Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPHÂN TÍCH PHÁP LÝ VỀ YÊU SÁCH CÁC QUYỀN LỊCH SỬ CỦA...

PHÂN TÍCH PHÁP LÝ VỀ YÊU SÁCH CÁC QUYỀN LỊCH SỬ CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Những biến động gần đây được tạo nên bởi các yêu sách mang tính đối kháng về chủ quyền của nhiều nước đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông (hoặc Biển Nam Trung Hoa) đang làm sống lại học thuyết “các quyền lịch sử”.4

Mặc dù thuật ngữ “các quyền lịch sử” (thuật ngữ này nhiều khi được sử dụng trong bối cảnh kết hợp với các thuật ngữ khác có nguồn gốc từ tiếng Đức, ví dụ như “vùng nước lịch sử” hoặc “danh nghĩa lịch sử”) thường được thấm đẫm ở một mức độ nhất định sự lẫn lộn và mâu thuẫn trong luật pháp quốc tế, dường như chúng đang giữ một vai trò quan trọng trong lập luận từ phía các quốc gia đang có yêu sách về chủ quyền ở khu vực này, đặc biệt là từ phía nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Sự mập mờ trong cách Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ pháp lý đang đặt ra câu hỏi liệu có phải đây là thời điểm mà tính mơ hồ lẫn lộn của các thuật ngữ pháp lý này đang được sử dụng như là một công cụ trong các chiến lược vì ý đồ chính trị.

Ngày 07/5/2009, Trung Quốc đã gửi 2 công hàm ngoại giao lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc, trong đó nước này tuyên bố rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước phụ cận, và có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước có liên quan cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó”.5 Để hỗ trợ cho tuyên bố này, Trung Quốc đã đưa ra bản đồ Biển Nam Trung Hoa, trong đó có một đường kỳ dị gồm 9 đoạn đứt quãng bao trọn hầu như tất cả các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và toàn bộ các vùng nước trong đó (dưới đây gọi là đường 9 đoạn hay đường chữ U). Giống như nội dung công hàm ngoại giao của Trung Quốc, đường 9 đoạn này như là sự minh họa cho phạm vi yêu sách của nước này ở Biển Đông.

Tuyên bố ngày 07/5/2009, mặc dù có nội dung chủ yếu là nhắc lại yêu sách đã được Trung Quốc nêu ra nhiều lần từ những năm 50, dường như đã làm trầm trọng và gay gắt hơn tình hình căng thẳng trong khu vực. Các nước như Indonesia, Philipin và Việt Nam đã phê phán gay gắt quan điểm pháp lý của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã đưa ra một yêu sách phi lý dựa trên hai trụ cột lung lay, cụ thể là: danh nghĩa lịch sử đối với Biển Nam Trung Hoa và bản đồ đường 9 đoạn.

Biển Đông là biển nửa kín nằm ở phía Nam của Trung Quốc và Đài Loan, phía Đông của Việt Nam, phía Tây của Philipin và phía Bắc của Malaysia và Brunei. Biển Đông có hàng trăm cấu tạo địa chất (đảo, đảo nhỏ, bãi cạn, đá, bãi ngầm, bãi đá), phần lớn là không có người sinh sống. Hai nhóm đảo quan trọng nhất là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, sau đó là quần đảo Pratas và bãi cạn Macclessfield.

Các đảo ở Biển Đông là đối tượng tranh chấp chủ quyền của các yêu sách đối kháng về chủ quyền giữa các quốc gia ven Biển Đông từ nhiều thập kỷ nay. Trung Quốc, cùng với Đài Loan, là nước có yêu sách lớn nhất về chủ quyền đối với khu vực này, cụ thể nước này đưa ra yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo ở Biển Đông (bao gồm cả vùng nước bao quanh chúng), một khu vực biển nằm cách xa hàng trăm dặm về phía Nam và phía Đông với Hải Nam, tỉnh cực Nam của nước này. Yêu sách này được Trung Quốc lặp đi lặp lại, và đã được chính thức hóa từ năm 2009 dựa trên cái gọi là tấm bản đồ “đường chữ U”. Để hỗ trợ cho yêu sách này, những người đề xuất ra nó đã nhiều lần nhấn mạnh rằng yêu sách này dựa trên học thuyết “các quyền lịch sử”.6 Nói ngắn gọn nhất thì dường như Trung Quốc yêu sách rằng họ có chủ quyền đối với phần lớn không gian ở BĐ, bởi vì chủ quyền này đã được xác lập như là kết quả của một sự hiện diện lâu dài về mặt lịch sử của Trung Quốc và sự thực thi quyền lực nhà nước trong khu vực biển này.

Yêu sách lớn thứ hai là của Việt Nam và nước này có yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Yêu sách này gần đây đã được tái khẳng định trong công hàm ngày 03/5/2011 của Việt Nam gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc.7 Philipin chỉ đưa ra yêu sách đối với khu vực phía Tây của Trường Sa, được biết dưới tên gọi Nhóm đảo Kalayaan (KIG).8 Malaysia và Brunei có các yêu sách hạn chế tương tự chỉ bao gồm một phần của Trường Sa gần với bờ biển tương ứng của các nước này.

Các yêu sách đối kháng này dĩ nhiên là tạo ra những căng thẳng, mà có thể dễ dàng được giải thích bởi tầm quan trọng về chiến lược của Biển Đông đối với toàn bộ khu vực, trước tiên là trữ lượng đáng kể về tài nguyên thiên nhiên (dầu và khí) trong lòng đất dưới đáy biển của Biển Đông.9 Đây cũng là khu vực có các tuyến đường biển chính và cũng là ngư trường cung cấp thực phẩm cho cuộc sống của hàng triệu con người, cũng như các sản phẩm xuất khẩu có giá trị trong khu vực.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào yêu sách của Trung Quốc nhằm mục đích tìm hiểu phạm vi của yêu sách và đánh giá thực chất lập luận về cái gọi là “các quyền lịch sử” của nước này dưới ánh sáng của các nguyên tắc pháp lý đã được xác lập của Công pháp quốc tế. Mục đích chính của chúng tôi là đưa ra đánh giá có tính chất thăm dò về tính thích đáng có thể có của lập luận này nếu nó được Trung Quốc đưa ra trước một cơ chế tài phán có thẩm quyền áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế có tính ràng buộc.

Nghiên cứu của chúng tôi được chia làm 2 phần: trong phần 1, chúng tôi sẽ xác định phạm vi yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc như chúng được thể hiện trong thực tiễn của quốc gia này và trong các nghiên cứu của các học giả; phần 2 sẽ đưa ra phân tích đầy đủ và đánh giá thực chất về quan điểm pháp lý của Trung Quốc.

  1. 1.PHẠM VI YÊU SÁCH “CÁC QUYỀN LỊCH SỬ” CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

Bước thứ nhất trong phân tích của chúng tôi là xác định phạm vi yêu sách được nêu trong quan điểm chính thức của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc tóm lược phạm vi các yêu sách của Trung Quốc, trước khi xem xét đến các nguyên tắc pháp lý mà dường như Trung Quốc đã dựa vào đó để hỗ trợ cho yêu sách này.

Phạm vi yêu sách của Trung Quốc

Vì mục đích xác định chính xác phạm vi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trước hết cần phải xem xét nội dung các tuyên bố chính thức của Trung Quốc trên bình diện quốc tế trong những thập kỷ qua. Vì mục đích đem lại một sự rõ ràng, chúng tôi sẽ xem xét một cách riêng rẽ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách về vùng biển.

  1. A.Một yêu sách lãnh thổ quá rộng

Yêu sách chính thức lần đầu tiên đối với gần như toàn bộ các đảo ở Biển Đông được đưa ra vào năm 195810, vào thời điểm cao trào của quá trình pháp điển hóa các công ước thuộc thế hệ thứ nhất về luật biển.11 Mặc dù Trung Quốc không tham gia các công ước này, tuy nhiên nước này đã tận dụng thời điểm này để đưa ra các yêu sách biển riêng của họ và bằng cách này cả yêu sách về chủ quyền lãnh thổ.

Trong tuyên bố chính thức ngày 4/9/1958, Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền của mình đối với hầu hết các đảo ở Biển Đông trong đó có Pratas (Đông Sa), Paracels (Tây Sa), bãi cạn Maccesfield (Trung Sa) và Spratly (Nam Sa):

1. Bề rộng lãnh hải của nước CHND Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này được áp dụng đối với tất cả các lãnh thổ của nước CHND Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc lục địa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo xung quanh, các quần đảo Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc về Trung Quốc và được ngăn cách với đất liền và các đảo ven bờ bởi biển cả”.

Yêu sách chủ quyền lãnh thổ được nêu trong tuyên bố này được duy trì ổn định cho đến ngày hôm nay và được tái khẳng định nhiều lần. Ngày 25/2/1992, Trung Quốc đã thông qua Luật về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp, Điều 2 Luật này quy định như sau:

“Lãnh thổ đất của Nước CHND Trung Hoa bao gồm lục địa và các đảo ngoài khơi, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, Tây Sa, Nam Sa (Spratly) và các đảo khác thuộc về nước CHND Trung Hoa”.

Ngoại trừ bãi cạn Macclesfield không được nêu rõ ràng, Trung Quốc đã nhắc lại yêu sách chủ quyền của mình đối với các đảo ở BĐ, bao gồm các quần đảo Pratas (Đông Sa), Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa).

Yêu sách này được tái khẳng định khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS năm 1996 bằng cách viện dẫn rõ ràng đến Luật năm 1992.12

Trong các công hàm từ năm 2009 đến 2011 sau khi VN và Malaysia nộp các báo cáo chung và riêng lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Trung Quốc đã tái khẳng định yêu sách của mình và làm cho nó mở rộng hơn nữa bằng cách tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và vùng nước phụ cận…”.

  1. B.Các yêu sách vùng biển không rõ ràng

Như đã nói ở trên, một phần yêu sách biển của Trung Quốc xuất phát trực tiếp từ yêu sách chủ quyền: bằng cách áp dụng các nguyên tắc của UNCLOS đối với các đảo có yêu sách chủ quyền (chủ yếu là Hoàng Sa và Trường Sa), Trung Quốc gần đây đã tuyên bố một cách rõ ràng nước này không chỉ yêu sách đối với lãnh hải và vùng tiếp giáp xung quanh các đảo, mà đòi hỏi cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa.13 Tuyên bố này đương nhiên tạo ra vấn đề lớn vì dường như Trung Quốc đã không phân biệt giữa các cấu tạo địa chất đáp ứng tiêu chuẩn được coi là “đảo” theo nghĩa của thuật ngữ này theo UNCLOS để có quyền có đầy đủ EEZ và thềm lục địa với các cấu tạo được coi là “đá” (rock) 14 và như vậy chỉ có quyền có nội thủy và lãnh hải.15

Ngoài ra, một sự không rõ ràng ở mức độ lớn hơn được Trung Quốc thể hiện thông qua việc đưa ra bản đồ đường 9 đoạn, kết hợp với việc viện dẫn đến khái niệm “vùng nước lịch sử”. Như chúng tôi sẽ trình bày dưới đây, một sự không rõ ràng đang tồn tại liên quan đến một câu hỏi liệu có phải bản đồ này có chức năng xác định phạm vi các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách hay không. Nếu quả thực bản đồ này có chức năng như vậy thì vẫn còn tồn tại sự không rõ ràng liên quan đến các tọa độ địa lý của đường này. Hơn nữa, đường 9 đoạn dường như có ám chỉ rằng trong một số khu vực nhất định, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Trung Quốc đã làm tăng thêm sự mập mờ khi trong công hàm ngoại giao ngày 14/4/2011 (tuyên bố chính thức gần nhất của Trung Quốc) họ không nói gì đến toàn bộ đường 9 đoạn.

Kết quả là, toàn bộ phạm vi yêu sách biển của Trung Quốc vẫn duy trì ở trạng thái chính là không rõ ràng. Những giải thích dưới đây sẽ là những giải thích mà chúng tôi có thể đưa ra về yêu sách nêu trong quan điểm chính thức của Trung Quốc.

Những luận cứ pháp lý biện minh cho yêu sách của Trung Quốc

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện cơ sở cho yêu sách chủ quyền rộng lớn của mình ở Biển Đông dưới các ngôn ngữ pháp lý một cách rõ ràng. Hệ quả là, người ta chỉ có thể giải mã lối suy luận pháp lý giấu diếm này hoặc là cố gắng suy đoán về ý nghĩa của các tuyên bố chính thức của Nhà nước Trung Quốc và cách hành xử của Nhà nước này, hoặc là thông qua việc viện dẫn đến các nghiên cứu pháp lý của các học giả Trung Quốc ủng hộ yêu sách chính thức.

Đầu tiên, chúng tôi có thể nói với một mức độ chắc chắn nhất định rằng quan điểm của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông dựa trên một nhận thức rằng nước này nhất định cần phải được hưởng một loại quyền nào đó dựa trên cơ sở lịch sử.

Nhận thức này dựa trên một phần các tuyên bố chính thức của Trung Quốc và thực tiễn của nước này, nhưng trực tiếp là dựa trên các công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc nhằm đưa ra các lập luận pháp lý hỗ trợ cho các yêu sách của nước này. Trong bối cảnh này, nhiều cụm từ viện dẫn đến lịch sử đã được sử dụng như: “các quyền lịch sử”16, “các quyền mang tính lịch sử”17, “danh nghĩa lịch sử”18, “vùng nước lịch sử”19.

Tuy nhiên, cách sử dụng ngôn từ như vậy dẫn đến một loạt câu hỏi. Đặc biệt là câu hỏi về tính chính đáng về mặt pháp lý của các yếu tố lịch sử trong quan điểm của Trung Quốc? Nói một cách tổng quát hơn, có phải Chính phủ Trung Quốc, bằng cách sử dụng các thuật ngữ một cách mập mờ và thay thế cho nhau, đang cố tình tạo dựng phạm vi ngoại biên cho các yêu sách chủ quyền hoặc yêu sách vùng biển, hay cả hai loại yêu sách này?

Chúng tôi sẽ xem xét các yêu sách chính thức của Trung Quốc dựa trên bản đồ đường 9 đoạn và sau đó sẽ xem xét đến các nghiên cứu của các học giả Trung Quốc nhằm mục đích tìm ra những yếu tố khả dĩ có thể giúp làm sáng tỏ cơ sở pháp lý trong các yêu sách của Trung Quốc.

  1. A.Các yêu sách chính thức

1958 – 1996: Không có lập luận biện minh

Như đã nói ở trên, lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện một cách rõ ràng đòi hỏi của mình ở Biển Đông trên bình diện quốc tế là ngày 04/9/1958 trong “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Quốc”.

Mặc dù khoản 1 nói rằng Trung Quốc coi các quần đảo Đông Sa, Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc về mình, nhưng tuyên bố này không đưa ra bất kỳ giải thích pháp lý nào. Mục đích duy nhất của tuyên bố này là xác định phạm vi chủ quyền của Trung Quốc như là một sự kiện đương nhiên.

Tương tự, trong Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ lặp lại quan điểm của mình về vấn đề chủ quyền đối với các cấu tạo đất ở Biển Đông (xem Điều 2) và vùng nước xung quanh chúng, mà không đưa ra bất kỳ một sự giải thích nào về cơ sở pháp lý cho quan điểm này.

Một lần nữa, trong Tuyên bố năm 1996 khi phê chuẩn UNCLOS, Trung Quốc lại nhắc lại yêu sách của mình bằng cách viện dẫn đến Điều 2 Luật 1992 mà không đưa ra bất kỳ một giải thích nào thêm.

1998: Viện dẫn chính thức đầu tiên đến các yếu tố lịch sử

Viện dẫn chính thức đầu tiên đến các quyền lịch sử20 được nêu trong Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được Trung Quốc ban hành ngày 26/6/199821. Trong khi mục tiêu chính của luật này là nhằm khẳng định các quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với EEZ và thềm lục địa, và cụ thể hóa các quyền này, thì Điều 14 quy định rằng “Các quy định của Luật này không ảnh hưởng đến các quyền mang tính lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Hãy gạt sang một bên sự khác biệt có thể giữa cụm từ gốc Đức “các quyền mang tính lịch sử” và “các quyền lịch sử”, Điều 14 rõ ràng cho thấy Trung Quốc tin rằng họ được hưởng một số quyền nào đó có liên quan đến chủ quyền biển của họ dựa trên các yếu tố lịch sử. Tuy nhiên, ý nghĩa chính xác của điều 14 vẫn chưa được làm rõ và dẫn đến những cách giải thích khác nhau và có thể dẫn đến suy đoán phải chăng mục đích của điều này là nhằm ám chỉ đến các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông22.

Theo một học giả Việt Nam, dường như “Điều khoản này có ý ám chỉ đến các lợi ích khác mà Trung Quốc có yêu sách, chẳng hạn như các quyền đánh cá truyền thống trong các vùng biển của các quốc gia khác và đường khúc 9 đoạn đòi hỏi khoảng 80% diện tích Biển Đông”.23 Tương tự, một trong những cách giải thích bởi Zou Keyuan đó là “một số khu vực biển mà ở đó Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử sẽ vượt quá giới hạn 200 hải lý”.24 Xét về sự kiện, Việt Nam đã chính thức đưa ra phản đối của mình đối với Luật năm 1998 của Trung Quốc, trong đó nói rằng “Việt Nam không công nhận bất kỳ cái gọi là “các quyền lợi lịch sử” không phù hợp với luật pháp quốc tế và xâm phạm đến chủ quyền, các quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong các vùng biển và thềm lục địa của mình ở Biển Đông như được nói tới tại Điều 14”.25

Thậm chí nếu giả định rằng Điều 14 chỉ dẫn đến các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc như được nói đến trong Luật 1992 về Lãnh hải, việc viện dẫn đến khái niệm “các quyền lịch sử” cũng khó có thể tạo ra bất kỳ một sự giải thích nào về việc có thể sử dụng học thuyết này như thế nào để hỗ trợ cho quan điểm của Trung Quốc. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, một ngôn từ như vậy sẽ có hệ quả là làm xóa nhòa sự khác biệt giữa các yêu sách biển (mà “các quyền lịch sử” có truyền thống được áp dụng) và các yêu sách chủ quyền lãnh thổ (mà Trung Quốc có thể đang tìm cách áp dụng vào).

Các tuyên bố năm 2009 và 2011

Các tuyên bố sau này của Trung Quốc cũng đem lại rất ít sự giải thích và làm rõ ràng cơ sở pháp lý cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 07/5/2009, nhằm phản bác lại Báo cáo của Việt Nam và Malaysia gửi Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách trong một giọng điệu mang tính chất mệnh lệnh rằng họ “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và vùng nước phụ cận”, nhưng một lần nữa lại không đưa ra được luận giải pháp lý nào cho một yêu sách như vậy. Thứ duy nhất mà Trung Quốc đưa ra để hỗ trợ cho yêu sách này là “bản đồ 9 đoạn” đính kèm theo công hàm. Chúng tôi sẽ trình bày dưới đây những hệ lụy từ việc Trung Quốc dựa trên bản đồ này.

Sau khi Philipin đưa ra công hàm riêng của mình năm 2011 phản đối công hàm của Trung Quốc, Trung Quốc đã đưa ra công hàm ngày 14/4/2011, trong đó nhắc lại yêu sách của mình và nói rằng “chủ quyền của Trung Quốc và các quyền có liên quan và quyền tài phán ở Biển Nam Trung Hoa được dựa trên các bằng chứng phong phú về lịch sử và pháp lý”. Trung Quốc cũng nói thêm rằng, “trước những năm 1970, Cộng hòa Philippines chưa bao giờ đưa ra bất cứ yêu sách nào đối với các đảo của Nam Sa hoặc bất kỳ bộ phận nào của chúng” và “từ những năm 1930, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần công bố phạm vi địa lý các đảo thuộc Nam Sa và tên của các bộ phận của chúng”. Một lần nữa, công hàm này có nội dung rất mập mờ để có thể đưa đến bất kỳ một kết luận nào về lập luận pháp lý ẩn chứa trong đó, tuy nhiên công hàm này đã khẳng định cách nhìn của Trung Quốc theo đó phạm vi yêu sách chủ quyền của họ cần phải được xem xét dựa trên các bằng chứng lịch sử.

Phù hợp với các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, Wu Shicun, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Hải (một viện nghiên cứu có mối liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc) đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng “quan điểm được chấp nhận rộng rãi” ở Trung Quốc… đó là tất cả các đảo nằm bên trong đường lưỡi bò thuộc về Trung Quốc, và Trung Quốc có các quyền lịch sử, bao gồm cả quyền đánh cá trong các vùng nước xung quanh”.26 Trong khi thuật ngữ được sử dụng trong phát biểu này khó có thể được xem xét một cách chặt chẽ về phương diện pháp lý, việc viện dẫn được lặp đi lặp lại về “các quyền lịch sử” nhằm thu hút sự chú ý nhưng đồng thời cũng làm tăng thêm ấn tượng về sự thiếu rõ ràng trong quan điểm chính thức của Trung Quốc.

Vì những lý do nói trên, việc xem xét các diễn ngôn về quan điểm chính thức của Trung Quốc đưa đến một kết luận rằng quan điểm của Trung Quốc chủ yếu vẫn duy trì ở tình trạng mơ hồ. Trong khi không có nghi ngờ gì về việc những viện dẫn lặp đi lặp lại đến các học thuyết “các quyền lịch sử” hoặc “các quyền mang tính lịch sử” nhằm mục đích nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc có bản chất từ rất lâu đời, thì ý nghĩa và tính thích đáng về mặt pháp lý của việc sử dụng ngôn ngữ này vẫn tiếp tục gây khó hiểu và mơ hồ. Vào lúc này, việc viện dẫn đến “các quyền đánh cá” có thể sẽ dẫn đến các yêu sách đòi hỏi các khu vực đánh cá truyền thống dành cho các ngư dân Trung Quốc, trong khi việc sử dụng cụm từ “các quyền mang tính lịch sử” có thể dẫn đến việc đưa ra các danh nghĩa pháp lý đối với các đảo có liên quan, nhưng không có bất cứ một sự chỉ dẫn rõ ràng nào về nguồn gốc, hình thức và phạm vi của chúng.

  1. B.Tính chính đáng về mặt pháp lý của bản đồ đường 9 đoạn.

Một thành tố quan trọng khác, có thể được coi là một trụ cột thứ hai trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là bản đồ đường 9 đoạn. Mặc dù bản đồ này, theo các nguồn Trung Quốc, được Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc công bố năm 1948 (trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Trung Quốc chỉ chính thức dựa trên bản đồ này vào năm 2009. Cho đến nay, mục đích đằng sau việc công bố bản đồ này vẫn còn chưa rõ ràng do Trung Quốc không đưa ra giải thích liệu có phải họ coi bản đồ này là bằng chứng hỗ trợ cho yêu sách hay nó chỉ thuần túy là một sự minh họa về yêu sách này.

Sự xuất hiện, nguồn gốc và bối cảnh đưa đến việc xuất hiện tấm bản đồ này hiện vẫn hoàn toàn chưa rõ ràng và chính điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn khi phân tích về yêu sách các quyền lịch sử của Trung Quốc. Trong khi việc đưa ra bản đồ này đường như có ý cho thấy Trung Quốc dùng nó để hỗ trợ cho yêu sách của họ, thì mối quan hệ giữa bản đồ này và lập luận dựa trên các quyền lịch sử có những điểm mơ hồ rất lớn. Nói một cách tổng quát hơn, người ta có thể tranh luận rằng liệu bản đồ này có tính thích đáng về mặt pháp lý trong bối cảnh xác định các đường biên giới trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông hay không.

Vấn đề đầu tiên cần được xem xét trong bối cảnh này là liệu bản đồ này có thể tạo ra bất kỳ hệ quả nào đối với các lập luận pháp lý nhằm biện minh cho yêu sách của Trung Quốc hay không. Nói một cách khác, liệu bản đồ này được đính kèm theo công hàm năm 2009 của Trung Quốc có làm thay đổi hay làm rõ hơn yêu sách của nước này hay không.

Vấn đề quan trọng thứ hai, đó là bản đồ này có tạo ra một sự hỗ trợ thích đáng về mặt pháp lý cho yêu sách của Trung Quốc, và làm cho yêu sách này có tính thuyết phục hơn trước một tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế?

Chúng tôi sẽ xem xét lần lượt hai vấn đề này.

  1. 1.Bản đồ này đã tác động như thế nào đến phạm vi yêu sách của Trung Quốc?

Chỉ cần nhìn thoáng qua thì người ta có thể thấy ngay vì nhiều lý do, bản đồ này không đưa ra bất kỳ sự giải thích thực chất nào về phạm vi yêu sách của Trung Quốc.

Bản đồ này có ý nghĩa nội tại mơ hồ

Trong bối cảnh phạm vi các yêu sách biển của Trung Quốc không được xác định rõ ràng, việc công bố bản đồ chữ U vào năm 2009 có thể được nhìn nhận như một mưu toan nhằm làm rõ hơn phạm vi các yêu sách này. Tuy nhiên, không những không tạo ra thêm một sự minh họa tốt hơn về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bản đồ này lại tạo thêm những nghi ngờ hơn nữa về phạm vi và các luận giải pháp lý của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra các giải thích về ý nghĩa bản đồ đường 9 đoạn, và đặc biệt Trung Quốc không nói rõ có phải đường này có ý nghĩa xác định vùng nước của Trung Quốc hay chỉ nhằm thể hiện cấu tạo đất nằm bên trong giới hạn của đường này thuộc về Trung Quốc. Trong khi phạm vi yêu sách về chủ quyền đối với các đảo rõ ràng được khẳng định bởi bản đồ (có thể giả định rằng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với tất cả các đảo bên trong đường chữ U), thì chúng ta vẫn không rõ liệu có thể giải thích rằng đường này thể hiện phạm vi yêu sách biển của Trung Quốc hay không. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, có nhiều cách giải thích mâu thuẫn với nhau về ý nghĩa của đường 9 đoạn.

Thứ hai, thật khó có thể coi bản đồ 9 đoạn là cơ sở cho việc phân định các vùng biển vì đường này không có các tọa độ địa lý và hơn nữa, không được xác định một cách chính xác để có thể áp dụng. Đường này được vẽ một cách sơ lược, đại khái và không thể được coi là kết quả của việc áp dụng bất kỳ phương pháp chuẩn mực nào về phân định các không gian biển, kể cả việc vạch ra một đường cách đều giữa các đảo và đảo nhỏ mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền với các cấu tạo địa chất thuộc lãnh thổ của các quốc gia nước ngoài có bờ biển đối diện.

Mối quan hệ giữa bản đồ đường 9 đoạn và các quyền lịch sử là không rõ ràng.

Sự mập mờ thứ hai liên quan đến giá trị mà Trung Quốc dành cho bản đồ này: vẫn không rõ liệu mục đích của Trung Quốc khi đưa ra bản đồ này có phải đơn thuần chỉ coi bản đồ này là một tài liệu minh họa cho yêu sách của họ hay ngược lại coi nó như là một tài liệu nhằm hỗ trợ một cách thực chất cho các yêu sách của nước này?

Điểm này làm phát sinh vấn đề về mối quan hệ giữa bản đồ và lập luận dựa trên các quyền lịch sử. Đặc biệt, liệu có thể coi bản đồ này là bằng chứng về danh nghĩa lịch sử? Cũng không rõ liệu niên đại được cho là có – thực chất là mới có của bản đồ này có thể tự biến nó trở thành một nguồn của danh nghĩa lịch sử Trung Quốc. Phải chăng quan điểm của Trung Quốc cho rằng giá trị lịch sử của bản đồ này dựa trên sự kiện là nó đã tồn tại trong một thời gian tương đối dài (khoảng 65 năm theo các nguồn của Trung Quốc) và đã không có quốc gia nào phản đối nó trong suốt thời gian này?

Văn bản hai công hàm ngày 7/5/2009 đã không viện dẫn đến các quyền lịch sử hay các yếu tố lịch sử và như vậy đã không làm rõ mối quan hệ giữa bản đồ đường chữ U và các quyền lịch sử. Hơn nữa, cách thức bản đồ này được đưa ra dường như cho thấy đây đơn thuần là minh họa về mặt bản đồ cho một yêu sách được nêu bằng văn bản trong công hàm, có nghĩa là bản đồ này chỉ có ý nghĩa về thông tin, không có giá trị bằng chứng:

Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa và vùng nước phụ cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó (xem bản đồ kèm theo) ”.27

Mặt khác, các bình luận của một số học giả Trung Quốc có ý quả quyết cho rằng sự tồn tại trong một thời gian dài của bản đồ này đã tạo ra một giá trị lịch sử cho nó và rằng yếu tố mang tính lịch sử này đóng một vai trò quan trọng đối với việc tạo ra danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc. Theo quan điểm này, bản đồ đường 9 đoạn không chỉ có giá trị bằng chứng mà có vai trò then chốt trong việc xác lập danh nghĩa pháp lý của Trung Quốc đối với các lãnh thổ đất và không gian biển. Ví dụ như quan điểm của Li Jinming và Li Dexia dưới đây: “Sau khi bản đồ đường 9 đoạn được tuyên bố, cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thể hiện sự không đồng tình. Không có quốc gia nào có bờ biển tiếp liền đưa ra phản đối ngoại giao. Sự im lặng trước một sự công bố công khai có thể coi như là một sự chấp nhận và có thể kết luận rằng 9 đoạn đã được công nhận trong nửa thế kỷ”.28

Những sự không rõ ràng bao trùm xung quanh mối quan hệ giữa bản đồ này và yêu sách các quyền lịch sử đã được tăng lên hơn nữa trong công hàm năm 2011, trong đó Trung Quốc tái khẳng định yêu sách cơ bản tương tự của mình (thậm chí mở rộng hơn nữa phạm vi yêu sách) trong công hàm và lần này thì nước này đã viện dẫn đến các yếu tố lịch sử nhưng lại không viện dẫn đến đường 9 đoạn. Trong khi rất khó có thể rút ra kết luận từ việc không viện dẫn này, chúng ta có thể nhận xét rằng phải chăng bản đồ này không có liên quan gì đến lập luận về yêu sách các quyền lịch sử, hoặc thậm chí Trung Quốc đã từ bỏ việc dựa vào bản đồ này.

Một lần nữa, có thể kết luận rằng, không những không đưa ra giải thích gì thêm, bản đồ đường 9 đoạn chỉ làm tăng thêm sự mơ hồ xung quanh yêu sách của Trung Quốc.

  1. 2.Liệu bản đồ này có thể được coi như là bằng chứng hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc

Vấn đề thứ hai có liên quan đó là có phải Trung Quốc có mưu đồ dựa vào bản đồ đường 9 đoạn như là một thành tố tạo nên danh nghĩa chủ quyền của họ, hoặc ít ra là một trong những bằng chứng để hỗ trợ cho yêu sách này: liệu một tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế có chấp nhận tính đến bản đồ này khi phán xét về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay không?

Bản đồ không tạo ra danh nghĩa chủ quyền trong luật pháp quốc tế

Nguyên tắc được chuyển hóa từ học thuật và án lệ quốc tế đó là bản đồ không thể tự chúng có bất kỳ giá trị pháp lý nào.29 Một trong những án lệ hàng đầu về vấn đề này là phán quyết trong vụ tranh chấp biên giới giữa Burkina Faso và Mali của Tòa án công lý quốc tế năm 1986. Trong phán quyết này, ICJ tuyên bố rằng trong phân định đường biên giới “bản đồ chỉ đơn thuần là nguồn thông tin” và “sự tồn tại của bản đồ tự nó không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ”.30 Bản đồ là một tài liệu mà mức độ tin cậy có thể thay đổi và có thể, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, được sử dụng cùng với các bằng chứng khác để xác thực cho một sự kiện nào đó.

Nguyên tắc này đã được xác lập lâu đời trong án lệ của các cơ quan tài phán quốc tế và được khẳng định trong bối cảnh các tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Max Huber, trọng tài viên duy nhất trong vụ Đảo Palmas đã tuyên bố vào năm 1928 rằng “Việc tính đến các bản đồ phải được thực hiện với một sự cẩn trọng rất cao khi quyết định về vấn đề chủ quyền”.31 Huber đã liệt kê các yếu tố có thể tạo ra giá trị pháp lý của bản đồ. Các yếu tố này bao gồm tính chính xác về địa lý, các nguồn thông tin của người vẽ bản đồ và bản đồ có phải do Chính phủ liên quan đến tranh chấp đặt làm hay không.

Nhiều yếu tố làm suy yếu giá trị chứng cứ của bản đồ đường 9 đoạn

Các án lệ quốc tế cho thấy có 2 yếu tố trung tâm được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng khi làm quyết định xem liệu bản đồ có thể có giá trị chứng cứ hay không, đó là: (a) sự chính xác và đáng tin cậy về mặt địa lý và (b) tính trung lập của bản đồ trong quan hệ với các bên tranh chấp. Chỉ khi hội đủ 2 yếu tố này, bản đồ mới có thể có giá trị như một tài liệu thể hiện một cách trung thực và chính xác ý chí cuả các cơ quan có thẩm quyền ở cấp độ quốc gia hoặc của hiệp định giữa các quốc gia có liên quan (trong trường hợp này là giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng). Và chỉ trong trường hợp này bản đồ mới được tòa án hoặc cơ quan tài phán quốc tế tính đến một cách nghiêm túc.

Trong hoàn cảnh hiện nay, bản đồ đường 9 đoạn không thể và dường như chỉ thể hiện được như là một tài liệu nghèo nàn trong số các “bằng chứng” mà Trung Quốc có thể đưa ra để hỗ trợ cho yêu sách của họ. Bản đồ này không thể và chưa bao giờ được công nhận là sản phẩm của một nhà vẽ bản đồ độc lập. Thậm chí các học giả TQ, là những người lập luận rằng bản đồ này lần đầu tiên được Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc công bố vào năm 1948, chính họ cũng phải thừa nhận rằng bản đồ này chỉ là một sự minh họa đơn phương (mang tính chủ quan) về phạm vi yêu sách chủ quyền của TQ.

Như Charles Cheney Hyde đã viết như sau vào năm 1933 trong một bài viết nhan đề “Bản đồ như là bằng chứng trong các tranh chấp biên giới quốc tế”:

Khi một nhà vẽ bản đồ có những dữ liệu địa lý cần thiết và tiến hành việc vẽ bản đồ để thể hiện một thực trạng chính trị hay thực tế, tính đáng tin cậy của người vẽ bản đồ với tư cách là nhân chứng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tính khách quan của người đó khi vẽ”.32

Nói một cách khác, trong trường hợp bản đồ là kết quả của một quan điểm xiên lệch của một bên muốn dựa vào nó, nó sẽ không được bất kỳ một tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế nào tính đến như một bằng chứng khách quan.

Lý do thứ hai liên quan đến sự thiếu tin cậy của bản đồ này đó là việc nó không cung cấp được bức tranh rõ ràng về phạm vi yêu sách của TQ. Như đã nói ở trên, không chỉ ý nghĩa của bản đồ này mơ hồ mà bản đồ này được vẽ một cách đại khái sơ lược nhất có thể, thiếu chính xác, không có các tọa độ địa lý, những yếu tố này đã làm cho không thể xác định chính xác không gian bên trong bản đồ này.

Dưới ánh sáng của các nguyên tắc đã được xác định trong án lệ đảo Palmas và án lệ Burkina Faso/Mali và những phát triển sau này trong các án lệ quốc tế liên quan đến tranh chấp biển đảo33, có thể thấy một điều rất rõ ràng không có bất kỳ tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế nào công nhận bản đồ này có bất kỳ một giá trị thực chất nào để TQ có thể dựa vào đó như là cơ sở chính cho danh nghĩa chủ quyền của mình.

TQ có thể lập luận rằng bản đồ này được sử dụng để tạo ra bằng chứng về việc TQ đã có một yêu sách có tính liên tục kể từ thời điểm công bố bản đồ này. Tuy nhiên, do nguồn gốc không rõ ràng và sự thật cho thấy cho đến trước năm 2009, TQ chưa bao giờ chính thức công bố bản đồ này trên phương diện quốc tế, những yếu tố này đã làm suy yếu những nỗ lực muốn dựa vào bản đồ này.

C. Quan điểm của các học giả

Nhiều học giả và các nhà bình luận TQ đã có những cố gắng nhằm giải thích và đưa ra các lập luận thực chất hơn cho yêu sách chính thức của TQ thông qua việc viện dẫn đến học thuyết: “các quyền lịch sử”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quan điểm của các học giả TQ, có thể thấy ngay trong nội bộ TQ, việc viện dẫn đến học thuyết “các quyền lịch sử’ cũng dẫn đến nhiều cách giải thích khác nhau.

Các nhà bình luận TQ thường chủ yếu tập trung nhấn mạnh vào các bằng chứng lịch sử để lập luận TQ có chủ quyền lâu đời đối với Biển Đông và giữa họ có sự nhất trí cao khi cho rằng đây là những bằng chứng thực chất cho quan điểm pháp lý của TQ. Tuy nhiên cấu trúc của lập luận pháp lý của TQ vẫn là một điều bí ẩn và rất khó giải thích. Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một nhận xét tổng quan về một số quan điểm của các học giả đang chiếm ưu thế hiện nay ở TQ.

Loại quan điểm thứ nhất: một số học giả TQ khi phân tích yêu sách các quyền lịch sử cho rằng đây chính là yêu sách đòi hỏi toàn bộ khu vực biển bên trong đường chữ U là “vùng nước lịch sử”. Theo học giả Jiao Yongke:

Khu vực biển nằm bên trong đường biên giới của TQ ở Nam Hải tạo thành vùng biển mà ở đó TQ có danh nghĩa và quyền sở hữu lịch sử và tạo thành vùng đặc quyền kinh tế đặc thù hay vùng đặc quyền kinh tế lịch sử của TQ, và do đó vùng này có quy chế tương tự như vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước luật biển”.34

Nhận xét đầu tiên về quan điểm này đó là đây có lẽ là quan điểm dường như “bám sát” nhất khái niệm “các quyền lịch sử” nói trong Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998 của Trung Quốc. Vì mục đích của Luật này là nhằm xác định phạm vi quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực biển, việc viện dẫn đến cụm từ “các quyền lịch sử” nói tại Điều 14 của Luật này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu chúng ám chỉ đến các quyền đối với vùng biển, chứ không phải ám chỉ các quyền đối với các lãnh thổ đất. Tuy nhiên, như chúng tôi sẽ phân tích dưới đây, vấn đề chính của cách giải thích này như là mâu thuẫn nội tại giữa khái niệm “các quyền lịch sử” và khái niệm “vùng nước lịch sử” (mà theo định nghĩa thì vùng nước lịch sử chỉ có thể là nội thủy hoặc lãnh hải) trong mối quan hệ với Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa.

Một nhóm các học giả khác chọn quan điểm cho rằng việc viện dẫn đến “các quyền lịch sử” được sử dụng vì mục đích để xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ đất (bao gồm các đảo và đá ở Biển Đông). Theo quan điểm này, mối quan tâm chính của Trung Quốc là xác lập chủ quyền đối với các cấu tạo địa chất và trên cơ sở đó đưa ra các yêu sách về vùng biển có liên quan dựa trên việc áp dụng các quy định của UNCLOS đối với các cấu tạo này. Ví dụ, hai học giả Li Jinming và Li Dexia đã dựa trên quan điểm của Yehuda Blum để đi đến kết luận rằng “trong hơn nửa thế kỷ, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục khẳng định trong nội luật của mình rằng các đảo nằm bên trong giới hạn đường chữ U là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Trên cơ sở quan điểm của Blum, sau một thời gian dài như vậy, Trung Quốc có thể nói mình có các quyền lịch sử đối với các đảo trong khu vực biển này”.[35] Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, trong khi cách tiếp cận như vậy có “ưu thế” là làm rõ được phạm vi khu vực mà Trung Quốc có yêu sách (bao gồm tất cả các đảo và vùng biển phụ cận) thì nó cũng tạo ra một vấn đề lớn vì cách tiếp cận này dựa trên một giả định rằng các quyền lịch sử đối với các cấu tạo đất là một phạm trù được công nhận trong Công pháp quốc tế.

Còn có một nhóm học giả khác của Trung Quốc thì nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử của các quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không nêu cụ thể các quyền này liên quan đến vùng biển, cấu tạo đất hay cả hai loại. Chẳng hạn, theo GS Hu Sao thì “yêu sách của Trung Quốc đòi hỏi các quyền và lợi ích ở Biển Nam Trung Hoa được dựa trên các quyền lịch sử và luật pháp quốc tế”.36 Tương tự, Pan Shiying tuyên bố rằng “không có gì phải nghi ngờ rằng đường 9 đoạn vẽ trên bản đồ của Trung Quốc là dấu hiệu xác định ‘danh nghĩa’ lịch sử của Trung Quốc”.37

Một số học giả khác trong phân tích của mình lại còn sử dụng đến một giả định rất tranh cãi về nguyên tắc “ai đến trước được phục vụ trước” khi lập luận về việc thủ đắc chủ quyền, và việc viện dẫn đến các quyền lịch sử thực chất chỉ là việc nhắc lại quan điểm của Trung Quốc cho rằng họ có đầy đủ các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc, mà không đưa ra được bất kỳ lập luận pháp lý nào thực chất và rõ ràng để hỗ trợ cho quan điểm của họ. Ví dụ, trong bài viết của Jianming Sheng có nhan đề “Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo của Nam Hải: một cách nhìn lịch sử”, tác giả chủ yếu tập trung vào việc đưa ra cái gọi là các bằng chứng lịch sử để nhằm chứng minh Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đã phát hiện, đặt tên, thăm dò và nghiên cứu các đảo, cũng như là quốc gia đầu tiên hành xử quyền lực ở khu vực, nhưng trong bài viết không hề đưa ra một phân tích pháp lý nào khả dĩ có thể làm người đọc hài lòng dựa trên các yếu tố lịch sử này.

Để bổ sung thêm sự rối rắm này, một số học giả khác của Trung Quốc đã viện dẫn đến cụm từ “các quyền lịch sử” hay “các quyền mang tính lịch sử” để hỗ trợ cho thuyết Trung Quốc đã thủ đắc chủ quyền phù hợp với các phương thức được công nhận về thủ đắc danh nghĩa chủ quyền theo luật pháp quốc tế.38 Như chúng ta sẽ thấy, việc sử dụng các thuật ngữ này là không thích hợp trong trường hợp này, bởi lẽ “các quyền lịch sử” là một học thuyết về một quy chế pháp lý được áp dụng một cách ngoại lệ trong một số trường hợp quốc gia thủ đắc chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ không theo các nguyên tắc truyền thống của luật pháp quốc tế.

Phân tích ngắn gọn trên đây cho chúng ta thấy quan điểm của các học giả Trung Quốc cũng không giúp ích gì nhiều trong việc làm rõ hơn các luận giải về mặt pháp lý về quan điểm chính thức của Trung Quốc đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, mặc dù cũng cho chúng ta một vài ý tưởng về những lập luận có thể được Trung Quốc sử dụng. Chúng ta sẽ xem xét riêng rẽ từng cách giải thích chính trong phần sau để thấy được sự yếu ớt của chúng trong Công pháp quốc tế.

2. PHÂN TÍCH YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÁC NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Trên cơ sở nhìn thấu bản chất bên trong yêu sách của Trung Quốc, phần này chúng tôi sẽ tập trung đánh giá những lý lẽ phải trái trong yêu sách của nước này dưới ánh sáng của các nguyên tắc đã được xác lập trong luật pháp quốc tế.

Trước khi đi vào phân tích, chúng tôi xin nhắc lại rất nhanh về nguồn gốc và vai trò của học thuyết “các quyền lịch sử” trong luật pháp quốc tế.

2.1. Vai trò hạn chế của học thuyết “các quyền lịch sử” trong luật pháp quốc tế

A. Nguồn gốc của học thuyết: các quyền lịch sử áp dụng đối với vùng biển

Thuật ngữ “các quyền lịch sử” về bản chất đã là một thuật ngữ mập mờ. Đặc biệt, một mặt, thuật ngữ này đã được một số học giả sử dụng khi nói về việc quốc gia thủ đắc danh nghĩa pháp lý có nguồn gốc cổ xưa và mặt khác, thuật ngữ này cũng được sử dụng khi nói đến quá trình xác lập hay củng cố về phương diện lịch sử danh nghĩa pháp lý thông qua việc quốc gia yêu sách thực hiện việc hành xử liên tục và hữu hiệu quyền lực nhà nước và có sự chấp thuận của các quốc gia thứ ba. Trong khi, ở ý nghĩa thứ nhất, thuật ngữ này được viện dẫn như là một công cụ pháp lý, tương tự như hiệp ước về chuyển nhượng lãnh thổ, thì ở ý nghĩa thứ hai, thuật ngữ này lại cấu thành một chuỗi các hành vi thể hiện việc hành xử chủ quyền của quốc gia. Cả hai mặt này có thể kết hợp lại với nhau và có thể tạo thành bằng chứng về việc một lãnh thổ đã được thủ đắc một cách phù hợp với các nguyên tắc và quy phạm của Công pháp quốc tế. Ngoài ra, cũng cần phải phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm “danh nghĩa lịch sử” về chủ quyền đầy đủ với lãnh thổ (cho dù danh nghĩa này đã được hay không được củng cố bởi cách hành xử của quốc gia) và khái niệm “các quyền lịch sử” vốn chỉ là các quyền có tính chất hạn chế, chẳng hạn như các quyền đánh cá có tính lịch sử39 hoặc quyền đi qua vùng biển của một quốc gia khác.

Trong luật biển, khái niệm “các quyền lịch sử” có nguồn gốc từ một phạm trù hẹp hơn có tên gọi là “vùng nước lịch sử”, đây là khái niệm có thể được hiểu “có nguồn gốc từ sự kiện lịch sử khi mà một quốc gia trải qua nhiều thế kỷ đã đòi hỏi yêu sách và duy trì yêu sách về chủ quyền đối với một không gian biển mà quốc gia đó cho là có ý nghĩa sống còn đối với họ mà không cần phải quan tâm đến những quan điểm khác nhau về cách thức phân định lãnh hải theo luật tập quán quốc tế40.

Tuy nhiên không tồn tại một định nghĩa nào được công nhận chung về “vùng nước lịch sử” và quy chế pháp lý của “các vịnh lịch sử” và “vùng nước lịch sử” cũng chưa bao giờ được xác định rõ ràng trong các công ước quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Một điều rất quan trọng đó là trong cả Điều 7 về đường cơ sở hay Điều 10 về vịnh của UNCLOS đều không có bất kỳ viện dẫn nào đến thuật ngữ “vùng nước lịch sử”.

Theo một nghiên cứu về “vùng nước lịch sử” được Ban Thư ký Liên Hợp Quốc công bố vào năm 1962, có 3 yếu tố cần phải xem xét đối với yêu sách “vùng nước lịch sử”, đó là: (i) quyền lực nhà nước mà quốc gia đưa ra yêu sách “vùng nước lịch sử” đã thực hiện đối với vùng biển đó; (ii) tính liên tục của việc thực hiện quyền lực nhà nước; (iii) quan điểm của các quốc gia khác41.

Như vậy, một quốc gia có thể đưa ra yêu sách đối với một vùng biển phụ cận với bờ biển của mình khi quốc gia đó trên thực tế đã thực hiện quyền tài phán ở đó và coi vùng biển đó có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và kinh tế của quốc gia đó, và sau một khoảng thời gian nhất định, quốc gia này có thể xem xét là liệu họ đã có một danh nghĩa lịch sử đối với vùng biển đó hay không, với điều kiện các quốc gia có liên quan đã liên tục thừa nhận yêu sách này. Tuy nhiên, cần phải nhận thấy rằng việc Công ước luật biển 1982 đã có hiệu lực (mà tất cả các quốc gia có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đều là thành viên, trừ Đài Loan42) đã làm giảm thiểu đáng kể sự không rõ ràng liên quan đến quy chế pháp lý của các vùng biển và đã làm hạn chế tính chính đáng và ý nghĩa thực tiễn của các yêu sách về “vùng nước lịch sử”.

B. Danh nghĩa lịch sử đối với lãnh thổ chống lại các phương thức truyền thống về thủ đắc chủ quyền lãnh thổ

Trong nửa sau thế kỷ 20, một số học giả đã có những nỗ lực nhằm mở rộng việc áp dụng phạm trù “các quyền lịch sử” đối với việc thủ đắc lãnh thổ, bằng cách đưa ra quan điểm cho rằng chủ quyền lãnh thổ cũng có thể được thủ đắc thông qua quá trình “củng cố bằng danh nghĩa lịch sử”43. Học thuyết này, được viện dẫn từ quan điểm dựa trên “các quyền lợi cơ bản của sự ổn định về tình trạng lãnh thổ xét từ quan điểm trật tự và hòa bình”44, cho rằng chủ quyền của quốc gia đối với một vùng lãnh thổ có thể được xác lập dựa trên các yếu tố ví dụ như lợi ích sống còn lâu đời và sự “khoan dung” chung từ phía các quốc gia khác đối với yêu sách chủ quyền này, thay vì phải dựa trên việc thực thi quyền lực nhà nước một cách hữu hiệu và liên tục dưới danh nghĩa là các hành vi mang tính chất chủ quyền (effectivités).45

Tuy nhiên, học thuyết “củng cố bằng danh nghĩa lịch sử” như là một phương thức thủ đắc chủ quyền lãnh thổ là một học thuyết rất mâu thuẫn46, và đã bị Tòa án công lý quốc tế bác bỏ thẳng thừng trong nhiều vụ kiện. Trong phán quyết vụ tranh chấp biên giới giữa Cameroon và Nigeria, Tòa án công lý quốc tế đã tuyên bố “khái niệm củng cố bằng danh nghĩa lịch sử chưa bao giờ được công nhận là cơ sở về danh nghĩa chủ quyền trong các tranh chấp về lãnh thổ”, theo đó “học thuyết về củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử là một học thuyết rất mâu thuẫn và không thể được chấp nhận để thay thế cho các phương thức thủ đắc danh nghĩa chủ quyền đã được xác lập trong luật pháp quốc tế và đây là những phương thức dựa trên nhiều yếu tố khách quan và pháp lý quan trọng khác”.47

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc viện dẫn đến danh nghĩa cổ xưa hoặc củng cố chủ quyền thông qua một quá trình “sử dụng” lâu dài lãnh thổ tranh chấp đã không được các cơ quan tài phán quốc tế cho phép sử dụng để thay thế cho yêu cầu quan trọng đối với việc thực thi hữu hiệu và liên tục quyền lực nhà nước với danh nghĩa chủ quyền, cùng với sự chấp nhận của các quốc gia thứ ba có liên quan. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, học thuyết về “thủ đắc theo thời hiệu” vốn được coi có nội dung tương tự như học thuyết “củng cố bằng danh nghĩa lịch sử” chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp một quốc gia đã thực sự hành xử chủ quyền một cách hòa bình mà không vấp phải bất kỳ một sự phản đối hay một yêu sách đối kháng nào từ phía một quốc gia khác.

2.2. Các cách diễn giải khác nhau về yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc dưới ngôn ngữ của Công pháp quốc tế

A. Cách giải thích thứ nhất: các vùng biển nằm bên trong đường chữ U là một phần của vùng nước lịch sử của Trung Quốc

Thứ nhất, yêu sách mơ hồ của Trung Quốc đã làm người ta đặt câu hỏi liệu có phải Trung Quốc yêu sách vùng nước bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử hay không. Như đã phân tích ở trên, một số nhà bình luận đã ủng hộ quan điểm cho rằng đây có thể là một cách giải thích của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc phân tích một cách kỹ lưỡng quan điểm này cho thấy có nhiều vấn đề khó khăn trong quan điểm này. Thứ nhất, cách hiểu Trung Quốc dựa trên học thuyết “các quyền lịch sử” để làm cơ sở cho yêu sách các vùng biển đồng nghĩa với việc chấp nhận giả định rằng các quy định của UNCLOS sẽ không được áp dụng. Như đã nói ở trên, UNCLOS không công nhận các quyền lịch sử là cơ sở cho yêu sách chủ quyền đối với vùng biển. Đây là một vấn đề khó khăn nghiêm trọng vì Trung Quốc sẽ không thể lý giải được vì sao lại không thể áp dụng UNCLOS đối với yêu sách vùng biển của họ ở Biển Đông.

Thứ hai, cách hiểu những vùng biển nằm cách bờ biển đất liền của Trung Quốc hàng trăm dặm có thể được coi là “vùng nước lịch sử” sẽ mâu thuẫn một cách trắng trợn với học thuyết về “vùng nước lịch sử”, vốn là một phạm trù đặc biệt của vùng nước nội thủy hoặc lãnh hải, là những vùng nước nằm gần bờ biển đất liền. Như Báo cáo nghiên cứu của Ban Thư ký Liên Hiệp quốc về vấn đề này, “quy chế pháp lý của “vùng nước lịch sử”, hay chính là vấn đề theo đó vùng nước này có thể được coi là vùng nước nội thủy hay một phần lãnh hải hay không, về nguyên tắc sẽ phụ thuộc vào việc chủ quyền mà quốc gia đưa ra yêu sách này có thực hiện trong trường hợp cụ thể đối với vùng nước này để tạo thành cơ sở cho yêu sách đó là chủ quyền đối với vùng nước nội thủy hay là chủ quyền đối với lãnh hải”.48 Nói một cách khác, vùng nước lịch sử chỉ có thể là quy chế áp dụng đối với vùng nước được coi là nội thủy hoặc lãnh hải.49

Mặt khác, việc xác định phạm vi cái gọi là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc cũng dựa trên một giả định rằng tất cả các đảo ở Biển Đông đều thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp giả định này thì vẫn tồn tại 2 vấn đề phải giải quyết: thứ nhất, giả định này phải được chứng minh; thứ hai, phần lớn vùng biển mà Trung Quốc yêu sách nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo này.

Vấn đề thứ ba đối với cách giải thích này đó là, giả định rằng đường chữ U nhằm phân định biên giới các vùng biển của Trung Quốc, thì nước này cũng không đưa ra được giải thích đường này được xác định như thế nào, cơ sở nào cho việc vẽ và những đường này được tính toán như thế nào.

B. Cách giải thích thứ hai: Trung Quốc có các quyền lịch sử mang tính chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông

Theo cách giải thích thứ hai, người ta có thể hiểu rằng Trung Quốc có quan điểm cho rằng nước này đưa ra yêu sách về các quyền lịch sử mang tính chủ quyền hay còn gọi là danh nghĩa lịch sử đối với các đảo ở Biển Đông.

Cách tiếp cận này, một lần nữa, cũng có vấn đề. Như đã nêu tóm tắt ở trên, sự tồn tại của một phạm trù tổng quát về các quyền lịch sử, bao gồm các quyền mang tính chủ quyền đối với các cấu tạo đất, là một luận điểm rất mâu thuẫn và chỉ nhận được sự ủng hộ của một vài học giả trong khoa học luật pháp quốc tế.50

Có thể thấy hầu hết các phân tích của các học giả51 ủng hộ cách giải thích thứ hai này về yêu sách của Trung Quốc đã dựa hoàn toàn trên một bài viết năm 1984 của Yehuda Blum như sau:

“Việc áp dụng học thuyết các quyền lịch sử không chỉ giới hạn đối với các vùng biển. Quốc gia cũng có thể yêu sách các quyền lịch sử đối với lãnh thổ đất, cho dù đây là những lãnh thổ đất nằm ở một phần xa xôi trên trái đất và ở đó chủ quyền không được thực hiện một cách liên tục và ở cường độ cao {…} hoặc ở những khu vực trong tình trạng rối loạn về chính trị và đưa đến giai đoạn chuyển tiếp dẫn đến xuất hiện các yêu sách lãnh thổ mang tính đối kháng”.52

Trong khi dường như bài viết của Blum có thể tạo ra một cơ sở lý luận nào đó cho yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, thì lý thuyết này cần phải được xem xét một cách hết sức thận trọng. Không chỉ lý thuyết này đã bị đa số các học giả phản đối mà chính Tòa án công lý quốc tế đã bác bỏ quan điểm này trong nhiều phán quyết của mình một cách rõ ràng hoặc minh thị. Như đã nói ở trên, ICJ đã bác bỏ học thuyết củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử như là một cơ sở cho việc thủ đắc danh nghĩa chủ quyền trong phán quyết về tranh chấp lãnh thổ đất và biển giữa Cameroon và Nigeria, lập luận mà Nigeria đã đưa ra để khẳng định yêu sách chủ quyền đối với bán đảo Bakassi. Tương tự, trong vụ Minquies và Ecrehos (Anh kiện Pháp) 53, cả hai bên đã sử dụng học thuyết về danh nghĩa cổ xưa cho yêu sách chủ quyền của mình, nhưng ICJ dã đưa ra quan điểm, theo đó “không cần thiết phải giải quyết những mâu thuẫn về lịch sử này”, và cho rằng điều đó có ý nghĩa quyết định “không phải là những suy đoán gián tiếp dựa trên các sự kiện từ thời kỳ Trung Cổ, mà là những bằng chứng có liên quan trực tiếp đến việc chiếm hữu các nhóm đảo Ecrehos và Minquiers54.

Trong mọi trường hợp, cứ giả định rằng học thuyết chung về các quyền lịch sử tồn tại trong Công pháp quốc tế, thì cũng không thể suy đoán một cách sơ lược rằng quốc gia có thể thủ đắc chủ quyền đối với lãnh thổ đất đơn giản chỉ bằng cách đưa ra những bằng chứng cho rằng quốc gia đó đã coi lãnh thổ đất đó là của mình trong một thời gian dài.

C. Cách giải thích thứ ba: các bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc có chủ quyền tự nhiên đối với Biển Đông

Cuối cùng, một số học giả Trung Quốc dường như có quan điểm cho rằng không nên hiểu việc viện dẫn đến khái niệm “các quyền lịch sử” trong các phát biểu của Trung Quốc chỉ thuần túy dưới khía cạnh pháp lý, mà nên hiểu theo nghĩa đây chỉ là một sự chỉ dẫn theo đó các yếu tố lịch sử cần phải có trọng lượng hơn trong việc đánh giá về vấn đề chiếm hữu chủ quyền ở Biển Đông.

Trong bối cảnh một cách giải thích như vậy, thật thú vị khi nhận xét rằng có một số lượng các học giả Trung Quốc đã viện dẫn đến thuật ngữ “các quyền mang tính lịch sử” (historical rights) chứ không viện dẫn đến khái niệm “các quyền lịch sử” (historic rights).

Mặc dù không nên đặt nặng vấn đề khác biệt trong cách sử dụng thuật ngữ, tuy nhiên cần phải lưu ý rằng thuật ngữ “lịch sử” có ý nghĩa là “có ý nghĩa lịch sử quan trọng”, trong khi đó cụm từ “mang tính lịch sử” chỉ đơn giản có nghĩa là “thuộc, hoặc thuộc về, hoặc có liên quan đến lịch sử”.55 Như vậy, cụm từ “các quyền mang tính lịch sử” chỉ có thể hiểu theo nghĩa phi kỹ thuật (non – technical), có ý ám chỉ đến những quyền có liên quan đến lịch sử, chứ không phải là quyền được tạo lập bởi quá trình củng cố lịch sử. Ví dụ, ý nghĩa này đã được GS Su Hao sử dụng khi học giả này viết rằng “Yêu sách về các quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Hải Nam dựa trên các quyền mang tính lịch sử và luật pháp quốc tế lâu dài”.56 Khi sử dụng cụm từ “các quyền mang tính lịch sử”, GS Su Hao không có ý định thể hiện rằng cần phải áp dụng một quy chế ngoại lệ (đối với yêu sách của Trung Quốc), mà chỉ đơn giản nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các quyền mà Trung Quốc đã được hưởng trong quá khứ nhằm xác định các quyền mà Trung Quốc đang yêu sách trong hiện tại, phù hợp với các phương thức thủ đắc chủ quyền đã được xác lập theo luật pháp quốc tế.

Cách tiếp cận này có ưu điểm là dễ dung hợp hơn với các phương thức truyền thống về thụ đắc danh nghĩa chủ quyền theo luật pháp quốc tế, tức là những phương thức dựa trên việc thực hiện quyền lực nhà nước một cách hữu hiệu và liên tục từ phía quốc gia có yêu sách với sự chấp thuận của các quốc gia khác có liên quan. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng đặt ra câu hỏi về tính hữu dụng của việc sử dụng một cách cố tình những thuật ngữ lẫn lộn thay vì đưa ra một số cơ sở pháp lý cụ thể cho yêu sách này.

2.3. Kết luận: Yêu sách của Trung Quốc không đáp ứng các chuẩn mực của Công pháp quốc tế

Dưới ánh sáng của những phân tích nêu trên, không ai không thấy rối trí trước một sự tương phản rõ ràng giữa một bên là thái độ quyết đoán và một phạm vi yêu sách rộng lớn của các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và một bên là tính chất nhập nhằng lẫn lộn trong quan điểm pháp lý của quốc gia này. Việc sử dụng có chủ ý các thuật ngữ pháp lý có nội dung mơ hồ và việc cố tình dựa vào các “nguyên tắc” không được công nhận trong luật pháp quốc tế là những nét đặc trưng có ý nghĩa trong lập trường của Trung Quốc liên quan đến chủ đề này.

Trong khi cần phải tiếp tục làm rõ hơn quan điểm mà Trung Quốc sẽ đưa ra trước một cơ chế tài phán quốc tế trong trường hợp giả định, một điều có thể thấy rõ ràng rằng sẽ không có bất kỳ một tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế nào chấp nhận trong phán quyết của mình các lập luận và bằng chứng để công nhận Trung Quốc là quốc gia đầu tiên khám phá Biển Đông, phát hiện, đặt tên, quản lý các đảo ở đây từ hàng trăm năm trước. Việc chỉ dựa trên các bằng chứng lịch sử như các học giả Trung Quốc đã nêu sẽ là không đủ để nước này có thể xác lập chủ quyền đối với các vùng biển nằm bên trong “đường 9 đoạn” hoặc đối với các đảo trong Biển Đông.

Mặc dù các yếu tố lịch sử nên được tính đến ở một chừng mực nhất định, thì tính thích hợp của những yếu tố này cần phải được giới hạn và cần thiết phải xác lập liệu quốc gia đó đã thực thi và hiện vẫn đang thực thi quyền lực nhà nước với danh nghĩa chủ quyền đối với một khu vực nào đó một cách hữu hiệu và liên tục, và rằng việc thực thi đó có nhận được sự chấp nhận từ phía các quốc gia thứ ba có liên quan. Trung Quốc đã không thể chứng minh được họ đã đáp ứng được bất kỳ điều kiện nào như vậy. Đặc biệt, ai cũng biết rất rõ rằng các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines, đã phản đối một cách nhất quán yêu sách của Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua57. Ví dụ, nhiều hành vi phản đối có thể được nêu ra để minh họa cho sự phản bác nhất quán của Việt Nam: Ngay từ đầu năm 1932, Pháp (nhân danh Việt Nam thuộc địa) đã đưa ra phản đối với Chính phủ Trung Quốc về kế hoạch của nhà cầm quyền tỉnh Quảng Đông mời đấu thầu khai thác phân chim ở Hoàng Sa; ngày 04/6/1956, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối tuyên bố ngày 29/5/1956 của Trung Quốc đòi hỏi yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa; tuyên bố của Việt Nam đã được khẳng định ngày 20/4/1971 nhằm phản đối yêu sách của Malaysia; và năm 1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã công bố “Sách trắng về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Gần đây, Việt Nam đã tiếp tục đưa ra phản đối bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, ví dụ Việt Nam đã phản đối Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998 của Trung Quốc, và năm ngoái, Việt Nam đã gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc vào ngày 03/5/2011, trong đó khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa58. Trong bối cảnh có những sự phản đối thường xuyên được lặp đi lặp lại bởi các quốc gia khác trong khu vực, một điều rõ ràng là việc chỉ thể hiện tính quả quyết và nhắc lại các yêu sách mơ hồ của Trung Quốc không thể tạo nên một quan điểm pháp lý có thể đứng vững được.

Tác giả: Florian Dupuy1 và Pierre – Marie Dupuy2.3


1 Tiến sỹ Luật, Luật sư, Hãng luật Lalive

2 Giáo sư Công pháp quốc tế tại Đại học Paris 2 (Panthéon-Assas) và Viện cao học quốc tế và phát triển Geneva, Thành viên Viện Luật quốc tế

3 Các tác giả chân thành cảm ơn Tiến sỹ Veijo Heiskanen và Ông Michael Schneider, luật sư hội viên Hãng luật Lilive về những ý kiến nhận xét và đóng góp cho bài viết này.

4 Về cái nhìn tổng quan về tranh chấp này, xem “Full unclose? As oil-and-gas exploration intensifies, so does the bickering”, The Economist, 24/3/2012, tại http://www.economist.com/node/21551113

5 Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 ngày 07/5/2009

6 Mặc dù thuật ngữ “các quyền mang tính lịch sử” (historical rights) cũng có những lúc được phía Trung Quốc sử dụng thay cho thuật ngữ “các quyền lịch sử” (historic rights), các tác giả bài viết này không quá quan trọng về sự khác biệt trong cách dùng từ vì sự khác biệt này có thể là vấn đề liên quan đến dịch thuật, chứ không phải là do chủ ý. Chúng tôi sẽ sử dụng đúng thuật ngữ “các quyền lịch sử” (historic rights) vì đây là thuật ngữ được sử dụng một cách thông thường trong luật pháp quốc tế.

7 77/HC-2011

8 Xem công hàm số 000228 ngày 5/4/2011.

9 Mặc dù có rất ít các thông tin chi tiết về việc thăm dò ở khu vực này, một số đánh giá cho rằng có thể trữ lượng dầu ở đây cao nhất là 213 tỷ barrel, gấp 10 lần trữ lượng dầu đã được thăm dò của Hoa Kỳ (xem US energy information administration, http://www.eia.gov/countries/regions-topics.cfm?fips=SCS)

10 Tuy nhiên cũng cần ghi nhận rằng Trung Quốc đã khẳng định yêu sách của mình đối với quần đảo Trường Sa vào ngày 29/5/1956 khi phản đối yêu sách của Philipin đối với một số đảo thuộc nhóm đảo này.

11 Các Công ước Geneva 1958 về luật biển, thông qua ngày 29/4/1958, A/CONF.13/L.58,1958, UNCLOS, Off.Rec.vol.2, 146

12 Xem Tuyên bố của Trung Quốc khi phê chuẩn UNCLOS có tại www.un.org/depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm, para. 3 “Nước CHND Trung Hoa tái khẳng định chủ quyền của mình đối với các quần đảo và các đảo của mình được liệt kê tại điều 2 Luật của nước CHND Trung Hoa về lãnh hải và vùng tiếp giáp…”.

13 Công hàm CML/17/2009 ngày 07/5/2009; Công hàm CLM/18/2009 ngày 7/5/2009; Công hàm LML/8/2011 ngày 14/4/2011.

14 Xem điều 121 của UNCLOS.

15 Trung Quốc tuyên bố trong công hàm ngoại giao ngày 14/4/2011 (CML/8/2011) rằng “Các đảo Nam Sa của Trung Quốc có đầy đủ quyền có Lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa”. Ghi nhận rằng tuyên bố này chỉ giới hạn đối với quần đảo Trường Sa vì nó đáp lại công hàm của Philipin, nước không có yêu sách đối với các đảo khác. Tuy nhiên có thể suy đoán rằng Trung Quốc có thể áp dụng yêu sách tương tự đối với quần đảo Trường Sa.

16 Xem Li Jinming, Li Dexia, “The Dotted line on the Chinese map of the South China Sea: A note”, Ocean Development and International Law, Vol. 34 (2003), 287; Zou Keyuan, “Historic Rights in international Law and in China’s Practice”, Ocean Development and International Law, Vol.32 (2001), 160

17 Xem Su Hao, “China’s Position and Interests in the South China Sea: A Rational Choices in its Cooperative Policies, Publications of the Center for Strategic & International Studies (2011); Nozumo Hayashi, “Official says Beijing has “historic rights” over South China Sea”, The Asahi Shimbun, 26/2/2012.

18 Xem Li Jinming, Li Dexia, “The Dotted line on the Chinese map of the South China Sea”, op.cit; Li Guoqiang, “Claim over islands legitimate”, China Daily, 22/7/2011; Jianmin Shen, “International Law Rules and Historical Evidences Supporting China’s Titles to the South China Sea Islands”, Hasting Int’l & Comp. L. Rev. (1997-1998), p.1; Pan Shiying, “South China Sea and the International Pratice of the Historic Title”, Paper presented to the American Enterprise Institute Conference on the South China Sea, Washington, 7-9 September 1994.

19 Xem, Yann- Huei Song & Peter Kien-hong Yu, “China’s ‘Historic Waters’ in the South China Sea”, 4 American Asian Review (1994), 83; Li Jiming, Li Dexia, “The Dotted line on the Chinese Map of the South China Sea”, op.cit

20 Hay là “các quyền mang tính lịch sử” phù hợp với bản dịch tiếng Anh Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa” đăng trên Website của Liên Hợp Quốc, có tại http://www.un.org/depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/DPFILESS/chn_1998eezact.pdf.

21 Tuy nhiên chúng tôi ghi nhận về viện dẫn sớm hơn đến “vùng nước lịch sử” được nêu trong các tuyên bố của Đài Loan năm 1993 (xem Kuan-Ming Sun, “Policy of the Republic of China towards the South China Sea”, Marine Policy, Vol. 19 (1995), p.408.

22 Ví dụ, xem các cách giải thích khác nhau của Zou Keyuan, “Historic Rights in International Law and in China’s Practice”, op.cit., p.126

23 Nguyễn Hồng Thao, “China’s maritime moves raise neighbours hackles”, Vietnam Law & Legal Forum (1998), p.21.

24 Zou Keyuan, “Historic Rights in International Law and China’s Practice”, op.cit, p.162.

25 “Vietnam: Dispute regarding the Law on the Exclusive Economic Zone and the Continential Shelf on the People’s Republic of China which was passed on 26 June 1998”, Law of the Sea Bulletin, N.38, 1998, AT

26 The Asahi Shimbun, OFFICIAL SAYS Beijing has ‘historical rights’ over South China Sea, 26/1/2012

27 Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 ngày 7/5/2009

28 Li Jinming, Li Dexia, “The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea”, op.cit, p.290. Về quan điểm của Đài Loan, xem Yann-huei Song & Petter Kien-hong Yu, “China’s “historic water” in thẻ South China Sea: an analysis from Taiwan, ROC”; op.cit: “Bởi vì không có sự phản đối nào được các quốc gia có liên quan hoặc cộng đồng quốc tế đưa ra sau khi bản đồ này được công bố, và quy chế pháp lý của vùng nước bao bên trong chưa bao giờ được ROC làm rõ, vấn đề liên quan đến bản chất của đường ranh giới chữ U tiếp tục được nêu lên”.

29 Xem Durward Sandifer, “Evidence before International Tribunals” (rev.ed. 1975), p.229; A. Oye. Cukuwuah, “The Settlement of Boundary Disputes in International Law”, p.224

30 Case concerning the Frontier Dispute (Burkina Faso /Republic of Mali) [1986] ICJ Report Rep 554, p.582, para.54

31 Island of Palmas Case (or Miangas), United States v Netherlands, Award, (1949) II RIAA 829, 4th April 1928, PCA, p.852

32 Charles Cheney Hyde, “Maps as Evidence in International Boundary Dispures”, The American Journal of International Law, Vol. 27, N.2 (1993), p. 314

33 Ví dụ như vụ tranh chấp chủ quyền đối với Pulau Litigan và Pulan Sipadan (Indonesia/Malaysia), Phán quyết năm 2002, tr. 67, para 88; vụ tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Honduras ở Biển Caribe, phán quyết ngày 8/10/2007, tr. 724, para. 219.

34 Jiao Yongke, “There exists no question of redelimiting bouandaries in the Southern Sea”, Ocean Development and Management, Vol. 17, 2000, p. 52 (in Chinese), translated in Micheal Strupp, “Maritime and Insular Claims of the PRC in the South China Sea under International Law”, Zeitschrift fur chinesisches Rechts, Vol. 11 (2004), p. 16.

[35] Li Jinming, Li Dexia, “The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea”, op. cit, p.293

36 Prof Hu Sao, “China’s Position and Interests in the South China Sea: A Rational Choices in its Cooperative Policies”, op. cit, at p. 1

37 Pan Shiying, “Spratly Islands, Oil Politics and International Law” Hong Kong Economic Herald Press (1996), at p. 61

38 Ví dụ Hu Sao (“China’s Position and Interests in the South China Sea”, op. cit) đã viện dẫn đến “các quyền mang tính lịch sử” nhưng sau đó đã quay ngoắt lại khi lập luận rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông được xác lập phù hợp với các nguyên tắc truyền thống về thủ đắc chủ quyền theo luật pháp quốc tế mà không dựa vào học thuyết “các quyền lịch sử”.

39 Vụ Thềm lục địa (Tunisia v. Lybia) (1982) vol II UNYBILC 1.

40 UN ILS, Juridicial Regime of Historic Waters, including Bays (9 March 1062) (1962) voi II UNYBILC 1

41 UN ILC, Juridical Regime of Historic Waters, op. cit, para. 185

42 Mặc dù Đài Loan không thể phê chuẩn UNCLOS vì không phải là một quốc gia, nhưng lãnh thổ này đã từng bước đưa nội luật của mình phù hợp với UNCLOS

43 Yehua Blum, “Historic Rights”, in Rudolf Bernhardt (ed) Encyclopedia of Public International Law, Vol.7, North Holland, 1984; Charles de Visscher, “Theory and Reality in Public International Law”, Princeton University Press, 1957, p.199.

44 Trích dẫn bởi D. H. N. Johnson, “Consolidation as a Root of Title in International Law”, 12 Cambridge Law Journal (1995) 215, p. 220

45 Một số học giả khác cho rằng “các hành vi mang tính chất chủ quyền” là một trong những yếu tố cấu thành “các quyền lịch sử” (xem Andrea Gioia, “Historic Title”, in R. Wolfrum (ed), The Max Planck Encyclopedia of Public International Law, Oxford University Press, 2008-2012, online edition (www.mpepil.com); Yehuda Blum, “Historic Rights”, op. cit

46 Đa số học giả đã đặt câu hỏi về tính hữu dụng của việc công nhận học thuyết “các quyền lịch sử” trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xem Marcelo G. Kohen, “Possession contestée et souveraineté terrioriale”, Press Universitaire de France (1997), pp. 40; Ian Brownlie, Principles of Public International Law, Oxford University Press, 7th ed, 2008, p.157

47 Land and Martime Boundary between Cameroon and Nigeria (Cameroon v Nigeria: Equatorial Guinea Intervening) (2002) ICJ Rep 303, p. 352 (para 65); Minquier and Ecrehos Case, (France/United Kingdom) (1953), ICJ Rep 47.

48 Document A/CN. 4.143, Juridical Regime of Historic Waters including historic bays, Yearbook of the International Law Commission 1962, vol. II, para. 189

49 Điều này cũng đã được một số học giả Trung Quốc công nhận, ví dụ như Li Jinming và Li Dexia “Trung Quốc không còn có thể coi vùng nước bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử, bởi vì vùng nước lịch sử chỉ có thể là vùng nước nội thủy hoặc lãnh hải, không thể đưa khái niệm này vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa” (Li Jinming, Li Dexia, “The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea”, op. cit, p.293)

50 Luận điểm cho rằng quốc gia có thể có các quyền lịch sử đối với lãnh thổ đất chủ yếu chỉ nhận được sự ủng hộ của một quốc gia (Israel) và của một học giả (Yehuda Blum).

51 Xem bài viết của Li Jinming, Li Dexia “The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea”, op. cit; Zou Keyuan, “Historic Rights in International Law and in China’s Practice”, op. cit

52 Yehuda Blum, “Historic Rights”, op.cit, p. 121.

53 Minquiers and Ecrehos Case (France/United Kingdom) [1953] ICJ Rep 47

54 Minquiers and Ecrehos Case, op. cit, p. 57

55 “The new shorter Oxford English Dictionnary on historical principles”, Oxford University Press (1993), Vol. I

56 Su Hao, “China’s Positions and Interests in the South China Sea: A Rational Choice in ít Cooperative Police”, op. cit, p. 1

57 Xem Monique Chemillier-Gendreau, “La souverainte sur les archipels Paracels et Spratleys”, L’Harmattan (1996), p.120

58 Công hàm N.77/HC-2011 ngày 03/5/2011.

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4 .4



4 Về cái nhìn tổng quan về tranh chấp này, xem “Full unclose? As oil-and-gas exploration intensifies, so does the bickering”, The Economist, 24/3/2012, tại http://www.economist.com/node/21551113

 

RELATED ARTICLES

Tin mới