Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐÔI ĐIỀU VỀ NHÓM TRƯỞNG NHÓM TƯ VẤN QUỐC TẾ TRONG VỤ...

ĐÔI ĐIỀU VỀ NHÓM TRƯỞNG NHÓM TƯ VẤN QUỐC TẾ TRONG VỤ PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Ngày 27/8/2013, Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) đóng tại Hà Lan đã ra Thông cáo báo chí về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài.

Thông cáo báo chí viết: “Liên quan đến vụ Cộng hòa Philippines kiện CHND Trung Hoa theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), Tòa Trọng tài ra đưa ra Trình tự thủ tục (Procedural Order) đầu tiên và lịch trình dự kiến cho công việc trọng tài và thông qua các Nguyên tắc tố tụng (Rules of Procedure), sau cuộc họp đầu tiên của các thành viên của Tòa trọng tài tại Hà Lan ngày 11/7/2013. Tòa Trọng tài đã quyết định PCA đứng ra là cơ quan đăng ký trong quá trình tố tụng”.

Trong trình tự tố tụng đầu tiên, Tòa Trọng tài đã chính thức thông qua các nguyên tắc tố tụng và lấy ngày 30/3/2014 là ngày Philippines phải trình Báo cáo và bằng chứng (Memorial) về vụ kiện. Sau đó Tòa sẽ quyết định các bước tiếp theo của quá trình tố tụng, bao gồm việc xem xét tính cần thiết và sắp xếp chương trình thực hiện báo cáo và điều trần vào thời gian thích hợp, sau khi tìm hiểu quan điểm của hai bên.

Như vậy là sau 7 tháng kể từ khi Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài về tranh chấp liên quan đến “Quyền tài phán trên biển của Philippines trong vùng biển Tây Philippines”, những hoạt động đầu tiên liên quan đến vụ kiện này đã được khởi động.

Tiếp theo, PCA thông báo: Tòa Trọng tài đã được thành lập, gồm 5 thành viên là: Thẩm phán Thomas A. Mensah (người Gana) làm Chủ tịch; Thẩm phán Jean – Pierre Cot (người Pháp); Thẩm phán Stanislaw Pawlak (người Ba lan); Giáo sư Alfred H. Soons (người Hà Lan) và Thẩm phán Rudiger Wolfrum (người Đức).

PCA cũng thông báo đội hình của phía Philippines tham gia quá trình tố tụng tại Tòa gồm: Đại diện của Philippines là Luật sư Francis H. Jardeleza, Luật sư hàng đầu của Philippines, thuộc Văn phòng Tổng luật sư Philippines (Office of the Solicitor General, PLP). Nhóm tư vấn theo vụ kiện gồm: Luật sư Paul S. Reichler (Nhóm trưởng) và luật sư Lawrence H. Martin, thuộc công ty luật Foley Hoag LLP (Mỹ); Giáo sư Bernard H. Oxman, Đại học luật Miami (Mỹ); Giáo sư Philippe Sands QC thuộc Matrix Chamber. London (Anh); Giáo sư Alan Boyle, thuộc Essex Chambers, London (Anh).

Ít ai biết về Luật sư Paul S. Reichler, Nhóm trưởng Nhóm Tư vấn cho phía Philippines và công ty luật Foley Hoag LLP. Vậy ông và công ty Foley Hoag LLP là ai?

Foley Hoag LLP, có trụ sở chính tại Washington DC, Boston và Paris, là công ty luật lớn của Mỹ, thường xuyên đại diện cho các quốc gia có chủ quyền trong các vụ kiện tụng trước Tòa án quốc tế về Công lý (ICJ) tại La Hay, được coi là công ty có nhiều kinh nghiệm và thành công hơn bất kỳ công ty luật nào trên thế giới trong lĩnh vực này. Foley Hoag cũng thường xuyên đại diện cho các quốc gia có chủ quyền trong tranh chấp biển và biên giới trên đất liền.

Chỉ tính trong năm 2012 vừa qua, Foley Hoag đã giúp khách hàng của mình giành thắng lợi trong các vụ kiện liên quan đến gianh giới biển trước Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) và ICJ, ví dụ như vụ Bangladesh kiện Myanmar liên quan đến vịnh Bengal, trong đó Bangladesh đã giành được phần lớn khu vực biển trong vịnh Bengal và vùng thềm lục địa hơn 200 hải lý.

Trong số 8 vụ kiện đưa ra Tòa trọng tài liên quan đến Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển 1982 thì Foley Hoag đã tham gia và tư vấn cho 5 trường hợp, trong đó có vụ Guyana kiện Surinam năm 2007 đã giành thắng lợi, và 4 vụ kiện đang tiến hành, gồm vụ Philippines kiện Trung Quốc; Mauritius kiện Anh; Bangladesh kiện Ấn Độ; Croatia kiện Slovennia. Ngoài việc tham gia các vụ kiện, Foley Hoag còn tham gia tư vấn cho các nước trong quá trình đàm phán về phân định biển, ví dụ như tư vấn cho Ecuador trong đàm phán và đi đến ký hiệp định với Peru năm 2012. Công ty Foley Hoag được Tạp chí nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực luật học Chambers Global đánh giá là “ Một lực lượng thực sự trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến luật quốc tế” với “Các luật sư có kiến thức sâu rộng, khả năng tranh tụng và biện luận kiệt xuất, có khả năng phục vụ trong bất cứ hoàn cảnh và trường hợp nào”.

Luật sư Paul S. Reichler là hội viên và là đồng Chủ tịch Phòng Kiện tụng và Trọng tài quốc tế thuộc công ty Foley Hoag. Luật sư Paul S. Reichler đồng thời là Trưởng nhóm công tác liên quan đến các vụ kiện trước ICJ. Nhóm thực hiện các vấn đề liên quan đến việc phân định gianh giới trên biển và trên đất liền của Foley Hoag cũng do luật sư Paul S. Reichler làm trưởng nhóm. Chambers Global đã từng đánh giá ông là “Một trong những luật sư nhiều kinh nghiệm và được kính trọng nhất liên quan đến công pháp quốc tế” và là người “Thuộc nhóm các luật sư có đẳng cấp với kinh nghiệm dồi dào về việc thay mặt cho các quốc gia có chủ quyền trong các vụ kiện tại ICJ và ITLOS”. Chambers Global mô tả ông là “ Nhà chiến thuật và thày cãi xuất sắc và người trưởng nhóm xuất chúng”. Trong cuốn sách chỉ dẫn Chamber Global 2013 Guide, Paul S. Reichler được xếp vào trong số những luật sư hàng đầu của nhóm về Công pháp quốc tế.

Thành công đầu tiên ghi danh tên tuổi Paul S. Reichler tại ICJ là thắng lợi vang dội của Nicaragua kiện Mỹ trong vụ kiện liên quan đến “các hoạt động có vũ trang ở Nicaragia và chống lại Nicaragua” năm 1984. ICJ đã phán quyết Mỹ đã tham gia vào việc sử dụng trái phép vũ lực chống lại Nicaragua thông qua việc vũ trang và ủng hộ lực lượng phản cách mạng ở Nicaragua trong âm mưu lật đổ chính quyền Nicaragua và phong tỏa các cảng biển của nước này. Trong 25 năm sự nghiệp của mình, luật sư đã tham gia, đại diện cho 17 quốc gia trong 17 vụ kiện tụng trước ICJ. Ông cũng đã và đang tham gia, đại diện cho 8 quốc gia trong 8 vụ kiện tụng, trọng tài liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển giữa các quốc gia.

Trong những ngày gần đây, hai phóng viên Andrew Browne và Enda Curran của báo Wall Street Jornal đã có cuộc trò chuyện với luật sư Paul S. Reichler xung quanh kết quả có thể của vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Khi được hỏi về diễn tiến của quá trình tố tụng, luật sư cho biết: Thông thường, quốc gia bị kiện (Trung Quốc) sẽ có khoảng 8 tháng để phản biện. Sau đó, theo trình tự thông thường, hai bên sẽ có một vòng đối chất thứ hai bằng văn bản mà trong đó Philippines có 4 hoặc 5 tháng để nộp khiếu nại của mình và Trung Quốc cũng có khoảng thời gian tương tự để đáp ứng. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không hợp tác, Tòa đã chỉ định ngày nộp các tài liệu cho riêng Philippines là ngày 30/3/2014.

Luật sư cho biết, theo quy định của UNCLOS thì sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm để hoàn tất một vụ kiện. Do Trung Quốc không hợp tác nên quá trình này sẽ tốn ít thời gian hơn, nhưng vẫn khó có thể dự đoán được thời hạn sẽ hoàn thành. Hội đồng Trọng tài sẽ đặt mình vào vị trí của Trung Quốc và cố gắng xác định các phản biện mà Bắc Kinh sẽ đưa ra và sau đó chúng tôi (phía Philippines) sẽ đưa ra các giả thuyết đối phó với điều đó, cũng như câu hỏi mà các thành viên của Tòa có thể đưa ra. Quá trình này sẽ mất khoảng 6 đến 12 tháng, tức là vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2014 có thể sẽ hoàn thành vụ kiện.

Khi được hỏi liệu Foley Hoag có lo lắng về tầm cỡ của vụ kiện liên quan đến một nước lớn như Trung Quốc hay không, luật sư trả lời: Chúng tôi phải đối mặt với một sự lựa chọn: đấu tranh cho công lý, hoặc tránh đối đầu với những người giàu có và thế lực. Nếu chúng tôi bênh vực thay vì kiện họ, họ sẽ trở thành khách hàng rất có lợi nhuận cho công ty chúng tôi. Nhưng vì chúng tôi là những luật sư, người đấu tranh cho công lý, chúng tôi không bao giờ do dự trong việc đưa ra những lựa chọn này.

Về hậu quả của việc nếu Trung Quốc không công nhận và chống lại phán quyết của Tòa, luật sư trả lời: Trong hơn 95% các trường hợp kiện tụng và trọng tài thông qua các tòa án quốc tế, các nước đều phải thi hành bản án, ngay cả khi không hài lòng với nó. Vì có ít nhất hai lý do cho việc này. Đầu tiên là uy tín và ảnh hưởng đi cùng với quyết định của quốc gia đó. Thứ hai là nhiều quốc gia hiểu lợi thế của họ và lợi thế của những nước khác đang sống trong một hệ thống dựa trên luật lệ. Trung Quốc là một cường quốc và đang muốn tăng cường ảnh hưởng của mình trong cộng đồng quốc tế. Hãy thử nghĩ đến những lợi ích kinh tế sẽ đem lại cho quốc gia giàu nhất và mạnh nhất trong khu vực này nếu các tranh chấp được giải quyết và việc đầu tư khai thác tài nguyên từ Biển Đông bắt đầu.

Có thể nói, Philippines đã không nhầm khi lựa chọn luật sư Paul S. Reichler và nhóm cộng sự của ông. Manila đã tiến hành một cuộc kiếm tìm trên qui mô toàn thế giới, và với lợi thế là đồng minh chiến lược của Mỹ, họ đã tìm được một đội hình mạnh nhất để đương đầu với Trung Quốc trong vụ kiện này. Một quan chức cao cấp trong chính phủ Philippines nói “Chúng tôi cần những người giỏi nhất”, bởi Philippines biết họ đang phải đương đầu với một đối thủ tầm cỡ thế giới đang có tham vọng bẻ cong luật pháp quốc tế đương thời và dọa nạt các nước láng giềng bằng sức mạnh quân sự và kinh tế đang lên của mình, hòng mong chiếm và coi Biển Đông là cái ao nhà của riêng mình. Đó là Trung Quốc. Với sự tham gia của luật sư kỳ cựu Paul S Reichler trong vụ kiện, có thể tin tưởng về một kết quả đúng với công lý, nghiêng về phía Philippines.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới