Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ không muốn thấy Trung Quốc giành quyền kiểm soát Biển Đông...

Mỹ không muốn thấy Trung Quốc giành quyền kiểm soát Biển Đông bằng vũ lực

BienDong.Net: Ngày 6.2, trang web của Viện Brookings có trụ sở. tại thủ đô Washington D.C đăng bài phân tích của tác giả Jeffrey Bader với tựa đề: “Mỹ và đường chín đoạn của Trung Quốc: Kết thúc sự mập mờ”, trong đó nhấn mạnh việc lần đầu tiên Chính phủ Mỹ công khai tuyên bố một cách rõ ràng rằng cái gọi là “đường chín đoạn ” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc là bất hợp pháp, đồng thời đưa ra quan điểm về lợi ích của Mỹ ở Biển Đông và khuyến nghị về các bước đi của Mỹ trong thời gian tới.

Dưới đây là phần trích nội dung bài viết theo bản chuyển ngữ của VNA.

Lần đầu tiên, Chính phủ Mỹ đã công khai ra một tuyên bố rõ ràng rằng cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc phác họa để khẳng định những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế

 

Bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc bao chiếm 80% diện tích Biển Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 5/2 nói: “Theo luật pháp quốc tế, các đòi hỏi về lãnh hải ở Biển Đông phải được bắt nguồn từ các cấu trúc ở đất liền. Việc Trung Quốc sử dụng ‘đường chín đoạn’ nhằm đòi hỏi các quyền lãnh hải mà không dựa trên các cấu trúc trên đất liền được tuyên bố sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh đòi hỏi về ‘đường chín đoạn’ của mình nhằm làm cho nó phù hợp với luật biển quốc tế”.

Biển Đông với diện tích 1,4 triệu dặm vuông bao gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ, đá ngầm và đảo san hô mà hầu hết không có người sinh sống và không thể sinh sống được. Trung Quốc kế thừa “đường chín đoạn” từ Chính quyền Quốc Dân Đảng, trong đó vẽ một đường bao quanh tất cả các đảo này, khẳng định chủ quyền đối với tất cả các đảo, đồng thời đưa ra các đòi hỏi mơ hồ về quyền đối với vùng biển bên trong “đường chín đoạn” này.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các quốc gia có thể tuyên bố về các quyền tuyệt đối đối với nguồn cá và tài nguyên khoáng sản trong Vùng đặc quyền kinh tế có thể mở rộng ra 200 hải lý tính từ đường thềm lục địa hoặc bao quanh các đảo có người ở. Không có quy định nào trong Công ước cho quyền đối với các vùng nước như ở Biển Đông mà không có liên quan tới quyền chủ quyền dựa trên đất liền. Vì vậy, từ lâu điều này đã được ám chỉ trong các giải thích của Mỹ về UNCLOS rằng các đòi hỏi đối với tài nguyên cá và khoáng sản của Biển Đông không liên hệ với các đảo cụ thể có thể sinh sống được, là vô hiệu lực. Tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Russel đã làm rõ quan điểm đó.

Sự quan tâm của Mỹ đối với Biển Đông đã tăng lên rõ rệt dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Biểu hiện đầu tiên của sự chú ý đó là một tuyên bố công khai mạnh mẽ của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại một diễn đàn quốc tế ở Hà Nội năm 2010, trong đó bà nêu ra các nguyên tắc điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Biển Đông: tôn trọng tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do thương mại, đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử cho việc giải quyết tranh chấp và liên quan nhất ở đây là quan điểm cho rằng các đòi hỏi đối với vùng nước chỉ có thể dựa trên các tuyên bố về đất liền một cách hợp pháp. Tuyên bố của bà Clinton đã được các nước Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei chào đón song lại gặp sự phẫn nộ của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Clinton đưa ra tuyên bố trên nhằm phản ứng trước mối quan ngại ngày càng tăng của các nước láng giềng của Trung Quốc rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh các đòi hỏi chủ quyền của mình thông qua các biện pháp chính trị và quân sự và thiếu vắng bất kỳ một tiến trình ngoại giao nào nhằm giảm thiểu căng thẳng. Căng thẳng lên cao này tương tự như giai đoạn 1994 – 1995 khi Trung Quốc tiến hành xây dựng trên đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines đòi hỏi chủ quyền. Các quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á xấu đi đã dẫn đến việc đoàn đàm phán Trung Quốc do ủy viên Quốc vụ viện khi đó là Tiền Kỳ Tham dẫn đầu để đàm phán về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và cam kết không có những hành động làm thay đổi hiện trạng…

Tuy nhiên, trong vài năm qua, đã có một mối quan ngại ngày càng tăng ở khu vực này và ở Mỹ về việc Trung Quốc đã quay lưng lại với ngoại giao và sử dụng biện pháp quân sự và pháp lý để thúc đẩy tuyên bố của mình đối với toàn bộ Biển Đông. Các tuyên bố của các nhà ngoại giao Mỹ đã xác định đặc trưng của Biển Đông như một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với Trung Quốc liên quan đến chủ quyền, và nước này sẽ không chấp nhận sự can thiệp. Trong năm 2012, Trung Quốc đã trục xuất các ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống xung quanh bãi ngầm Scarborough, cách chưa đầy 125 hải lý từ các hòn đảo chính của Philippines, đồng thời họ đã sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển của mình để duy trì quyền kiểm soát. Năm 2012, Trung Quốc cũng đã thiết lập một đơn vị hành chính và quân sự bao trùm các phần của quần đảo Hoàng Sa mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đối với việc thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013, người phát ngôn Trung Quốc chỉ ra ý định ở một khía cạnh nào đó việc thiết lập một vùng tương tự ở Biển Đông, điều chắc chắn sẽ bao gồm ít nhất một số khu vực mà các bên tuyên bố chủ quyền.

Biển Đông là một vấn đề phức tạp đối với Mỹ. Mỹ không có đòi hỏi chủ quyền ở đó. Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố (quyền tương ứng của các bên) và Mỹ cũng không nên làm việc đó. Khó có khả năng rằng bất kỳ nước nào có thể thiết lập các công cụ hữu hiệu nhằm thực thi quyền lực tại các đảo ở Biển Đông mà có thể đe dọa lực lượng quân sự hay các tàu Mỹ tại khu vực. Trong khi đó người ta tin rằng có một trữ lượng đáng kể dầu khí chưa được khai thác ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ có các lợi ích quan trọng ở Biển Đông. Một là đảm bảo tự do hàng hải. Đây không phải là một đặc ân từ bất cứ quốc gia nào mà nó là quyền quốc tế trong một khu vực mà 50% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua, là một con đường thông thương chính của thương mại quốc tế, cũng như nơi mà các tàu quân sự của Mỹ triển khai hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai là, tránh sử dụng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng chế để giải quyết các đòi hỏi chủ quyền về lãnh thổ hay quyền hàng hải. Ba là, vận động các bên tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tất cả các vấn đề trên. Bốn là, đảm bảo rằng tất cả các nước trong đó có Mỹ có quyền khai thác tài nguyên khoáng sản và nguồn cá bên ngoài các đặc khu kinh tế hợp pháp. Năm là, ngăn chặn việc Philippines, một đồng minh của Mỹ, bị bắt nạt hoặc bị sử dụng vũ lực. Sáu là, đảm bảo rằng quyền của tất cả các nước không phân biệt lớn nhỏ phải được tôn trọng.

Có những xung đột giữa các yếu tố khác nhau liên quan đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ không muốn và sẽ không để Trung Quốc giành quyền kiểm soát đối với khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ đồng thời cũng không có lợi ích trong việc biến Biển Đông trở thành một nơi đối đầu hoặc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Những thách thức trực diện đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nếu không dựa trên các tiêu chí quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc của Mỹ, có nguy cơ kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang lên cao liên quan đến các ý định của Mỹ đưa đến hành vi hung hăng hơn của Trung Quốc trong khu vực, điều sẽ biến các bên đòi hỏi chủ quyền khác trở thành nạn nhân mà không có phản ứng hữu hiệu từ Mỹ. Mặt khác, một thái độ thụ động của Mỹ sẽ làm mất đi các lợi ích được nêu ở trên và sẽ làm các bên tranh chấp khác tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi các nước này cùng các nguyên tắc mà Mỹ đã nêu ra. Điều này sẽ dẫn đến một sự nhạo báng về chính sách “tái cân bằng” của Chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với Châu Á và phá hoại nghiêm trọng thái độ chào đón của khu vực đối với sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ.

Bằng cách bác bỏ một cách rõ ràng “đường chín đoạn”, Trợ lý Ngoại trưởng Russel và Chính phủ Mỹ đã vẽ một ranh giới vào đúng nơi cần thiết. Họ đã khẳng định rõ ràng rằng sự phản đối của Mỹ là một vấn đề có tính nguyên tắc, dựa trên luật pháp quốc tế, không phải là một sự phản đối đơn thuần trước một đòi hỏi chủ quyền chỉ đơn giản là vì nó là của Trung Quốc. Chừng nào mà cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông còn dựa một cách vững chắc trên cơ sở nguyên tắc và luật pháp quốc tế, thì chừng đó Mỹ còn có thể thực hiện mục tiêu của mình, củng cố vị thế của các bên khác đòi hỏi chủ quyền với sự tôn trọng các quyền của họ và tránh sự đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền.

Tác giả liệt kê một số điều mà Mỹ có thể làm và nên làm. Một là, Mỹ cần đảm bảo rằng phương pháp tiếp cận của mình không bị nhìn nhận là đơn phương. Chính phủ Mỹ nên nói rõ với các bên đòi hỏi chủ quyền khác và với các nước ASEAN khác như Singapore và Thái Lan rằng Mỹ mong muốn các nước này phản đối công khai về “đường chín đoạn” trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hai là, Mỹ nên thảo luận với Đài Loan về việc liệu hòn đảo này có thể làm rõ quan điểm của mình về “đường chín đoạn”, trên cơ sở đó xác định rõ rằng các đòi hỏi chủ quyền của Đài Loan có phù hợp với UNCLOS hay không.

Ba là, Mỹ cần tiếp tục duy trì ưu tiên cao cho cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN như những gì mà Mỹ đã thực hiện từ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố mục tiêu đó ở Hà Nội. Thực chất, quyết định của Trung Quốc và ASEAN bắt đầu đàm phán về COC là một trong những kết quả có được từ tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Bốn là, Mỹ cần hối thúc Trung Quốc không thiết lập thêm bất kỳ một khu vực nhận diện phòng không nào ở Biển Đông. Trong khi dư luận công chúng đối vói vấn đề này là cần thiết thì ngoại giao với tính cách cá nhân có thể mang lại hiệu quả hơn trong việc gây ảnh hưởng đối với Bắc Kinh.

Năm là, Mỹ nên thảo luận với tất cả các bên tranh chấp về một thỏa thuận có thể đạt được liên quan đến việc khai thác nguồn tài nguyên cá và khoáng sản mà không liên quan đến vấn đề chủ quyền, trong đó có việc sử dụng các liên doanh giữa các công ty.

Sáu là, Thượng viện Mỹ nên phê chuẩn Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển. Điều này sẽ giúp Mỹ có được vị thế pháp lý và đạo đức để tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong các quyết định trong tương lai về Biển Đông. Tất cả các cựu ngoại trưởng Mỹ đều ủng hộ một quyết định như vậy. Các tư lệnh Thái Bình Dương và hải quân cũng như đa số các công ty quan tâm cũng ủng hộ việc này. Mỹ cần phải có hành động dứt khoát.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới