Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam sẽ có trung tâm bảo trì và sữa chữa tàu...

Việt Nam sẽ có trung tâm bảo trì và sữa chữa tàu ngầm tại vịnh Cam Ranh

BienDong.Net: Hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 26.9 tiết lộ sẽ xây dựng một trung tâm bảo trì, sửa chữa tàu và tàu ngầm Việt Nam tại vịnh Cam Ranh vào năm 2015.

Trung tâm bảo trì và sửa chữa này sẽ chuyên dành cho “toàn bộ các loại tàu và tàu ngầm của Việt Nam do Nga và Liên Xô đóng”, ông Yevgeny Shustikov, Phó giám đốc Nhà máy đóng tàu Zvezdochka (Nga), cho biết.

Các chuyên gia Nga hiện đang có mặt tại Việt Nam để nghiên cứu thiết kế của trung tâm sửa chữa tàu nói trên, ông Shustikov nói.

Phát biểu với RIA Novosti tại một cuộc triển lãm hàng hải ở Ấn Độ, ông Shustikov cho biết thêm rằng phía Việt Nam mong muốn việc xây dựng cơ sở này sẽ hoàn tất vào năm 2015.

alt 

Tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo của Việt Nam sẽ được bảo trì, bảo dưỡng ngay tại Cam Ranh – Ảnh: RIA Novosti

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn sản xuất vũ khí NPO Mashinostroenia của Nga Konstantin Shilov tiết lộ, giai đoạn thành lập trung tâm đào tạo chuyên ngành các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam để điều khiển các tàu ngầm Kilo Project 636 sắp kết thúc và trung tâm sẽ tiếp nhận những học viên đầu tiên vào tháng 11.

Theo báo quốc nội Đất Việt, để đào tạo các thủy thủ tàu ngầm, trong căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam đã xây dựng 2 tòa nhà với tổng diện tích hơn 10.000 m2.

Trung tâm được thành lập để đào tạo các thủy thủ đoàn điều khiển vận hành 6 tàu ngầm Kilo mà hợp đồng cung cấp cho Việt Nam đã được ký kết hồi năm 2009.

Bên cạnh việc đóng tàu, hợp đồng còn bao gồm cả việc huấn luyện thủy thủ Việt Nam và cung cấp các thiết bị, vật tư kỹ thuật cần thiết.

Hiện tại, các thủy thủ Việt Nam sẽ tiếp quản chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên đang được đào tạo tại Nga, trong khi các chuyên gia quân sự cho biết hai tàu ngầm đầu tiên mà Nga đóng cho Việt Nam, mang tên tàu ngầm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có chuyến hành trình về Việt Nam qua ngả Châu Phi.

Hai tàu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua các đợt thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm cấp Nhà nước một cách xuất sắc, thực hiện thành công nhiều chuyến lặn sâu. Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam được bắt đầu vào cuối tháng 7.2013 tại Saint – Peterburg.

Báo cũng dẫn tuyên bố của tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nói rằng “tàu ngầm KILO chỉ được sử dụng để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác”.

 alt

Lễ bàn giao tàu hộ vệ trang bị tên lửa Lý Thái Tổ tại căn cứ Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh nằm ở cực Nam tỉnh Khánh Hòa, là đỉnh nhô ra nổi bật nhất của đường bờ biển hình vùng cung phía Đông Nam Việt Nam.

Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam và được bao quanh bởi rất nhiều đảo to nhỏ khác nhau, biến Cam Ranh trở thành một cảng nước sâu tránh gió rất tuyệt vời. Bên cạnh lối ra vào nhỏ hẹp, Cam Ranh còn được các dãy núi cao khoảng 400m vây quanh nên không những gió bão không thể xâm nhập mà địa thế cao điểm này có thể khống chế cả khu vực xung quanh cảng một cách rất dễ dàng.

Nhờ thế, quân cảng Cam Ranh trở thành một pháo đài vô cùng lợi hại. Cửa vào Cam Ranh tuy nhỏ nhưng tổng diện tích mặt nước rộng 98 km2, nước sâu phổ biến ở mức 16 – 25m, nơi sâu nhất có thể lên đến 32m, cho phép khoảng 40 tàu chiến cỡ lớn, kể cả tàu sân bay cùng neo đậu.

Từ thời Pháp, người ta đã xây dựng ở Cam Ranh một quân cảng lớn. Sau năm 1954, Mỹ nâng cấp Cam Ranh thành tổ hợp quân sự khổng lồ – lớn nhất khu vực.

Ngày 2.5.1979, Liên Xô và Việt Nam ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Liên Xô trong 25 năm.

Năm 2004, Nga rút khỏi vịnh Cam Ranh, nơi đây trở thành căn cứ của lữ đoàn tàu chiến 162 Hải quân Nhân dân Việt Nam. Riêng sân bay Cam Ranh chuyển sang phục vụ mục đích dân sự.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẽ xây dịch vụ cảng tổng hợp tại Cam Ranh bằng nguồn lực của chính mình, đảm bảo phục vụ lực lượng quân đội Việt Nam, đồng thời sẽ cung cấp dịch vụ cho tàu của hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm, theo cơ chế thị trường.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra quan tâm tới quân cảng Cam Ranh. Trong số ra ngày 20.8.2012, tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” đã có một bài viết rất công phu phân tích sự hấp dẫn và lợi thế của quân cảng Cam Ranh đồng thời phân tích vị thế của quân cảng này đối với tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh hiện nay.

Tạp chí này đánh giá quân cảng Cam Ranh lợi hại nhất Châu Á: “Có lẽ cả Châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới