Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc lên cung trăng làm gì?

Trung Quốc lên cung trăng làm gì?

BienDong.Net: Tàu vũ trụ Hằng Nga – 3 đã thực hiện thành công cú hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Liên Xô cũ làm điều được điều này.

Hãng tin Xinhua đưa tin tối 14/12 tàu Hằng Nga – 3 đã đáp xuống khu vực có tên là Vịnh Cầu Vồng trên mặt trăng, và sau đó xe tự hành 6 bánh Yutu (Thỏ Ngọc) đã tách khỏi tàu đổ bộ để thực hiện các thử nghiệm theo chương trình.

alt

Xe tự hành Thỏ Ngọc di chuyển trên mặt trăng

Hằng Nga – 3 sẽ hoạt động trên mặt trăng khoảng 1 năm, trong khi Thỏ Ngọc dự kiến sẽ hoạt động trong 3 tháng.

Thỏ Ngọc, nặng 120 kg, được cho là có khả năng leo lên các đường dốc 30 độ và có thể di chuyển với vận tốc 200 m/giờ. Robot này được trang bị 7 thiết bị khoa học, trong đó có radar để phân tích dưới bề mặt, camera và kính viễn vọng.

Theo RFI, từ 10 năm nay, Trung Quốc đã thực hiện chương trình thám hiểm mặt trăng. Trước sứ mạng Hằng Nga – 3 đưa Thỏ Ngọc lên mặt trăng, trong các năm 2007 và 2009, Trung Quốc đã phóng phi thuyền Hằng Nga – 1 và Hằng Nga – 2 lên quỹ đạo mặt trăng để chụp và lập bản đồ hành tinh này.

Sau Hằng Nga – 3, Trung Quốc sẽ phóng Hằng Nga – 4 có thể vào năm 2014 hoặc 2015, nhằm chuẩn bị cho mục tiêu thực hiện chuyến thám hiểm khứ hồi: Hằng Nga – 5 sẽ được phóng lên mặt trăng vào năm 2017 và trở về trái đất, mang theo các mẫu vật lấy trên đó.

Vậy Trung Quốc chi ra bao nhiêu tiền để thực hiện chương trình thám hiểm mặt trăng? Báo Pháp Les Echos khẳng định: Không ai biết chính xác, trừ giới lãnh đạo tại Bắc Kinh. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được công bố, nhưng ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu không gian lại là ẩn số. Có chuyên gia nói đến ngân sách 3 hoặc 4 tỷ euro. Chuyên gia Philippe Coué, người có nhiều cuốn sách viết về chương trình không gian Trung Quốc không đồng tình với con số này và nhấn mạnh, Trung Quốc có khoảng 200 ngàn người làm việc trong lĩnh vực không gian.

Vẫn theo chuyên gia này, Trung Quốc có tham vọng đưa người lên mặt trăng vào khoảng năm 2025. Đến năm 2030, sẽ lập trạm nghiên cứu thường trực trên mặt trăng. Để làm được việc này, từ năm 2011, Trung Quốc đã chính thức phát triển một phiên bản mới của tên lửa Trường Chinh, còn mạnh hơn cả Trường Chinh 5 sắp tới được đưa vào hoạt động. Tên lửa Trường Chinh 9 có sức đẩy rất lớn, đủ khả đưa lên quỹ đạo khoảng 100 tấn thiết bị. Loại tên lửa này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2021.

Về lí do tại sao Trung Quốc lại tiến hành cả hai chương trình lắp đặt trạm nghiên cứu trên quỹ đạo và trên mặt trăng, RFI dẫn lời chuyên gia Philippe Coué cho rằng với trạm nghiên cứu trên quỹ đạo, các phi hành gia Trung Quốc có thể luyện tập, sống và làm việc trong một thời gian dài trong không gian và hoàn thiện các hệ thống tái chế vì phải hạn chế tối đa việc vận chuyển hàng hóa lên mặt trăng. Xét về mặt lô-gích, trạm nghiên cứu trên quỹ đạo của Trung Quốc có thể thay thế cho trạm nghiên cứu không gian quốc tế vào năm 2020. Lúc đó, trạm nghiên cứu quỹ đạo của Trung Quốc sẽ hoàn chỉnh và sẽ được mở rộng để đón nhận thêm những khoang mới.

Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng tiến hành hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không gian. Một khi thành thạo, nhờ tham gia hợp tác quốc tế, Trung Quốc sẽ tự thực hiện sơ đồ này để lập cơ sở trên mặt trăng. Điều này giúp Trung Quốc có vị trí thuận lợi trong một chương trình nghiên cứu quan trọng, theo đó Trung Quốc sẽ đưa người lên mặt trăng và làm việc ở đó, trong lúc các nước khác thì chỉ đặt chân trên lên mặt trăng rồi trở về. Một khi lập được một cơ sở thường trực trên đó, Trung Quốc sẽ tiến hành các thử nghiệm cụ thể. Nếu so sánh với việc lập trạm nghiên cứu trên quỹ đạo, thì công việc trên mặt trăng sẽ nhanh chóng hơn, vấn đề hậu cần sẽ dễ dàng hơn.

Về câu hỏi: Tại sao Trung Quốc lại quan tâm đến Mặt Trăng trong khi từ nhiều thập niên qua, Mỹ và Liên Xô cũ, cũng như Nga, không chú ý tới nữa, các báo dẫn phát biểu của giới chức Trung Quốc khẳng định, chính nguồn tài nguyên của Mặt trăng là lý do chủ yếu thúc đẩy chương trình không gian này của Bắc Kinh.

Ông Ouyang Ziyuan cố vấn cấp cao của Chương trình Mặt trăng của Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã: “Mọi người đều biết nhiên liệu hóa thạch như khí đốt và than đá một ngày nào đó sẽ cạn kiệt, nhưng có ít nhất một triệu tấn Heli – 3 trên Mặt trăng vẫn chưa khai thác, và nguồn nhiên liệu này có thể thỏa mãn nhu cầu thế giới trong 10 nghìn năm.

Để phản bác lại lập luận này, ông Karl Bergquist, Giám đốc quan hệ quốc tế tại Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA), người có làm việc với các quan chức trực thuộc chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, cho rằng phải mất “rất, rất nhiều năm nữa” để có thể khai thác khoáng chất trên mặt trăng. Ông nói: “Tại Châu Âu, chúng tôi tin rằng chi phí để khai thác khoáng chất trên mặt trăng khiến cho công việc này không thể sinh lời. Trong khi đó, AFP dẫn lời giáo sư Johnson – Freese chỉ rõ: “Ý tưởng khai thác khoáng chất trên mặt trăng được nêu lên khi mà các chính trị gia muốn gắn một cái lí do kinh tế cho các hoạt động không gian. Mỹ từng dùng chiêu này, và giờ tới lượt Trung Quốc”.

Chính vì thế, chuyên gia Philippe Coué cho rằng động cơ thúc đẩy Trung Quốc trong chương trình mặt trăng là do ý chí chính trị. Đương nhiên, Mỹ và Nga đã làm được việc này, nhưng đối với Trung Quốc, đây là một thắng lợi to lớn vì Trung Quốc là cuờng quốc thứ ba vượt qua được thách thức này.

Người ta cũng cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Nga đang lún sâu trong khủng hoảng và khó khăn kinh tế, Trung Quốc, với nguồn tài chính dồi dào trở thành nước duy nhất trên thế giới ngày nay có khả năng theo đuổi một chương trình đầy tham vọng và đa dạng như chương trình mặt trăng. Có khả năng Trung Quốc cho rằng một cường quốc muốn có vai trò thống trị trong thế kỷ 21 thì phải đưa vấn đề quản lý một vật thể ngoài trái đất vào trong hệ thống phát triển kinh tế quốc gia. Trung Quốc cho rằng họ có quyền tiếp tục hoạt động thăm dò của những nước đi tiên phong và tự coi mình là người kế thừa hai siêu cường của thế kỷ trước. Khi tiến hành được các hoạt động rất phức tạp như đưa người lên không gian hoặc phóng thành công một phi thuyền lên mặt trăng, Trung Quốc chứng tỏ trình độ tổ chức rất cao. Điều đó còn cho thấy khả năng làm chủ một loạt các công nghệ rất tối tân và tạo ra hình ảnh một quốc gia hiện đại.

Cũng theo chuyên gia Philippe Coué, loại chương trình này cũng còn nhằm mục đích tạo sự đoàn kết, gắn bó trên phạm vi quốc gia. Đây là một cách để chứng tỏ với người dân trong nước là Trung Quốc đã đạt một trình độ rất cao và Đảng đã giữ lời hứa. Điều này cũng giúp động viên thúc đẩy nghiên cứu, đạt được các tiến bộ kỹ thuật. Việc chứng tỏ các khả năng kỹ thuật như vậy cho phép giữ lại những sinh viên giỏi đang muốn ra nước ngoài làm việc và thu hút những người tài giỏi về nước.

Trong mọi trường hợp, việc phi thuyền Hằng Nga – 3 đưa được xe thăm dò Thỏ Ngọc lên mặt trăng đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động đầu tư lâu dài của Trung Quốc trên mặt trăng.

Liên quan đến việc liệu chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc có nhằm phục vụ ý đồ quân sự hay không, RFI nói rằng các phát biểu gần đây của giáo sư Âu Dương Tự Viễn (Ouyang Ziyuan), Giám đốc chương trình mặt trăng của Trung Quốc đã làm cho giới quan sát nghi ngại khi chuyên gia này nhấn mạnh đến tiềm năng chiến lược và quân sự của mặt trăng.

Trong khi đó, trang Want China Times dẫn lời một chuyên gia Trung tâm Khám phá Mặt trăng của Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang có ý định biến Mặt trăng thành một căn cứ quân sự, nơi các tên lửa có thể sẽ được phóng thẳng vào Trái đất.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nếu vệ tinh tự nhiên của Trái đất được trưng dụng làm căn cứ quân sự, nó sẽ là một vũ khí khổng lồ.

Cần nhắc lại là vào những năm 1950, Mỹ và Nga cũng đã dự tính biến mặt trăng thành căn cứ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân song ý đồ này đã không thành vì nhiều lí do. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng công nghệ quân sự đã phát triển mạnh từ 40 năm qua, giờ đây, chắc chắn là có nhiều phương cách khác nhau để sử dụng mặt trăng vào các mục đích chiến lược. Đi sau Mỹ và Nga trong việc phát triển tàu ngầm và tàu sân bay, dường như Trung Quốc đang muốn ngoi lên dẫn trước trong cuộc đua mặt trăng, một hành động có thể sẽ kích động trở lại cuộc chạy đua vũ trụ tốn kém dù cho hiện tại chỉ Hoa Kỳ và Nga có khả năng vào cuộc.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới