Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia hết kiên nhẫn trước sự lấn lướt của Bắc Kinh trên...

Malaysia hết kiên nhẫn trước sự lấn lướt của Bắc Kinh trên Biển Đông

BienDong.Net: Hãng tin Reuters ngày 26.02.2014 có bài phân tích nhan đề Sự quyết đoán của Trung Quốc làm cho Malaysia cứng rắn hơn trong tranh chấp biểncủa Stuart Grudgings, nói về sự thay đổi thái độ – một cách kín đáo – của Malaysia trước những đòi hỏi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Người ta có thể dễ dàng không để ý đến rạn san hô James nửa chìm nửa nổi trong vùng biển màu ngọc lam, cách đảo Borneo, thuộc bang Sarawak, Malaysia, khoảng 80 km, nằm bên ngoài lãnh hải của Malaysia, nhưng hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

alt

Lính Trung Quốc tổ chức chào cờ tại bãi ngầm James cách bờ biển Malaysia 80 km

Thế nhưng, theo các nhà ngoại giao cao cấp nói với Reuters, hai cuộc tập trận hải quân liên tiếp do Trung Quốc tiến hành trong vòng chưa đầy một năm xung quanh bãi ngầm này đã gây sốc cho Malaysia và dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của nước này về yêu sách của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo các nhà ngoại giao, sự cố gần đây nhất, xảy ra trong tháng Giêng năm 2014, đã thúc đẩy Malaysia lặng lẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và Philippines, là hai nước Đông Nam Á bầy tỏ công khai nhất thái độ của mình trước những động thái của Trung Quốc trong khu vực, nhằm cố gắng thúc ép Bắc Kinh chấp nhận một bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông mang tính ràng buộc.

alt 

Cũng theo Reuters, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của hải quân Bắc Kinh cũng có thể đẩy Malaysia xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, vốn là đồng minh của nước này trong lĩnh vực an ninh, và càng đào sâu thêm các bất đồng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc liên quan đến vùng Biển Đông có tiềm năng lớn về khoáng sản.

Thông thường, Malaysia luôn tìm cách giảm nhẹ những quan ngại về an ninh, đồng thời tiếp tục duy trì các quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.

Bãi ngầm James, mà Trung Quốc gọi là Tăng Mẫu ám sa (Zengmu Reef), cách Trung Hoa đại lục 1.800 km (1.100 dặm), gần Malaysia, Brunei, Singapore, Philippines, Việt Nam, Indonesia hơn so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh coi vùng biển xung quanh bãi ngầm James này là lãnh thổ cực nam của họ, dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” bao chiếm tới 80% tổng diện tích 3,5 triệu km² của Biển Đông.

Các bức ảnh mà phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc công bố vào ngày 26.1 cho thấy hàng trăm thủy thủ đứng nghiêm nghe mệnh lệnh trên boong tàu chiến, bên cạnh có hai khu trục hạm và một trực thăng, và báo chí Trung Quốc ngang nhiên chú thích rằng các tàu này đang ở bãi ngầm James.

alt 

Malaysia nằm trên Biển Đông và có nhiều lợi ích tại vùng biển này (ảnh BienDong.Net)

Còn nhvào thời điểm đó, chỉ huy hải quân Malaysia đã bác bỏ những thông tin của truyền thông Trung Quốc, và nói với hãng tin Bernama rằng, các tàu Trung Quốc ở “ngoài vùng biển của Malaysia”. Theo các nhà phân tích về an ninh, có thể vị chỉ huy này khi đó nói như vậy là vì các lực lượng hải quân nước này không giám sát, hoặc đã không phát hiện thấy các tàu Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nguồn tin an ninh hàng hải và ngoại giao đã nói với Reuters rằng, cuộc tập trận, với sự tham gia của ba tàu chiến Trung Quốc, trong đó có cả một lễ tuyên thệ bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, đã diễn ra tại bãi ngầm James hoặc gần đó.

Về các sự cố gần đây, ông Tang Siew Mun, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, hiện là cố vấn của chính phủ Malaysia, nói: Đó là một lời cảnh tỉnh về điều có thể xẩy ra đối với chúng ta và đang xẩy ra đối với chúng ta”.

Ông cũng cho rằng Malaysia và Trung Quốc cần phải ưu tiên khắc phục những khiếm khuyết tồn tại, đồng thời cẩn trọng không để tạo thêm áp lực lên những “vết xe cũ”, tránh tạo ra điểm nóng dẫn đến sự sụp đổ. Ông bày tỏ: Vụ xâm nhập bãi ngầm James là một phép thử của Trung Quốc đối với Malaysia. Do vậy, nếu Trung Quốc đang cố tạo ra sự thay đổi thì Malaysia cũng buộc phải có phản ứng thích hợp.

Kể từ đó Malaysia đã lặng lẽ hoạt động mạnh hơn vì COC

Cả Bộ Ngoại giao Malaysia cũng như Văn phòng Thủ tướng không trả lời các đề nghị bình luận về những sự kiện này.

Trong khi phản ứng công khai của Malaysia về các sự cố hồi tháng Giêng không ầm ĩ, thì các nhà ngoại giao cao cấp của các nước Đông Nam Á khác cho biết là các đồng nghiệp Malaysia đã hoạt động mạnh hơn kể từ lúc đó, nhằm thúc đẩy một lập trường chung trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các quan chức của 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán tại Singapore vào ngày 18.3, sau khi vào năm ngoái, họ đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán và từ đó đến, nay, đã đạt được một số tiến triển.

Bộ qui tắc mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và ASEAN sẽ bao gồm những quy định chi tiết về hành vi ứng xử trên biển, làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng có thể dẫn đến xung đột. Trung Quốc nói rằng họ thành thật muốn đạt được một thỏa thuận, nhưng thực tế lại đang tìm cách trì hoãn nó.

Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và Đài Loan tuyên bố có chủ quyền đối với một số vùng tại Biển Đông. Tất cả đều là thành viên của ASEAN, ngoại trừ Đài Loan.

Chưa đầy một tuần sau sự cố tháng Giêng, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã có chuyến công du không thông báo trước tới Manila để gặp gỡ đồng nhiệm Philippines, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết như vậy. Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, hai bên đã thảo luận vấn đề Biển Đông.

Sau đó, vào ngày 18.2, các quan chức Philippines, Malaysia và Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp để phối hợp chính sách đối với Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp trên biển và bộ quy tắc ứng xử, một nhà ngoại giao am hiểu về các cuộc thảo luận này đã tiết lộ như vậy.

Ông nói: Trong quá khứ, chỉ có Philippines và Việt Nam thúc đẩy tổ chức một cuộc họp như vậy, nhưng bây giờ chúng ta thấy có sự tham gia của Malaysia”.

Nhà ngoại giao này cho biết thêm, tại cuộc đàm phán không được thông báo trước này, các quan chức đã đồng ý bác bỏ bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc, thúc đẩy để sớm kết thúc các cuộc thương lượng về bộ quy tắc ứng xử COC và yêu cầu Brunei tham gia cuộc họp với ba đối tác tại Kuala Lumpur vào tháng Ba.

Theo RFI, sự thay đổi chính sách của Malaysia diễn ra trước chuyến thăm Kuala Lumpur của Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong tuần này và trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng Tư.

Các quan chức Mỹ cũng đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông trong những tuần gần đây. Ngày 13.02, chỉ huy Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Washington sẽ hỗ trợ Philippines trong trường hợp xẩy ra xung đột với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Ông Hong Nong, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật Biển và Chính sách thuộc Viện nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, ở đảo Hải Nam Trung Quốc, nhận định: Những loại ý kiến như thế này giúp động viên một số quốc gia.

Ông cho biết: Điều này có ảnh hưởng tới ASEAN. Trong quá khứ, Mỹ không bao giờ nói rõ là họ sẽ đứng về bên nào”.

Một căn cứ hải quân mới của Malaysia

Vào tháng 3.2013, một cuộc tập trận tương tự tại bãi ngầm James với sự tham gia của bốn tàu đổ bộ thuộc lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc đã làm cho Malaysia lo lắng và dẫn đến việc nước này có một hành động hiếm thấy là phản đối không công khai Trung Quốc.

Ông Ian Storey, một chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói: Chúng ta có thể dự đoán sẽ có nhiều loại sự cố như vậy trong tương lai. Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ giương cờ Trung Quốc trong vùng biển Malaysia và điều này sẽ buộc Malaysia phải điều chỉnh lại chính sách của mình».

Và dường như Malaysia đang làm điều này.

Vào tháng 10.2013, Malaysia đã công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân tại Bintulu ở Sarawak, thị trấn lớn, gần nhất với bãi ngầm James. Đây sẽ là nơi đồn trú của một lực lượng Thủy quân lục chiến mới, được thành lập theo mô hình của quân đội Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mục đích của kế hoạch này là để bảo vệ các trữ lượng dầu khí trong khu vực và không hề nhắc đến Trung Quốc.

Với sự thẳng thắn bất thường, Thủ tướng Najib Razak nói tại New York hồi tháng 9.2013, rằng Trung Quốc đã đưa ra những “tín hiệu hỗn loạn và không thể không làm cho các nước láng giềng Châu Á mất thiện cảm.

Theo giới phân tích an ninh Malaysia, Washington dự kiến tư vấn và có thể cả huấn luyện để giúp Malaysia lập lực lượng Thủy quân lục chiến.

Mặc dù thay đổi lập trường, nhưng dường như Malaysia không muốn mạo hiểm gây gây lạnh nhạt trong quan hệ với Trung Quốc.

Các nguồn tin thân cận với chính phủ Malaysia cho biết, nước này không xem xét việc tham gia kiện tụng cùng với Philippines để chống lại những yêu sách về quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Báo New Straits Times, thân chính phủ, hồi tháng 10 năm ngoái, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Malaysia, đã viết: Malaysia có một “cách thức tỉnh táo và riêng biệt để giải quyết các xung đột trong khu vực”.

Quan hệ kinh tế song phương đã tăng mạnh. Năm ngoái, Thủ tướng Najib và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu tăng gấp ba lần thương mại hai chiều, lên tới 160 tỷ đô la vào năm 2017.

BDN (Nguồn RFI)

RELATED ARTICLES

Tin mới