Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTÀU SÂN BAY CỦA TRUNG QUỐC HOÀNH HÀNH Ở BIỂN ĐÔNG

TÀU SÂN BAY CỦA TRUNG QUỐC HOÀNH HÀNH Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Ngày 26/11/2013, tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc đã rời cảng ở Thanh Đảo tới Biển Đông để tham gia các cuộc diễn tập và đây cũng là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành diễn tập ở vùng biển nhạy cảm này. Việc tàu Liêu Ninh vào Biển Đông đã gây lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc ven Biển Đông.

Tàu sân bay Liêu Ninh đã được hộ tống bởi 4 chiến hạm – gồm 2 tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương, Thạch Gia Trang và 2 tàu hộ vệ hiện đại Yên Đài, Duy Phường. Đây là lần đầu tiên Liêu Ninh tiến hành diễn tập trong một nhóm tàu chiến.

Tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào sử dụng kể từ tháng 9/2012 và đã tiến hành hơn 100 cuộc tập trận, diễn tập, nhưng hầu hết các hoạt động diễn tập được thực hiện tại khu vực biển Hoàng Hải gần cảng nhà của tàu sân bay ở Thanh Đảo.

Thông tin của hải quân Trung Quốc cho biết sứ mệnh huấn luyện lần này nhằm thử nghiệm các hệ thống vũ khí của tàu Liêu Ninh, nhưng không cho biết cuộc diễn tập kéo dài trong bao lâu. Các sứ mệnh trước đó đã thử nghiệm các kỹ thuật cất cánh và hạ cánh của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay.

Về hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông, ngày 28/11/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cảnh báo đây là một diễn biến đáng lo ngại, vi phạm các thỏa thuận giữa Trung Quốc và các bên về việc kiềm chế căng thẳng trên Biển Đông, việc Trung Quốc điều tàu sân bay đến Biển Đông diễn tập có thể sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh cần có những hành động hòa bình, không cản trở tự do hàng hải trên Biển Đông. Ông Raul Hernandez nhấn mạnh: “Cuộc diễn tập này không có ích gì trong nỗ lực tăng cường ổn định khu vực, thậm chí còn đe dọa đến tình trạng hiện tại”.

Ông Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự tại Macao cho rằng nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã chọn Biển Đông vì vùng biển nước sâu lý tưởng cho các tàu chiến lớn hoạt động và “căn cứ hải quân lớn nhất của quân đội Trung Quốc đặt tại Tam Á trên đảo Hải Nam, tương tự như cảng Pearl của Mỹ ở Hawaii. Căn cứ Tam Á có thể hỗ trợ toàn diện cho tàu Liêu Ninh trong các cuộc diễn tập ở Biển Đông”.

Tàu sân bay Liêu Ninh được tân trang từ tàu sân bay cũ mua lại từ Ukraine, chế tạo theo công nghệ thập niên 60 – 70 của thế kỷ 20 và không thể so sánh được với các tàu sân bay của Mỹ được chế tạo với công nghệ hiện đại. Do vậy, trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, tàu sân bay của Trung Quốc chưa thể tạo ra được sự đe doạ nào đối với Mỹ. Mặc dù vậy, tàu sân bay Liêu Ninh là biểu tượng cho tham vọng trên biển của Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin, các tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu sân bay Liêu Ninh được chế tạo để hoạt động tại vùng Biển Đông và sẽ tạo ra mối đe doạ đáng kể đối với Việt Nam, Philippines, Malaysia, các nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong lần này, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ ở lại Biển Đông trong một thời gian ngắn để diễn tập. Tuy nhiên, trong vòng 3 – 5 năm tới, Trung Quốc sẽ cho tàu sân bay Liêu Ninh hoạt động thường xuyên ở Biển Đông và khi đó tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tạo ra mối nguy cơ thường trực đối với các nước ven Biển Đông vì Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối về hải quân so với các nước ven Biển Đông khác.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian gần đây tình hình Biển Đông có vẻ dịu đi, tuy nhiên “cơn sóng ngầm” ở Biển Đông vẫn tiếp tục dậy sóng. Việc Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông sẽ càng làm cho tình hình Biển Đông phức tạp hợp. Điều này có thể sẽ dẫn đến một cuộc “chạy đua vũ trang mới” ở Biển Đông; các nước ven Biển Đông sẽ buộc phải bỏ ra những khoản tiền lớn để mua sắm trang thiết bị, vũ khí tăng cường cho lực lượng của hải quân để đối phó với mối đe doạ từ Trung Quốc.

Việc Trung Quốc lần đầu tiên điều tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành cuộc diễn tập ở Biển Đông diễn ra đồng thời với việc Bắc Kinh công bố lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông là một minh chứng cho chính sách cứng rắn của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh trong vấn đề biển đảo với các nước láng giềng. Điều này cũng cho thấy dã tâm của Trung Quốc trong việc khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc.

                                                                                    BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới