Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHẬT BẢN THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA ĐỂ ĐỐI...

NHẬT BẢN THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI THÁCH THỨC TỪ TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Ngày 27/11/2013, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật thành lập Hội đồng an ninh quốc gia với mục tiêu giúp Thủ tướng Nhật Bản xây dựng chính sách đối ngoại, an ninh và phòng chống khủng bố nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp như các mối đe doạ quân sự nước ngoài.

Đầu tháng 12/2013, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật này. Trên cơ sở đó, Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản chính thức được thành lập.

Hội đồng An ninh quốc gia gồm 4 thành viên chủ chốt là Thủ tướng, Chánh Văn phòng Nội các, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản sẽ nhóm họp 2 tuần 1 lần để thảo luận các vấn đề quan trọng của an ninh quốc gia và đưa ra các nguyên tắc cơ bản đối phó với các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ và quan hệ với Trung Quốc. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng – Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia sẽ triệu tập cuộc họp 5 Bộ trưởng gồm: Chánh văn phòng Nội các; Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng Quốc phòng; Bộ trưởng Giao thông và quốc thổ; Chủ tịch Uỷ ban An toàn công cộng quốc gia. Khi cần thiết, Thủ tướng có thcho phép một số Bộ trưởng không phải thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia tham dự các cuộc họp.

Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản sẽ thành lập Văn phòng điều hành trong tháng 1/2014. Nhiệm vụ của Văn phòng điều hành là tổng hợp các thông tin liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia báo cáo Hội đồng An ninh quốc gia tham khảo cho việc ra quyết sách. Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản có khoảng 60 biên chế, trong đó 50 sẽ đến từ các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, cơ quan Cảnh sát quốc gia và một số cơ quan khác của Chính phủ, kết hợp với khoảng 10 nhân viên Lực lượng Phòng vệ và chuyên gia quân sự. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Shotaro Yachi, hiện là cố vấn cho Ban Thư ký Nội các đã chính thức được đề cử là Giám đốc đầu tiên của Hội đồng An ninh quốc gia.

Các nhà phân tích đánh giá mục tiêu việc Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh quốc gia là nhằm đối phó với những thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc đối với an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Nhật.

Trong bối cảnh tình hình biển Hoa Đông căng thẳng và diễn biến ngày càng phức tạp. Cùng với việc ráo riết triển khai các biện pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chính sách cứng rắn ở biển Hoa Đông để từng bước khống chế vùng biển này, tạo bàn đạp cho Trung Quốc tiến ra biển xa thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển. Trung Quốc tăng cường tàu chiến, tàu chấp pháp và tàu cá xâm nhập sâu vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hòng buộc Nhật Bản phải thừa nhận khu vực này có tranh chấp.

Mới đây nhất, ngày 23/11/2013 Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông với phạm vi bao trùm lên bầu trời khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư càng làm cho tình hình biển Hoa Đông thêm căng thẳng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Những hành động gây căng thẳng ở biển Hoa Đông của Trung Quốc đang tạo ra mối đe doạ lớn đến an ninh của Nhật, xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Nhật ở biển Hoa Đông.

Hội nghị Trung ương 3 khoá 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định thành lập Uỷ ban An ninh quốc gia của Trung Quốc với 5 nhiệm vụ chính là: (i) Xây dựng chiến lược an ninh quốc gia, xác định “vạch đỏ” đối với an ninh quốc gia; (ii) Tổng hp các nguồn lực, điều phối các lực lượng, tích cực bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy chính sách đối ngoại liên quan; (iii) Tăng cường vai trò tham mưu của các cơ quan nghiên cứu liên quan; (iv) Nâng cao năng lực và tốc độ xử lý các sự việc cấp bách để ứng phó với các tình huống khẩn cấp; (v) Theo dõi công tác chống khủng bố, vấn đề an ninh mạng, an ninh khu vực. Theo một số nguồn tin, người đứng đầu Uỷ ban An ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình. Với việc nắm thêm Uỷ ban An ninh quốc gia, Tập Cận Bình đã thâu tóm toàn bộ quyền lực ở Trung Quốc để triển khai chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo. Đây sẽ là một nguy cơ mới đối với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc ở Hoa Đông cũng như Biển Đông.

Việc Trung Quốc quyết định thành lập Uỷ ban An ninh quốc gia với các nhiệm vụ nói trên là nhằm mục tiêu xây dựng cường quốc biển. Qua đó có thể thấy Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo trong thời gian tới. Chính điều đó thôi thúc Nhật Bản phải sớm thành lập Hội đồng An ninh quốc gia để ứng phó.

Với việc thành lập Hội đồng An ninh quốc gia, Thủ tướng Abe đã có trong tay đầy đủ công cụ cần thiết để kịp thời đối phó hiệu quả với các mối đe doạ từ bên ngoài đối với chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Nhật Bản. Điều này sẽ giúp Thủ tướng Abe có thể nhanh chóng ra được các quyết định quan trọng để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển của Nhật Bản. Mô hình Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ được áp dụng ở Nhật Bản cũng giúp cho việc tăng cường hợp đồng tác chiến giữa 2 đồng minh chiến lược Nhật – Mỹ trong việc xử lý điểm nóng ở Đông Hải.

So với Nhật Bản, thì Trung Quốc có khó khăn hơn vì Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản là cơ quan giúp việc trực tiếp Thủ tướng ra quyết sách; còn đối với Trung Quốc thì cơ chế vẫn là sự lãnh đạo tập thể nên Uỷ ban An ninh quốc gia sẽ khó phát huy hiệu quả hơn vì kiến nghị của Uỷ ban An ninh quốc gia còn phải trình lên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận. Chỉ khi nào Tập Cận Bình thực sự xác lập được sự lãnh đạo độc tôn ở Trung Quốc thì Uỷ ban An ninh quốc gia mới có thể phát huy hiệu quả cao.

Việc cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng thành lập Hội đồng An ninh quốc gia có thể sẽ làm cho tình hình Đông Hải thêm căng thẳng.

RELATED ARTICLES

Tin mới