Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng leo thang buộc Nhật Bản thay đổi cách nhìn về...

Căng thẳng leo thang buộc Nhật Bản thay đổi cách nhìn về quan hệ với Trung Quốc

BienDong.Net: Căng thẳng do tranh chấp liên quan đến nhóm đảo Senkaku/Điều Ngư hiện do Tokyo kiểm soát đang làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.

Theo RFI, Nhật Bản đã mất kiên nhẫn đối với Trung Quốc, khi trong cuốn Sách trắng về Viện trợ cho Phát triển ODA vừa được công bố, Tokyo đã xóa bỏ cụm từ hữu hảo, là công thức ngoại giao vẫn thường được sử dụng trong vài năm gần đây trong quan hệ với Trung Quốc.

 

Báo chí Trung Quốc liên tục khẳng định Điếu Ngư, trong tiếng Nhật là Senkaku, thuộc về Trung Quốc – REUTERS/Shannon Stapleton

Các nhà phân tích đặc biệt lưu ý việc cụm từ “mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung” giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất trong Cuốn Sách trắng mới nhất của Tokyo về ODA – ấn bản 2013 được công bố hôm 21.2.

Người ta chỉ ra rằng trong những tài liệu trước đây, cụm từ này thường được sử dụng như một công thức để biểu thị mong muốn của Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là chính trong thời kì ông Shinzo Abe làm thủ tướng Nhật Bản lần đầu vào năm 2006 khi cụm từ hữu hảo này trở nên thông dụng. Vào thời kì ấy ông Abe đã cùng với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đạt được thỏa thuận về việc hướng tới một mối quan hệ như vậy nhân một cuộc họp thượng đỉnh Nhật – Trung.

Cụm từ hữu hảo này xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách trắng về ODA, ấn bản năm 2008. Trong các phiên bản sau đó, vào hai năm 2011 và 2012, nhóm từ này vẫn tồn tại, dù được lồng ghép một cách thận trọng hơn: “Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc hiện nay nhằm hoàn thành và làm sâu sắc thêm một ‘mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung’, điều quan trọng là cùng nhau xây dựng một loại hình hợp tác mới.”

Theo RFI, với việc xóa hẳn cụm từ “hữu hảo” kể trên trong cuốn sách về ODA Nhật Bản ấn phẩm mới nhất, chính quyền Tokyo đã cho thấy thái độ cứng rắn hơn của họ đối với Bắc Kinh.

Giới quan sát cũng liên hệ thái độ cứng rắn đó với việc chính quyền Nhật tỏ ra nghiêm khắc hơn đối với tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi hoạt động phạm pháp trong vùng biển Nhật Bản. Sự vụ mới nhất cũng xẩy ra vào hôm 22.2, khi một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị chặn bắt ngoài khơi thành phố Goto thuộc tỉnh Nagasaki của Nhật Bản.

Chiếc tàu với thủy thủ đoàn gồm 9 người, đăng ký tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), đã bị buộc tội có “hải trình hoạt động không đúng như thông báo” và bị đưa về tạm giữ ở Hakata thuộc tỉnh Fukuoka.

Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Fukuoka đã yêu cầu Chính quyền Nhật Bản bảo đảm an toàn cho các thủy thủ và viên thuyền trưởng, đồng thời xử lý vụ việc một cách đúng đắn.

Vụ bắt giữ chiếc tàu cá Trung Quốc lần này khiến giới phân tích nhớ lại sự cố năm 2010, khi một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản tại vùng Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo khi ấy đã cho bắt giữ viên thuyền trưởng Trung Quốc. Thế nhưng trước sức ép ghê gớm của Bắc Kinh, với việc họ huy động những cuộc biểu tình bài Nhật rầm rộ, chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ đã phải lùi bước và trả tự do vô điều kiện cho viên thuyền trưởng này.

Trong một diễn biến khác, hôm 23.2, ba chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý.

Ngoài việc tổ chức các cuộc tập trận trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh thường xuyên cho các tàu tuần duyên tiến vào lãnh hải của quần đảo nằm cách Đài Loan 200 km về phía đông bắc và cách đảo Okinawa của Nhật 400 km về phía tây. Đây là lần xâm nhập thứ năm kể từ đầu năm đến nay, lần mới nhất trước đó là vào ngày 17.2.

Mỗi lần tàu Trung Quốc xâm nhập lại làm tăng căng thẳng trong khu vực, khiến người ta lo sợ xảy ra xung đột vũ trang giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Giả thiết này gây quan ngại cho chính quyền Hoa Kỳ, đồng minh chủ chốt của Nhật Bản.

Trong chuyến công du Nhật Bản đầu tháng 2/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận rằng Hoa Kỳ nhắc lại rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật, Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản nếu Nhật bị tấn công.

Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc chiến chớp nhoáng với Nhật?

Trong khi đó, phát biểu nhân một hội nghị mới đây tại San Diego (California – Hoa Kỳ), Đại tá Hải quân James Fanell, chỉ huy các hoạt động thông tin – tình báo tại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét rằng quy mô các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc vào mùa thu vừa rồi cho thấy là Đài Loan không còn là mục tiêu đánh chiếm quan trọng duy nhất của Bắc Kinh.

 

Chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển phía Bắc Nhật Bản, sau khi tham gia tập trận với Nga – Reuters/China Daily

Theo ông James Fanell, cuộc tập trận đổ bộ rầm rộ và kết hợp nhiều quân khu mang tên Nhiệm vụ 2013, chứng tỏ rằng Quân đội Trung Quốc đã được giao phó một nhiệm vụ mới: “Tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng và dứt điểm để tiêu diệt lực lượng Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, nối tiếp bằng điều chỉ có thể là đánh chiếm quần đảo Senkaku, thậm chí cả các đảo Nam Ryukyu”.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Đại tá Fanell lên tiếng báo động về thái độ càng lúc càng hiếu chiến của Trung Quốc.

Vào năm ngoái, chuyên gia tình báo này từng lưu ý rằng Bắc Kinh đang leo thang trong mưu đồ bắt nạt các láng giềng. Còn năm nay, ông cảnh báo rằng an ninh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã xấu đi đáng kể, mà tồi tệ nhất là vào tháng 11 năm 2013 với việc Trung Quốc áp đặt một khu vực phòng không trên Biển Hoa Đông.

Cùng lúc, chuyên gia Mỹ ghi nhận là lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hành động khiêu khích có phối hợp với nhau nhằm hù dọa các quốc gia lân cận, thậm chí cả Mỹ, như đã thấy trong sự cố suýt va chạm nhau ở Biển Đông giữa tàu Mỹ Cowpens và một chiếc tàu đổ bộ tháp tùng theo tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh.

Đại tá Fanell không ngần ngại tố cáo điều được ông gọi là “chủ nghĩa bành trướng” của Trung Quốc trong toàn vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông vào năm ngoái, được tiến hành theo kiểu vừa đấm vừa xoa: “Tàu tuần duyên Trung Quốc đóng vai kẻ xấu, đi sách nhiễu các láng giềng của Trung Quốc, trong khi tàu hải quân Trung Quốc, kẻ bảo vệ cho lực lượng tuần duyên đó, thì thực hiện những chuyến ghé cảng trong khắp khu vực để hứa hẹn hữu nghị và hợp tác”.

Về chiến lược lâu dài của Trung Quốc, Đại tá Fanell nhắc lại rằng Tướng Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing 1916 – 2011), người được coi là cha đẻ của Hải quân Trung Quốc, vào năm 1983, đã phác thảo ra lộ trình đưa Bắc Kinh lên nắm quyền bá chủ trong lãnh vực hải quân.

Theo lộ trình này, năm 2010, Trung Quốc sẽ giành được ưu thế hải quân bên trong cái được họ gọi là “chuỗi đảo đầu tiên”, tức là vùng hải phận gần bờ biển Trung Quốc. Đến năm 2020, uy lực Trung Quốc sẽ mở rộng để kiểm soát vùng biển xung quanh “chuỗi đảo thứ hai” nằm cách Trung Quốc hàng trăm hải lý. Và đến năm 2040, tướng Lưu Hoa Thanh cho rằng “Trung Quốc sẽ đủ sức ngăn chặn thế thống trị của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Ông Fanell nhận xét: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang tiến nhanh hơn lịch trình dự kiến”.

Theo Washington Times, Tướng Trung Quốc Lưu Hoa Thanh được biết đến trong vai trò người chỉ huy lực lượng đàn áp trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Riêng đối với Việt Nam, nhân vật này là kẻ đã thiết kế cuộc tấn công hải quân đã giết chết 70 thủy thủ Việt Nam ở khu vực đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) tại vùng Trường Sa hồi tháng 3. 1988.

BDN (Nguồn RFI)

RELATED ARTICLES

Tin mới