không cho lập quân đội như một quốc gia bình thường kể từ khi bại trận sau Thế Chiến 2, Nhật Bản vẫn có Lực lượng Phòng vệ gồm 140 nghìn quân, 140 tàu chiến, 410 phi cơ chiến đấu.

Lực lượng phòng vệ Nhật đang tổ chức tập trận chung với Mỹ và củng cố các khả năng phòng vệ chống lại các cuộc tấn công tên lửa. Chính phủ nước này cũng đang rục rịch xem xét lại chính sách quốc phòng. Hồi tháng 6, Cục Phòng vệ Nhật Bản cho biết đang cân nhắc thành lập đơn vị quân đội mới có nhiệm vụ tái chiếm các đảo xa xôi của Nhật dễ bị nước ngoài xâm chiếm.

Kế hoạch này của Cục Phòng vệ, được công bố trong cuộc họp của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, là động thái phản hồi sau các vụ Nhật Bản cáo buộc tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại Biển Hoa Đông.

Theo BBC, mặc dù hiện đã là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, một số giới tại Nhật Bản đã kêu gọi nước này phát triển quan hệ quân sự với ASEAN. Giáo sư Takehiko Yamamoto, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo được AFP trích lời nói: “Nhật Bản có thể cần hợp tác với ASEAN để cùng nhau đưa Trung Quốc vào cuộc đối thoại”. Tuy nhiên, theo ông, “điều này cũng cần thời gian”.

Giới quan sát nhận định chính quyền Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội với Sách Trắng quốc phòng Nhật. Trong thời gian qua, quan hệ Nhật – Trung đã xấu đi nghiêm trọng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.

BDN (Nguồn: RFI, BBC, VNA và Tuổi Trẻ)

RELATED ARTICLES

Tin mới