Monday, November 4, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgười Sài Gòn vật vã với triều cường: Một phần do nước...

Người Sài Gòn vật vã với triều cường: Một phần do nước biển dâng!

BienDong.Net: Liên tiếp những ngày qua, nhiều địa bàn tại TP. Hồ Chí Minh bị ngập sâu trong nước triều cường.

Tình trạng ngập lụt kéo dài đã làm đời sống thường ngày của người dân bị đảo lộn, đi lại khó khăn, buôn bán ế ẩm. Nhiều hộ dân phải di cư đến nhà người thân để tránh nước lên, dùng bao cát để đắp đê chắn nước tràn vào nhà. 

Triều cường gây ngập nặng ở các tuyến đường phố thuộc các quận 6, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh… có nơi mực nước lên cao đến 1 mét khiến dòng phương tiện xe máy chết máy, phải bì bõm lội “sông” trên phố.

 

Đường phố khi triều cường (ảnh Tuổi Trẻ)

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo: Triều cường sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới và đỉnh triều luôn ở mức cao. Triều cường tại TP. Hồ Chí Minh đã đạt 1,68 m vào đêm 20.10 – vượt mốc lịch sử 1,62 m (17.10.2012) và cao nhất trong hơn 60 năm qua.

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan – nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nguyên nhân khiến triều cường trong những ngày qua tại khu vực TP. Hồ Chí Minh tăng cao bất ngờ là do nhiều yếu tố kết hợp: Tình trạng xả lũ từ các hồ trên thượng nguồn, nước biển dâng cao cộng với yếu tố đới gió lệch đông, đẩy nước biển vào các cửa sông nhiều hơn. Mặt khác, đúng vào những thời điểm triều cường cao (thường vào buổi tối), tại TP. Hồ Chí Minh lại xảy ra mưa to nên càng làm đỉnh triều cao hơn, từ đó gây ngập nặng nhiều nơi.

Bà Lan cho rằng vấn đề bêtông hóa đô thị chỉ là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt, bởi không chỉ ở các đô thị có tốc độ đô thị hóa cao như TP. Hồ Chí Minh, mà ngay cả những địa phương ít bị đô thị hóa (Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp) hay Bình Dương… đỉnh triều cường của đợt này cũng khá cao, làm nhiều nơi bị ngập nặng. 

Theo các nhà khoa học Việt Nam, vấn đề chính khiến triều cường liên tục lập các đỉnh kỷ lục mới và vượt mốc lịch sử là do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Điều này cũng cảnh báo các nhà quản lý khi lập các dự án xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập cần phải tính toán thiết kế khả năng thoát nước cho phù hợp với tính dự báo cho tương lai 15 – 20 năm. Chẳng hạn, một dự án bắt đầu được triển khai từ năm 2013 thì phải mất đến 4 – 5 năm sau mới thi công xong, nếu không tính toán thiết kế cho phù hợp thì khi công trình đưa vào sử dụng đã trở nên quá tải, lạc hậu.

 alt

Nước lụt bủa vây một khu công nghiệp Thái Lan (ảnh báo The Nation)

Nhìn sang láng giếng Thái Lan, quốc gia được dự báo cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, trong những ngày này, trận ngập lụt tại các tỉnh miền đông Thái Lan đang khiến các khu công nghiệp ảnh hưởng nặng. 15 nhà máy tại KCN Amata (tỉnh Chon Buri) đóng cửa, 78 nhà máy trong vùng đông bắc ngập hoàn toàn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, trong vòng 40 năm trở lại đây, trung bình mực nước của Biển Đông tăng lên khoảng từ 5 – 10 cm. TS. Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và Phát triển – Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam dẫn báo cáo Biến đổi khí hậu 2007 của Uỷ ban Liên chính phủ (IPPC) cho biết khu vực Duyên hải của Châu Á hiện nay mực nước biển dâng lên vào khoảng từ 1 – 3 mm/năm.

Ở Việt Nam, hiện tượng triều cường xảy ra thường xuyên nhưng đặc biệt là vào tháng 10, tháng 11, tháng 12 và tháng 1 hàng năm. Hiện tượng triều cường tác động mạnh ở các vùng bờ biển miền Trung và miền Đông Nam Bộ, là những vùng đất thấp vô cùng nhạy cảm trước tình trạng nước biển dâng.

BDN (theo các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới