Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnBè mảng Sầm Sơn và hành trình vượt Thái Bình Dương

Bè mảng Sầm Sơn và hành trình vượt Thái Bình Dương

BienDong.Net: Cách đây 21 năm, một chiếc bè mảng bằng tre luồng xuất phát từ bãi biển Sầm Sơn do Tim Severin, một nhà bác học về biển người Ireland chỉ huy bắt đầu chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương.

Mục đích của chuyến đi là để chứng minh một giả thiết mà nhiều nhà khoa học đã đề xuất: Từ hàng nghìn năm trước đây đã có những cuộc vượt biển từ vùng Đông Nam Á, từ bán đảo Đông Dương, từ phía Nam Trung Quốc… bằng các phương tiện thô sơ, tạo nên cuộc giao thoa văn hóa giữa Châu Á và vùng Trung Nam Châu Mỹ.

 

Chiếc mảng được làm từ những cây luồng đã chịu đựng với sóng biển suốt hàng nghìn hải lý.

Khác với các mảng đánh cá thông thường, mảng vượt biển Sầm Sơn được tăng cường bởi ba lớp tre luồng với tổng cộng 550 cây và hàng nghìn mối buộc lạt mây. Mảng phải làm theo lối cổ xưa, khi không có những đinh sắt hay dây thép dây ni lông chằng buộc, không có những miếng foam hỗ trợ cho bè mảng khỏi chìm. Chiếc bè mảng là thành quả lao động trong gần sáu tháng trời của gần một trăm người thợ phường Trường Sơn thị xã Sầm Sơn ngày nay.

Sau khi hoàn tất và được hạ thủy an toàn trong một nghi lễ đầy màu sắc dân gian tại đền Độc Cước, chiếc mảng được kéo ra Bãi Cháy Hạ Long. Tại đây, bè được lắp ba cánh buồm nâu được may cắt công phu bởi những người thợ tài hoa vùng Phong Cốc Hà Nam, Yên Hưng Quảng Ninh.

Từ Hạ Long, chiếc mảng được cẩu lên tàu của Công Ty Vận Tải Biển Việt Nam chạy sang Hongkong để hoàn tất công việc chuẩn bị, và ngày 17/05/1993, chiếc mảng bắt đầu chuyến hành trình ven theo đảo Đài Loan, ghé qua Nhật Bản sau đó hướng thẳng sang phía Đông vượt Thái Bình Dương.

Tim Severin, người chỉ huy cuộc hành trình 5 người này đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm nhằm lặp lại những chuyến đi của người xưa. Ngay từ thời còn là sinh viên, ông đã cùng bạn bè lặp lại chuyến đi của Marco Polo, nhà thám hiểm người Ý thế kỷ 13 đã vượt sa mạc sang Trung Quốc. Sau Tim, một thành viên thứ hai không kém phần quan trọng, đại diện cho những người đã làm nên chiếc mảng khổng lồ và là người thông thạo nhất kỹ thuật dân gian trong việc chế tạo và điều khiển mảng, đó là anh Lường Viết Lợi, (sinh năm 1959), người Việt Nam duy nhất trên chuyến hành trình đó. Chưa từng lên tới Hà Nội, không biết một chữ tiếng Anh, chàng trai 34 tuổi người Sầm Sơn không choáng ngợp trước ánh đèn Hongkong hay các đô thị Nhật Bản, hết sức tự tin hòa mình cùng tập thể đoàn thám hiểm trong suốt 6 tháng trời lênh đênh, trải qua bao sóng gió, hiểm nguy và cả cướp biển. Và chuyến đi này đã được nhà thám hiểm Tim Severin ghi lại chi tiết trong cuốn sách “Hành trình qua Thái Bình Dương bằng tre luồng”.

 

Ông Lường Văn Lợi với những kí ức của hành trình vượt biển

“Trên hành trình vượt Thái Bình Dương, chúng tôi đã gặp 4 trận bão, 2 lần suýt đụng tàu lớn và một lần gặp hải tặc. Theo phân công thì mỗi đêm một người trực hai tiếng, tôi nhớ hôm đó là giờ của tôi trực, nhưng Tim bảo để ông ấy trực cho. Do mảng chúng tôi không có điện, không có sắt thép nên tàu đi ngược chiều không thể phát hiện, khi kịp phát hiện thì nó đã ở gần rồi. Khi đó, mọi người tỉnh dậy bật toàn bộ điện, và tôi liền chạy lại nhấc tay lái cho mảng chệch sang một bên sườn của con tàu đang lao tới, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Lợi nhớ lại.

Thực phẩm chuẩn bị cho nhóm thám hiểm ngoài đồ hộp, anh em còn dùng cung để bắn cá… Mảng được trang bị các thiết bị cứu sinh và liên lạc hiện đại, hệ thống điện năng lượng mặt trời và pin. Trong căn lều đơn sơ trên bè mảng, hàng ngày ông Tim chịu trách nhiệm liên lạc về đất liền qua vệ tinh và cập nhật thông tin về thời tiết.

Khi chiếc mảng còn cách bờ biển bang California, Mỹ khoảng 1.000 hải lý, nghe tin sắp có bão lớn và một số cây luồng đã bị tuột khỏi các nút buộc thì cả đoàn buộc phải rời mảng lên tàu trở về Tokyo kết thúc chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương với hơn 5.000 hải lý. “Theo kinh nghiệm của tôi, chiếc mảng vẫn còn đi tốt, nhưng bên Nhật gọi điện sang đưa toàn bộ người lên tàu khác về, còn bỏ lại mảng”, ông Lợi kể.

Mặc dầu mới vượt được 85% khoảng cách Thái Bình Dương ngăn cách Châu Á và Châu Mỹ, hành trình 6 tháng trời với 5.500 hải lý đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của chiếc mảng sầm Sơn.

Chiếc mảng do Tim chỉ huy vượt Thái Bình Dương được chế tạo theo mẫu bè dân gian Sầm Sơn nhưng đã được nâng cao lên bởi khoa học hiện đại mà người thiết kế chính là kỹ sư đóng tàu người Anh Colin Mudie. Đó là một cái tên khá nổi tiếng mà bất cứ người nào làm công tác huấn luyện hải quân trên thế giới đều biết. Ông là tác giả của rất nhiều tàu buồm huấn luyện cho hải quân nhiều nước như Anh, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản…

 

Bè mảng Sầm Sơn trên biển Thái Bình Dương (Ảnh: Đỗ Thái Bình)

Colin tỏ ra rất thích thú với bất kỳ thử thách kỹ thuật lạ thường nào, và ông đã phát huy hàng loạt những kỹ năng đáng nể. Là một nhà thiết kế hàng đầu các tàu buồm huấn luyện, ông còn có cả một lượng kiến thức bách khoa về các loại thuyền buồm truyền thống và những con tàu buồm lịch sử. Nhờ đó ông đã lập được vô số bản thiết kế cho bất kể loại thuyền nào, từ bản sao chiếc thuyền buôn của thế kỷ 17 cho đến chiếc thuyền buồm cánh dơi.

Theo đề nghị của Tim, ông đã sẵn sàng để làm một bản thiết kế sơ bộ cho một chiếc mảng tre vượt đại dương dựa theo các số liệu đã thu thập được tại Sầm Sơn, cũng như là tham khảo các mẫu bè cổ và thuyền buồm trong sử sách. Để cẩn thận hơn, ông đã cùng vợ là bà Rosemary đã viết và cho chạy một chương trình máy tính nhằm nghiên cứu tính ổn định lý thuyết của mảng khi chịu các tải trọng khác nhau. Colin có một thái độ nể trọng sâu sắc đối với các dân tộc bản địa đã xây dựng và phát triển các phương tiện đường thủy của mình theo các bước tiến hóa trải qua hàng thế kỷ. Vì vậy, Tim và Colin đã nhất trí tiến hành công việc theo từng bước với sự tham gia sát sao của những người thợ làm mảng ở Sầm Sơn.

Đầu tiên, Colin đưa ra bản thiết kế sơ bộ để làm một mô hình mảng dài khoảng nửa mét, chính xác đến từng chi tiết. Tim đem mô hình này đến gặp những người dân chài ở Sầm Sơn và nhờ họ làm một mảng mẫu, với chiều dài bằng phân nửa chiếc mảng thật. Với cách làm này, Tim và Colin đã học hỏi được thêm vài điều về các kỹ thuật cần thiết để làm một chiếc mảng lớn hơn rất nhiều so với mảng tre Sầm Sơn. Và Tim đã dùng chiếc mảng mẫu này để đi thử. Sau khi Colin đưa thêm vào các chi tiết cho bản thiết kế cuối cùng, Tim tiến hành làm mảng tre với kích thước thật dành cho chuyến đi xuyên đại dương. Đó là chiếc mảng dài 18,3 m; rộng 4,6 m; mớn không xiếm 0,41; mớn có xiếm 1,3 m; buồm 75 m2; đáy 3 lớp luồng buộc lạt mây tre.

BDN (theo Dân trí và Tia Sáng)

RELATED ARTICLES

Tin mới