Saturday, September 14, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTàu Trung Quốc lần đầu tiên chở hàng qua Bắc Cực

Tàu Trung Quốc lần đầu tiên chở hàng qua Bắc Cực

BienDong.Net: Một chiếc tàu hàng Trung Quốc trọng tải 19.000 tấn đang thực hiện chuyến hành trình thương mại đầu tiên qua Hành lang phương Bắc ở Bắc Cực, được coi là con đường biển ngắn nhất từ Trung Quốc tới Châu Âu.

Do biến đổi khí hậu làm tan các lớp băng ở Bắc cực, tuyến hàng hải qua Biển Bắc đang trở thành hiện thực, giúp rút ngắn thời gian hành trình bằng tàu biển từ Châu Á sang Châu Âu từ 12 tới 15 tiếng đồng hồ, đồng nghĩa với việc tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí hoạt động cho các công ty tàu biển và nhà sản xuất.

alt 

Tàu Yong Sheng

Tờ China Daily cho biết tàu Yong Sheng thuộc công ty tàu biển Cosco của Trung Quốc đã rời cảng Đại Liên hôm 8.8 đi qua eo biển Bering và bờ biển phía Bắc nước Nga và dự kiến sẽ tới cảng Rotterdam ở Châu Âu sau 33 ngày hành trình.

Theo China Daily, con đường vận chuyển qua Biển Bắc hiện nay giúp các chủ tàu tránh phải được những khu vực bất ổn về chính trị ở cửa ngõ kênh Suez, và giúp rút ngắn hành trình trên biển chừng 7.000 km so với đi qua eo Malacca và kênh đào Suez.

Khoảng 90% hoạt động ngoại thương của TQ sử dụng đường biển, và Bắc Kinh hy vọng tuyến đường mới sẽ giúp phát triển miền Đông Bắc của Trung Quốc.

Theo Rosatomflot, công ty khai thác tàu phá băng của Nga, trong năm 2012 đã có 49 chiếc tàu sử dụng Hành lang phương Bắc, so với 4 chiếc hồi năm 2010.

Tuy nhiên, lưu thông qua con đường mới này vẫn còn rất nhỏ so với các tuyến đường hàng hải truyền thống như kênh đào Suez, nơi tiếp nhận 19.000 chuyến tàu qua lại mỗi năm.

Các số liệu ước tính trước đây cho biết đến năm 2020, khoảng 15% ngoại thương của Trung Quốc sẽ sử dụng tuyến hàng hải qua biển Bắc. Châu Âu là một trong những bạn hàng lớn nhất của TQ, với mức trao đổi 2 chiều lên đến gần 550 tỉ đô la năm ngoái.

alt 

Hành trình trên Biển Bắc (ảnh minh họa)

Mặc dù không có bờ biển nhìn ra biển Bắc, từ lâu Trung Quốc đã nhòm ngó khu vực này cả vì lí do địa chính trị và kinh tế. Từ năm 1999, Trung Quốc đã tiến hành 4 cuộc thám hiểm Bắc cực và năm 2004, trạm nghiên cứu Bắc cực đầu tiên của Trung Quốc mang trên Hoàng Hà đã được thiết lập tại Ny – Aalesund trên quần đảo Svalbard của Na Uy.

Trung Quốc đã tham gia Hội đồng Bắc cực với tư cách quan sát viên độc lập và đang đệ đơn xin làm quan sát viên thường trực.

Theo một số mô hình về biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đưa ra, đến giữa thế kỉ này Bắc Băng Dương sẽ không có băng trong một khoảng thời gian ngắn trong năm. Một số mô hình khác cho rằng điều này có thể diễn ra thậm chí sớm hơn. Nếu như những tuyến hải trình ngắn hơn được mở ra ở Biển Bắc, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng họ cũng phải được sử dụng.

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom (SIPRI), gần một nửa GDP của Trung Quốc phu thuộc vào vận chuyển đường biển.

Chính vì thế, Lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Bắc cực có hai phần. Trước tiên, Trung Quốc có thể ủng hộ quyền chủ quyền và quyền pháp lí của các nước có bờ biển nhìn ra Biển Bắc, chẳng hạn như trong vấn đề liên quan đến thềm lục địa. Tuy nhiên, mặt khác, Trung Quốc lập luận rằng vấn đề Biển Bắc cũng là vấn đề liên khu vực do tình trạng biến đổi khí hậu và vấn đề vận tải hàng hải quốc tế.

Một số người còn cho rằng Trung Quốc muốn Bắc cực cùng với các thủy lộ của nó, dầu lửa và các tài nguyên hơi đốt, khoáng sản và nguồn cá của nó, phải là một vùng lãnh thổ quốc tế, hoặc một di sản chung của loài người.

alt 

Vận chuyển từ cảng Thượng Hải đến Hamburg qua biển Bắc rút ngắn được 6.400 km so với tuyến đường biển phía nam qua eo Malacca và kênh đào Suez

Hồi tháng 6.2009, Trợ lí Bộ trường ngoại giao Trung Quốc Hu Zhengyue, gợi ý rằng Trung Quốc muốn các nước Bắc cực thừa nhận lợi ích của các nước không có bờ biển ở biển Bắc.

Trung Quốc cho rằng Bắc Cực là một di sản chung của loài người và vùng này không được nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của một vài nước nào đó.

Trung Quốc lo ngại rằng một số nước ở cực bắc có thể sử dụng vị trí chiến lược của họ liên quan đến các tuyến đường biển để đánh thuế đối với các tuyến hàng hải, như kênh đào Suez chẳng hạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng con đường hàng hải qua biển Bắc vẫn còn rất nhiều thách thức đối với Trung Quốc.

Cho đến nay còn đường này mới chỉ có thể hoạt động được trong vài tuần trong tháng 8 và tháng 9 (báo chí Trung Quốc cho rằng nó có thể hoạt động được trong 4 tháng). Đến tháng 11, Bắc Băng dương bị đóng băng hầu như hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả trong vài tuần khi băng tan, tàu bè qua lại con đường này cũng gặp nhiều trở ngại do sự tồn tại của các núi băng, chúng buộc tàu phải chạy chậm và đi vòng. Bên cạnh đó là vấn đề làm sao tìm ra lộ trình tốt nhất cho những con tàu trọng tải 70.000 – 100.000 tấn để tránh va vào đá ngầm hoặc mắc cạn, nhất là khi đi qua vùng bờ biển của Nga và eo Bering.

BDN (tổng hợp theo FT, AFP)

RELATED ARTICLES

Tin mới