Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng gia tăng trên Biển Hoa Đông

Căng thẳng gia tăng trên Biển Hoa Đông

BienDong.Net: Báo chí Trung Quốc hôm 2.8 khuếch trương sự kiện lần đầu tiên các chiến hạm của Trung Quốc đã đi trọn vòng quanh Nhật Bản, qua các eo biển phía Bắc và phía Nam nước này.

Theo tường trình của tờ China Daily, sau khi tham gia các cuộc tập trận trên biển với Nga ở vùng biển Nhật Bản, 5 chiến hạm của Trung Quốc đã đi ngang qua eo biển Soya giữa đảo Hokkaido (phía Bắc Nhật Bản) và đảo Sakhaline của Nga.

Sau khi ra đến Thái Bình Dương, đoàn chiến hạm này đã hành trình theo hướng Nam, rồi quay trở về cảng Trung Quốc hôm 28.07 qua ngả eo biển Miyako (phía Nam đảo Okinawa của Nhật Bản).

alt 

Chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển phía Bắc Nhật Bản, sau khi tham gia tập trận với Nga (Ảnh Reuters/China Daily)

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xác nhận rằng máy bay tuần tra của họ đã nhìn thấy năm chiến hạm Trung Quốc di chuyển ngang qua khu vực giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, mặc dù những chiếc tàu này không đi vào lãnh hải Nhật Bản.

Đài RFI cho rằng trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Tokyo do tranh chấp chủ quyền trên các đảo ở vùng biển Hoa Đông, sự kiện chưa từng có này mang một ý nghĩa đặc biệt.

Cho tới nay, trên con đường bành trướng thế lực ra Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn đụng phải những « chốt chặn », như Hàn Quốc, Nhật Bản, chưa kể các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Chính vì thế, từ nhiều năm qua, Bắc Kinh vẫn tìm cách phá vỡ các mắt xích này. Tờ China Daily hôm 2.8 dẫn lời một nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói: « Dây xích đó nay đã bị phá vỡ từng mảnh ».

Về phần mình, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) trong một bài xã luận tiếp theo sự kiện này đã nhắc lại rằng cho tới nay Trung Quốc vẫn bị « ép chặt » trong một không gian đại dương bó hẹp, và việc Trung Quốc trở thành một « cường quốc biển » là rất quan trọng. Theo bài báo, chính điều đó sẽ quyết định tương lai của Trung Quốc với tư cách một « cường quốc thế giới ».

Cũng theo RFI, để đáp lại thế thượng phong của hải quân Hoa Kỳ, Bắc Kinh trong những năm qua đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân, chuyển từ một lực lượng hoạt động ven biển (Brown waterwater) thành một lực lượng có thể hoạt động ngoài biển khơi (blue water).

Bài báo báo trích lời một giáo sư Học viện Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng: « Hải quân Trung Quốc phải phát triển thành một lực lượng hải quân “blue water”, bởi vì trong thời đại ngày nay, mọi cuộc tấn công vào Trung Quốc đều xuất phát từ biển ».

Kể từ khi lên lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2013, ông Tập Cận Bình đã cam kết sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của hải quân nước này. Theo chiều hướng đó, vào năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh.

Theo nhận xét của RFI, để « nắn gân » Tokyo, vào cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Bắc Kinh đã phái bốn chiếc tàu thuộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền.

Trước đó, báo chí Trung Quốc thông báo là kể từ nay, toàn bộ các lực lượng hoạt động trên biển: ngư chính, hải quan, hải giám được sát nhập lại thành một lực lượng duy nhất là lực lượng tuần duyên.

Và như vậy, theo RFI, sắp tới đây, số tàu vũ trang trong khu vực sẽ tăng thêm và tăng thêm nguy cơ xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sự kiện lần đầu tiên các chiến hạm Trung Quốc đi trọn vòng quanh Nhật Bản càng gây thêm lo ngại về nguy cơ này.

Cần nhắc lại rằng hôm 26.7, Cục Phòng vệ Nhật Bản đã thông qua dự thảo hoạch định chính sách quốc phòng trung và dài hạn, trong đó có nội dung nâng cao năng lực giám sát biển, thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ để bảo vệ các đảo tranh chấp với Trung Quốc.

Bản dự thảo được BBC trích dẫn cho rằng Nhật Bản nên tăng cường lực lượng hải quân, sử dụng máy bay không người lái giống Global Hawk của Mỹ, thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ, nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, và CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân. Dự thảo còn đề xuất khả năng Nhật Bản tấn công phủ đầu căn cứ của kẻ thù trong trường hợp nước này bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo dự thảo, Nhật Bản cần có những đơn vị đổ bộ có thể được triển khai nhanh chóng đến các đảo xa trong trường hợp cần thiết, và cần thiết bị giám sát hiện đại để “phát hiện sớm những dấu hiệu thay đổi tình hình an ninh”.

Dự thảo cũng kêu gọi tăng cường năng lực để “ngăn chặn và phản ứng với tên lửa đạn đạo một cách toàn diện. “Xem xét lựa chọn tấn công các căn cứ phóng tên lửa của kẻ thù hay không là điều cần thiết. Nhưng chúng tôi không nghĩ đến việc chủ động thực hiện tấn công căn cứ của kẻ thù khi chúng tôi chưa bị tấn công”, Reuters trích lời một quan chức của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nói.

Theo Điều 9 của Hiến pháp hậu chiến tranh, Nhật Bản bị cấm sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, ngoại trừ trong trường hợp tự vệ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây thể hiện quan điểm muốn xét lại Hiến pháp hòa bình và vai trò của Cục phòng vệ, nhằm đáp ứng với sự thay đổi của môi trường an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đảng cầm quyền của ông Abe vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện, đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo này nắm quyền kiểm soát Quốc hội với nhiều quyền lực hơn để định hình lại chiến lược quốc phòng.

alt 

Tàu sân bay DDH – 183 Izumo lớp 22DDH trong lễ hạ thủy

Trong một sự sự kiện khác thu hút sự chú ý của dư luận, ngày 6.8, Nhật Bản đã cho xuống nước chiếc tàu sân bay chở trực thăng lớn nhất kể từ Thế chiến II trị giá 1,2 tỷ USD trong buổi lễ diễn ra tại cảng Yokohama ở phía nam thủ đô Tokyo với sự tham dự của khoảng 3.600 người, trong đó có phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso.

Chiếc tàu chở trực thăng này, mang tên DDH – 183 Izumo, có chiều dài 248m, rộng 38m, lượng giãn nước 19.500 tấn, tải trọng tối đa 27.000 tấn, và có thể chở được 14 trực thăng.

Theo Cục phòng vệ Nhật Bản, chiếc tàu sân bay do chính Nhật Bản chế tạo này trong thời gian ngắn kỷ lục chứng tỏ trình độ công nghiệp quốc phòng của Nhật quả thực xứng đáng đứng hàng đầu thế giới. Nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển và chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Trung Quốc đã ngay lập tức cảnh báo về “sự tái vũ trang” của Nhật sau khi Tokyo cho ra mắt tàu sân bay trực thăng và cũng là tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến II. 

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại về việc Nhật Bản không ngừng tăng cường trang thiết bị quân sự. Xu hướng này khiến các nước láng giềng Châu Á của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế phải cảnh giác cao” – Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố ngay sau khi Nhật Bản cho xuống nước tàu sân bay trực thăng Izumo – “Nhật Bản nên học hỏi từ lịch sử, tuân thủ chính sách tự vệ và tôn trọng lời hứa đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Trong khi đó, tQuân giải phóng và nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc không ngần ngại gọi tàu sân bay trực thăng thế hệ mới 22DDH này là một “tàu sân bay” trá hình.

“Đó là một tàu sân bay và Nhật chỉ gọi đó là “tàu khu trục trực thăng” để nhằm giảm nhẹ đặc tính gây hấn của nó”, China Daily dẫn lời ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc, nhận định. Ông cũng cho rằng Nhật đang tạo ra căng thẳng khu vực bằng cách phá vỡ trật tự thời hậu chiến.

Hồi Thế chiến II, Nhật có một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất Thái Bình Dương. Theo điều khoản đầu hàng năm 1945 trước quân Đồng minh, hiến pháp của Nhật không cho phép nước này trang bị tàu sân bay.

Cũng theo tờ China Daily, thì tàu chiến mới của Nhật lớn hơn nhiều so với tàu sân bay của nhiều nước, xét về chiều dài boong và lượng rẽ nước. Tờ báo dẫn lời Zhang Junshe cho rằng tàu có thể dễ dàng và nhanh chóng tân trang để hỗ trợ cho chiến đấu cơ F35 – B, chiến đấu cơ có khả năng tham chiến mạnh.

BDN (tổng hợp)

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới