Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTÌNH HÌNH BIỂN HOA ĐÔNG NGÀY CÀNG CĂNG THẲNG

TÌNH HÌNH BIỂN HOA ĐÔNG NGÀY CÀNG CĂNG THẲNG

BienDong.Net: Những tháng cuối năm 2013, tình hình khu vực biển Hoa Đông càng trở lên căng thẳng hơn. Sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông cuối tháng 11/2013, các nước Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt, không chấp nhận những quy định của Trung Quốc đối với ADIZ ở Hoa Đông, thậm chí Mỹ đã cho máy bay chiến đấu tăng cường hoạt động trong vùng nhận diện phòng không mới do Trung Quốc thiết lập.

Bầu không khí ở Hoa Đông hết sức căng thẳng và “ảm đạm”.

 

Tiếp đó, trong những ngày cuối tháng 12/2013, Trung Quốc tiếp tục đưa các tàu chấp pháp xâm phạm sâu vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang do Nhật Bản quản lý. Kể từ tháng 9/2012 đến nay, tàu của Trung Quốc đã 73 lần tiến vào khiêu khích Nhật Bản tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Những hành động leo thang của Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông đe doạ an ninh của Nhật Bản đã khiến Nhật Bản triển khai nhiều biện pháp tăng cường sức mạnh của quân đội. Nhật Bản quyết định thành lập Hội đồng An ninh quốc gia do Thủ tướng đứng đầu theo kiểu Mỹ để tinh giản chính sách quốc phòng. Ngày 17/12/2013, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia mới và tăng ngân sách quốc phòng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh việc thông qua chiến lược quốc phòng sẽ làm cho chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản rõ ràng và minh bạch để cả người dân Nhật và cộng đồng quốc tế được biết.

Với chiến lược an ninh quốc gia mới, Nhật Bản đã tạo điều kiện giúp họ tăng cường phát triển lực lượng quốc phòng để đối phó với nguy cơ, đe doạ từ Trung Quốc. Quân đội Nhật Bản đã chuyển từ chiến lược chỉ phòng thủ sang sẵn sàng tấn công cả thuỷ lẫn bộ. Cùng với việc điều chỉnh Điều 9 Hiến pháp của Nhật Bản, việc công bố chiến lược an ninh quốc gia mới sẽ mở đường cho quân đội Nhật phát triển một cách toàn diện sau khi bị hạn chế kể từ chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Theo tin từ truyền thông Nhật Bản, với chính sách an ninh mới, Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và tìm vai trò tích cực hơn cho Lực lượng Tự vệ của mình ở nước ngoài. Trong thời gian tới, ngân sách quốc phòng sẽ dành ra hơn 240 tỷ USD cho việc mua các phản lực cơ chiến đấu, các tàu tác chiến và đổ bộ cũng như các máy bay do thám không người lái và máy bay cảnh báo sớm. Quân đội nước này cũng sẽ thiết lập một đơn vị hải quân mới có khả năng tái chiếm đảo.

Mỹ ủng hộ mạnh mẽ chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản. Phát biểu khi đang ở thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Mỹ ủng hộ quyết định gia tăng quốc phòng mới được công bố của Nhật Bản. Ông Kerry còn cho biết đây là kế hoạch đã được Nhật Bản bàn thảo từ trước với Mỹ; Nhật Bản có khả năng để đóng một vai trò tích cực hơn.

Trung Quốc lên tiếng chỉ trích chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi Nhật Bản đối mặt với lịch sử và không nên chỉ nói về hoà bình mà phải tiến hành các biện pháp xây dựng. Bà Doanh cho rằng chính sách của Nhật Bản về an ninh quân sự tác động đến môi trường an ninh của toàn khu vực; Trung Quốc đang hết sức chú ý đến các xu hướng tiêu cực này và đề cao cảnh giác. Bà Doanh không ngượng mồm khi có những phát ngôn chỉ trích Nhật Bản như vậy. Trên thực tế thì Trung Quốc mới chính là kẻ phá hoại hoà bình, đe doạ và tạo nguy cơ cho các nước láng giềng. Điều này thì cả cộng đồng quốc tế đều rất rõ.

Trong khuôn khổ của chính sách an ninh quốc gia mới được thông qua ngày 17/12/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua kế hoạch quốc phòng 5 năm. Theo đó, Nhật Bản sẽ thiết lập một lực lượng quân sự năng động, giảm bớt hạn chế xuất khẩu vũ khí… Đây là một bước đi tiếp theo của Nhật Bản theo hướng một quốc gia “bình thường” có thể tự bảo vệ mình. Chiến lược an ninh của Nhật Bản là xây dựng một trận tuyến phòng vệ toàn diện có thể bảo vệ an ninh của Nhật Bản trước đe doạ từ bên ngoài mà ở đây cụ thể là Trung Quốc.

Nhật Bản cũng đã công bố tăng thêm 5% ngân sách quốc phòng (tương đương 240 tỷ USD) cho năm tới, trong đó dự trù một chương trình trang bị vũ khí và phương tiện để sẵn sàng bảo vệ các hòn đảo đang bị Trung Quốc nhòm ngó. Theo kế hoạch, sắp tới quân đội Nhật Bản sẽ có thêm 99 xe chiến đấu cơ động trang bị đại bác, có thể vận chuyển bằng máy bay đến các đảo của Nhật Bản; có thêm 52 xe lội nước, 17 máy bay loại Osprey của Mỹ có khả năng cất cánh lên thẳng, 3 máy bay không người lái, 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 3 máy bay tiếp liệu trên không và 4 máy bay cảnh báo sớm. Mục tiêu là để tăng cường hiệu năng các hoạt động cảnh báo và giám sát khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

Việc Trung Quốc đang ra sức phá vỡ nguyên trạng bằng sức mạnh quân sự và kinh tế ở trên bầu trời Hoa Đông và vùng biển Hoa Đông cũng như ở Biển Hoa Đông, thi hành một chính sách cứng rắn trên biển với các nước láng giềng để xây dựng “cường quốc biển” chính là nguyên nhân để Nhật Bản tăng cường chính sách quốc phòng của mình. Trước đây, nội bộ Nhật Bản còn có ý kiến khác nhau về việc mở rộng sức mạnh quân sự của Nhật Bản, nhưng chính sách hiếu chiến của Trung Quốc cả trên không lẫn trên biển đã làm dư luận Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận việc mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Nhật Bản đẩy nhanh việc gia tăng chi phí quốc phòng là để đối phó với những phức tạp về an ninh trong khu vực. Mục tiêu cụ thể là để đối phó, ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc. Với những diễn biến mới đây thì khó có thể có được sự bình yên ở biển Hoa Đông trong năm 2014, khi mà Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích làm cho tình hình khu vực Hoa Đông nóng thêm.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới