Wednesday, September 11, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThủ tướng Nhật không thừa nhận ‘có tranh chấp ở Senkaku’

Thủ tướng Nhật không thừa nhận ‘có tranh chấp ở Senkaku’

BienDong.Net: Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng Nhật bản sẽ không nhượng bộ về chủ quyền với Trung Quốc đồng thời kêu gọi Bắc Kinh đàm phán để giải quyết bất đồng giữa hai nước.

Phát biểu với báo chí sau khi đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27.9, ông Abe bác bỏ lời kêu gọi mới đây của phía Trung Quốc nói Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại nếu Tokyo thừa nhận các hòn đảo trên biển Hoa Đông là khu vực có tranh chấp.

Bắc Kinh gọi nhóm đảo này là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản, nước đang quản lý chuỗi đảo này trên thực tế, gọi chúng là Senkaku.

“Quần đảo Senkaku là phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản chiếu theo sự thật lịch sử và dựa trên luật pháp quốc tế khi mà những hòn đảo này đang thuộc quyền quản lý của Nhật”, ông Abe nói.

“Điều đáng tiếc là các tàu của Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xâm nhập lãnh hải của chúng tôi”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật cũng khẳng định nước ông tìm kiếm giải pháp hòa bình và ‘không có ý định làm cho căng thẳng tiếp tục leo thang’.

“Cánh cửa đối thoại luôn rộng mở và tôi thật sự hy vọng rằng Trung Quốc cũng sẽ có suy nghĩ và thái độ tương tự” ông Abe nói.

alt 

Hệ thống radar cảnh báo sớm X – Band có thể được lắp cố định trên đất liền, hoặc di động trên biển.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trước khi diễn ra phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng ông ủng hộ đối thoại nhưng trước hết Tokyo phải thừa nhận các hòn đảo này là ‘có tranh chấp’. “Thế giới ai cũng biết có tranh chấp ở đấy”, ông Vương phát biểu như vậy ở Viện Brookings tại Washington hồi tuần trước.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu ngày 27/9, Ngoại trưởng Vương Nghị nói Trung Quốc sẵn sàng đàm phán về tranh chấp lãnh thổ nhưng cũng sẽ ‘kiên quyết bảo vệ chủ quyền’.

“Chúng tôi chân thành hy vọng sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề thông qua đàm phán và tham vấn với các nước có liên quan trực tiếp. Những tranh chấp mà hiện giờ chưa thể giải quyết được sẽ để sau này giải quyết” – ông nói.

Hệ thống phòng thủ chiến lược của Nhật – Mỹ ở cửa ngõ Trung Quốc

Căng thẳng Nhật Trung vẫn tiếp tục khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan ngại trước việc Nhật Bản phối hợp với Mỹ triển khai các khí tài quân sự tân tiến, bao gồm máy bay do thám và hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 24.9 đã bày tỏ lo ngại trước thông tin Nhật Bản có kế hoạch triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ sản xuất trong năm 2015 nhằm tăng cường khả năng tuần tra tại quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư.

alt 

Máy bay do thám không người lái RQ – 4 Global Hawk

RQ – 4 Global Hawk là máy bay do thám không người lái thế hệ mới, hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Nó có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao. RQ – 4 Global Hawk cũng có thiết bị nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch xây dựng các đơn vị giám sát mới ở Iwo Jima, một hòn đảo cách thủ đô Tokyo 1.200 km về phía nam có nhiệm vụ thu thập thông tin về hoạt động các tàu Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

“Một số quốc gia định đưa ra nhiều lý do bào chữa cho hành động mở rộng lực lượng quân sự của họ, gây ra căng thẳng và nhiều mối đe dọa cho các quốc gia trong khu vực”, ông Hồng Lỗi tuyên bố.

Người phát ngôn BNG Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định các hoạt động “hàng hải bình thường” của Trung Quốc được thực hiện theo luật pháp quốc tế, không đe dọa bất kỳ quốc gia nào.

Trước đó, ngày 23.9, ông Hồng Lỗi cũng bày tỏ lo ngại trước việc Mỹ lắp đặt Hệ thống radar cảnh báo sớm X – Band tại một căn cứ quân sự ở thành phố Kyotango, Nhật Bản với lí do bảo vệ Tokyo trước mối đe dọa tấn công tên lửa từ CHDCND Triều Tiên. Theo Hồng Lỗi, việc đơn phương triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc tạo dựng nên một liên minh là không có lợi cho việc giải quyết vấn đề không phổ biến vũ khí cũng như hòa bình và ổn định của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương,

Một nhà phân tích cho biết việc triển khai hệ thống radar X – band của Mỹ tại Nhật sẽ giúp mở rộng quy mô và tính chính xác trong hoạt động do thám, nó có thể giám sát mọi tên lửa đạn đạo được phóng đi từ nhiều hướng khác nhau.

Nhà phân tích này cũng nói rằng dựa trên số lượng, tầm bắn và chất lượng của các tên lửa đạn đạo Triều Tiên, khó có thể nào hệ thống radar này chỉ nhằm vào Bình Nhưỡng. “Mục đích của việc triển khai các radar chống tên lửa ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tương tự với việc triển khai các tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không Aegis ở Tây Thái Bình Dương và một hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất liền ở Alaska… Tất cả đều nhằm vào Trung Quốc và Nga” – nhà phân tích này nói.

Ông Wu Huaizhong, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng “Việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản theo hướng tiến về phía nam, dần dần thiết lập nên cái gọi là vũ khí phòng thủ chiến lược ở ngay cửa ngõ Trung Quốc”.

X – band là một trong những hệ thống radar cảnh báo sớm tối tân trên thế giới, có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi chúng rời bệ phóng 10 giây. Sau đó, các tên lửa thuộc hệ thống đánh chặn sẽ dựa trên dữ liệu đường bay của tên lửa đối phương để tiêu diệt ngay khi chúng vẫn còn đang bay trên đất của đối phương.

Như vậy, với sự kết hợp của ‘lá chắn tên lửa’ X – Band 2 ở miền Nam Nhật Bản và X – Band 3 đặt ở khu vực Đông Nam Á, X – Band 1 ở miền bắc Nhật Bản, Mỹ và đồng minh tại Châu Á đang tạo ra một vòng cung phòng thủ cho phép phát hiện, cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo phóng từ Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc.

BDN (Nguồn BBC và VietNamNet)

RELATED ARTICLES

Tin mới