Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTòa án Trọng tài Quốc tế xem xét vụ kiện “Đường lưỡi...

Tòa án Trọng tài Quốc tế xem xét vụ kiện “Đường lưỡi bò” bắt đầu làm việc

BienDong.Net: Hãng tin AP ngày 16.7 dẫn lời các quan chức Philippines cho biết Tòa án trọng tài LHQ đã nhóm họp tại The Hague (Hà Lan) để xem xét đơn kiện của Philippines chất vấn về tính hợp pháp trong yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc bao chiếm phần lớn Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez công bố tại một cuộc họp báo ở Manila hôm 16.7 rằng 5 thành viên của tòa án được lập ra theo Công ước LHQ về Luật biển đã nhóm họp và thông qua một loạt các qui định về trình tự để xem xét đơn kiện Trung Quốc được Philippines đưa ra hồi tháng 1.2013.

Trong đơn kiện của mình, Philippines lập luận rằng yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, kể cả việc Trung Quốc chiếm đóng một số đảo và bãi san hô trong thời gian qua là vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển và phải bị tuyên bố là không có giá trị.

alt 

Đường lưỡi bò tham lam bao chiếm hầu hết Biển Đông trái với qui định của UNCLOS

Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển đã được hơn 160 nước, trong đó có Trung Quốc và Philippines phê chuẩn, nó qui định giới hạn lãnh thổ cho quốc gia ven biển và qui định việc sử dụng các khu vực biển khơi trên toàn thế giới.

Theo ông Roque, giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Pháp luật Quốc tế của Đại học Philippines, Tòa trọng tài sẽ phải xác định được vụ kiện thuộc phạm vi “thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc” của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS), tức là các tranh chấp chỉ liên quan đến việc diễn dịch và áp dụng UNCLOS.

Tiếp đó, Tòa trọng tài sẽ phải quyết định liệu quyền tài phán của họ có nằm ngoài phạm vi những bảo lưu của Trung Quốc đối với UNCLOS hay không. Một trong những bảo lưu của Trung Quốc là việc phân định ranh giới trên biển và hoạt động thực thi luật vì các mục đích quyền chủ quyền.

Nếu Tòa trọng tài quyết định rằng họ có quyền tài phán, thì họ sẽ yêu cầu Philippines và Trung Quốc trình ra quan điểm của mình trước ngày 5.8.

“Chúng tôi đưa trường hợp này ra trọng tài bởi vì chúng tôi thấy rằng mình có lợi thế rất lớn, xét theo các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS thì tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là mở rộng quá mức và bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế” ông Hernandez cho biết.

Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối bất cứ ý đồ nào nhằm lôi kéo bên thứ ba hay các cơ quan Quốc tế tham gia vào các cuộc tranh chấp trên Biển Đông, vì sợ rằng điều này có thể làm suy yếu hành động của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn đòi tiến hành các cuộc đàm phán tay đôi với các nước liên quan, vì nó mang lại cho họ lợi thế cho Trung Quốc do họ là nước lớn và có nhiều ảnh hưởng.

Philippines khẳng định rằng quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán song phương là không phù hợp vì theo ông Fernandez, Bắc Kinh luôn buộc đối phương phải thừa nhận phần lớn Biển Đông thuộc về Trung Quốc rồi sau đó muốn đàm phán gì thì đàm phán.

Riêng tranh chấp bãi ngầm Scarborough bùng nổ từ tháng 4 năm ngoái, hai bên đã có gần 50 lần tham vấn mà không đạt được tiến triển nào, trong khi đó Trung Quốc lại tăng cường xâm nhập và hiện diện bất hợp pháp trên thực địa.

Chính vì thế, ông Fernandez cho biết Philippines sẽ không tiếp tục đàm phán song phương với Bắc Kinh về các đảo tranh chấp trên Biển Đông, mà quyết tâm theo đuổi vụ kiện tại Tòa án Trọng tài Quốc tế.

“Chính phủ Philippines rất vui mừng khi Hội đồng Trọng tài đã chính thức được thành lập và quá trình tố tụng đã bắt đầu. Philippines cam kết sẽ hợp tác đầy đủ với Hội đồng Trọng tài để đảm bảo quá trình tố tụng diễn ra công bằng, vô tư và hiệu quả để đi đến một phán quyết cuối cùng mang tính ràng buộc phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Hernadez tuyên bố.

Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã chỉ định thẩm phán về hàng hải Thomas Mensah, 81 tuổi đến từ Ghana làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài 5 thành viên xem xét vụ kiện.

Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, các thủ tục tố tụng đưa tranh chấp Biển Đông ra trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không làm suy yếu các cuộc tham vấn giữa ASEAN và Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Cách tiếp cận khu vực đối với an ninh hàng hải trên Biển Đông” tổ chức tại Brussels hôm 9.7, ông Rosario cho rằng quá trình xử lý tranh chấp Biển Đông thông qua trọng tài quốc tế không mâu thuẫn với COC vì trọng tài là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bền vững theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)

Ông Albert del Rosario nói thêm, điều này đã được quy định cụ thể trong Phụ lục VII và phần XV của UNCLOS, tuy nhiên “đáng tiếc là Trung Quốc đã từ chối tham gia với Philippines trong những nỗ lực này”.

Phát biểu sau khi có tin phiên tòa xét xử tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông theo đơn kiện của Philippines đã chính thức được khởi động tại The Hague, Hà Lan, ngày 17.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh đã phản bác cáo buộc của Philippines, đồng thời tiếp tục phản đối Manila sử dụng Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) để giải quyết vấn đề.

“Chúng tôi lấy làm tiếc khi Philippines tuyên bố rằng nước này không thể tiếp tục các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc và không bằng lòng trước việc Manila từ chối thương lượng ngoại giao cũng như đóng lại cánh cửa đối thoại”, bà Hoa Xuân Oánh nói.

BDN (biên tập theo tin AP, TN và GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới