Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHÌN LẠI 10 NĂM QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TRUNG QUỐC...

NHÌN LẠI 10 NĂM QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TRUNG QUỐC – ASEAN

BienDong.Net: Vừa rồi, Trung Quốc tổ chức rình rang một hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc – ASEAN nhằm khuyếch trương mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á nhân dịp 10 năm mối quan hệ này được thiết lập.

Vào tháng 10/2003, quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã đạt một bước tiến đáng kể với việc hai bên thông qua tuyên bố chung về mối Quan hệ Chiến lược vì Hoà bình và Thịnh vượng. Đó là kết quả của thành tựu ngoại giao một năm trước đó tại Phnom Penh, khi Bắc Kinh thỏa thuận cùng ASEAN thực hiện Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).

Đông Nam Á 10 năm qua đã chứng kiến chủ trương “lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển xung đột) với ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc thường xuyên gây sóng to gió lớn ở Biển Đông.

Vào thời điểm này, Bắc Kinh có ít nhất ba lý do để đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ với các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Thứ nhất, liên kết với Đông Nam Á là một nhân tố quan trọng trong chính sách khu vực hóa đa hướng xung quanh biên giới Trung Quốc trong bối cảnh sự trỗi dậy cấp toàn cầu của nước này. Nó trở nên cấp bách khi sự trỗi dậy kinh tế Trung Quốc đang gặp trở lực lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Đông Nam Á trở thành thị trường quan trọng cho hàng hóa Trung Quốc. Từ năm 2003 đến nay, quan hệ thương mại và kinh tế đã trở thành trọng tâm của hợp tác chiến lược giữa hai bên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 4 lần kể từ năm 2002, đạt khoảng 210 tỉ USD hiện nay, trong đó Trung Quốc có thặng dư thương mại khoảng 8.5 tỷ USD vào năm 2012. Thị trường Đông Nam Á càng trở nên quan trọng vào lúc thị trường cho hàng hóa Trung Quốc tại Châu Âu và Bắc Mỹ bị thu hẹp. Xuất khẩu bị thu hẹp là một trong nguyên nhân khiến đà tăng trưởng của Trung Quốc đã bị chững lại.

Việc hội nhập với Đông Nam Á là nhân tố then chốt trong chiến lược hướng Tây của Trung Quốc nhằm khắc phục sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa miền Tây với vùng duyên hải. Đông Nam Á là lối ra chủ yếu của các tỉnh phía Tây vốn không có biển, thiếu nó thì sự phát triển của các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây thiếu đi cái động lực cơ bản.

GDP của Vân Nam tăng vọt từ 33 tỷ USD vào năm 2000 lên 160 tỷ USD vào năm 2012, và tỉnh này đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó lên 320 tỷ USD vào năm 2017 thông qua các mối quan hệ thương mại và kinh tế xuyên biên giới mạnh mẽ hơn. Vân Nam và thủ phủ Côn Minh đóng vai trò cốt lõi trong các hoạt động kinh tế với các nước giáp biên giới như Lào, Myanmar, Việt Nam. Từ năm 2011, tỉnh này được chính quyền trung ương tại Bắc Kinh xác định là “tiền đồn quan trọng cho khu vực Tây Nam”, là trung tâm quốc tế tại khu vực phía Tây Nam Trung Quốc đối diện với Khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

Không kém phần năng động so với Côn Minh, Nam Ninh – thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, hàng năm tổ chức Hội chợ Trung Quốc – ASEAN. Tầm quan trọng của quan hệ này thể hiện qua sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN tại các sự kiện. Nhân dịp Hội chợ lần thứ 9 (2012), Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự.

Buôn bán là câu chuyện hai bên cùng có lợi, nhưng mặt bất lợi cũng đáng kể. Sự mở rộng quan hệ kinh tế của Trung Quốc tại các nước Đông Nam Á thuộc GMS đã bóp nghẹt nhiều ngành công nghiệp của các nước Đông Nam Á lục địa. Về lâu dài, nó còn nhằm làm cho các nước này trở thành chư hầu kinh tế của Trung Quốc.

Cư dân Đông Nam Á vốn không xa lạ đối với ảnh hưởng kinh tế và văn hóa Trung Quốc trong lịch sử phát triển lâu dài của mình. Song những năm gần đây người ta chứng kiến người Trung Quốc tham lam chẳng từ điều gì mà không làm. Văn hóa kinh doanh của người dân láng giềng phương Bắc ít tạo ra cơ hội “hai bên cùng thắng”, mà thường làm sao để doanh nhân Trung Quốc luôn ở thế thượng phong thắng càng nhiều càng tốt.

Thứ hai, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung từ năm 2010 và sự tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á gần đây buộc Trung Quốc phải chú trọng duy trì và mở rộng quan hệ với các nước ASEAN.

Sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại Đông Nam Á trở nên nổi bật trong bối cảnh đối kháng địa – chính trị ở Châu Á không bên nào nhượng bộ bên nào trong những vấn đề thuộc lợi ích mỗi nước. ASEAN vốn rất coi trọng xử lý quan hệ với nước lớn, đã tận dụng mối quan hệ cạnh tranh chiến lược và sự hiện diện tích cực của các nước lớn hiện nay mà tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của mình. Nếu không có sự khôn khéo và kiên trì đó, Đông Nam Á có thể đã thành nơi Trung Quốc một mình “múa gậy vườn hoang” và vùng Biển Đông Nam Á đã thành ao nhà của Trung Quốc rồi.

Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) lấy “các nước ASEAN làm trung tâm” là một bát mì nấu theo công thức của Bắc Kinh nhằm đối trọng với hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ có vai trò chủ đạo. TPP đang làm nhạt bát mì RCEP.

Thứ ba, tranh chấp biển đảo tại Biển Đông là một trong các chủ đề nóng lâu nay trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN. Các sáng kiến ngoại giao mà Trung Quốc đưa ra qua ba chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị từ tháng 5 năm nay là một mớ bùng nhùng các quan điểm song phương và đa phương, giữa DOC và COC, cho thấy ngoại giao Trung Quốc đang gặp mâu thuẫn giữa việc theo đuổi “mục tiêu kép” của Bắc Kinh và các nỗ lực củng cố quan hệ với ASEAN.

Liên quan Biển Đông, Trung Quốc có hai mục tiêu chính: kiểm soát Biển Đông dựa trên đường lưỡi bò được vạch ra một một cách mơ hồ nhưng chiếm trên 80% diện tích vùng biển này. Trung Quốc không từ bất kỳ thủ đoạn nào để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, vì muốn biến Biển Đông thành bàn đạp để Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”.

Nhưng, chừng nào Bắc Kinh chưa tìm ra cách tiếp cận mới thông thoáng, vừa phù hợp với mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, vừa tôn trọng lợi ích cốt lõi của các nước giáp biển khác, thì vấn đề Biển Đông bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Và như vậy Bắc Kinh cũng không thể thực hiện được mục tiêu thứ hai là thiết lập sự tin cậy chiến lược làm nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với ASEAN, hạn chế sự can dự của các nước lớn khác. Nó không giúp thực hiện một “cách thức Châu Á” và một “cách thức ASEAN”, như Ngoại trưởng Vương Nghị đề cập tại “Hội nghị đặc biệt” tại Bắc Kinh vừa qua. Trung Quốc càng không thuyết phục được dư luận quốc tế rằng sự lớn mạnh của Bắc Kinh không có hại cho lợi ích chiến lược của các nước, rằng Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, rằng “giấc mơ Trung Hoa” cũng là giấc mơ của Đông Nam Á.

Ngoại giao kinh tế và ngoại giao tiền bạc mà Bắc Kinh thi thố trong các năm vừa qua có thể giúp bẻ vài chiếc đũa nhưng không bẻ được cả bó đũa ASEAN. Sự tin cậy chiến lược vẫn là một biến số. Uy tín ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đang bị bào mòn. Nhìn lại chặng đường 10 năm, người ta đã quen thuộc với “ngoại giao câu giờ” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Nhìn lại, quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN 10 năm qua đã giúp ASEAN tạo thế kết nối về mặt thể chế kinh tế với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, dù Bắc Kinh có ra sức tuyên truyền và thuyết phục về mức độ và tính chất của sự lớn mạnh toàn diện của mối quan hệ này, cộng đồng ASEAN và các nước tại Đông Nam Á vẫn sẽ tiếp tục phải xem xét và cảnh giác trước ý đồ của Trung Quốc. Hành động gây hấn và sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông đang mâu thuẫn với xu hướng lớn hơn của hình thái không gian mới như một phần không thể thiếu trong sự gia tăng vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Cuộc tham vấn chính thức lần đầu tiên ở cấp SOM giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tháng 9 này tại Tô Châu sẽ là thước đo chất lượng các sáng kiến ngoại giao của Ngoại trưởng Vương Nghị, cũng như sự thành tâm của Trung Quốc muốn đưa quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN sang tầng nấc phát triển cao hơn trong những năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới