Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHẠ VIỆN MỸ ĐIỀU TRẦN VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG

HẠ VIỆN MỸ ĐIỀU TRẦN VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG

BienDong.Net: Trước những hành động leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong những tháng cuối năm 2013 (đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông) và những ngày đầu năm 2014 (ban hành Biện pháp sửa đổi thực hiện “Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của tỉnh Hải Nam ở Biển Đông), chính quyền Mỹ đã có phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ thông qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngày 14/01/2014, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần chung về các tranh chấp biển của Trung Quốc.

Dưới sự đồng chủ trì của Hạ Nghị sĩ Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải quân, Ủy ban Quân lực Hạ viện, có khoảng 150 người tham dự gồm các nghị sĩ, trợ lý, ngoại giao đoàn, báo giới… Ba học giả đăng ký điều trần là ông Peter Dutton, Giáo sư Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân; bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (CSIS) và ông Jeff Smith, Giám đốc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ.

Các phát biểu tại cuộc Điều trần đều cho rằng Trung Quốc đang ngày một lấn tới và nguy hiểm với cách làm hết sức tinh vi ở cả trên không và trên biển. Với cách làm này, Trung Quốc cho rằng các nước nhỏ không làm gì được Trung Quốc, còn các nước lớn không có cớ để đáp trả mạnh. Các nghị sỹ Mỹ đã gọi hành động của Trung Quốc là “sự gây hấn nguy hiểm” và “các động thái đe dọa, khiêu khích để xác nhận tuyên bố chủ quyền biển là không thể chấp nhận được”. Do vậy, Mỹ không được phép khoan nhượng đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục dựa vào các kiểu áp lực quân sự để thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm CSIS nhấn mạnh với các động thái mới nhất ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc trở thành nguồn gốc gây bất ổn nhất tại Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc tỏ thái độ bắt nạt, hăm dọa các nước láng giềng xung quanh. Mối đe dọa của Trung Quốc ngày càng hiện hữu, không chỉ thể hiện qua việc áp đặt các biện pháp “theo luật pháp Trung Quốc” mà Trung Quốc còn sẵn sàng va chạm trên thực địa, chẳng hạn vụ việc tàu chiến Trung Quốc cắt ngang qua mũi tàu USS Cowpens Mỹ hôm 05/12/2013 là một ví dụ.

Hạ Nghị sĩ Steve Chabot nói rằng “tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc không hành xử như một nước có trách nhiệm toàn cầu. Họ không còn theo đuổi chính sách hòa bình. Trung Quốc đang cố giành các khu vực tranh chấp bằng vũ lực với hy vọng sai lầm rằng Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận điều này”. Ông Chabot cho rằng những hành động nói trên của Trung Quốc “là thách thức đối với sự hiện diện một cách hòa bình của Mỹ tại Đông Á và Đông Nam Á, và với tự do hàng hải thương mại toàn cầu”; đòi hỏi “quyền lịch sử” của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Hạ nghị sĩ Chabot nhận định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, “không có mối quan ngại nào lớn hơn những căng thẳng gia tăng xuất phát từ các quyết định đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển tranh chấp”.

Các nghị sĩ và học giả cho rằng Mỹ đã, đang và sẽ chịu tác động trực tiếp từ những biện pháp của Trung Quốc, bởi vì Mỹ có lợi ích to lớn, nhiều mặt tại khu vực như an ninh, kinh tế, quan hệ với đồng minh, duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ… Sự lấn sân của Trung Quốc đang đe dọa đến các lợi ích này. Trong cùng một giới hạn địa lý, một nước tăng cường quyền kiểm soát, đồng nghĩa với việc làm giảm quyền của nước khác. Vấn đề là sự “kiểm soát” của Trung Quốc không dựa trên các chuẩn mực quốc tế cho dù là theo luật pháp, tập quán, thông lệ quốc tế hay nguyên tắc ứng xử khu vực. ông Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á, thuộc Quỹ Heritage Foundation nhấn mạnh: “Đây là một phần trong nỗ lực dài hạn mà Trung Quốc theo đuổi để kiểm soát khu vực này. Điều này là vấn đề đối với Mỹ vì Biển Đông là tuyến đường quan trọng của giao dịch thương mại”.

Các ý kiến tại cuộc điều trần kêu gọi Mỹ phải có hành động cứng rắn hơn trước những hành vi gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hạ nghị sĩ Randy Forbes tuyên bố “Mỹ phải cứng rắn” trước các động thái của Trung Quốc. Hạ nghị sĩ Ami Bera coi đây là điều không thể chấp nhận, khuyến cáo trước việc Trung Quốc lập ADIZ, chính quyền Tổng thống Barack Obama cần phải có các phản ứng mạnh ngay từ đầu, tránh tái lập sự bị động, rơi vào thế khó ứng phó như khi Trung Quốc tuyên bố “đường lưỡi bò” ở Biển Đông trước đây.

GS. Peter Dutton cho rằng đã tới lúc Mỹ cần phải xác định một mối quan hệ mới với Trung Quốc, để nước này cùng can dự vào các vấn đề lớn toàn cầu, trở thành một cường quốc có trách nhiệm; đồng thời, nêu rõ Mỹ phải xây dựng và duy trì sức mạnh quân sự tại khu vực, đặc biệt là hải quân, tăng cường năng lực tự vệ cho các quốc gia có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser cho rằng để ngăn chặn việc gia tăng các hành động khiêu khích của Trung Quốc, “Mỹ cần hiểu rằng các nước trong khu vực vừa muốn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc và cả với Mỹ. Washington cũng cần khích lệ để Bắc Kinh tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khi những giải pháp đó không mang lại kết quả, Mỹ cần có các biện pháp buộc Trung Quốc phải thận trọng và nhận những hậu quả do họ gây ra”. Bà Glaser nhấn mạnh rằng những phản ứng của Washington trong thời gian này còn là để chính các nước trong khu vực đánh giá tính thực tiễn của chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Obama.

Nghị sĩ Randy Forbes (thuộc Đảng Cộng hòa) yêu cầu Mỹ phải “100% không dung thứ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và các biện pháp liên tiếp dùng vũ lực của nước này để thay đổi hiện trạng trong khu vực”.

Các nghị sĩ Mỹ đều tán thành rằng sự bành trướng của Trung Quốc làm họ mất các nước láng giềng và thách thức các quyền lợi an ninh của Mỹ. Họ cũng lo ngại các hành động của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ bị lôi kéo vào khủng hoảng hoặc xung đột với Trung Quốc ở các vùng tranh chấp, do Mỹ có Hiệp ước An ninh với Nhật và Philippines.

Trong 3 năm liên tiếp trở lại đây, Thượng viện Mỹ liên tiếp thông qua các Nghị quyết lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã từng dự thảo và giới thiệu Nghị quyết về Biển Đông, nhưng chưa được Hạ viện thông qua. Chúng ta hy vọng rằng trong một tương lai gần Hạ viện Mỹ sẽ thông qua Nghị quyết lên án những hành động của Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Có thể nói tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông và những hành động leo thang đã làm nóng cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ, thể hiện sự quan ngại ngày càng lớn của Washington về những mưu đồ của Trung Quốc đe dọa đến vị thế độc tôn về quân sự của Mỹ ở Châu Á. Trung Quốc luôn khăng khăng cho rằng họ thực hiện các biện pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông với mục đích hòa bình và yêu cầu Mỹ đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, Mỹ đã nhận ra được rằng những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông không có điểm dừng và đe dọa đến lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc tự do đi lại và giao thương tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; yếu tố thời gian ngày càng bất lợi cho Mỹ, càng để lâu và làm ngơ trước các hành động của Trung Quốc thì họ sẽ càng lấn tới và Mỹ sẽ càng thất thế trước Trung Quốc. Do vậy, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn khẳng định tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này, và mới đây nhất Mỹ đã thông báo sẽ viện trợ hàng chục triệu USD để giúp Philippines và Việt Nam tăng cường an ninh trên biển trong chuyến thăm 2 nước này của Ngoại trưởng Johh Kerry. Đây rõ ràng là một hành động nhằm giúp các nước này chống lại những yêu sách phi lý của Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới