Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKinh nghiệm phòng chống xói lở bờ biển của một làng chài...

Kinh nghiệm phòng chống xói lở bờ biển của một làng chài Thái Lan

 

BienDong.Net: Từ hai chục năm trở lại đây, làng Ban Bang Bo Lang, thuộc tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan bị nước biển gây xói lở mạnh.

Đây là một làng chài nhỏ chỉ có chừng 80 hộ dân với trên dưới 400 nhân khẩu vậy mà trước đây đã có 12 hộ dân phải bỏ làng đi tìm nơi định cư mới.

 

Đi tìm phương án chống xói lở

Nhưng không phải ai cũng bỏ đất ra đi. Trước tình trạng xói lở bờ biển, từ năm 2008, dân làng do ông trưởng làng có tên Visoot Nuamsiri từng tìm đến những nơi bị xói lở tương tự ở các vùng biển lân cận xem người ta có biện pháp gì ứng phó hữu hiệu. Cuối cùng họ học được cách dựng nên những hàng rào tre chắn sóng để giảm thiểu tác động của sóng biển, đồng thời tiến hành trồng đước để ngăn chặn biển xâm thực, tạo môi trường cho cua cá vào sinh sống.

 alt

Vị trí tỉnh Samur Songkhram bên vịnh Thái Lan

Dự án của dân làng Ban Bang Bo Lang được trình lên huyện, và đến tỉnh. Tỉnh trưởng Samut Songkhram đã chấp thuận dự án của dân và đồng ý cấp cho họ ngân quĩ 50 ngàn Bath, tức là chưa đến 2000 đô la Mỹ để triển khai dự án lập rào tre chắn sóng biển, và trồng đước bảo vệ bờ biển.

Đến năm 2010, cùng làng Ban Bang Bo Lang còn có thêm 9 làng khác tại vùng Bang Kaeo tham gia phát triển rừng đước. Sau đó Quỷ Nghiên Cứu Thái Lan và Đại học Kasetsart lại đồng ý hỗ trợ tài chính cho hoạt động dựng rào tre chắn sóng tại sáu tỉnh nằm ven vịnh Thái Lan. Làng Ban Bang Bo Lang và 9 làng trong nhóm này được tài trợ 35 triệu bath cho khoảng thời gian 4 năm kể từ năm 2010.

Sau khi có được kinh phí, dân làng bắt tay vào mua tre về và chung sức dựng rào từ tháng 9 năm 2008. Sang đến tháng 12, họ bắt đầu trồng đước sau những lớp rào tre đã được dựng lên.

Vị trưởng làng cho biết đến năm 2013 họ dựng được một hàng rào chắn tre với chiều dài 7 kilomet, sử dụng khoảng 400 ngàn thân tre. Trong thực tế có những nơi sóng mạnh, gió lớn người dân phải làm vài lớp rào tre mới đạt được hiệu quả.

 alt

Sạt lở bờ biển tại một vùng duyên hải Thái Lan

Tại làng Ban Bang Bo Lang, vì không có tre nên dân làng phải mua tre từ những khu vực khác về để dựng rào chắn sóng. Ông Visoot Nuamsiri cho biết một trong những điều kiện mà làng đưa ra với nhà cung cấp tre là cứ 4 kilomet rào tre mà làng mua thì nhà cung cấp phải bỏ tiền ra để xây cho làng 400 mét cầu bê tông đi trong vùng rừng đước của làng. Đây là một sáng kiến được làng đưa ra để kêu gọi các nhà cung cấp tre tham gia góp phần chống sạt lở bờ biển. Mặt khác, do tre bị mục, gãy sau thời gian ngâm nước biển nên cứ sau 3 năm chúng lại cần được thay thế.

Ông Visoot Nuamsiri cho biết sở dĩ làng không sử dụng bao cát, cọc bê tông hay xây bờ kè, đê biển như một số nơi khác từng làm để chống biển xâm thực là vì khi dựng rào tre như thế, các loài sinh vật biển vẫn có thể len qua những thân tre để vào trong rừng đước sinh sống. Mặt khác, cây tre cũng không gây tác động xấu cho môi trường.

Kết quả

Người dân địa phương thừa nhận sau khi làm rào tre chắn sóng để trồng đước thì những loài sinh vật biển sống trong rừng đước ngập mặn cũng đã tăng lên.

Làng Ban Bang Bo Lang có một khu dành riêng cho cua biển vào đẻ trứng và sinh sản. Trong khu đó không ai được bắt cua. Nếu người dân bắt được cua đang có trứng thì số cua này phải được đưa đến khu cua đẻ chờ đến khi cua con nở mới được bắt cua mẹ. Ông trưởng làng chịu trách nhiệm theo dõi và tiếp nhận những chú cua trứng về nơi dành riêng cho chúng. Dân làng buộc phải tuân thủ biện pháp đó nhằm bảo đảm nguồn cua sinh sống trong rừng đước không bị tận diệt.

Trước kia, dân làng Ban Bang Bo Lang cũng từng thực hiện việc trồng đước; thế nhưng gió to, sóng lớn đã đánh bạt những cây đước bé nhỏ mà họ ươm xuống. Nay nhờ lớp rào tre được dựng lên, số đước trồng sau này đã được bảo vệ và phát triển. Những cây đước nhỏ sau sáu tháng đã lên xanh và sau năm năm từ khi dự án được triển khai đến nay đã cao lớn cả thước rồi. Dân làng có thêm những hàng đước mới mỗi lúc một vươn ra xa, không để nước biển xói mòn bờ biển của họ. Tính đến thời điểm tháng 8 năm 2013, diện tích rừng đước của làng lên đến 80 acre.

Sau khi làng Ban Bang Bo Lang thu được một số hiệu quả ban đầu qua việc dựng rào tre chắn sóng, bảo vệ và phát triển thêm rừng đước ở địa phương, một số dân làng từng phải bỏ đi nơi khác trước đây đã quay trở về làng.

Chung tay cộng đồng

Công việc dựng rào tre, trồng đước để bảo vệ đất, chống xói lở tại làng chài ven biển Ban Bang Bo Lang được tiến hành vào thời điểm từ tháng tư đến tháng 10 hằng năm khi nước biển xuống thấp và không có gió bão.

Dân làng làm việc này trên tinh thần tự nguyện, khi được huy động đi làm rào tre, thanh niên, trai tráng và đàn ông trong làng cùng tham gia và làm theo lịch thường kỳ.

Do được ủng hộ, mô hình rào tre chắn sóng ngăn xói lở và giúp phát triển rừng đước ngập mặn ven biển của làng Ban Bang Bo Lang đã phát huy hiệu quả. Làng trở thành một điểm sáng cho hoạt động này. Từ đó nhiều đoàn tình nguyện của học sinh, sinh viên các trường, cũng như thanh niên từ các địa phương khác được đưa đến để tham gia thực hành bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong lĩnh vực này. Đó cũng là lực lượng đáng kể giúp địa phương cùng chăm sóc khu rừng đước mới cũng như cũ của làng.

Dân làng chài Ban Bang Bo Lang không sống trong khu rừng đước đó mà dựng nhà dọc theo con sông chảy ra cửa biển, mỗi nhà đều có thuyền gỗ nhỏ để di chuyển và đánh bắt hải sản ven bờ.

Những căn nhà sàn của dân chài ven sông như thế tại làng Ban Bang Bo Lang ở huyện Mueang, tỉnh Samut Songkhram được xây bằng gỗ hay bê tông nằm sát nhau. Mùi mặn của muối biển và vị tanh của hải sản phảng phất khắp làng với những lưới phơi và thùng ướp hải sản dùng để đưa sản vật của địa phương đi bán ở những nơi khác.

Cuộc mưu sinh của dân làng Ban Bang Bo Lang được bảo đảm hơn khi mà vùng đất của họ nay được rừng đước và những lớp rào tre chắn sóng bảo vệ, ngăn xói lở từ những dòng triều lớn ở Vịnh Thái Lan đánh vào.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Hàng Hải và Tài nguyên Bờ biển của Thái Lan đã công nhận làng Ban Bang Bo Lang là một cộng đồng kiểu mẫu trong công cuộc bảo tồn rừng đước. Ông trưởng làng Visoot Nuamsiri cũng được tuyên dương vì hoạt động được triển khai trong làng từ năm 2008 đến nay với những thành quả cụ thể cho cuộc sống dân làng.

Việc sử dụng tre để làm rào ngăn sóng, chống xói lở và giúp công việc trồng thêm cây đước như ở làng Ban Bang Bo Lang của Thái Lan có thể là một kinh nghiệm bổ ích đối với nhiều địa phương dọc ven biển ở Việt Nam.

Sụy cho cùng, việc bảo vệ và phát triển các khu rừng ngập mặn ven biển là yếu tố cực kì quan trọng trong cuộc chiến chống tình trạng xói lở và tình trạng biển xâm thực đang diễn ra tại hầu khắp các vùng duyên hải trên thế giới.

BDN (biên tập theo RFA)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới