Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVăn hóa Biển Đảo: Chiếc ghe bầu trong lịch sử hàng hải...

Văn hóa Biển Đảo: Chiếc ghe bầu trong lịch sử hàng hải Việt Nam (Bài 3 – tiếp theo và hết)

BienDong.Net: Trong lịch sử hàng hải Việt Nam, có một công cụ bán thô sơ đã góp phần quan trọng vào sự giao thương trên biển giữa các vùng miền duyên hải.

Theo các nhà nghiên cứu, công cụ này chính là chiếc ghe bầu: Nhờ sự hoạt động của ghe bầu mà Xứ Đàng Trong phát triển vượt hẳn lối chuyên chở ngày trước, và cũng nhờ loại ghe nổi tiếng này mà quan hệ của miền Trung và miền Nam đã có hiệu quả như ta thấy ngày nay.

 

Bài 3: Ghe bầu Việt Nam một thuở tung hoành

Tác giả Nguyễn Văn Xuân dẫn văn kiện cổ còn lưu lại cho thấy cuộc thủy chiến vang lừng nhất lịch sử thời chúa Nguyễn là cuộc chiến giữa Nguyễn Phước Tần (sau này là Chúa Hiền) với quân đội Hà Lan vào khoảng năm 1643 – 1644.

Vị Công tử tổng trấn này đã dẫn một đạo hải quân đóng ở dinh trấn Thanh Chiêm, đánh bại tất cả thế lực Hà Lan – quốc gia có lực lượng hải quân vào hàng hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Đó là khi Hà Lan được Chúa Trịnh hứa sẽ cho quyền lợi cực lớn (trong đó kể cả Đà Nẵng – Hội An) nếu giúp Chúa Trịnh đánh tan được quân thủy ở Xứ Đàng Trong. Nguyễn Phước Tần đã gặp hạm đội Hà Lan gồm ba chiếc thuyền lớn với vô số đại bác tối tân. Ông chỉ huy trên 60 chiến thuyền trang bị các vũ khí thô sơ và những đại bác cổ lỗ đã làm cho soái hạm do Pieter Bach chỉ huy phải tự cho nổ tan tành. Các tàu chiến khác phải chạy trốn. Một chiếc bị va vào cù lao trên biển, còn một chiếc được thoát thân.

 alt

Hình ghe bầu của người Việt trên bìa sách của Pierre Paris

Nhà nghiên cứu Vũ Hữu San trong khảo cứu của mình về ghe bầu dẫn bài viết của Tiến sĩ Li Tana cho biết hải quân Nhà Nguyễn sử dụng nhiều ghe bầu. Bà viết: Theo Biên niên nhà Nguyễn, từ 1778 đến 1819, Nguyễn Ánh dùng 235 ghe bầu (kiểu Chăm – Mã Lai prahu), 460 sai thuyền (thuyền chèo loại lớn hơn), 490 chiến thuyền, 77 đại chiến thuyền, 60 thuyền lớn nhỏ kiểu phương Tây hay là thuyền buồm dọc, 100 ô thuyền và 60 lê thuyền (thuyền chèo có chạm khắc và trang trí) tạo nên tổng số là 1482 chiếc.

Ghe bầu (Prau, Perahu) cũng hiện diện trong hải quân Tây Sơn. Xưa kia, ghe bầu là phương tiện chủ lực buôn bán với Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Sử sách còn ghi lại chuyến hàng chở hai con voi sang Nhật Bản do Ngô tử Minh thực hiện trên những chiếc ghe bầu vào năm 1788. Chắc chắn rằng trong hạm đội thuyền tác chiến và thuyền vận tải của nhà Tây Sơn, có khá nhiều ghe bầu.

Theo ông Piétri, thanh tra Kiểm Ngư Đà Nẵng cuối thập niên 1940: trước khi người Pháp tới làm đảo lộn các điều kiện kinh tế, các nhà hàng hải đường dài An Nam đã thực hiện các chuyến đi bằng “ghe bầu” tới Trung Quốc, Philippines, Singapore, Xiêm… Chúng tôi (lời ông Piétri) nghĩ rằng cần phải lôi cuốn sự chú ý vào những con cá bay to lớn: những chiếc thuyền buồm của Đông Dương.

Nhiều lời khen ngợi dân Việt đi biển được dẫn lại trong cuốn sách của Jean Chesneaux, cuốn “Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne”, bản địch Anh ngữ: “The Vietnamese Nation Contribution to a History”.

Sử sách còn ghi lại: Ghe bầu là phương tiện chính của ngoại thương, chuyên chở hàng hoá qua lại Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Một đoạn hải trình ngắn của thuyền Việt – Nam được George Windsor Earl viết trong sổ nhật ký “The Eastern Seas on Voyages and Adventures in the Indian Archipelago in 1832 – 33 – 34”. Khi đó George Windsor đang trên đường dẫn lộ một chiếc thương thuyền đến Singapore vào đầu thế kỷ thứ 18 như sau: “… Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước. Mấy thương lái Trung Hoa đi trên tàu chúng tôi, đứng sững sờ ngắm nhìn những dàn buồm no gió một hồi… rồi sau khi nhận diện được, họ la lên một cách thán phục: ‘Lại mấy người Việt đấy, thật lỳ quá trời…’. Tôi nghĩ (lời thuyền trưởng George Windsor Earl): Mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lượn gió thật là tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thuỷ thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Châu Âu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không có một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió Biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã qua 20 năm rồi, rất ít thương – thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong giữa mùa biển động như vậy…”.

Ông còn viết thêm nhiều câu rất cảm động, thí dụ như: “Thật thú vị nếu được quen biết với những người Việt Nam. Tính tình họ năng động, ngôn từ lại hoạt bát như dân Pháp. Khi đến buôn bán ở Singapore, họ đã phải khéo léo trong sự cạnh tranh. Hoàn cảnh sinh hoạt của họ thật sự khó khăn vì chính sách bế quan toả cảng của triều đình Việt Nam. Họ rất can đảm khi xuất dương. Thuyền họ lại không trang bị vũ khí và như thế có thể là miếng mồi ngon cho bọn hải tặc”.

Vinh dự thay cho truyền thống của ngành hàng hải Việt Nam! Những câu khen ngợi đó có thể nói là không tiếc lời. Sự suy tôn về nghề nghiệp, đề cao về nhân cách cùng khâm phục lòng can đảm như vậy rất hiếm hoi trong giới hàng hải. Người Việt như chúng ta ngày nay, nghe thấy cũng còn hãnh diện lây.

William Dampier (1652 – 1715) một nhà du hành người Anh, trong cuốn du ký nổi tiếng của mình Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, lúc vượt qua Mã lai để đến Đàng Ngoài, ông đã mô tả về một loại ghe gọi là Proes (rất giống với ghe prao): “Họ có những kiểu ghe gọi là Proes được chạm trổ rất công phu và thật là gọn gàng. Chúng tôi gọi đó là những chiếc ghe bán nguyệt vì hai đầu nhô cao lên mặt nước trông giống một cung bán nguyệt mà hai sừng quay lên phía trên. Chúng được giữ gìn rất cẩn thận, đi buồm rất tốt và được dùng nhiều trong chiến tranh”.

Huỳnh Tịnh Của chép về ghe bầu: “Ghe bầu bụng, vác mũi, chính là ghe đi biển”.

Genibrel chú: “Ghe bầu là loại ghe biển rất lớn”.

Còn Vương Hồng Sển thì giải thích thêm: “Ghe đi biển của người xứ Huế; bọn ghe bầu, hiểu là người miền Trung”.

Địa chí Long An cho ta những thông tin chi tiết hơn về ghe bầu: “Loại ghe có tải trọng lớn, chạy buồm, có nhiều chèo để đi sông và đi biển dài ngày. Trước đây, những nhà buôn lớn thường dùng ghe bầu chở gạo thóc từ miền Trung và mua vải vóc, hàng hóa, lâm thổ sản từ miền Trung đưa vào Nam Bộ”.

Như vậy, có thể hiểu ghe bầu là loại ghe đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Đây là loại ghe của cư dân miền Trung, ra đời từ giữa thế kỷ XVI, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai.

BDN (theo tài liệu của nhà nghiên cứu Vũ Hữu San)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới