Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự...

Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương

BienDong.Net: BBC dẫn thông cáo báo chí ngày 25.2 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: Trong văn bản trả lời trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, ông David Shear, người được đề cử làm Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á – TBD cho rằng cần theo dõi chặt hơn nữa hoạt động quốc phòng của Trung Quốc, cũng như giúp Đài Loan xây dựng một lực lượng phòng vệ đủ mạnh để đối phó với Bắc Kinh.

“Chúng ta đang quan tâm đặc biệt tới những khoản đầu tư vào công nghệ của Trung Quốc, cũng như những khí tài họ đang sử dụng”, ông nói. Tuy nhiên, theo ông Shear, việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những quyết định đầu tư của Trung Quốc cũng rất cần thiết.

Ông David Shear đã có nhiều năm công tác tại Châu Á (ảnh Reuters)

Theo ông Shear, mặc dù Washington luôn hoan nghênh một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình, sự phát triển của quân đội Trung Quốc vẫn là vấn đề gây quan ngại. Ông cho rằng việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng là một phần của chương trình hiện đại hóa quân đội, vốn lâu nay vẫn thiếu tính minh bạch, nhằm giành thắng lợi trong những cuộc xung đột ác liệt diễn ra trong thời gian ngắn ở khu vực, và chủ yếu tập trung vào Đài Loan.

Trong bản tường trình của mình, ông Shear cũng nói quan hệ Mỹ – Trung có cả yếu tố hợp tác lẫn cạnh tranh và cho rằng Hoa Kỳ vẫn nên tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Về khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) bao trùm lên cả vùng đảo Senkaku mà Trung Quốc vừa thiết lập trên Biển Hoa Đông, ông Shear tuyên bố: “Nếu được bổ nhiệm, tôi sẽ ủng hộ quan điểm của Bộ Quốc phòng rằng việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ sẽ không thay đổi cách Hoa Kỳ tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực”.

Ông David B. Shear hiện là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và đã từng làm việc tại các thành phố Sapporo, Bắc Kinh, Tokyo và Kuala Lumpur.

Việc bổ nhiệm ông Shear, một chuyên gia kỳ cựu về khu vực Châu Á – TBD làm trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy mối quan tâm của chính quyền Mỹ đối với khu vực cho dù Hoa Kỳ đang phải vật lộn với các khó khăn về kinh tế, tài chính và sức ép phải thu hẹp chi tiêu quốc phòng.

Thách thức yêu sách chủ quyền phi lí của Trung Quốc ở Biển Đông

Xung quanh thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc, RFI nhận xét: Từ cuối năm 2013, các tuyên bố chính thức cũng như không chính thức của giới lãnh đạo ngoại giao và quân sự Mỹ về Biển Đông đã cứng rắn hẳn lên, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hành động nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý của họ.

alt

Khát vọng vì một Biển Đông yên bình (ảnh minh họa của BienDong.Net)

Theo RFI, ý đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc bộc lộ rõ nét qua hai sự kiện liên quan đến cả vùng biển lẫn vùng không phận của khu vực. Đầu tiên là việc Bắc Kinh cho áp dụng kể từ ngày 01.01.2014, lệnh buộc tàu cá ngoại quốc phải xin phép trước nếu muốn vào hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền – tức là đa phần diện tích của Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không che giấu ý định thiết lập một khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông, tương tự như những gì họ đã làm trên Biển Hoa Đông, căn cứ vào tuyên bố tháng 11.2013 của một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, theo đó họ sẽ thiết lập các khu vực nhận diện phòng không khác “vào một thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất các công việc chuẩn bị”.

Hai yếu tố kể trên đã khiến các nước trong khu vực hết sức lo ngại. Trong chuyến thăm Châu Á mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tranh thủ mọi cuộc gặp với các tác nhân tại Châu Á, từ Philippines, Nhật Bản, cho đến Indonesia, ASEAN, và cả với Trung Quốc để nhắc lại quan điểm của Washington kiên quyết phản đối một khu vực phòng không mà Bắc Kinh muốn đơn phương tuyên bố tại Biển Đông.

Quan điểm cứng rắn của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đã được sự nhất trí của một số tướng lĩnh trong quân đội Hoa Kỳ, từ tướng Herbert ‘Hawk’ Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, cho đến Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh Hành quân của Hải Quân Hoa Kỳ tại Philippines trong các phát biểu công khai gần đây của họ.

Giới quan sát cũng nhận thấy bên cạnh thái độ kiên quyết phản đối ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ gần đây cũng đã thẳng thừng đả kích tấm bản đồ đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đang sử dụng để áp đặt yêu sách của họ trên Biển Đông, đồng thời công khai tuyên bố ủng hộ việc Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông như điều đã được ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á – Thái Bình Dương nêu bật trước Hạ Viện Mỹ ngày 05.02 vừa qua.

Người ta cũng ghi nhận rằng chuyến thăm Châu Á mới đây của ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã làm cho vấn đề đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) nóng trở lại trong bối cảnh Bắc Kinh cố tình trì hoãn tiến trình này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ngày 17.2.2014 với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, ông Kerry yêu cầu Jakarta tập trung đẩy mạnh tiến độ hướng đến việc đạt được một thỏa thuận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

“Không phải là cường điệu, khi nói rằng tình hình ổn định trong tương lai của khu vực sẽ phụ thuộc một phần vào sự hoàn tất kịp thời một bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông)… Tiến trình hoàn tất càng kéo dài, tình trạng căng thẳng càng thêm sôi sục và nguy cơ một ai đó tính toán sai lầm gây nên xung đột càng lớn”, ông Kerry nói.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới