Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChuyện về gia đình 4 thế hệ bám biển Hoàng Sa và...

Chuyện về gia đình 4 thế hệ bám biển Hoàng Sa và Trường Sa

BienDong.Net: Đó là một gia đình có 4 đời bám biển. Giờ đây, 5 anh em ruột đều là chủ tàu, thuyền trưởng, ngày ngày ngang dọc trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vừa đánh bắt vừa tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo.

Đó là đại gia đình ông Nguyễn Văn Trọng, ở xã Mỹ An (Phù Mỹ), những người đang ngày đêm bám biển.

Từ tháng 10 đến tháng chạp âm lịch, các tàu cá gia đình ông Trọng hành nghề lưới vây ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ra Giêng thì đưa tàu vào Trường Sa đánh bắt, rồi vào neo đậu các tỉnh phía Nam để bán cá, lấy tiền ra khơi tiếp. Mỗi năm, 5 anh em họ chỉ quây quần cùng gia đình độ 15 – 20 ngày. Chỉ ngày giỗ cha họ, cả 5 người, gồm: Nguyễn Văn Đức (52 tuổi), Nguyễn Văn Trọng (49 tuổi), Nguyễn Văn Khen (41 tuổi), Nguyễn Văn Ngợi (40 tuổi) và Nguyễn Văn Út (34 tuổi) mới có dịp cùng về quê.

Đóng tàu lớn vươn khơi

Ông Nguyễn Văn Trọng bảo giờ đây nhà của mấy anh em đều xây mới khang trang như nhau, tất cả đều nhờ vào biển. Ông nói: “Đời tụi tui là đời thứ tư bám biển. Dân biển mà, không đi làm biển thì biết làm gì”.

Trước đây, đời ông cố, đời ông nội của anh em ông Trọng đánh bắt bằng thuyền nhỏ dùng mái chèo nên chỉ ra xa bờ vài trăm mét nước, đến đời cha họ là ông Nguyễn Thông mới có được tàu công suất nhỏ vươn xa hơn, nhưng cũng chỉ cách bờ 5 – 10 hải lý.

Vừa làm vừa nuôi gia đình đến 10 người con (5 trai, 5 gái), mãi đến năm 1999, ông Thông mới dành dụm được ít tiền đóng chiếc tàu riêng đầu tiên công suất 75 CV, và giao quyền chỉ huy con tàu cho ông Trọng. Lúc này, anh em ông Trọng đã bắt đầu vươn khơi xa hơn, song cũng chỉ chạm đến ngư trường Trường Sa là quay ngược trở vào, vì tàu không đủ nguyên liệu và cũng không đủ sức chống chọi với sóng gió biển khơi. Tuy nhiên, thời đó nguồn hải sản ở ngư trường Trường Sa còn phong phú, dồi dào, tàu cá đánh bắt ở khu vực này chưa nhiều, nên sản lượng đánh bắt của gia đình lúc nào cũng khá lớn.

Không bằng lòng với việc 5 anh em cùng ở mãi trên một con tàu, và quyết chí vươn khơi xa hơn nữa để làm giàu, ông Trọng bàn với anh em góp tiền đóng thêm tàu công suất lớn. Thế là họ gom góp, vay mượn, đóng được tàu có công suất 270 CV vào năm 2001. Làm ăn được, năm 2003, 5 anh em tiếp tục đóng thêm tàu công suất 330 CV, rồi đến năm 2009 lại thêm một tàu công suất 450 CV. Vào thời điểm đó, anh em ông Trọng là một trong số ít ngư dân dám đầu tư tiền tỉ đóng tàu công suất “khủng” cỡ vậy để vươn khơi.

Hiện nay, 3 tàu của gia đình đã được nâng công suất lên từ 330 CV đến 500 CV. Trong đó, 2 tàu BĐ 94518 – TS do ông Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu BĐ 94195 – TS do ông Nguyễn Văn Trọng làm thuyền trưởng đều có công suất 500 CV; tàu BĐ 94320 – TS công suất 330 CV được giaoOOcho người em trai áp út là Nguyễn Văn Khen làm thuyền trưởng. Ông Đức còn bật mí: “Hiện 5 anh em tôi đã thống nhất hùn vốn để đóng thêm một tàu nữa, công suất khoảng 700 – 800 CV để vươn khơi xa hơn”.

 

Ngư dân câu đêm trên tàu BĐ 94518 – TS (ảnh do thuyền trưởng Nguyễn Văn Khen cung cấp).

Tổng chỉ huy trên biển

Ông Nguyễn Văn Khen kể lại, ở vào tuổi 60, khi cha ông quyết định giao vị trí chỉ huy con tàu đầu tiên của gia đình cho người con thứ tên Trọng, ông đã cân nhắc rất kỹ càng bởi ôngTrọng tính quyết đoán, giỏi đoán luồng cá đi, “ăn sóng, nói gió” nên mọi người nghe theo, tâm phục. Nhờ sự quyết đoán của ông Trọng mà những chuyến biển của gia đình đều an toàn, đánh bắt bội thu. Nghe đến đây, thuyền trưởng Trọng cười sảng khoái: “Tính tui là vậy. Mỗi khi cất giọng là anh em trên tàu chạy có cờ. Giữa biển nước mênh mông, mình không quyết đoán, không mạnh mẽ thì làm sao điều hành được 3 tàu cá cùng 45 mạng người vượt sóng lớn, đánh bắt có hiệu quả được”. Rồi, ông trầm ngâm: “Giữa biển khơi bốn bề sóng nước, sống – chết, được – mất chỉ là tích tắc, không như vậy thì không thành công được”.

Thuyền trưởng Trọng cũng rất khắt khe với những người đi bạn, nhưng chính nhờ sự khắt khe đó mà vợ con của những người đi bạn mới có tiền cất nhà, lo cho các con ăn học. “Mỗi khi kết thúc chuyến biển, tui mới tính sổ thu chi rồi kêu vợ con bạn đến nhận, chứ mình đưa cho bạn, họ thấy tiền nhiều quá lấy đi chơi bời, ăn nhậu hết sạch, coi như một năm khổ cực vật lộn với biển thành trắng tay sao! ”, ông Trọng phân bua.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, cả 3 tàu đều có cổ phần chung của 5 anh em nên mỗi chuyến biển đều chia chung, kể cả người đi bạn. Ngoài ra, mỗi năm, số tiền 700 triệu đồng nhà nước hỗ trợ xăng dầu mà các tàu của anh em ông Trọng nhận được cũng được chia cho các bạn trên tàu. “Họ sống chết với mình trên biển, dù biết đó là tiền hỗ trợ cho chủ tàu nhưng chia sẻ với anh em một ít gọi là”, ông Đức cho biết thêm.

 

Tàu BĐ 94518 – TS công suất 500 CV do ông Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng neo đậu trước đảo Trường Sa Lớn (ảnh do thuyền trưởng Nguyễn Văn Khen cung cấp).

Hoàng Sa, Trường Sa là nhà

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Khen kể, trước đây mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới là ông mở hết tốc lực cho tàu chạy vào đất liền, nhiều khi chạy không kịp, gặp nạn. Giờ đây, mỗi lần thời tiết bất lợi, ông cho tàu chạy vào nấp ở các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, vừa an toàn lại vừa được cán bộ, chiến sĩ trên đảo cho nước ngọt, thuốc men. Rồi ông Khen kể một mạch: “Đảo Trường Sa Lớn nè, Đá Lát, Đá Tây, Đá Nam nè, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, Tốc Tan, Nam Yết, Sinh Tồn…, giờ chúng tôi xem như nhà của mình”.

Nhắc đến chuyện này, ông Khen nhớ lại, vào khoảng tháng 4.2012, tàu cá BĐ 94518 – TS của gia đình đang đánh bắt cách nhà giàn DK1 khoảng 9 hải lý thì 3 ngư dân: Nguyễn Văn Út, Nguyễn Hoàng Lực, Phan Văn Cán trong lúc lặn xuống biển lấy cá bị thiếu oxy nên ngất lịm. Tàu cá kịp đưa 3 ngư dân này chạy vào nhà giàn nhờ cán bộ, chiến sĩ sơ cấp cứu kịp thời nhờ vậy mà anh Lực, anh Cán có thể quay trở lại đi biển ngay, chỉ có anh Út tiếp tục điều trị. “Nếu không có nhà giàn DK1, có lẽ anh em ngư dân khó mà sống nổi vì tàu chạy vào đất liền phải mất 2 ngày 2 đêm”, ông Khen nói.

Thượng tã Lê Ngọc Thân, chỉ huy đồn Biên phòng Mỹ Thọ (Phù Mỹ) đánh giá: “Đội tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Trọng là đội tàu tiên phong của Phù Mỹ trong mô hình thành lập tổ, đội sản xuất trên biển đủ mạnh để bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài việc tham gia đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao, gia đình ông Trọng còn tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, tham gia tuyên truyền chủ quyền biển, đảo hoặc chia sẻ kinh nghiệm về đánh bắt xa bờ cho các chủ tàu cá khác”.

BDN (Theo Báo Bình Định)

RELATED ARTICLES

Tin mới