Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines tiếp tục thách thức tham vọng biển của Trung Quốc

Philippines tiếp tục thách thức tham vọng biển của Trung Quốc

BienDong.net: Một tàu của Philippines đã vượt qua sự phong tỏa của các tàu tuần duyên Trung Quốc hôm 29.3 để tới Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa – nơi có một nhóm lính thủy đánh bộ Philippines trú trên chiếc tàu chiến cũ của Hải quân trấn giữ nơi này từ năm 1999.

Cuộc đối đầu này đã được chứng kiến bởi phóng viên của hãng tin AP và hơn chục đại diện của các hãng truyền thông được quân đội Philippines mời lên tàu để tận mắt chứng kiến những gì mà chính quyền Manila gọi là “sự bắt nạt của Trung Quốc” trong vùng biển tranh chấp.

 

Tàu tuần duyên Trung Quốc trước con mắt của các phóng viên quốc tế đi trên chiếc tàu Philippines (ảnh Reuters)

Theo AP, đó là một cái nhìn cận cảnh hiếm hoi về tình hình căng thẳng tại Biển Đông và sự cương quyết của các bên.

Hai nhà báo AP thuật lại rằng, có đến 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đang bao vây Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông khi tàu Philippines tiến đến gần. Hai trong số 4 tàu Trung Quốc sau đó đã rượt đuổi tàu Philippines và cố ngăn không cho chiếc tàu này tiến vào khu vực bãi ngầm.

Khi chỉ còn cách Bãi Cỏ Mây 1 giờ đồng hồ, một tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu “1141” đã hai lần cắt ngang mũi tàu Philippines không cho tàu này tiến tới. Trong khi đó, một chiếc khác cũng bám đuôi chiếc tàu Philippines có trọng tải nhỏ hơn này.

Trung Quốc phát cảnh báo bằng tiếng Anh qua radio, yêu cầu tàu của Philippines dừng lại: “You will take full responsibility for the consequences of your action!” (“Quý vị sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả hành động của mình!”).

“Ðây là Cộng hòa Philippines”, Ðại úy Hải quân Ferdinand Gato, người chỉ huy cuộc tiếp tế nói. “Chúng tôi đến đây để tiếp tế cho đơn vị mình”.

 

Binh sỹ Philippines đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây

Sau gần 2 giờ rượt đuổi, thuyền trưởng tàu tiếp tế lái chiếc tàu vào vùng nước cạn để đến cạnh chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre, từng được Hải quân Philippines cố tình ủi bãi cho mắc cạn để làm nơi đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến đóng giữ tại đây. Nhà báo cho biết, một chiếc máy bay với biểu tượng của Hải quân Mỹ lúc này cũng đang bay trên chiếc tàu bị mắc cạn.

“Họ đã có thể vượt qua tàu tuần duyên của Trung Quốc và sứ mạng đã thành công”, Cherryl Tindog, nữ phát ngôn của bộ tư lệnh miền Đông Philippines nói với AFP. “Chúng tôi đã thành công trong việc cung cấp nhu yếu phẩm và thay phiên binh sĩ”.

4.000 trang luận cứ chống lại đường 9 đoạn

Theo RFI, bất chấp phản đối cũng như sức ép từ Trung Quốc, chính quyền Philippines xác định vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện Trung Quốc liên quan đến các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Bản ghi nhớ – hay luận chứng cáo buộc Trung Quốc gồm 4.000 trang – đã được đệ trình lên Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vào ngày Chủ nhật 30.3.2014 đúng theo hạn định.

Phát biểu với các nhà báo tại Manila, bà Abigail Valte, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, khẳng định rằng chính quyền Manila vẫn tiếp tục xúc tiến các thủ tục tố tụng, bất chấp những lời cảnh cáo chính thức của Trung Quốc về nguy cơ tổn hại quan hệ song phương.

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong vùng, từ Philippines, Việt Nam, cho đến Malaysia, Brunei, Bắc Kinh còn dùng sức mạnh lấn chiếm và giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển đảo của nước khác, kể cả những khu vực trên nguyên tắc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của láng giềng, cách xa bờ biển của Trung Quốc.

Sau vụ Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực tế khu vực bãi Scarborough ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Manila vào tháng 01/2013 đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, nhưng không ngăn được tiến trình tố tụng.

Trong đơn kiện của mình, Philippines cáo buộc rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (1.611 km) đều bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà hai bên đều ký kết.

AFP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nêu rõ bộ tài liệu nộp cho Tòa án ở La Hay gồm 10 chương và hơn 4.000 trang chứa các chứng cứ, lập luận khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với gần trọn Biển Đông của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế.

Nội dung chính của 4.000 trang tài liệu này, theo báo Philippines The Inquirer, bao gồm:

1) Chương 1 bao gồm các phân tích của phía Philippines, trong khoảng 270 trang, trình bày “các bằng chứng pháp luật liên quan và có thể áp dụng được”.

2) Cũng trong chương này, yêu cầu tòa án quốc tế phán xử về những tuyên bố chủ quyền của phía Philippines thông qua tuyên bố chủ quyền chính thức của nước này.

3) Chương 2 tới chương 10 có các bằng chứng và bản đồ ủng hộ tuyên bố của Philippines đối với các quần đảo tranh chấp.

4) Chương 2 tới chương 10, gồm gần 3.700 trang, có gần 40 bản đồ ủng hộ các lập luận trong chương 1.

5) Tổng công tố nhà nước Philippines Francis Jardeleza cũng nói tài liệu bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Del Rosario nói tài liệu này thể hiện “lợi ích quốc gia (của Philippines)… để bảo vệ những gì thuộc về chúng ta một cách hợp pháp, bảo đảm cho tương lai của con cháu chúng ta, bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước”.

Ông cũng giải thích Philippines “không chỉ hi vọng tìm kiếm một phán quyết mà cả một giải pháp công bằng và bền vững dựa trên luật pháp quốc tế”.

Trong phản ứng mới nhất, hôm 30.3, Mỹ tuyên bố ủng hộ việc Chính phủ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để phân xử tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Washington tán thành việc thực thi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo “mà không e dè bất kỳ hành động trả đũa nào”.

“Bất chấp kết quả của việc phân xử là gì, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế đưa ra những hành động đơn phương gây bất ổn và leo thang căng thẳng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu

Bà Harf cũng nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia, gồm cả Philippines, nên tuân thủ các điều khoản về giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS).

Hiện đại hóa quân đội và hợp tác với Hoa kỳ

Cùng lúc với việc theo đuổi vụ kiện đường lưỡi bò, Phippines đã gia tăng nỗ lực hiện đại hóa quân đội để đối phó với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin hôm 28.3.2014 cho biết chính quyền Manila vừa ký hai hợp đồng mua máy bay của Hàn Quốc và Canada tổng trị giá 528 triệu đôla Mỹ.

Tập đoàn Hàng không và Không gian Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Philiippines 12 chiến đấu cơ phản lực FA-50, trị giá 412 triệu đô la trong ba năm tới đây. Manila cũng đặt mua của Canada 8 chiếc trực thăng quân sự.

Theo nhận định của AFP, hai hợp đồng quân sự này nằm trong kế hoạch nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Philippines đặc biệt là các đơn vị có nhiệm vụ tuần tra trên các vùng biển đảo bị Trung Quốc tranh đoạt.

Hải quân Philippines cũng đang thăm dò mua thêm tàu chiến của Ý, Pháp và Hàn Quốc. Nhật Bản, thông qua chương trình viện trợ phát triển, sẽ cung cấp cho Manila 12 tầu tuần duyên.

Để tạo thế chân vạc cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình, Philippines còn tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ chính sách “xoay trục” sang Châu Á, Hoa Kỳ muốn gia tăng sự có mặt quân sự tại Philippines trong khi một thỏa thuận quân sự với Washington được hi vọng sẽ giúp Manila không những nâng cấp khả năng phòng thủ mà còn nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và các tình huống thảm họa.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, đã đạt được sự đồng thuận với Washington về một kế hoạch cho phép thiết lập những cơ sở tạm thời của quân đội Mỹ tại các căn cứ của Philippines, theo đó Philippines sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng chung cơ sở vật chất ở các căn cứ quân sự Manila, Clark, Palawan, Cebu, Nueva Ecija và La Union. Tuy nhiên, Manila từ chối yêu cầu sử dụng chung sân bay dân sự và hải cảng như vịnh Subic cùng sân bay quốc tế Davao.

Hai bên hy vọng tất cả các điều khoản sẽ hoàn tất trước khi Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm chính thức tới Châu Á vào tháng tới, trong đó có Philippines.

BDN (tổng hợp theo RFI, Petrotimes và Tuổi Trẻ)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới