Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC LẠI GÂY SỨC ÉP VỚI PHILIPPINES

TRUNG QUỐC LẠI GÂY SỨC ÉP VỚI PHILIPPINES

BienDong.Net: Trong bối cảnh vụ kiện của Philippines đang tiến triển theo đúng kế hoạch và gần đến thời hạn Philippines nộp Bản biện hộ của mình thì những ngày qua Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng sức ép với Philippines trên thực địa hòng buộc Philippines từ bỏ vụ kiện. Tàu Trung Quốc gây sự, trấn áp tàu cá của Philippines ở khu vực gần bãi cạn Scarbourogh/Hoàng Nham, chĩa vòi rồng phun vào các tàu cá của Philippines; đồng thời tàu Trung Quốc ngăn cản các tàu của Philippines tiếp tế cho lực lượng của Philippines đang đóng trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Để biện minh cho hành động các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc gây hấn với tàu của Philippines, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đổ lỗi cho 2 tàu Philippines chở nguyên vật liệu xây dựng “vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốcvi phạm các quy tắc ứng xử cho Biển Đông”.

Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc và khẳng định sẽ nộp Bản biện hộ đúng thời hạn quy định của Tòa Trọng tài và tiếp tục thúc đẩy vụ kiện đến cùng. Ngày 25/2/2014, Philippines đã triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lên để phản đối về vụ tàu tuần duyên Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công tàu đánh cá Philippines hôm 27/1/2014. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “cực lực phản đối các hành động của TQ nhằm cấm không cho ngư dân Philippines hành nghề tại vùng biển Bajo de Masinloc của Philippines”.

Ngày 11/3, Philippines đã triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila lên trao công hàm phản đối việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn hai tàu của Philippines đến tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, 2 tàu dân sự treo cờ Philippines đã chở hàng tiếp tế đến cho đơn vị thủy quân lục chiến đóng trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc có mặt tại chỗ cản đường và phải rút đi. Đây là 2 tàu dân sự được hải quân Philippines thuê để chở hàng tiếp tế, vật tư, thiết bị và binh lính thay thế đến bãi này. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, Philippines có quyền thực thi các chủ quyền lãnh thổ và tài phán ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) mà không cần sự cho phép của bất kỳ quốc gia nào và hành động của Trung Quốc là một mối đe dọa rõ ràng và cấp bách nhằm vào các quyền và lợi ích của Philippines.

Hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông vì Trung Quốc đang muốn thông qua các hoạt động này để phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Năm 2002, khi Trung Quốc cùng các nước ASEAN ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các bên đã cùng cam kết tôn trọng nguyên trạng và không có những hành động mới làm phức tạp tình hình. Trên thực tế, lâu nay tàu cá của Philippines vẫn hoạt động đánh bắt ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và chỉ từ tháng 4/2012, Trung Quốc gây hấn với Philippines để rồi cho tàu của mình khống chế khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, xua đuổi tàu cá của Philippines khỏi khu vực này. Đối với bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Philippines đã duy trì sự hiện diện từ năm 1999, trước khi DOC ra đời. Trong vòng 15 năm qua, Philippines thường xuyên cho tàu đến tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên bãi cạn này và Trung Quốc không có hành động nào can thiệp. Việc Philippines tiếp tế và sửa chữa vị trí đóng quân của mình ở khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) lần này cũng là việc làm bình thường như các quốc gia khác đang làm đối với các vị trí chiếm đóng của các nước này. Bản thân Trung Quốc đang có rất nhiều hoạt động củng cố, mở rộng các vị trí mà họ đang chiếm đóng ở Trường Sa cũng như Hoàng Sa. Các phân tích đánh giá Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) để Philippines không thể tiếp tế được và sẽ phải tự động cho rút đi; mặt khác, Trung Quốc muốn gây sức ép buộc Philippines phải từ bỏ vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài.

Bất bình trước những hành động “bắt nạt” các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ lên tiếng mạnh mẽ hành động của Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào các tàu cá của Philippines cũng như việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippines tại khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Ngày 24/2/2014, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg khuyến cáo chớ nên thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và các vùng có tranh chấp khác trong khu vực, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật quốc tế. Ngày 12/3/2014, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki đã bày tỏ lo ngại trước những hành động mới của Trung Quốc đối với Philippines; cho rằng, hành động của tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng. Philippines đã hiện diện trên vùng đảo từ năm 1999 và các quốc gia khác cùng tuyên bố chủ quyền trên vùng Biển Đông vẫn tiếp tế cho các binh sĩ trong suốt thời gian qua mà không hề gặp bất kỳ sự cố nào.

Với cách hành xử này, Trung Quốc hoàn toàn không xứng đáng là một nước lớn Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đang có hành vi dùng sức mạnh gây sức ép với việc Philippines theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế là sự vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế vì Philippines đang sử dụng một biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Chúng ta tin rằng bất chấp sức ép của Trung Quốc, vụ kiện sẽ diễn ra theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới