Wednesday, November 13, 2024

Người làm chủ biển phải là nhân dân

BienDong.Net: Theo GS.TS.Trần Ngọc Thêm, một dân tộc được coi là có văn hóa biển khi văn hóa biển là một thành tố hữu cơ không thể thiếu của vốn văn hóa dân tộc.

Điều đó đạt được khi hội đủ 4 điều kiện: Khu vực sinh tồn nhờ biển đủ lớn để cộng đồng biết đến và thừa nhận; Cư dân sống trên biển đủ đông để trở nên một lực lượng quan trọng không thể xem thường của cộng đồng; Đóng góp kinh tế – xã hội của nghề biển đủ nhiều để cộng đồng biết đến và thừa nhận; và chủ thể ấy tồn tại trong không gian ấy với những đóng góp ấy một thời gian đủ dài để trở thành truyền thống và đi vào tâm thức cộng đồng.

Nếu thừa nhận 4 tiêu chí trên thì có thể nói, trong lịch sử, Việt Nam thời Đông Sơn và sau đó, có thể đến hết thời kỳ chống Bắc thuộc, từng có văn hóa biển, thậm chí là một quốc gia biển ở quy mô khu vực.

alt

Những người giữ Biển Đảo Việt Nam: Nụ cười người lính trẻ Trường Sa (ảnh BienDong.Net)

Về nền văn hóa biển thời Đông Sơn của Việt Nam ông Thêm khẳng định rằng có rất nhiều bằng chứng, trong đó hiển nhiên nhất, hay được nhắc đến nhất là hình vẽ tàu thuyền trên các trống đồng Đông Sơn. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến một chi tiết là các tàu thuyền này dường như chỉ đi sông chứ không đi biển, vì chúng không có buồm. Thuyền đi biển thời Nguyễn, như hình vẽ trên các cửu đỉnh chẳng hạn, thì có buồm, nhưng thuyền thời Đông Sơn hầu như thân dài và có mái chèo.

Tuy nhiên, theo sách Trung Quốc, người Trung Quốc từ thời Hán đến thời Tùy Đường đều khẳng định người Việt đi sông đi biển rất giỏi. Có thể nhận định truyền thống đi biển là có chung ở cư dân Bách Việt, từ Nam Trung Hoa đến Việt Nam. Các nhà nghiên cứu phương Tây cũng ghi nhận điều này. Thời Óc Eo, đầu Công nguyên, đã có nhiều giao dịch từ Óc Eo lên Bắc Bộ, cũng như đến La Mã, với phương Tây, được ghi lại trên các bản đồ cổ của phương Tây. Đến thế kỷ 15, thời Christophe Colomb, việc này vẫn được nhắc nhiều.

Những nghiên cứu sau này, ví dụ của học giả gốc Hoa Wang Gungwu, về lịch sử ngoại thương trên Biển Đông cũng nhận định đến hết thời Bắc thuộc, mọi hoạt động hàng hải trên vùng biển này chủ yếu do người Giao Chỉ thực hiện, vai trò của người Việt là rất lớn, Quảng Châu chỉ nắm một phần nhỏ.

alt 

Những người chủ của Biển Đảo Việt Nam: Những em bé Trường Sa (ảnh của BienDong.Net chụp tại đảo Song Tử Tây)

Tuy thiên, theo lập luận của giáo sư Thêm, từ thế kỷ X trở lại đây, Việt Nam chỉ có văn hóa sông nước và một số yếu tố của văn hóa biển, không còn văn hóa biển như là một bộ phận hữu cơ không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân tộc.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng do hạn chế về tư liệu, ghi chép lịch sử nên rất khó so sánh văn hóa biển thời đó với thời nay, nhưng theo miêu tả trong các dấu tích còn lại, văn hóa biển của chúng ta thời xưa khá hùng mạnh. Trải qua thời gian cũng có những thay đổi. Thời Trần, thương cảng Vân Đồn chỉ là điểm dừng chân chứ không phải nơi để đi ra nước ngoài. Phố Hiến, Hội An là điểm giao lưu buôn bán với thương nhân nước ngoài những mặt hàng có lợi cho ta, triều đình nhà Nguyễn còn coi đây là nơi thu nhập nhờ đánh thuế.

Văn hóa đi ra chinh phục biển khơi của người Việt có nhưng ở mức độ thấp. Nhà Nguyễn rất có ý thức về chủ quyền đã cử người ra Hoàng Sa, Trường Sa để thu thập, ghi chép, kiểm kê. Nhưng chính ở những người đó tâm lý sợ biển cũng rất rõ. Lễ khao lề thế lính thực chất là nghi lễ tế sống những người ra đi không biết có trở về không. Mỗi người chuẩn bị sẵn hai cái chiếu bó xác, bảy cái nẹp, bảy dây mây. Ông Thêm cũng cho rằng với người Việt, biển là cái gì cực kỳ nguy hiểm, ghê gớm, chúng ta chưa có tâm thế làm chủ.

Xung quanh chiến lược phát triển văn hóa biển trong thời kỳ hiện đại, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng trước hết ta phải thực sự làm chủ biển. Đó phải là một chiến lược đi từ trên xuống, có sự hỗ trợ tối đa của nhà nước. Nhưng người làm chủ biển phải là nhân dân, quân đội chỉ là một phần. Quân đội đủ mạnh để giữ biển mà nhân dân không đủ khả năng khai thác biển thì chưa thể nói là làm chủ biển.

Cũng cần một sự giáo dục bằng nhiều phương cách đa dạng, như đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, vào các bảo tàng, trên các phương tiện truyền thông đại chúng… để người dân hiểu rằng chúng ta đã từng có một truyền thống văn hóa biển đáng tự hào, rằng biển là một kho tài nguyên quý giá vô tận.

Nếu không làm chủ được biển, ta sẽ lãng phí một phần tài nguyên lớn. Nếu ta không kịp làm chủ biển, có thể các nước khác sẽ tranh giành mất. Đó sẽ là tội lỗi lớn của ta với các thế hệ mai sau.

BDN (theo Tuần Việt Nam)

RELATED ARTICLES

Tin mới