Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCẦN MỘT HÀNH ĐỘNG CHO MỘT SỰ TIN CẬY

CẦN MỘT HÀNH ĐỘNG CHO MỘT SỰ TIN CẬY

BienDong.Net: Trung Quốc đang bắt đầu các nỗ lực mới để tái chinh phục vùng ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Trải qua 30 năm tiến hành cải cách, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc Châu Á – Thái Bình Dương; một số lĩnh vực đã phát huy vai trò nước lớn toàn cầu.

Nhưng Trung Quốc vẫn có rất ít quốc gia đồng minh và thân hữu. Vì sao vậy?

Đành rằng, trong quan hệ giữa các quốc gia, lợi ích là bất biến. Đặng Tiểu Bình rất ưa dùng danh ngôn của một chính khách Anh cuối thế kỷ 19 “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Nhưng sự tin cậy vẫn là cơ sở để duy trì những mối quan hệ bền vững. Trung Quốc đề cao sự trỗi dậy hòa bình và lý thuyết “cùng thắng”, nhưng rất ít người tin điều đó. Trung Quốc thường làm sao thắng người; người Trung Quốc sang nước nhỏ làm ăn thường chỉ ăn người. “Mối đe dọa Trung Quốc” vì vậy chẳng thể là sản phẩm trí tưởng tượng do Mỹ và phương Tây truyền bá và gieo rắc. Mối đe dọa của Trung Quốc là hiện hữu, là có thật. Các dân tộc nhỏ yếu ở Trung Á đang lo ngại về sự đồng hóa của người Hán. Ở Nga, người ta lo ngại người Trung Quốc xâm nhập và xâm chiếm vùng Viễn Đông Nga. Một trí thức Thượng Hải từng nói với người Nga: Nếu nước Nga không có vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã chiếm Siberia từ lâu rồi. Người Ấn Độ phải giành những khoản ngân sách quốc gia cực lớn để xây dựng quân đội và hiện đại hóa quốc phòng, sẵn sàng đối phó với sự lấn lướt thường trực của Trung Quốc dọc đường biên giới trên đỉnh Himalayas và với Pakistan – nước được Trung Quốc chống lưng, thường xuyên gây hấn. Người Myanmar vốn có tính độc lập dân tộc rất cao, trải qua 20 năm quan hệ chặt chẽ với người Trung Quốc đã thấy được cái họa phụ thuộc, từ đó phải cải cách, mở cửa, để đón ảnh hưởng phương Tây vào cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á lục địa ngày càng quan ngại về sự đô hộ phương Bắc về kinh tế.

Sự bạo ngược thể hiện rõ nhất qua các cuộc tranh chấp tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Tại Biển Đông, Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự từng bước leo thang gây xung đột và lấn chiếm các đảo: Năm 1956 chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa; năm 1974, đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa do binh lính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm 5 bãi đá do Việt Nam kiểm soát và năm 1995, chiếm đảo Vành Khăn do Philippines kiểm soát, thiết lập chỗ đứng tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tích cực nêu vấn đề chủ quyền và muốn giành lại “các quyền lịch sử” đối với một vùng biển mênh mông ở Biển Đông. Hàng ngày, các lực lượng hải quân và chấp pháp của Trung Quốc chèn ép, ngăn chặn các hoạt động dân sự của các nước láng giềng giáp biển ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.

Người Trung Quốc với tư tưởng nước lớn Đại Hán ít khi đặt mình vào vị trí người khác để xem thiên hạ nghĩ gì về mình, trừ phi lợi ích sát sườn của họ đòi hỏi phải làm như vậy. Gần đây họ đang nhìn lại chính sách láng giềng phương Nam. Trên báo Le Monde của Pháp số gần đây, Jean – Pierre Cabestan, thuộc Đại học Hong Kong, nhận xét cuộc tấn công ngoại giao của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á gần đây cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi chiến lược; có một thiện chí hòa dịu từ phía Trung Quốc. Không biết đó có phải là tạm thời hay không, nhưng Trung Quốc đã ý thức được các tác dụng phụ của cách tiếp cận hung hăng quá đà ngoài Biển Đông mà họ áp dụng tới nay. Người ta đã lưu ý thấy các cuộc tranh luận ở Trung Quốc, trong giới nghiên cứu, kể cả ở Trường Đảng và trong các nhóm chính thức, về cái giá của thái độ hung hăng này.

Đầu thế kỷ này, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giữa lúc Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, gây ra các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, Trung Quốc xác định đại thời cơ chiến lược đã đến. Năm 2001, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã bất ngờ đưa ra kiến nghị ký kết Hiệp định thương mại tự do với ASEAN. Để bôi trơn mối quan hệ kinh tế này, tháng 11/2002, Trung Quốc chấp nhận cùng ASEAN ký kết Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Nhưng trong thời gian đó, như báo Le Monde nhận xét, “Bắc Kinh đã dựng lên một hàng rào rất cao trong các đòi hỏi Biển Đông, đến mức mà mọi nhượng bộ của giới lãnh đạo đối với phạm vi chủ quyền trên biển đều đẩy họ hứng chịu búa rìu của dư luận Trung Quốc”. Ngay như việc đưa ra các số liệu ước lượng trữ lượng dầu khí Biển Đông, con số của các cơ quan thuộc phía Trung Quốc đưa ra bao giờ cũng cao vống lên, tạo sự kích động ham muốn của người Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Sản xuất của Trung Quốc bị thu hẹp; tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong khi đó, qua 10 năm, các nước ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc chủ trương mở rộng các khu vực tự do thương mại cận biên và các chuyến thăm hàng loạt nước Đông Nam Á trong tháng 10 vừa qua của lãnh đạo Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn tìm một phép màu nhiệm qua việc mở đột phá mới về kinh tế thương mại với ASEAN, với mục tiêu đưa thương mại Trung Quốc – ASEAN lên 500 tỷ USD vào năm 2015 và 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Nếu thành tựu, ASEAN có thể trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai (2015) và thứ nhất (2020).

Trên Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo nổi tiếng về thái độ hung hăng trong vấn đề biển đảo, ngày 15/10, đăng bài của Li Kaisheng, thuộc Viện quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Thượng Hải, dưới tiêu đề “Các quan hệ kinh tế là không đủ để xây dựng các quan hệ lâu bền với ASEAN”, nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại cuộc gặp gỡ cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 16 rằng Trung Quốc muốn xây dựng “một cộng đồng vận mệnh chung” với các thành viên ASEAN.

Nhưng, như tác giả thừa nhận, “để đạt một đột phá vẫn gặp những thách thức lớn. Nền tảng của cộng đồng này là một tầm nhìn chung về an ninh, một lĩnh vực mà Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN vẫn còn ít điểm đồng thuận. Những bất đồng sâu sắc về các vấn đề an ninh giữa Trung Quốc và ASEAN không thể giảm bớt chỉ bằng việc làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế. Từ những năm 1990, Trung Quốc đã nỗ lực rất lớn để tăng cường quan hệ kinh tế của mình với ASEAN, ví dụ thúc đẩy mạnh mẽ khu vực tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN, nhưng sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên trong vấn đề an ninh vẫn không được tăng cường. Do vậy, việc thiết lập cộng đồng vận mệnh chung không thể chỉ thần túy dựa trên hợp tác kinh tế. Trung Quốc phải đối diện với các thách thức của các vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) bằng một thái độ chính trị trực tiếp. Sẽ không có thỏa hiệp về chủ quyền, nhưng làm sao quản lý và kiểm soát các vấn đề phát sinh từ các vấn đề chủ quyền trong khuôn khổ mới của quan hệ an ninh chính trị Trung Quốc – ASEAN là một thử thách thực sự đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc cần xem xét lại chính sách của mình để đạt các mục tiêu này”.

Các nhà quan sát quốc tế lưu ý đến những nội dung mới tại thỏa thuận 3 điểm về Biển Đông nêu trong Tuyên bố chung đưa ra tại Hà Nội ngày 15/10/2013 nhân dịp Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam. Báo Độc lập của Nga cho rằng quyết định thành lập nhóm công tác để cùng nghiên cứu vấn đề Biển Đông “có thể được coi là mang tính lịch sử”. Có học giả Singapore còn cho rằng Trung Quốc đã có “tư duy mới trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông”.

Phải chăng, Trung Quốc đang tìm cách bôi trơn để đạt các đột phá kinh tế? Những đánh giá của giới quan sát có thể là sự lạc quan vội vã, khi người ta nhớ lại hơn 10 năm thực thi DOC, Trung Quốc tỏ ra là bậc thầy của ngoại giao câu giờ và dùng lời nói xoa dịu dư luận.

Jean – Pierre Cabestan nhận xét, cuộc tấn công ngoại giao của ông Lý Khắc Cường cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi chiến lược, nhưng các nước liên quan sẽ không tin lời hứa của Trung Quốc là thật, chừng nào Trung Quốc chưa thể hiện thiện chí qua các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới