Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc muốn mượn tay Thái Lan đánh lạc hướng ASEAN về...

Trung Quốc muốn mượn tay Thái Lan đánh lạc hướng ASEAN về Biển Đông?

BienDong.Net: Ngày 19/8 vừa qua, Thái Lan và Trung Quốc đã tổ chức Đối thoại Chiến lược lần thứ nhất tại Bangkok do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow chủ trì.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách cải thiện và nâng cao mối quan hệ với các nước ASEAN.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Thái Lan Yingluck

Trước cuộc đối thoại này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hai lần đến thăm Thái Lan vào tháng 5 và tháng 8/2013. Động thái trên cho thấy Trung Quốc đang dành sự quan tâm đặc biệt đối với Thái Lan và chính phủ Thủ tướng Yingluck đang ngày càng xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Vậy động thái mới của cả Trung Quốc và Thái Lan đang nói lên điều gì?

Trước hết, Bắc Kinh đang xem Thái Lan như một đồng minh mới của mình trong khu vực ASEAN khi mà một số đồng minh lâu năm như Campuchia hay Myanmar đang có vẻ xa rời vòng ảnh hưởng của Trung Quốc hơn. 

Với những cải cách chính trị của Tổng thống Thein Sein, Myanmar đang được phương Tây xem như một hình mẫu về cải cách dân chủ trong khu vực. Càng ngày Myanmar càng cho thấy họ muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. 

Còn với Campuchia, tình hình chính trị bất ổn tại quốc gia này sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua vẫn chưa được giải quyết xong và điều này đang khiến cho Bắc Kinh cảm thấy không yên tâm.

Chính vì thế hơn lúc nào hết, Trung Quốc đang cần một đồng minh mới trong ASEAN để tiếp tục gia tăng ảnh hưởng và thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình trong khu vực, và Thái Lan là một trong những quốc gia mà Trung Quốc “chọn mặt gửi vàng” ở thời điểm này. 

Thái Lan là quốc gia có quan hệ tốt nhất với Trung Quốc trong 10 nước ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc – Thái Lan hiện đạt trên 60 tỉ USD. Thái Lan cũng không có bất cứ tranh chấp lãnh thổ hay ân oán lịch sử nào với Trung Quốc. 

Hơn nữa, vị thế và tầm vóc của Thái Lan lớn hơn rất nhiều so với Campuchia và Myanmar vì Thái Lan là nước đi đầu trong khu vực về kinh tế và đối ngoại, đặc biệt Thái Lan hiện giữ vai trò là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc. 

Chính vì thế, không có gì quá ngạc nhiên khi Thái Lan là chặng dừng chân đầu tiên của Vương Nghị sau khi trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc vì ông Nghị hiểu rằng, có một đồng minh mới như Thái Lan là hết sức quan trọng với Bắc Kinh trong thời điểm này. 

Không phải ngẫu nhiên khi vừa nhậm chức Ngoại trưởng, ông Vương Nghị đã chọn thăm Thái Lan đầu tiên, chỉ trong 3 tháng tới Thái Lan 2 lần.

Mặt khác, Trung Quốc muốn tranh thủ sự ủng hộ của Thái Lan trong bối cảnh các hội nghị liên quan đến ASEAN và Trung Quốc sắp diễn ra 

Về mặt công khai, Trung Quốc muốn tận dụng vai trò điều phối viến quan hệ ASEAN – Trung Quốc của Thái Lan để tăng cường hợp tác với ASEAN trên các mặt, đặc biệt là kinh tế – thương mại. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc Trung Quốc muốn có sự hỗ trợ từ phía Bangkok trong vấn đề Biển Đông. 

Tình hình Biển Đông trong thời gian qua vẫn luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như thái độ ỡm ờ khi đàm phán COC đang khiến cho quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng có tranh chấp trở nên căng thẳng hơn và xu thế xa lánh Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng.

Trong bối cảnh vừa diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN tại Bắc Kinh (29/8) và sắp tới là Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc tại Brunei vào tháng 10, Trung Quốc đang cố gắng tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý, tập trung của ASEAN vào vấn đề Biển Đông. 

Trong chuyến thăm Bangkok hồi tháng 5 vừa qua, ông Nghị đang tìm cách để nhờ Thái Lan với vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc hướng các thành viên ASEAN nên tập trung vào hợp tác với Trung Quốc thay vì đưa vấn đề Biển Đông ra ASEAN.

Đối với Thái Lan, phát triển quan hệ với Trung Quốc lúc này là rất cần thiết vì họ đang cần một đồng minh lớn hỗ trợ ở phía sau trong khi dấu hiệu quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thái Lan có chiều hướng ngày càng đi xuống. 

Dù Thái Lan là trung tâm của các sáng kiến đối ngoại từ Mỹ liên quan đến Đông Nam Á, đồng thời cũng là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại ASEAN, nhưng vai trò của Thái Lan trong chiến lược đối với Đông Nam Á của Mỹ ngày càng giảm dần. 

Thái Lan đã không kịp thích ứng với chiến lược tái cân bằng lực lượng của Mỹ tại Châu Á trong khi Myanmar lại tỏ rõ sự “nôn nóng” muốn phát triển quan hệ với các ông lớn phương Tây. Dường như Washington đang càng ngày càng gần gũi hơn với Myanmar và ít quan tâm hơn tới Thái Lan. 

Bằng chứng rõ nhất là việc Tổng thống Myanmar Thein Sein đã được ông Obama mời đến Nhà Trắng hồi đầu năm và hai bên đã ký kết hiệp định khung về thương mại và đầu tư, điều mà Thái Lan còn chưa làm được. 

Trong khi đó, từ khi lên nhậm chức hồi năm 2011 đến nay, bà Yingluck vẫn chưa nhận được lời mời thăm Mỹ chính thức nào từ phía Nhà Trắng. Thái Lan hiểu rằng, khi Washington đang có dấu hiệu xa rời thì họ rất cần một đồng minh lớn mạnh để tiếp tục giữ vai trò là nước đi đầu trong ASEAN. 

Với bối cảnh đó, việc tăng cường quan hệ với Bắc Kinh sẽ giúp Thái Lan tạo vị thế mới, không chỉ trong ASEAN mà còn trong quan hệ với Mỹ.

Việc thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược Thái – Trung cũng như hai chuyến thăm Bangkok của Vương Nghị trong vòng 3 tháng cho thấy Trung Quốc xem Thái Lan như một đồng minh mới của họ trong khu vực để nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Bangkok. 

Tuy nhiên, Thái Lan cũng cần cảnh giác nếu không muốn bị rơi vào tình cảnh như Campuchia khi bị Bắc Kinh chi phối đến mức giật dây, thậm chí có thể mất vai trò trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

BDN (Theo GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới