Saturday, September 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSỰ ĐOÀN KẾT CỦA ASEAN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

SỰ ĐOÀN KẾT CỦA ASEAN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Qua các hội nghị của ASEAN từ đầu năm 2013 đến nay thì xem ra ASEAN tỏ ra đoàn kết hơn trên vấn đề Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông luôn là một chủ để được bàn thảo rộng rãi tại các hội nghị ASEAN trong 6 tháng qua, hầu hết các thành viên của ASEAN, kể cả Campuchia đều phát biểu về vấn Biển Đông; các nước ASEAN đều nhất trí cao trong việc duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN 2012 và Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN – Trung Quốc nhân dịp kỷ niêm 10 năm ký DOC. Các nước ASEAN cũng có sự đồng thuận trong việc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chúng ta nhớ lại năm 2012, do bị Trung Quốc thao túng, Campuchia đã trở thành “chú ngựa ô” của Trung Quốc phá nát sự đoàn kết của ASEAN trên vấn đề Biển Đông dẫn đến việc Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) 45 lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung.

Trong năm 2013 này, Brunei đã hoàn thành khá tốt vai trò Chủ tịch của ASEAN khi luôn chủ động tham vấn với các nước về nội dung vấn đề Biển Đông được đề cập trong các văn kiện cũng như trong quá trình hội nghị. Mặc dù là một nước nhỏ và luôn bị Trung Quốc lôi kéo, nhưng là một nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông nên Brunei cố gắng tìm cách dung hoà ý kiến của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông mà không làm “mất lòng” Trung Quốc.

Các nước ngoài khu vực, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Châu Âu… luôn kêu gọi sự đoàn kết của ASEAN; ủng hộ ASEAN như một khối thống nhất để phát huy vai trò trọng tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông, coi đây là nhân tố quan trọng để ngăn chặn những hành động ngày càng lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự đồng thuận cao hơn của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông nói chung và trên vấn đề xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) nói riêng đã buộc Trung Quốc phải có thái độ mềm dẻo hơn trên vấn đề xây dựng COC, đồng ý tiến hành trao đổi với ASEAN về COC vào tháng 9 tới. Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn hoài nghi về sự thực tâm của Trung Quốc trong vấn đề này vì vẫn còn mập mờ và chưa có được sự rõ ràng về hình thức tiến hành trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.

Sự đoàn kết hơn của ASEAN trên vấn đề Biển Đông còn được thể hiện qua thái độ của các nước ASEAN đối với vụ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Mặc dù Trung Quốc đã trăm phương nghìn kế để vận động lôi kéo các nước ASEAN ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines nhưng không có bất cứ một nước ASEAN nào lên tiếng để ủng hộ việc làm sai trái này của Trung Quốc. Trái lại các nước ASEAN đều nhất trí rằng việc Philippines khởi kiện Trung Quốc là quyền của Philippines được quy định bởi Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; đồng thời, các nước ASEAN thống nhất rằng cần tách bạch vụ kiện của Philippines với các công việc của ASEAN; các nước ASEAN cũng không đồng ý với đề xuất của Trung Quốc “loại bỏ” Philippines ra khỏi tiến trình thảo luận về COC, kiên trì yêu cầu đàm phán chính thức giữa cả 10 nước ASEAN với Trung Quốc về COC.

Rõ ràng là so với năm 2012 thì sự đồng thuận, đoàn kết trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông đã được tăng lên rất nhiều từ đầu năm 2013 đến nay. Nguyên nhân là do những hành động ngày càng táo tợn với mức độ ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã làm cho các nước ASEAN hiểu rõ “bộ mặt thật” của Trung Quốc nên thấy cần phải đoàn kết lại. Sự hậu thuẫn của các nước, nhất là Hoa Kỳ cũng thúc giục các nước ASEAN phải có sự đoàn kết trên vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông vẫn đang đứng trước những thách thức lớn do Trung Quốc không từ bỏ thủ đoạn phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN, phân hoá, chia rẽ các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Mặt khác, mỗi thành viên ASEAN có lợi ích khác nhau trên vấn để Biển Đông: có những nước có lợi ích liên quan trực tiếp trên vấn đề Biển Đông, có những nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, thậm chí có nước còn tìm cách dùng vấn đề Biển Đông để trục lợi như Campuchia năm 2012. Đây sẽ là điều khó khăn cho việc củng cố đoàn kết trong ASEAN trên hồ sơ Biển Đông./.

RELATED ARTICLES

Tin mới