Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuần đảo Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc và cuộc tranh chấp Nga...

Quần đảo Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc và cuộc tranh chấp Nga – Nhật

BienDong.Net: Nhật Bản và Nga đã tổ chức tham vấn ở cấp chuyên viên tại thủ đô Moscow vào ngày 19.8 để bàn về các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước liên quan đến bốn đảo mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Cuộc gặp có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và người đồng cấp Nga Igor Morgulov.

Cuộc tham vấn diễn ra sau thỏa thuận khởi động các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 4 vừa qua.

Nhật Bản và Nga cũng đã lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin tại Hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Nga vào ngày 5 và 6.9 tới.

Từ năm 1945, quan hệ giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây và với Nga hiện nay vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những bất đồng xung quanh vấn đề chủ quyền của bốn hòn đảo thuộc quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc.

Quần đảo Kuril, nằm ở vùng Sakhalin của Nga, hình thành nên một biển đảo núi lửa kéo dài 1.300 km từ Hokkaidō, Nhật Bản, tới Kamchatka, Nga, phân chia biển Okhotsk với Bắc Thái Bình Dương.

alt

Quần đảo Kuril (ảnh Ria)

Có 56 hòn đảo thuộc quần đảo này và rất nhiều các đá nhỏ khác. Toàn bộ diện tích trên đảo là 15.600 km2. Quần đảo Kuril nằm giữa ngư trường dồi dào và phong phú bậc nhất Thái Bình Dương.

Theo dòng lịch sử

Trong cuộc chiến Nga – Nhật năm 1904 – 1905, Nhật chiếm đóng bờ biển Kamchatka nhưng sau đó bị quân Nga đẩy lùi. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nga cho phép Nhật đánh bắt cá tại vùng biển này theo hiệp định đánh bắt cá kéo dài đến năm 1945.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, quân đội Liên Xô nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Kuril nhưng Nhật vẫn đòi quyền sở hữu 4 hòn đảo ở cực nam là Kunashir, Iturup, Shikotan, và Habomai – được gọi chung là Lãnh thổ phương Bắc.

Có khoảng 19.000 người (dân tộc Nga, Ukraina, Belarus, Tatar, Nivkhs, Oroch) sinh sống tại quần đảo Kuril, chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá.

Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng kinh tế của Nga đã lan tới Kuril. Dấu hiệu cải thiện rõ nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Các công nhân xây dựng đang nỗ lực xây dựng một cầu cảng và một đê chắn sóng ở vịnh Kitovy.

Để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, chính quyền địa phương cũng nâng cấp nhà máy điện ở núi Baransky, nơi có nhiều suối nước nóng.

Hiệp ước hòa bình San Francisco giữa các lực lượng đồng mình và Nhật Bản năm 1951 nói rằng Nhật Bản phải từ bỏ quyền sở hữu các hòn đảo Kuril, nhưng cũng không công nhận chủ quyền của Liên bang Xô Viết đối với quần đảo Kuril.

Tranh chấp chủ quyền nhóm đảo giữa Nga và Nhật khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc tình trạng đối đầu trong Thế chiến II.

Nhật đòi hỏi chủ quyền dựa trên cơ sở Hiệp định Shimoda (1855) và St. Petersburg (1875), theo đó Nga Hoàng công nhận các đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai thuộc chủ quyền của Nhật. Phía Liên Xô cho rằng quần đảo Kuril được người Nga khám phá và định cư sinh sống đầu tiên tại đây, và hai hiệp định nói trên đã bị vô hiệu hóa bởi cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1905 và Hiệp định Porstmouth cũng trong năm đó.

 alt

Ví trí quần đảo Kuril

Sau thế chiến hai, theo Hiệp định Yalta, Liên xô, Mỹ, Anh thống nhất trao cho Liên Xô quần đảo Kuril. Tuy nhiên, phía Nhật cho rằng đây là thoả ước giữa các nước thắng trận, Nhật không được biết vì không tham gia Hiệp định này. Nga cho rằng Hiệp định Yalta là hợp pháp và có giá trị và Nhật là nước khởi đầu thế chiến thứ hai, khi thua trận Nhật phải chấp nhận những hậu quả của nó là hợp lý.

Trong Hiệp ước hoà bình Sanfrancisco năm 1951, Nhật đã từ bỏ chủ quyền của mình đối với Nam Sakhalin và quần đảo Kuril. Nga cho rằng 4 hòn đảo tranh chấp thuộc về quần đảo Kuril. Tuy nhiên, Nhật chỉ coi hai đảo Etorufu và Kunashiri thuộc về quần đảo này còn đảo Shikotan và các đảo Habomai không thuộc về quần đảo Kuril.

Năm 1956, khi Khrushchev chủ trương thúc đẩy chính sách ngoại giao “chung sống hoà bình”. Thủ tướng Nhật Hatoyama tuyên bố sẽ từ chức sau khi ký được hiệp ước hoà bình với Liên Xô đã tạo sự đồng thuận nội bộ, thống nhất quay trở lại lập trường đàm phán mềm dẻo. Tháng 10 năm 1956, Thủ tướng Hatoyama thăm Matxcơva và ký Tuyên bố chung, theo đó Liên Xô đồng ý “chuyển giao” đảo Shikotan và nhóm đảo Habomai cho Nhật ngay sau khi hai nước ký Hiệp ước hoà bình.

 alt

Liệu Nga – Nhật có đạt được giải pháp cho tranh chấp đảo trên cơ sở thỏa hiệp? Ảnh minh họa: foxnews

Tuy nhiên, dưới áp lực của Mỹ, Hatoyama sau đó đã thay đổi lập trường và yêu cầu Liên Xô trao trả cả 4 đảo cho Nhật trước khi hai bên có thể ký Hiệp ước hoà bình. Năm 1979, khi Liên Xô can thiệp vào Afganistan, quan hệ Nhật – Nga lại trở nên căng thẳng.

Năm 1990, trong chuyến thăm Nhật, Yeltsin đã đưa ra kế hoạch năm giai đoạn: (1) Moscow thừa nhận có vấn đề lãnh thổ; (2) Tuyên bố Nam Kuril là vùng đặc quyền kinh tế; (3) Phi quân sự hoá 4 đảo đang tranh chấp; (4) Ký hiệp ước hoà bình; (5) Các thế hệ tương lai giải quyết dứt điểm vấn đề.

Năm 1991, trong chuyến thăm Nhật, người phát ngôn của Xô Viết tối cao đã chuyển tới Thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu bức thông điệp của Yeltsin về chủ trương của Nga từ nay sẽ tiếp cận vấn đề lãnh thổ theo nguyên tắc “luật pháp và công lý”, thay vì coi quan hệ giữa Nga và Nhật là quan hệ giữa một nước thắng trận và một nước bại trận.

Từ đầu năm 1997, quan hệ Nhật – Nga có những bước tiến triển khả quan. Sự hợp tác của phía Nga trong việc điều tra vụ tàu chở dầu của Nga bị đắm ở biển Nhật Bản tháng 1 – 1997 đã tác động tích cực lên tâm lý lãnh đạo Nhật. Không lâu sau đó, tháng 3 – 1997, Thủ tướng Nhật Hashimoto đã bày tỏ sự ủng hộ của Nhật đối với việc Nga trở thành thành viên của nhóm G7.

Nhật cũng tích cực ủng hộ nỗ lực của Nga gia nhập APEC và WTO. Đáp lại thiện ý của Nhật, Tổng thống Nga Yeltsin đã tuyên bố trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 tại Denver tháng 6 – 1997 là tên lửa của Nga không còn chĩa vào Nhật, Nga không phản đối việc nâng cấp Hiệp định An ninh Mỹ – Nhật và Nga ủng hộ Nhật trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Những quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật là một trong những nhân tố dẫn đến bước đột phá trong quan hệ song phương. Cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tại Krasnoyarsk giữa Hashimoto và Yeltsin đã đánh dấu bước chuyển lịch sử trong quan hệ Nhật – Nga với quyết tâm của hai nước ký được Hiệp định hoà bình vào trước năm 2000, nhưng đã không thành.

Cơ hội mới

Tháng 4 – 1998, trong cuộc gặp không chính thức tại Kawana (Nhật) Hashimoto đã đề nghị một giải pháp đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Nga. Theo đó, Nga trao lại chủ quyền cả 4 hòn đảo tranh chấp cho Nhật, Nhật công nhận quyền quản lý hành chính tạm thời của Nga đối với 4 hòn đảo này, nhưng sau đó không được công bố.

Nga cho rằng: “Do Nhật Bản luôn mô tả khu vực Nam Kuril là bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp, nên Moscow thấy cần phải nhắc Tokyo rằng các đảo nói trên là lãnh thổ của Nga do các dàn xếp quốc tế sau chiến tranh và được ghi nhận trong hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Tuy nhiên, sau thời kỳ căng thẳng (2010 – 2011) với chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới đảo Kunashiri, quan hệ giữa Nga và Nhật đang trở nên nồng ấm hơn do lợi ích hai bên có nhiều điểm tương đồng. Nếu như Liên Xô trước đây đã không quan tâm đầy đủ tới vùng lãnh thổ phía Đông thì nay Nga lại chủ trương “hướng Đông” nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên góp phần phát triển kinh tế, tăng cường vị thế quốc tế của mình.

Với diện tích 13 triệu km², Siberia và vùng Viễn đông chiếm tới 77% lãnh thổ Nga và rất giàu tài nguyên khoáng sản, bao gồm gần như tất cả các kim loại quí hiếm. Tiềm năng to lớn này sẽ được khai thác có hiệu quả hơn khi quan hệ Nga – Nhật có tiến triển tốt đẹp. Cần nhấn mạnh rằng Nga có nhu cầu thực sự nâng cấp quan hệ toàn diện với Nhật Bản. Trong quá trình thúc đẩy các chương trình hiện đại hóa nước Nga, ban lãnh đạo Nga đặt mục tiêu thành lập thị trường thống nhất từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương; tạo ra những khả năng mới để kinh doanh sáng tạo và đầu tư dài hạn; thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; áp dụng các cơ chế chuyển giao công nghệ, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng. An ninh năng lượng của Nga gắn bó một cách đáng kể với sự phát triển các khu vực miền cực. Tích cực tạo dựng cục diện ngoại giao năng lượng “đa dạng hóa”, Nga đã thúc đẩy hợp tác năng lượng song phương và đa phương với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo số liệu công bố năm 2007 của Bộ Tài nguyên Nga, trữ lượng khí đốt của Nga chiếm 30% tổng trữ lượng toàn cầu, dầu mỏ chiếm 10% tổng trữ lượng của thế giới. Trong 30 năm tới, nhu cầu năng lượng của Châu Á – TBD sẽ tăng lên cao hơn mức bình quân của thế giới. Đó là một trong các nguyên nhân quan trọng của việc Nga tích cực triển khai ngoại giao năng lượng với khu vực Châu Á – TBD. Các chương trình hợp tác năng lượng Nga – Trung đã đưa Trung Quốc lên hàng đối tác chính tại Đông Bắc Á, nhưng vẫn chưa tiếp cận được nhân tố Nhật Bản. Trong khi trên 50% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông, thì của Nhật Bản gần như 100%.

Đối với Nga, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản cùng với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến là một yếu tố quan trọng. Matxcơva muốn nâng trao đổi thương mại song phương với Tokyo. Kim ngạch trao đổi hai bên đạt 32 tỷ đô la vào năm ngoái. Tuy là hai láng giềng gần nhưng Nga chỉ là đối tác thương mại đứng hàng thứ 15 của Nhật Bản.

Mở rộng quan hệ kinh tế với Nhật Bản còn giúp Nga có một đối trọng với Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế khu vực Siberi – Viễn Đông. Nga không muốn hợp tác một bề với Trung Quốc. Một trong nguyên do là để hạn chế tình trạng bành trướng dân số Trung Quốc sang miền Viễn Đông, hiện nay lên tới hàng chục triệu người, bằng di cư bất hợp pháp hoặc hợp pháp (thông qua các quan hệ hôn nhân). Chính vì thế có người đã đặt câu hỏi: Phải chăng những động thái ngoại giao cứng rắn của phía Nga là nhằm tăng sức ép để thúc đẩy Nhật Bản có những bước đi sáng tạo và đột phá trong quan hệ với Nga?

Đối với Nhật, vùng lãnh thổ phương Bắc có ý nghĩa tâm lý và thể diện dân tộc nhiều hơn, bởi chừng nào những đảo này còn nằm trong tay Nga thì Nhật Bản còn cảm thấy gánh nặng của một quốc gia bại trận. Nếu Tokyo không vượt qua được gánh nặng này và không thoả hiệp để tiến tới một giải pháp thì những lợi ích to lớn, lâu dài của họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhật cần nhập năng lượng từ Nga, nhất là sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Cải thiện quan hệ với Nga, Nhật sẽ có cơ hội để đóng một vai trò đặc biệt trong sự chuyển đổi của nước Nga. Mặt khác, Nhật Bản cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Cải thiện quan hệ với Nga được coi là nằm trong sự điều chỉnh chính sách chung của Nhật theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ như trước đây, qua đó tăng cường vị thế của Nhật trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra Nhật cũng muốn giảm nhiệt trong quan hệ với Nga sau những căng thẳng gần đây vì tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga có thể được giải quyết trên cơ sở của sự thỏa hiệp, vì vậy không ai trong số các bên cảm thấy thất bại”.Yoshiro Mori, đại diện của Thủ tướng Nhật Bản đã quả quyết như vậy khi ông nói chuyện với sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcova đầu năm nay. Dư luận đang kỳ vọng vào bước “đột phá” trong giải quyết vấn đề Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc xuất phát từ lợi ích chiến lược của cả Nga và Nhật. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo hai nước có thể vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc để lật sang một trang mới các quan hệ song phương của họ, phù hợp với các biến chuyển mau lẹ của tình hình khu vực và thế giới hay không?

BDN (tổng hợp theo ND và VOR và BBC)

RELATED ARTICLES

Tin mới