Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc vẫn không ngừng gây hấn, xâm phạm chủ quyền các...

Trung Quốc vẫn không ngừng gây hấn, xâm phạm chủ quyền các nước tại khu vực Biển Đông

BienDong.net: Thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, từ đầu năm 2014, Trung Quốc tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế tiến hành hàng loạt các hoạt động gây hấn, xâm phạm chủ quyền nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo Reuters, ngày 29/3/2014, Philippines đã phái tàu trở theo nhiều nhà báo quốc tế ra tiếp tế cho đơn vị Thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Hai trong số 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đang bao vây Bãi Cỏ Mây đã rượt đuổi tàu Philippines. Một chiếc bám đuôi còn chiếc khác cắt ngang mũi tàu Philippines nhiều lần nhằm không cho tàu Philippines tiếp tục tiến tới. Cuộc rượt đuổi kéo dài khoảng 2 giờ, cuối cùng tàu Philippines đã vượt qua các tàu tuần duyên Trung Quốc để tiếp tế và thay ca cho lính gác.

 

Cuộc rượt đuổi giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines

Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, ngày 9/3/2014, tàu Trung Quốc đã ngăn không cho các tàu dân sự do Hải quân Philippines thuê để tiếp tế cho các binh sĩ tại Bãi Cỏ Mây. Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận đã triệu Đại biện tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila lên để gửi công hàm phản đối về hành động trên. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, cũng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn tàu Philippines, gây hấn ở Biển Đông đồng thời cho rằng: “Đó là một động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng…”.

Liên quan đến vấn đề này, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho biết, Trung Quốc vẫn lo lắng vụ Philippines kiện nước này về những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tại tòa án theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Trung Quốc thậm chí đã chìa ra “củ cà rốt” là sẵn sàng rút tàu tuần tra khỏi bãi cạn Scarborough để đổi lại việc Philippines ngừng nộp bản thuyết trình cho Tòa án đúng thời hạn. Tuy nhiên, Philippines đã bác bỏ đề nghị trên.

Ngày 27/1/2014, Trung Quốc cũng đã sử dụng vòi rồng tấn công ngư dân Philippines gần bãi Scarborough, cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 220 km về phía tây, cách đảo Hải Nam, lãnh thổ Trung Quốc gần nhất, khoảng 650 km.

Từ đầu năm 2014, Trung Quốc cũng tiến hành nhiều hoạt động nguy hiểm nhằm vào ngư dân Việt Nam.

 

Thành tàu cá bị hư hại do bị tàu kiểm ngư Trung Quốc đâm mạnh

Ngày 2/1/2014, tàu cá QNg 96679 – TS khi đang khai thác hải sản gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số hiệu 02 tấn công, liên tục đâm vào tàu khiến thành tàu bị vỡ và hư hại nặng. Ông Bùi Văn Thành, thuyền trưởng tàu gặp nạn cho biết, các lực lượng Trung quốc đi trên tàu kiểm ngư số hiệu 02 còn sử dụng dùi cui hành hung 2 ngư dân Bùi Sự và Bùi Sinh đến ngất xỉu, chặt phá gần 1000 mét dây hơi, dây neo, máy xay đá… cướp đi nhiều tài sản, ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 500 triệu đồng.

Ngày 3/1, tàu cá QNg95739 – TS do thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh điều khiển trong khi đang đánh cá mưu sinh gần quần đảo Hoàng Sa cũng bị tàu kiểm ngư Trung Quốc trấn áp, phá hoại ngư cụ và cướp đi nhiều tài sản trên tàu. “Họ dùng roi điện, dùi cui khống chế tất cả ngư dân trên tàu rồi đập phá, tịch thu 5 tấn cá, 1 Icom, 1 máy dò cá, 1 định vị, 4 bành dây hơi, 2 thúng chai, 200 lít dầu diesel. Ước thiệt hại trên 250 triệu đồng”, anh Thạnh chua xót cho biết.

Ngày 1/3, tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa Việt Nam, 14 ngư dân Việt Nam trên một tàu cá khác của Quảng Ngãi lại bị tàu Trung Quốc tấn công, tịch thu 5 tấn cá và ngư cụ với tổng thiệt hại lên tới trên 350 triệu đồng. Chủ tàu Nguyễn Văn Lựu cho biết một tàu sắt Trung Quốc trở theo hơn 35 người đã dùng súng và roi điện tấn công tàu của ông. 14 thuyền viên trên tàu bị khống chế, bản thân ông bị đánh đập và bị chích roi điện vào người.

Ngày 17/3, đại diện Cục Lãnh sự Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối về những vụ việc trên đồng thời cho rằng những hành động trên của các lực lượng chức năng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, xâm phạm tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam…

Tháng 1/2014, 3 tàu hải quân Trung quốc gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn và 2 tàu khu trục khác đã tiến hành tuần tra tại bãi đá James Shoal/Tăng Mẫu, nơi được coi là điểm tận cùng phía nam của bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Vị trí này cách bờ biển bang Sarawak, Malaysia khoảng 80 km, cách nước Chủ tịch luân phiên ASEAN Brunei chưa đầy 200km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km.

Gần đây, hãng tin chính thức Antara của Indonesia dẫn lời Phó Đề đốc Fahru Zaini cho biết: “Trung Quốc đã tuyên bố vùng biển Natuna là vùng lãnh hải của họ”. Trung Quốc đã chính thức hóa yêu sách chủ quyền đó khi đưa tấm bản đồ Biển Đông có chứa “đường lưỡi bò” phi pháp và phi lý vào trong hộ chiếu mới của công dân. Điều này đã làm các quan chức Indonesia hết sức bất bình. Để nâng cao khả năng đối phó với những nguy cơ tại quần đảo Natuna, Indonesia đã tăng cường lực lượng quân đội tại khu vực này đồng thời triển khai tiêm kích hạng nặng để đối phó Trung Quốc.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới