Tuesday, April 16, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc chiến đấu mưu trí dũng cảm bảo vệ đảo Cô Lin

Cuộc chiến đấu mưu trí dũng cảm bảo vệ đảo Cô Lin

BienDong.net: Trong trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, mặc dù lực lượng mỏng, trang bị chiến đấu hạn chế nhưng với sự mưu trí và lòng dũng cảm, các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã chiến đấu đẩy lùi quân bành trướng Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo Cô Lin.

Cô Lin là một đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam, nằm ở vị trí chiến lược nên được ví như “mắt thần” của biển.

Hình ảnh đảo Cô Lin thuộc chủ quyền Việt Nam

Đầu năm 1988, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế chiếm đóng trái phép 5 đảo đá Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Huy Gơ và Ga Ven thuộc chủ quyền Việt Nam. Nguy hiểm hơn, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tàu chiến hùng hậu với phương tiện vũ khí hiện đại bất ngờ tấn công các chiến sĩ công binh và tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 của Việt Nam ở các khu vực đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin.

 

Vùng biển Cô Lin – Gạc Ma – Len Đao và vị trí các tàu hải quân Việt Nam trước khi bị Trung Quốc tấn công

Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ xúc động kể lại: “Ba tàu của ta lúc đó tạo thành hình tam giác trên biển”. Khi HQ-604 và HQ-605 trúng đạn chìm xuống, tàu HQ-505 cũng bị bắn hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. 5 chiến sĩ trên tàu HQ-505 bị thương. Tôi nghĩ nếu không nhanh chóng trở lại Cô Lin thì tàu sẽ chìm, toàn bộ anh em sẽ hy sinh mà đảo cũng có thể rơi vào tay địch. Tôi lập tức yêu cầu anh em kỹ thuật tập trung sửa máy tàu. Khi sửa xong, tôi cho chạy cả 2 máy hướng về phía đảo. Gần đến Cô Lin, HQ-505 mở hết tốc lực lao lên đảo. Thân tàu trụ vững trên đảo nhưng 2/3 thân tàu vẫn bị bốc cháy.

Thấy tàu HQ-505 đã lên đảo, lính Trung Quốc không nổ súng nữa. Thuyền trưởng Lễ cùng các chiến sĩ vừa lao vào chữa cháy vừa tổ chức đưa xuồng sang Gạc Ma ứng cứu anh em tàu HQ-604, Nguyên sĩ quan tàu HQ-505 Phạm Văn Hưng cho biết.

Về quyết định lao tàu HQ-505 lên đảo, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ giải thích: “Khi đó, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trên tàu đã bị hỏng nặng nên tôi không thể báo cáo tình hình với cấp trên. Quyết định lao tàu lên đảo được đưa ra trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Sau khi bàn bạc với chính trị viên, thủy thủ trưởng… tôi đã đưa ra một quyết định trọng đại nhất trong đời binh nghiệp của mình”.

 

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người mang quân hàm) và các chiến sĩ tàu HQ-505 anh hùng

Sau khi HQ-505 đã trụ vững trên đảo chìm Cô Lin, trở thành pháo đài sừng sững giữa vùng biển Trường Sa, dù có thể rút về đảo Sinh Tồn để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn không nỡ rời xa Cô Lin. “Rất nhiều người đã ngã xuống mới giữ được đảo. Lúc này, chưa ai biết đảo có còn bị Trung Quốc tấn công nữa hay không. Vì thế, tôi vẫn xin tiếp tục được ở lại cùng 9 chiến sĩ nữa, trên chính con tàu HQ-505”.

Sau trận hải chiến 14-3-1988, hầu như ngày nào Trung Quốc cũng cho tàu ra khiêu khích. “Có ngày, chúng quấy nhiễu tới 3 – 4 lần và dùng loa réo tên tôi: “Vũ Huy Lễ, hãy đầu hàng! ”. Thế nhưng, điều đó càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm bám trụ. Tình cảnh khi đó rất khó khăn, máy bay trực thăng của ta phải ra tiếp tế từng cái khăn mặt, từng bánh xà phòng nhưng anh em luôn vững vàng” – ông chia sẻ.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ở lại tàu HQ-505 đến tháng 6-1988. Người tiếp nhận nhiệm vụ bảo vệ Cô Lin lúc đó là thiếu úy Phạm Văn Hưng nhớ lại: “Tôi được anh em trong Quân chủng Hải quân gán cho biệt danh “Hưng Cô Lin”. Tàu Trung Quốc khi đó vẫn tiếp tục đến quấy nhiễu. Có lúc chúng vào sát đảo, quăng dây lên “pháo đài” HQ-505 và dọa sẽ kéo tàu ra biển. Cuộc đối đầu lúc này thật sự là cuộc đấu trí, thử thách sự bền gan của nhau”. Tuy nhiên, trước sự mưu trí dũng cảm và đấu tranh kiên cường của các chúng ta, cuối cùng kẻ thù cũng phải rút lui.

Câu chuyện về thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy tàu HQ-505 ủi bãi dưới mưa đạn của kẻ địch và bảo vệ thành công đảo sẽ còn được kể mãi như một huyền thoại không thể nào quên – Huyền thoại đảo Cô Lin.

BDN (Tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới