Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững tấm gương dũng cảm bảo vệ Len Đao trước họng súng...

Những tấm gương dũng cảm bảo vệ Len Đao trước họng súng quân thù

BienDong.net: Ngày 14/3/1988, khi đang làm nhiệm vụ xây dựng đảo Len Đao, tàu vận tải HQ 605 và các chiến sĩ công binh Việt Nam bất ngờ bị nhiều tàu chiến Trung Quốc tấn công. Tàu chìm, nhiều người bị thương, buộc các chiến sĩ phải rút về Sinh Tồn.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, hải quân Việt Nam đã trở lại kiên cường bám trụ đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền Len Đao.

 

 

Vùng biển Cô Lin – Gạc Ma – Len Đao và vị trí các tàu hải quân VN, trước khi xảy ra cuộc tấn công xâm chiếm Gạc Ma của quân TQ

Ngày 12-3-1988, tàu vận tải HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam được lệnh từ đảo Đá Đông đến xây dựng đảo Len Đao. 5 giờ sáng ngày 14-3-1988, tàu đến Len Đao, các chiến sĩ lên đảo làm nhiệm vụ. 8 giờ 20 phút sáng ngày 14-3-1988, tàu chiến Trung Quốc nã pháo dữ đội vào HQ-605. Những loạt pháo hạng nặng 100 li dồn dập nhả đạn vào con tàu vận tải không hề trang bị hỏa lực hải chiến làm tàu bốc cháy dữ dội và chìm lúc 6 giờ ngày 15-3-1988. Trước tình hình trên, thuyền trưởng HQ-605 Lê Lệnh Sơn đã ra lệnh cho các chiến sĩ rời tàu.

Nhớ lại quyết định rời tàu, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bùi ngùi cho biết: “Nếu ở lại tàu thì tất cả sẽ hi sinh hết. Chủ quyền cũng chưa chắc giữ được. Tôi cho anh em nhảy xuống biển, vì tin rằng mỗi người lính lúc ấy sẽ trở thành nhân chứng, thành ngọn cờ bằng xương máu giữ chủ quyền Tổ quốc”.

 

Liệt sĩ Phan Hữu Doan đứng thứ hai từ phải sang, cùng các sinh viên Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov (Bulgaria) năm 1982

Người lính hải quân Trường Sa Hoàng Văn Nam năm ấy cũng ứa nước mắt nhớ mãi hình ảnh kiên cường của đồng đội lúc đó. Khi tàu HQ-605 bị bắn chìm, anh cùng đồng đội phải rời tàu nhưng vẫn bám trụ lại Len Đao dưới làn mưa đạn pháo của kẻ thù. Khi chiến hạm Trung Quốc rời đi, các anh tìm thấy thuyền phó Phan Hữu Doan bị bỏng nặng vì đạn pháo, mặt nhiều vết thương đầm đìa máu, tóc sém hết. Vậy mà anh Doan vẫn tỉnh đến kỳ lạ. Được đồng đội dìu dưới biển, anh vẫn nhìn mãi về phía ngọn cờ Tổ quốc, mấp máy môi như nhắn nhủ anh em phải giữ vững bằng mọi giá…

Gần trưa, chiếc thuyền nhỏ của tổ chiến sĩ bảo vệ cờ trên đảo tìm vớt được 17 người, kể cả những đồng chí bị thương. Anh Nam xúc động nhớ họ phát hiện thiếu một đồng đội nhưng không thể tìm thấy dưới biển. Có lẽ đồng đội anh đã hi sinh và nằm lại trên con tàu đang bốc cháy. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn ra lệnh chiến sĩ chèo tay, hướng mũi xuồng về đảo Sinh Tồn. Trên xuồng có nhiều thương binh bị bỏng, bị mảnh đạn găm vào người… Lúc đó anh Nam phải kìm nước mắt, ngồi đỡ thuyền phó Doan để anh dễ thở. 15 giờ, chưa kịp đến Sinh Tồn thì thuyền phó Doan hi sinh.

Một tháng sau ngày hải chiến bi hùng, Trung đội trưởng Đinh Xuân Toại (Đơn vị C7–D3–E83) cùng đồng đội được trang bị súng 12ly7, DKZ… quay lại đảo. Anh Toại xúc động kể: “Chúng tôi có 35 lính công binh và 7 thủy binh, được Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trực tiếp chỉ huy, ra đi với quyết tâm giành lại đảo. Trước khi đi, chúng tôi đã được chuẩn bị tư tưởng có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông và họ cũng quyết liệt giành giật đảo của ta. Nhưng chúng tôi vẫn đi, quyết tử”.

Khoảng 2h sáng, anh Toại cùng đồng đội bí mật cho xuồng nhỏ tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên, các anh chỉ cắm được cờ lên đảo Len Đao, không tiếp cận được Gạc Ma vì tại đây phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo. Đến sáng, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ vây quanh uy hiếp các anh tại Len Đao. Các anh vẫn kiên cường bám đảo dù lực lượng ít hơn rất nhiều.

Anh Toại cho biết: Lúc đó không khí căng như dây đàn, cả hai bên đều chĩa súng vào nhau sẵn sàng nhả đạn. Chỉ huy hai bên gọi loa nói rất nhiều bằng tiếng Trung Quốc, tôi không hiểu lắm. Sau mới biết lúc đó Trung Quốc đưa ra yêu sách vô lý về chủ quyền nhưng chúng ta kiên quyết bác bỏ và khẳng định Len Đao thuộc chủ quyền Việt Nam. Sau một hồi trao đổi, chúng tôi đã sẵn sàng quyết chiến thì 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra đảo, tàu Trung Quốc tản ra và chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảo.

Chỉ trong mười mấy ngày, anh Toại cùng đồng đội đã nỗ lực xây xong nhà tại Len Đao. Các anh tiếp tục di chuyển đến đảo Đá Nam thực hiện nhiệm vụ thì gặp bão. Tàu của các anh bị xô dạt, chìm nổi trong bão 25 ngày mới quay lại được đất liền. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã được Ban chỉ huy Vùng 4 Hải quân khen thưởng.

Từ đó đến nay, Len Đao vẫn vững vàng nơi tiền tiêu của Tổ quốc và quốc kỳ Việt Nam vẫn hiên ngang tung bay trên hòn đảo này.

BDN (Tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới