Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiADIZ trên biển Hoa Đông: Nhật Bản là mục tiêu chủ yếu

ADIZ trên biển Hoa Đông: Nhật Bản là mục tiêu chủ yếu

BienDong.Net: Trong bài xã luận hôm 29/11, Tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định rằng, Nhật Bản phải là mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc liên quan đến Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông.

Tờ báo nổi tiếng với giọng điệu hung hăng và dân tộc chủ nghĩa cho rằng “tình hình căng thẳng trên không có nguy cơ gia tăng tương tự như cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây”.

 

alt 

ADIZ Trung Quốc chồng lấn lên ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Hoàn Cầu, “Nếu Hoa Kỳ không đi quá xa, chúng ta sẽ không nhắm vào họ trong vùng nhận diện phòng không của ta. Điều mà ta phải làm hiện nay là kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích của Nhật Bản”.

“Chúng ta cần các biện pháp đáp trả đúng lúc, và không do dự với Nhật Bản, nếu nước này thách thức khu vực nhận diện phòng không vừa tuyên bố của Trung Quốc”, tờ báo lên tiếng.

Vùng nhận diện phòng không do Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản và bãi đá Leodo/Tô Nham Tiêu tranh chấp với Hàn Quốc.

Trung Quốc cũng nêu rõ, quân đội nước này sẽ tiến hành biện pháp phòng thủ khẩn cấp với những chiếc máy bay không hợp tác trong việc nhận diện, hay từ chối tuân thủ các quy định áp dụng ở nơi này.

Hôm 28/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra yêu sách nói rằng họ sẽ chỉ hủy khu vực ADIZ vừa lập với điều kiện Nhật Bản phải xóa bỏ khu vực nhận diện phòng không của mình, đồng nghĩa với việc biến Senkaku/Điếu Ngư thành vùng biển đang có tranh chấp, không thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

Bưu điện Hoa Nam ngày 1/12 cũng cho rằng việc tuyên bố áp đặt khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc ở Hoa Đông chỉ nhằm ép Tokyo “thừa nhận có tranh chấp” đối với Senkaku.

Tuy nhiên, đề xuất của Trung Quốc không được Nhật Bản hưởng ứng. Theo Kyodo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định nước ông không thể chấp nhận bất kỳ yêu cầu đàm phán nào từ phía Trung Quốc về việc vận hành cái gọi là khu vực nhận diện phòng không ở Hoa Đông.

Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cho biết Nhật Bản không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Senkaku/Điếu Ngư và không công nhận ADIZ của Trung Quốc.

Trong diễn biến mới, hôm 30/11, Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo đã đề nghị một tổ chức hàng không của Liên hiệp quốc can thiệp để giải quyết vấn đề khu vực phòng không mà Trung Quốc lập ra trên biển Hoa Đông. 

Nhật Bản đã đưa ra đề xuất trên trong cuộc họp của Tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO), một tổ chức thuộc Liên hiệp quốc có sứ mạng thúc đẩy sự an toàn và phát triển của hàng không dân sự khắp thế giới. Tokyo cho rằng động thái của Trung Quốc đe dọa trật tự và sự an toàn của hàng không dân sự thế giới, và đề nghị ICAO can thiệp.

Mỹ, Anh và Australia đã ủng hộ đề xuất trên. Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, Trung Quốc kịch liệt phản đối sự can thiệp của ICAO.

Phản tác dụng

Những diễn biến xung quanh việc Trung Quốc lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông cho thấy hành động này đang có phần phản tác dụng.

Trong khi các nhà lập pháp và cơ quan an ninh ở Seoul được cho là đang thảo luận về cách thức phản ứng với việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc bao gồm cả khả năng mở rộng KADIZ (Khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc) hãng tin Kyodo cho hay Nhật Bản cũng đang xem xét mở rộng ADIZ tại Thái Bình Dương theo hướng xa hơn về phía nam, đến quần đảo Ogasawara, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.000 km.

Những người trong cuộc cho biết quần đảo Ogasawara trước đó không nằm trong ADIZ của Nhật do được xem là miễn nhiễm với sự xâm lấn của nước ngoài. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã nhất trí mở rộng ADIZ trong bối cảnh căng thẳng biển đảo với Trung Quốc đang gia tăng, theo báo Want China Times. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, sự phản ứng của quốc tế trước hành động của Trung Quốc cho thấy ADIZ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và khiến Trung Quốc càng bị cô lập trên phương diện quốc tế.

Có thể thấy rằng việc thiết lập ADIZ là một chiến thuật quan trọng nhằm mục đích tạo lợi thế đáng kể cho Trung Quốc. Nó cũng được coi là phép thử đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ bởi những cam kết trước đó của Washington rằng Mỹ sẽ bảo vệ lãnh thổ của đồng minh thân cận Nhật Bản (bao gồm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư) mà còn bởi tuyên bố của Trung Quốc đánh thẳng vào chính sách ngoại giao chuyển hướng sang Châu Á của Mỹ.

Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ đồng minh Nhật Bản của mình bằng việc điều Hạm đội 7 đến vùng biển Nhật Bản và thực hiện nhiều cuộc diễn tập quân sự tại khu vực ADIZ của Trung Quốc, một hành động mà nhiều người cho rằng thể hiện rõ phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trước Trung Quốc.

BDN (tổng hợp theo RFI, BBC và Đất Việt)

RELATED ARTICLES

Tin mới