Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTHẤY GÌ QUA HỘI THẢO QUỐC TẾ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 5

THẤY GÌ QUA HỘI THẢO QUỐC TẾ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 5

BienDong.Net: Trong năm 2013 đã diễn ra hàng chục cuộc hội thảo về Biển Đông ở khắp các châu lục, nhưng tiêu điểm của các hội thảo phải kể đến Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 5 do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 11 – 12/11/2013.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó có khoảng 70 đại biểu quốc tế gồm các luật gia, học giả, nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ đến từ hơn 30 nước và vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế; đặc biệt, có hơn 40 đại diện các cơ quan đại diện Ngoại giao tại Việt Nam tham dự Hội thảo. Điều này phản ánh sự quan tâm của các nước và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông.

Có trên 40 bài tham luận được trình bày tại Hội thảo và hàng trăm ý kiến thảo luận chia sẻ thông tin, các nghiên cứu và đánh giá mới nhất về các diễn biển mới ở Biển Đông, về quan hệ giữa các nước lớn ở Biển Đông; phân tích vai trò của ASEAN và của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 đối với giải quyết các tranh chấp Biển Đông; đồng thời đề xuất các biện pháp duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh “5 năm qua kể từ khi Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất được tổ chức tháng 11 năm 2009, tình hình Biển Đông và những vấn đề liên quan đến Biển Đông đã có nhiều thay đổi. Có những thay đổi tích cực và có những thay đổi không tích cực”.

Những thay đổi tích cực ở đây là vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hoà, thế giới đã hiểu rõ hơn về thực trạng ở Biển Đông, ngày càng quan tâm hơn đến Biển Đông, lo ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc. Cộng đồng quốc đã đạt được nhận thức chung cho rằng hoà bình, ổn định, đảm bảo tự do an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế; cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; Vụ kiện của Philippines mở ra một cục diện mới cho giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng công cụ pháp lý….

Những thay đổi không tích cực ở đây chính là chính sách “cứng rắn” của Trung Quốc ở Biển Đông; các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông ngày một leo thang; Trung Quốc luôn tìm mọi cách phân hoá, chia rẽ các nước trên vấn đề Biển Đông; yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trở thành nguyên nhân chính gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Về vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông, ông Nyan Lynn, Phó Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh: “ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông vì ASEAN có 8 nước ven Biển Đông, trong đó 4 nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại đây. Nếu không có hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển Liên hợp quốc. Lập trường đó của ASEAN đã được kết tinh rõ ràng trong Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về tranh chấp Biển Đông năm 2012…, thời gian tới ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên thực hiện đẩy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC”.

Còn Ông Ralf Emmers, Trường nghiên cứu quốc tế RSIS Singapore cho rằng: “Cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông sẽ tiếp tục trong những năm tới. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần duy trì đoàn kết, nếu không sẽ mất vai trò ngay chính tại các diễn đàn mà ASEAN lâu nay vẫn chủ đạo”.

Về vai trò của các nước lớn đối với tranh chấp Biển Đông, ông Gregory Poling, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ cho rằng: “Mỹ có lợi ích trong duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; có lợi ích trong việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ và có lợi ích trong việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế…. Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế hiện đại”.

Tiến sĩ Subhash Kapila, chuyên gia tư vấn Quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược Ấn Độ nhấn mạnh: “Tự do, an ninh, an toàn hàng hải là lợi ích chung của các quốc gia. Tuy không phải là nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, nhưng những gì xảy ra ở Biển Đông thì cũng sẽ liên quan đến tình hình ở Ấn Độ Dương và ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ”.

Thảo luận về vai trò của Công ước Luật Biển Liên hợp quốc trong tranh chấp Biển Đông, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước nói riêng. “Đường lưỡi bò” tiếp tục trở thành một chủ đề nóng được nhiều học giả đề cập một cách thẳng thắn, trực tiếp trong các bài phát biểu của mình. Quan điểm chung đều cho rằng “đường lưỡi bò” là mù mờ, khó hiểu và không có cơ sở pháp lý.

Giáo sư Clive Symmons, trường Luật, Đại học Dublin, Ireland cho rằng học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại, các “quyền lịch sử” không được nêu trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò”. Bản thân các yêu sách của Trung Quốc cũng luôn thay đổi, trước tiên nó là quyền đánh cá, sau đã tiến tới quyền khai thác tài nguyên dưới biển. “Đây là diễn biến tiêu cực”.

Ông Pierre Marie Dupuy, giáo sư công pháp quốc tế Đại học Paris, dẫn một bài báo của hai học giả tên tuổi Trung Quốc là Cao Chí Quốc và Giả Bình Bình đăng trên tạp chí Luật quốc tế Mỹ (tháng 1 – 2013) nói về đường chín đoạn và cho rằng bài báo này đã giúp hiểu phần nào về yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, GS Pierre Marie Dupuy lại khẳng định: các chi tiết tại bài viết cũng đã thể hiện sự mơ hồ, thậm chí còn làm người khác thấy “khó hiểu hơn” về “đường chín đoạn”.

Thậm chí, ông Dustin Kuan – Hsiung Wang, Giám đốc Viện khoa học chính trị Đại học Đài Loan cũng phải thừa nhận “đường lưỡi bò không phải là biên giới quốc gia vì các nét đứt không theo quy cách của đường biên giới; đường lưỡi bò cũng không phải là vùng nội thủy hay lãnh hải vì tàu thuyền của các nước vẫn qua lại tự do ở Biển Đông; đường lưỡi bò cũng không phải là yêu sách về thềm lục địa vì khi nó xuất hiện năm 1947 thì chưa có khai niệm về thềm lục địa”

Các ý kiến tại Hội thảo yêu cầu các bên tranh chấp phải làm rõ yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế từ đó mới có thể xác định được khu vực thực sự có tranh chấp. Ông Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm luật quốc tế, Đại học quốc gia Singapore kêu gọi các bên cần làm rõ các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Vùng tranh chấp chỉ được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982 về xác định đường cơ sở và các vùng biển phải tạo ra từ lãnh thổ đất liền cũng như các đảo.

Về những diễn biến pháp lý gần đây, các học giả dành nhiều thời gian tranh luận về quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Biển Đông căn cứ vào một số phán quyết mới nhất của Tòa án quốc tế và nhấn mạnh yêu sách về các vùng biển phải xuất phát từ các cấu tạo đất và việc áp dụng điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển cho việc xác định quy chế pháp lý cho các cấu trúc ở Biển Đông. Các đại biểu cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế là một biện pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Vụ kiện mở ra một khả năng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các công cụ pháp lý.

Ông Donald Rothwell, giáo sư luật quốc tế và Trưởng khoa tại Đại học quốc gia Úc nhấn mạnh: “Quyền của các quốc gia đối với các vùng biển được quy định bởi Luật biển quốc tế và các quốc gia có cần thực thi quyền của mình trong phạm vi quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.

Các ý kiến tại Hội thảo kêu gọi Trung Quốc cần nhanh chón đàm phán chính thức với ASEAN để đi kết ký kết một Bộ luật ứng xử có giá trị ràng buộc. COC cần có các quy định rõ ràng theo các lĩnh vực và các bên có lợi ích liên quan nhằm điều chỉnh các hành vi trong các khu vực biển chồng lấn, đồng thời có cơ chế rà soát và báo cáo để giám sát quá trình thực hiện của các bên.

Song song với quá trình đàm phán tiến tới COC, các học giả cũng đề xuất các biện pháp hợp tác nghề cá, thành lập một công viên biển hòa bình, tiến hành nghiên cứu khoa học chung, khảo sát về các điều kiện địa lý tại các đảo trong Biển Đông… trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp và biện pháp để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông. Tuy nhiên, để có thể triển khai hợp tác, điều trước hết là các bên cần căn cứ vào luật pháp quốc tế làm rõ phạm vi yêu sách của mình ở Biển Đông.

Đánh giá về Hội thảo lần này, ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an: “Lần đầu tiên tại hội thảo lần này bàn rất sâu rất kỹ về yêu sách đường lưỡi bò. Tại Hội thảo những chuyên gia hàng đầu về vấn đề thềm lục địa và tranh chấp vùng biển đã nói thẳng thắn rằng, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý nào cả và qua các phiên thảo luận một trong những vấn đề vướng nhất là vào đường lưỡi bò. Một số học giả đã thẳng thắn nói rằng giả sử như Trung Quốc từ bỏ yêu sách về chủ quyền đối với vùng biển trong đường lưỡi bò thì nhũng vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nhiều. Điểm mới nhất trong hội thảo lần này so với 4 lần trước là tại Hội thảo lần thứ 5 này các học giả đã không né tránh mà đi sâu trao đổi những vấn đề cụ thể và phân tích rõ nguyên nhân làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng là do chính sách ngày càng cứng rắn, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Tại Hội thảo lần này, các học giả đều thừa nhận rằng yêu sách đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý; hầu hết các học giả quốc tế đều cho rằng, Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò. Nếu gỡ được vấn đề này, những vấn đề khác sẽ được giải quyết”.

Còn đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo lần này, ông Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Tổng biên tập Tuần báo quốc tế nhận định: “5 năm trước đây, vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề cục bộ ít ai biết đến. Qua 5 lần hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức ở Việt Nam cũng như các hội thảo quốc tế được tổ chức tại các nước có thể thấy vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề của quốc tế. Tôi nghĩ các hội thảo vể Biển Đông đã góp phần tạo ra được 5 cái hóa đối với vấn đề Biển Đông, đó là: xã hội hóa; công khai hóa; phi nhạy cảm hóa; quốc tế hóa và đa phương hoá”.

Trong 5 năm qua, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã góp phần làm sáng tỏ thực trạng tình hình Biển Đông. Từ chỗ hiểu phiến diện về vấn đề Biển Đông thì đến bây giờ cả cộng đồng quốc tế đã thấy rõ ai có chính nghĩa và ai là kẻ gây ra căng thẳng, phức tạp ở Biển Đông. Ngay trong lời phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Đình Quý đã cảnh báo: “Biển Đông trong 5 năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc, vẫn là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới và không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang”. Nỗi lo ngại của ông Quý cũng chính là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế trước “mối đe dọa” và “nguy cơ” mà chính sách biển cứng rắn của Trung Quốc đang tạo ra đối với các nước láng giềng ven Biển Đông và ở biển Hoa Đông.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới