Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững ngày cuối cùng của các làng chài trên Vịnh Hạ Long?

Những ngày cuối cùng của các làng chài trên Vịnh Hạ Long?

BienDong.Net: Có thể những năm tới, các làng nổi trên Vịnh Hạ Long không còn nữa, bởi từ tháng 3 tới đây, hàng trăm cư dân làng chài sẽ được chuyển lên bờ sinh sống theo kế hoạch di dời đối với các nhà bè trên Vịnh mà tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt.

Trên vịnh Hạ Long, với những đảo đá nối tiếp nhau tạo thành những bức tường thành che chắn gió bão lý tưởng, đã từng tồn tại những làng thủy cư truyền thống từ rất lâu đời, trong đó phần lớn từ ở hai làng Giang Võng, Trúc Võng xưa (nay thuộc P. Hà Khánh, TP. Hạ Long). Chính cuộc sống quần cư, đời đời kiếp kiếp lênh đênh trên sóng nước đã tạo ra những nét văn hóa độc đáo, khác biệt…

 

Làng chài Cửa Vạn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Làng chài nằm cách xa bờ có khi hàng chục km bên những vách núi như những thung lũng trên biển. Ở đó, những ngôi nhà bè nằm liền kề nhau, nhỏ nhắn, xinh xắn. Không tiếng còi xe náo nhiệt như trên bờ, chỉ có tiếng ngư phủ í ới gọi nhau hỏi thăm nhau, tiếng dầm gõ mạn thuyền đuổi cá sau núi vọng lại.

Các thế hệ người làng chài cả đời sinh sống trên thuyền và gắn bó với biển. Họ coi con thuyền là nhà, biển là quê hương, gắn bó với Vịnh Hạ Long cả về tâm hồn và thể xác. Trẻ con ngay từ 4 – 5 tuổi đã biết cầm mái chèo tập bơi. Trong những gia đình ngư dân trên vịnh Hạ Long, tất cả mọi thành viên đều ra khơi. Trẻ nhỏ mắc mồi thả câu, lớn hơn một chút chèo mui, kéo lưới. Trưởng thành, lấy vợ lấy chồng thì sẽ vừa chèo vừa giăng lưới, thả câu vừa dạy bảo con em đánh bắt tôm cá…

Những điều kiện ấy khiến người dân chài sống quần tụ với nhau và gắn bó với biển. Mọi hoạt động làm ăn, sinh sống, sinh hoạt văn hoá tinh thần cả cuộc đời họ, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay đều diễn ra trên môi trường sóng nước.

Cuộc sống lênh đênh trên biển của họ đã tạo ra những nét văn hoá và phong tục thờ cúng độc đáo. Khác với trên bờ, bàn thờ của các gia đình ngư dân thường được đặt ở góc vuông tiếp giáp khoang lái. Hướng bàn thờ là hướng của thuyền hoặc nhà bè. Với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, tín ngưỡng thờ thần thánh, thủy thần là chỗ dựa tâm linh của ngư dân. Những ngày lễ, tết, ngư dân đều đi cũng lễ ở các đền, miếu gần làng. Sau chuyến đi đánh được nhiều tôm, cá và mỗi lần tai qua, nạn khỏi, ngư dân đều có lễ tạ. Trẻ con mới sinh ra đều được buộc chỉ cổ tay để cầu Thần biển phù hộ. Mùng 4 Tết, các gia đình thường sắm lễ vật, mời thầy về cúng. Thầy cầm mảnh vải điều xin lệnh của trời đất, thủy thần phù hộ cho gia chủ những điều tốt lành rồi ấn lệnh đóng dấu lên mảnh vải ấy. Chủ nhà sẽ buộc mảnh vải vào mui thuyền sau rồi nhổ neo, cho thuyền quay ngược lại và rời bến. Khi xuất bến, điều cấm kỵ là có thuyền khác cản mũi, vì cho rằng như thế là sẽ làm ăn không may mắn.

 

Cảnh làng chài (ảnh báo Xây dựng)

Trước đây, dân làng chài kiêng kỵ nên thường đặt tên con là “nhặt” – để thủy thần khỏi bắt đi. Vì thế, hiện ở làng chài, tầm tuổi 40 trở lên cả nam và nữ có rất nhiều người tên là “nhặt”, như Nguyễn Văn Nhặt, Lê Thị Nhặt…

Người dân chài không có đất trên bờ, không có nghĩa địa riêng nên trước đây người chết thường được mai táng ở trên núi. Khi tổ chức tang lễ, họ huy động nhiều thuyền của họ hàng, bạn chài liên kết lại. Sau khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thế giới, việc an táng người chết trên các đảo ở Vịnh Hạ Long bị nghiêm cấm, thay vào đó, các gia đình phải dùng thuyền chở người quá cố về nghĩa trang trên bờ mai táng.

Quảng Ninh còn lưu giữ khá nhiều nghệ thuật hát giao duyên trên biển. Nổi bật là hát đúm, hò biển và hát cưới trên thuyền. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định hát giao duyên trên biển của ngư dân trên vịnh Hạ Long là những khúc hát say đắm, tình tứ nhất, ở đó biểu hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc, tình yêu. Nhiều đôi trai gái nên vợ, thành chồng qua những giọng hò, câu hát.

Hát cưới cũng rất ấn tượng và lãng mạn, thường diễn ra vào những đêm trăng sáng. Trong không gian lung linh trăng nước, nhà trai đến đón dâu bằng nhiều thuyền lớn, nhà gái cũng neo đậu thuyền sát nhau.

Lão ngư Nguyễn Văn Hưu – 85 tuổi ở làng Cửa Vạn kể rằng thời trai trẻ, vốn có “máu” văn nghệ nên ông thuộc rất nhiều câu hát giao duyên (người vạn chài gọi là hát chèo đường). Bạn chài mượn câu hát đố nhau để đỡ cảm giác vất vả khi lao động. Trai gái tìm hiểu nhau cũng mượn câu hát rất tình tứ trao duyên. Trong đám cưới, nhà trai muốn đón dâu phải giải được hát đố của nhà gái… Ông tìm được vợ cũng từ những câu hát như thế. Ông hát: Câu tôi: Câu thủ, câu song/Mong sao câu được con ông, cháu bà/Có chồng thì tránh cho xa/Không chồng thì quấn, thì quýt, thì tha lấy mồi/Lạy trời phù hộ câu tôi/Tôi câu một mồi được gái thanh tân… Biết tài của ông, năm trước, khi phục dựng lại một số nét văn hóa dân gian làng chài Cửa Vạn, người ta đã vời ông ra làm thầy dạy hát cho bọn trẻ làng chài. Rồi còn quay phim, chụp ảnh.

Năm 2010, sau 4 năm nghiên cứu, sưu tầm, Sở Văn hóa –Thể thao – Du lịch Quảng Ninh đã hoàn thành Dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân những làng chài cổ trên vịnh Hạ Long với việc phục dựng thành công hát giao duyên trên biển, hát đón dâu trên thuyền; phục dựng lễ hội đình Giang Võng – lễ hội cổ truyền của làng chài thủy cư…

Tuy nhiên, theo Cao Đức Bình – người trực tiếp tham gia vào dự án này – ngoài lễ hội đình Giang Võng được tổ chức với quy mô lớn, theo đúng những nghi thức truyền thống, thì việc bảo tồn và phát huy hát giao duyên, hát đón dâu trên biển, trên thuyền xem ra rất mong manh, bởi rất ít du khách yêu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật này.

Nhiều ý tưởng phục dựng lại làng chài cổ xưa cũng sẽ không có cơ hội thực hiện bởi quyết định di dời ngư dân các làng chài lên bờ trước 31.12.2014 của UBND TP. Hạ Long. Chủ trương này nhằm trả lại cảnh quan và môi trường cho di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Và, việc đưa các ngư dân lên bờ cũng khiến số “diễn viên ngư dân” rơi rớt dần.

BDN (tổng hợp từ các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới