Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc đang thúc đẩy liên minh Mỹ - Nhật – Philippines?

Trung Quốc đang thúc đẩy liên minh Mỹ – Nhật – Philippines?

BienDong.Net: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang tạo ra những thay đổi lớn trong khu vực, mà điển hình là việc hình thành trục đồng minh chiến lược Mỹ – Nhật Bản – Philippines. Đó là nhận định của học giả Zachary Keck trong bài viết đăng trên The Diplomat số ra gần đây.

Theo tác giả, khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh, thông thường các quốc gia có 2 cách cân bằng để chống lại nó. Một là cân bằng nội bộ thông qua việc tăng cường khả năng, năng lực của chính mình.

Đây là cơ chế cân bằng được các nước nhỏ theo chủ nghĩa hiện thực lựa chọn vì nó không buộc các nước này phải dựa vào các đồng minh, tránh được nguy cơ bị kẻ khác lôi kéo vào các cuộc chiến.

Tuy nhiên khi sự chênh lệch về sức mạnh giữa một nước với đối thủ của nó quá lớn thì cân bằng nội bộ không thể giúp nước nhỏ chống lại mối đe dọa. Trong trường hợp này, một lựa chọn thực tế nhất là các nước nhỏ sẽ tìm cách liên minh với một bên thứ 3 cũng xem đối thủ mạnh của nó như một mối đe dọa.

Mô hình thứ 2 này đã xuất hiện ở Đông Á khi cả Nhật Bản và Philippines bị cuốn vào tranh chấp hàng hải kéo dài và dữ dội nhất với Trung Quốc trong những năm gần đây.

Sau vụ căng thẳng trên bãi ngầm Scarborough ở Biển Đông hồi năm ngoái với Trung Quốc, Philippines đã công bố kế hoạch hiện đại hóa quân sự với 1,8 tỉ USD và chủ yếu dành cho mua sắm vũ khí.

Tương tự như vậy, ngay sau khi nhậm chức hồi năm ngoái Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên đã tăng ngân sách quốc phòng, mặc dù từ năm 2002 trở lại đây Tokyo đã không tăng chi tiêu quân sự.

Đáng chú ý, một trong những thay đổi được Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ mạnh mẽ là cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trợ giúp các quốc gia đồng minh trong các trường hợp tự vệ.

Vấn đề đặt ra là trong dài hạn các quốc gia đơn phương khó có thể cạnh tranh sức mạnh quân sự với Trung Quốc. Điển hình là Philippines, GDP Trung Quốc năm 2011 cao gấp 30 lần Philippines.

Chính vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Manila quyết định tăng cường năng lực quốc phòng của mình với một chiến dịch vận động tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN cho tới Mỹ, tòa án quốc tế, Nhật Bản và Nga.

Đối với Nhật Bản, mặc dù trước mắt Tokyo có khả năng để bảo vệ Senkaku trước quân đội Trung Quốc, nhưng về lâu dài thì đó là một mối lo ngại đáng kể với Tokyo.

Chấp nhận thực tế này, Nhật Bản đã thận trọng đặt ra chiến lược củng cố và tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Nam Á, đồng minh Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan và Ấn Độ, thậm chí kể cả Trung Đông.

“Chúng tôi phải đối mặt với một tình huống tương tự ở Biển Hoa Đông. Phía Nhật Bản rất quan tâm đến tình hình Biển Đông bởi nó có thể ảnh hưởng đến cục diện Hoa Đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera phát biểu như vậy trong chuyến thăm Philippines mới đây.

alt

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin

Tokyo và Manila thống nhất tăng cường hợp tác trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích hàng hải. Ông Onodera còn khẳng định, Nhật Bản ủng hộ hoàn toàn các nỗ lực của Philippines tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua trọng tài Liên Hiệp Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chuyến công du Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản diễn ra đúng thời điểm Hải quân Mỹ – Philippines đang tiến hành tập trận chung gần bãi ngầm Scarborough với quy mô khá lớn.

Điều đáng lưu ý là sau cuộc họp với Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố Manila đang xem xét xây dựng căn cứ hải quân – không quân tại cảng Subic và Mỹ sẽ được phép tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có căn cứ tại Subic cách Scarborough 124 hải lý.

Không chỉ có vậy, ông Gazmin còn tuyên bố Philippines hoan nghênh các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản tiếp cận các căn cứ quân sự của mình bởi Nhật Bản là “đối tác chiến lược” của Philippines.

Như vậy, theo cách nhìn của học giả Zachary Keck, “Trục liên minh Mỹ – Nhật Bản – Philippines” đã chớm hình thành, cho dù Bắc Kinh không mong muốn.

Trong khi đó các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dường như không ý thức được rằng chính cách hành động của họ đang tạo ra những thay đổi này, thay vào đó họ cho rằng sự thay đổi (ở Châu Á – Thái Bình Dương) là một âm mưu của Mỹ nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc.

Sau Chiến tranh Lạnh, chính quyền Mỹ đã từ chối một chiến lược chống lại Trung Quốc vì họ cho rằng sẽ rất khó khăn để thuyết phục các nước khác tham gia một liên minh kiềm chế Trung Quốc nếu như Bắc Kinh không thực hiện các chiến thuật bắt nạt.

Chỉ có Trung Quốc với chính hành vi của mình mới dẫn đến tình trạng những nước khác liên kết chống lại họ.

BDN (theo GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới