Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC CỦA TRUNG QUỐC THÚC GIỤC ẤN ĐỘ TĂNG...

HÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC CỦA TRUNG QUỐC THÚC GIỤC ẤN ĐỘ TĂNG CƯỜNG SỰ HIỆN DIỆN Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc nhằm khống chế, độc chiếm Biển Đông, không chỉ Mỹ, Nhật mà cả Ấn Độ cũng đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.

Ấn Độ có lực lượng hải quân lớn thứ 5 trên thế giới; Ấn Độ đã tự đóng được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vừa hạ thủy một tàu sân bay tự nghiên cứu chế tạo.

Tầu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo mang tên Arihant có chiều dài 111m, rộng 11m và cao 15m, dự kiến sẽ được trang bị tên lửa K – 15 với tầm bắn 700km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Chiếc tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ thiết kế, chế tạo mang tên INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn, dài 260m, có thể được dùng cho các loại máy bay chiến đấu của Nga MiG – 29K, cũng như loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA của Ấn Độ hay các loại phi cơ trực thăng. Ấn Độ có kế hoạch đóng thêm 2 tàu sân bay và 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân.

Mặc dù, Ấn Độ là cường quốc lớn về hải quân và có lợi ích lớn về tự do, an ninh hàng hải ở Biển Đông (gần 55% khối lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua eo biển Malacca), nhưng Trung Quốc luôn tìm mọi cách ngăn cản việc Hải quân Ấn Độ đóng một vai trò tích cực ở Biển Đông và phản đối hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần quấy nhiễu tàu chiến của Ấn Độ ở Biển Đông. Tháng 7/2011, Hải quân Trung Quốc đã xấc xược đánh điện tín yêu cầu một tàu Hải quân Ấn Độ rời khỏi “vùng biển tranh chấp” ở Biển Đông, sau khi tàu này hoàn thành một chuyến ghé thăm cảng tại Việt Nam. Tiếp đó, tháng 6/2012 tàu chiến Trung Quốc còn “hộ tống” một tàu hải quân Ấn Độ trong khi đang trên đường từ Philippines sang Hàn Quốc. Trung Quốc còn lên tiếng phản đối việc Tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại lô 128 trên thềm lục địa Việt Nam.

Quan điểm của Ấn Độ trên vấn đề Biển Đông khá giống với quan điểm của Mỹ, Nhật và các nước Châu Âu…. Ấn Độ ủng hộ việc duy trì hoà bình ổn định, đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; phản đối các hành động sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hoặc gây áp lực, cưỡng ép trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; ủng hộ việc khai thác tài nguyên hợp pháp ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ấn Độ phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ việc các quốc gia ven Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc ở Biển Đông. Chính vì lẽ đó, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ kiên trì triển khai các hoạt động hợp tác dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam. Lãnh đạo Hải quân Ấn Độ còn nhiều lần khẳng định sẵn sàng đưa tàu chiến vào Biển Đông để bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông.

Ngoài việc bảo đảo cho tự do và an ninh hàng hải ở và tiếp cận các nguồn năng lượng ở Biển Đông, Ấn Độ lo ngại việc Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” có thể tạo tiền lệ xấu cho những hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Do vậy, lợi ích lớn hơn của Ấn Độ trong việc tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông là để ngăn chặn những hành động hung hăng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông “lan sang” Ấn Độ Dương.

Việc Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh chiến lược xây dựng cường quốc biển đang tạo ra mối lo ngại lớn cho Ấn Độ. Với việc triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai trên biển” của Trung Quốc thì sau khi họ khống chế được Biển Đông thì sẽ vươn tới những vùng biển xa hơn mà mục tiêu đầu tiên chắc là Ấn Độ Dương. Điều này sẽ đe doạ các lợi ích trên biển của Ấn Độ. Các hành động và cách hành xử gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông có thể là một dấu hiệu cho thấy cách ứng xử tương lai của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Không loại trừ khả năng sau một thời gian nữa, Trung Quốc sẽ coi việc bảo vệ các tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương là “lợi ích cốt lõi” như họ đã làm với Biển Đông năm 2010 và đối với biển Hoa Đông thời gian gần đây.

Mặt khác, giữa Ấn Độ và Trung Quốc có tồn tại và tranh chấp rất lớn trên khu vực biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động quấy phá trên vùng biên giới với Ấn Độ, đồng thời thường xuyên sử dụng con bài Pakistan để chống phà Ấn Độ. Nếu Trung Quốc trở thành một cường quốc biển thì Trung Quốc sẽ càng lấn lướt Ấn Độ và là thách thức lớn cho Ấn Độ thực hiện khát vọng trở thành cường quốc hải quân của Ấn Độ. Do vậy, việc Ấn Độ tăng cường sức mạnh Hải quân cũng bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Lo ngại những gì đang xảy ra ở Biển Đông sẽ tái diễn ở Ấn Độ Dương, New Delhi buộc phải can dự vào Biển Đông để có thể ngăn chặn trước kịch bản những hành vi cứng rắn, quyết liệt của Trung Quốc tái diễn ngay ở Ấn Độ Dương – nơi được coi là khu vực sân sau của Ấn Độ. Một thuận lợi cho Ấn Độ trong việc triển khai chính sách “hướng Đông”, tăng cường hiện diện ở Biển Đông là việc Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược tốt với Việt Nam, nước đang bị Trung Quốc o ép trên vấn đề Biển Đông.

Bên cạnh việc tăng cường tiềm lực hải quân và gia tăng sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông, Ấn Độ đang tích cực phối hợp với Nhật Bản, Mỹ để thiết lập các cơ chế đa phương bảo đảm tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông nhằm ngăn chặn và kiềm chế, không để Trung Quốc ngang nhiên hoành hành ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới