Sunday, October 13, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN 1982 VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN 1982 VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Ngày 24/10/2013, Trung Quốc đã đứng ra tổ chức Hội thảo quốc tế Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và thực tiễn của các quốc gia tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam Trung Quốc.

Mục tiêu của Trung Quốc là thông qua Hội thảo để thực hiện cái gọi là “đánh giá lại” và xuyên tạc những nội dung của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Một số học giả Trung Quốc dùng diễn đàn này để phủ nhận những giá trị và ý nghĩa của Công ước 1982. Họ buộc phải thừa nhận rằng Công ước 1982 có ý nghĩa to lớn đối với vấn đề Biển Đông, nhưng lại cho rằng Công ước 1982 “không hoàn hảo” đối với vấn đề này. Ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải đưa ra một số nhân tố rất vô lý để cho rằng Công ước 1982 còn hạn chế đối với Biển Đông như sự khác biệt về hình thái ý thức hay mức độ phát triển kinh tế khác nhau, hay sự khác nhau về văn hoá. Ông ta viện ra những nhân tố đó để cho rằng Công ước 1982 chưa thể thực hiện ở Biển Đông.

Năm 2012, cả nhân loại vừa kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra đời và đã đưa ra những đánh giá hết sức quan trọng về ý nghĩa ra sự ra đời cũng như sự tồn tại và vận dụng Công ước trong 30 năm qua.

Các đánh giá của Liên hợp quốc, của các nước và của các nhà luật gia, học giả quốc tế đều cho rằng việc 107 quốc gia cùng ký vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển tại Montego Bay, Jamaica 30 năm trước đây là một thành quả hết sức quan trọng của Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật biển. Sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một chuẩn mực pháp lý quốc tế công bằng mang tính toàn cầu đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Công ước Luật biển 1982 ra đời đã đặt nền tảng cho sự thiết lập một trật tự pháp lý mới liên quan đến các vấn đề biển và đại dương. Nội dung của Công ước 1982 đề cập toàn diện đến các lĩnh vực biển, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay nước đang phát triển, dù là nước nhỏ hay nước lớn, dù là nước có biển hay không có biển.

Một điểm rất mới trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 là Công ước không chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển mà còn đề cập đến quyền được tiếp cận với biển của các quốc gia không có biển. Do vậy, Công ước Luật biển 1982 được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển, cùng chấp nhận. Đến nay, thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã lên tới 162 quốc gia. Từ khi có hiệu lực ngày 16/11/1994, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để điều phối các vấn đề liên quan đến biển, một công cụ pháp lý quan trọng để giải quyết, xử lý các tranh chấp biển và được coi là “Hiến pháp của đại dương”. Trong 30 năm tồn tại, Công ước Luật biển 1982 đã được vận dụng khá hiệu quả để giải quyết nhiều tranh chấp biển phức tạp kéo dài, tránh được những nguy cơ xung đột tiềm tàng.

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 là thành tựu nổi bật của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của Thế kỷ 20, tạo khuôn khổ pháp lý tiến bộ, công bằng và toàn diện cho các hoạt động trên biển và đại dương, là cơ sở cho việc duy trì hoà bình ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Công ước Luật biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Trong bối cảnh các quốc gia đang tích cực triển khai chiến lược biển; nhiều vấn đề liên quan đến biển ngày càng trở nên phức tạp thì Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 lại càng có vai trò quan trọng hơn trong việc điều phối các mối quan hệ và các vấn đề liên quan đến biển để hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên biển, sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ, bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý.

Tại Hội nghị lần thứ 22 các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, tổ chức tại New York tháng 6/2012, một lần nữa Công ước được khẳng định là thành tựu của nhân loại bởi những quy định của nó là kết quả của sự hợp tác – đấu tranh – xây dựng nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, quan điểm luật pháp… khác nhau; là sự thoả hiệp giữa các quốc gia vì một nhận thức chung đối với tầm quan trọng sống còn của biển và đại dương đối với sự phát triển của nhân loại. Khi trở thành thành viên của Công ước, các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định trong Công ước.

Ấy vậy mà Trung Quốc – một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, một Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lẽ ra cần có tiếng nói bảo vệ những tôn chỉ và ý nghĩa của Công ước và cần có những hành động cụ thể thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những quy định của Công ước lại có những tiếng nói đi ngược lại những mục tiêu tôn chỉ của Công ước.

Trong khi tất cả các nước lớn nhỏ trong khu vực và trên thế giới đều ủng hộ cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì Trung Quốc đang cố gắng tìm cách để phủ nhận những tôn chỉ mục đích, ý nghĩa, và các điều khoản quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 là vì các đòi hỏi, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, nó vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước Luật biển 1982; những hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Những hành động gây hấn của họ đang bị cả cộng đồng quốc tế lên án và đang tạo mối đe doạ cho hoà bình, ổn định trong khu vực.

Trong một thế giới hội nhập ngày nay, mỗi nước không phân biệt hình thái ý thức, không phân biệt về ý thức hệ đều cần tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa ra quan điểm khác nhau về trình độ phát triển để không tuân thủ luật pháp quốc tế và không áp dụng Công ước Luật biển 1982 trong tranh chấp ở Biển Đông cho thấy họ đang thi hành một chính sách cường quyền ở Biển Đông, họ đang dùng sức mạnh kinh tế của mình để chèn ép, bắt nạt các nước ven Biển Đông; họ đang theo đuổi chính sách “cá lớn nuốt cá bé” để thực hiện sự bành trướng ở Biển Đông.

Một số học giả Trung Quốc còn lớn tiếng nói rằng Công ước Luật biển 1982 “có nhiều chỗ mơ hồ”. Thử hỏi cái yêu sách “đường lưỡi bò” quái đản của họ ở Biển Đông có gì là rõ ràng hay không? “Đường lưỡi bò” chỉ là một nét vẽ hoang tưởng lấn sâu vào thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, không hề có toạ độ và ngay cả khi họ đưa bản đồ “đường lưỡi bò” ra Liên hợp quốc tháng 5/2009, họ cũng không có một lời giải thích. Như vậy, chính yêu sách “đường lưỡi bò” của họ mới là mơ hồ và không có giá trị. Cộng đồng quốc tế đang yêu cầu Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò” nhưng họ không thể làm được.Trung Quốc đang tìm cách phủ nhận những giá trị của Công ước Luật biển 1982 để biện minh cho yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Trong hơn 30 năm tồn tại, không thể phủ nhận tầm quan trọng và vị trí pháp lý của Công ước Luật biển 1982 trong đời sống luật pháp quốc tế; Công ước Luật biển 1982 đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, kể cả những tranh chấp về biển. Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Chỉ có như vậy mới có được giải pháp cơ bản lâu dài bền vững ở Biển Đông.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới