Sunday, October 13, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải...

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo

BienDong.Net: Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Mỗi hòn đảo quý giá như “thỏi bạc lớn” và cũng là “cột mốc chủ quyền” trên vùng biển của Tổ quốc.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

 Theo TS Nguyễn Chu Hồi, hiện nay, cả nước có 12 huyện đảo, trong đó chỉ có 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 155 nghìn người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/km2, kết cấu hạ tầng trên các đảo được tăng lên rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Một số đảo sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

alt 

Tháp hải đăng trên đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Ảnh BienDong.Net)

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn hóa làng chài” và “văn minh biển cả”… hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.

alt 

Em bé Trường Sa (ảnh của BienDong.Net chụp tại đảo Trường Sa lớn tháng 3.2012)

TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có khoảng gần 1.000.000 ha đầm phá nông (độ sâu 1 – 6m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản. Hàng năm thế giới đã xếp hạng 10 đảo “đắt nhất”, còn các đảo của nước ta đang được khai thác một cách tự phát, “mạnh ai người ấy làm”, “thấy có cái gì thì khai thác cái đó”, hoàn toàn trực quan, thiếu quy hoạch và thiếu cơ sở khoa học đối với một đối tượng đặc thù. Do đó, cần xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo hoặc cụm đảo và tiến hành quy hoạch/lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo. Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo là cụ thể nhưng cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như phải nhìn cả ở giác độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội, với tính liên kết với dải ven biển, thậm chí phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2010, Chính phủ đã thông qua quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội hệ thống đảo Việt Nam đến năm 2020.

Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ (không có dân) thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm du lịch lặn)… Đối với các đảo/cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn… thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng chung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng với dải ven biển trong bình đồ tổ chức không gian biển.

Vùng biển khơi rộng lớn ở phía ngoài là không gian phát triển các hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động hơn khi nước ta đã trở thành thành viên của WTO. Biển là cửa mở của quốc gia để giao lưu quốc tế, nhưng vẫn cần chủ động “mở cửa” để hội nhập quốc tế trên biển, để góp phần xây dựng Biển Đông thành “khu vực biển hòa bình” và để tăng cường lợi ích quốc gia trên biển.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới